Dạo học điện ảnh ở Nga, môn Âm thanh trong phim, tôi nhớ mãi thực nghiệm mà cô giáo cho cả lớp nghe. Đó là đoạn phim, miêu tả buổi sáng, người mẹ chuẩn bị bữa sáng cho cô con gái. Âm thanh của tiếng dao cắt bánh mì được chúng tôi thu trực tiếp. Song khi phim chiếu và âm thanh thực được ghép vào, thì cả lớp kinh ngạc. Không ai tin vào tai mình. Bởi tiếng dao cắt bánh mì nghe như tiếng cưa gỗ. Rợn cả người. Từ đó, tôi mới biết, dù công nghệ và kỹ thuật làm phim có phát triển rất mạnh mẽ, song việc tạo ra những âm thanh và tiếng động trong phim vẫn luôn cần những nghệ sỹ tài ba làm một cách rất thủ công.
Khi tôi vào làm ở Hãng Phim truyện Việt Nam thì xưởng tiếng động của nghệ sĨ Minh Tâm đã có ở đó từ hơn ba mươi năm trước. Và tôi thường thấy một ông già, với máu tóc trắng bồng bềnh và bộ râu khá giống Karl Marx lặng lẽ đi lại trong sân. Có lần tôi đã gọi đùa ông là “Karl Marx tái sinh”. Song ông chỉ tủm tỉm cười với đôi mắt sáng đầy vẻ hóm hỉnh: “Karl Marx làm chấn động thế giới. Tôi chỉ làm tiếng động trong phim thôi”.
Hãng Phim truyện Việt Nam ở số 4 phố Thụy Khuê có nhiều cái đặc biệt. Thứ hai đầu tuần, thường vắng. Nhưng cứ thứ ba, thì Hãng lại đông đặc. Các quán trà, quán cà phê trong ngõ và ngoài phố toàn dân phim truyện. Dù có việc hay không, các nghệ sĩ vẫn thường tụ tập, rủ nhau đi làm phim, lên dự án mới hay kéo nhau “tìm nơi ẩn nấp” chơi vài ván bài. Hòa vào sự sôi động ấy, nhưng chỉ ít phút sau, nghệ sĩ Minh Tâm lại lui về phòng làm việc của mình.
Đó thực sự là cái nhà kho hay nơi thu nhặt phế liệu đồng nát. Trăm thứ bà rằn linh tinh ở đây. Ai không biết, cứ tưởng đó là những thứ vứt bỏ. Nhưng đối với nghệ sĩ làm tiếng động Minh Tâm, thì đó là cả một kho vàng. Rổ lá khô, nắm nhành sấu, chậu cát, bó túi nilon, mấy xô nước, vài đồ chơi trẻ em… cùng bao nhiêu thứ khác như thìa, đũa, xoong, chảo cùng rất nhiều loại giày, dép, chày gỗ, cối đá, mũ sắt… xếp đầy phòng. Ghế ngồi mỗi cái to. Mép đã sờn. Vài cái ghế vải nhỏ. Ai đến tự lấy, tự xếp chỗ ngồi. Chỉ có màn hình chiếu phim và cái micro thu tiếng động là “ngon lành” nhất.
Lúc ấy, tôi chỉ biết, ông là người làm tiếng động trong phim Việt Nam. Ngồi uống trà trong căn phòng nhỏ cùng ông, tôi mới nhận ra, ông là cả một kho chuyện hiếm. Tôi hỏi: “Sao bác chọn nghề này?”. Ông kể, trước đây, ông là diễn viên. Song ông ít có duyên với diễn xuất. Nhưng ông có chất giọng tốt nên các đạo diễn thường mời ông lồng tiếng, làm tiếng động trong phim. “Không ai dạy mình làm. Không có sách báo nào chỉ dẫn. Tự tìm hiểu, tự tìm cách tạo ra những âm thanh phù hợp. Nghề dạy nghề mà”. Ông khiêm nhường kể. Khi xem phim, mọi giác quan đều hoạt động. Mắt nhìn nhân vật, tai nghe đối thoại, nghe âm nhạc kích thêm tiết tấu, nhưng tai còn muốn nghe thêm tiếng động nữa. Chẳng hạn, tiếng ngựa phi. Vừa nói, ông vừa gõ hai cái búa nhỏ trên âu cát. Ra tiếng chân ngựa đang phi nước đại ngay. Ông cười vui: “Mình không làm nghề mà vui với nghề, chơi với nghề. Cái nghề nuôi mình và mình nâng lên thành trò chơi, hết sức nhẹ nhàng”.
Dạo những năm 1990, các đài truyền hình bắt đầu làm phim truyện. Thế là ông lại bắt tay vào công việc mới. Không những dạy theo kiểu truyền nghề, ông còn tự biên soạn giáo án để công việc giảng dạy có tính khoa học. Nhìn tập bài giảng với những dòng chữ viết tay hết sức ngay ngắn và đẹp của ông, tôi rất khâm phục. Không những vậy, khi lên lớp, ông còn mang theo một túi đồ nghề. Kể cả phim nữa. Không biết ông sưu tầm ở đâu một trường đoạn đầy kịch tính của những âm thanh cùng tiếng động trong phim Bảy võ sỹ đạo của đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa. Đó là một trường đoạn dày đặc những âm thanh nhưng vô cùng ấn tượng. Tiếng vó ngựa, tiếng ngựa hý, tiếng mưa rơi, tiếng hò hét, tiếng gươm giáo va vào nhau, tiếng đầu rơi, tiếng người và ngựa ngã trên bùn lầy… Những âm thanh ấy vừa có nhịp điệu của trận đánh, vừa có tiết tấu của vũ khí chuyển động lúc trên cao, khi dưới thấp, lại vừa có giai điệu của tiếng mưa, tiếng gió… Nghe ông phân tích, không cần xem phim, cũng đủ mê hồn.
Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm lúc thì gọi ông là “phù thủy âm thanh”, khi thì phong cho ông danh hiệu “Ông vua tiếng động”. Tôi thấy ông chỉ cười xòa. Khi ông làm tiếng gió gầm bão rít cùng tiếng sóng va đập vào con thuyền chới với giữa biển, chỉ thấy ông rung rung những cành lá xanh cùng tiếng khỏa chân vào thùng nước. Nhẹ nhàng như vậy mà trên màn ảnh, là cảnh giông tố khủng khiếp và trong rạp chiếu, bao con người tim đập lo âu. Hoặc cảnh khác, khi đôi tình nhân giận nhau, cô gái trách người yêu phản bội, tặng cho anh chàng cái tát, ông chỉ cần vỗ nhẹ vào đùi. Âm thanh khớp với động tác tát của cô gái. Thế là khán giả khoái chí. Hoặc khi làm tiếng lửa cháy dữ dội trong căn nhà bị đốt, ông chỉ cần cầm tấm nilon, vò chúng vào nhau như khi giặt quần áo. Thế là khán giả nghe như “lửa cháy phừng phừng với tiếng nổ lách tách”. Nóng ran cả người.
Những người làm nghề thường kể về nghệ thuật làm ra tiếng động tài tình của ông. Nhưng ít người biết, trước khi bước vào nghề làm tiếng động trong phim, nghệ sỹ Minh Tâm từng là một nhạc sỹ. Gần đây, đạo diễn Đặng Nhật Minh mới nói ra điều này. Và vị đạo diễn nổi tiếng đã say sưa hát ca khúc Đuốc gươm thiêng của nhạc sỹ Minh Tâm:
Đuốc gươm thiêng vung cho nước nhà
Khiến dân Việt Nam thoát ách xưa
Hồ Chí Minh, anh hùng bao năm tranh đấu, thắng gian nguy
Giải phóng cho dân Việt Nam hạnh phúc tự do.
Ngàn đời sau, ghi quý danh, dân Việt Nam hô lớn đồng thanh:
“Hồ Chí Minh muôn năm…”
Bài hát này được nhạc sỹ Minh Tâm sáng tác năm 1946. Lúc đó, ông mới ngoài hai mươi. Đó là một ngày không thể nào quên - ngày 6.1.1946 - ngày nhân dân Việt Nam được cầm lá phiếu đi bầu Quốc hội đầu tiên của một nước Độc lập. Sau trăm năm nô lệ tủi nhục, người Việt Nam được ngẩng mặt rạng ngời. Chàng trai trẻ Minh Tâm, sau khi thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân đầy tự hào, trên đường về, lòng vui phơi phới. Về đến nhà, cảm xúc vẫn trào dâng, Minh Tâm ngồi bên cây đàn piano, sáng tác ngay bài hát theo giai điệu đang dâng đầy trong tâm hồn. Chỉ ít giờ sau, phần lời và nhạc của ca khúc đã quấn quyện vào nhau, vang lên giai điệu đầy cảm hứng tự hào của người dân thoát ách lầm than, đón chào vầng dương của Cách mạng, đón chào kỷ nguyên Độc lập, Tự do. Chàng nhạc sỹ say sưa hát đi hát lại một mình. Rồi anh chạy ngay đến gặp ông Trần Huy Liệu, lúc đó làm Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và cổ động, giới thiệu bài hát. Và ông Trần Huy Liệu đã yêu cầu Minh Tâm cùng dàn nhạc của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên tập ngay để hát cháo mừng Quốc hội.
Buổi biểu diễn đầu tiên được tổ chức tại khu Đông Dương học xá - Đại học Bách khoa ngày nay, trước hàng vạn người. Ngay lập tức, ca khúc Đuốc gươm thiêng được phổ biến rộng rãi. Bởi nó cất lên nỗi khát khao chung của con người cùng non sông đất nước. Sau đó, nhạc sĩ Minh Tâm được gặp Bác. Người mời chàng nhạc sỹ điếu thuốc. Song niềm vui Độc lập qua nhanh. Thực dân Pháp quá tiếc nuối giang sơn gấm vóc Việt Nam, không muốn trao trả dải đất này cho người Việt. Và cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chín năm. Chàng nhạc sỹ Minh Tâm xung vào quân đội, trở thành người lính trong Trung đoàn Tây Tiến huyền thoại.
Con người lặng lẽ và khiêm tốn ấy, cả đời làm tiếng động cho hàng ngàn phim, cả phim điện ảnh và phim truyền hình, nhưng dường như không bao giờ nhận được một danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nhân dân gì cả. Ông chỉ giản dị là nghệ sĩ của tiếng động trong phim. Nhiều nghệ sĩ, danh hiệu khoác đầy mình như vàng mã trang kim, lòe loẹt xủng xoảng ngày đêm, nhưng chẳng ai biết. Nhưng chỉ cần nhắc tên ông, thì ai cũng biết, đó là “ông vua âm thanh”. Năm 1985, khi hai nước Việt Nam và Liên Xô cùng hợp tác làm phim Tọa độ chết, đạo diễn Samven Gasparov đã mời nghệ sĩ Minh Tâm sang Hãng Mosfilm để làm âm thanh và tiếng động cho phim. Bởi khi nhìn ông làm những âm thanh trong phim Việt, vị đạo diễn người Nga đã thấy khoái.
Khi sang Mosfilm, trong phim Tọa độ chết có cảnh đoàn voi đi trong rừng nhiệt đới. Làm thế nào tạo ra tiếng chân voi? Các nhà làm tiếng động của Nga đã mời những người lính, đi giày, bước trên cát. Nhưng khi nghe, hiệu ứng âm thanh không làm ai thích. Đạo diễn nói chuyện với Minh Tâm. Ông phân tích, chân voi có nệm thịt khá dày, đi lại rất uyển chuyển và êm mượt. Ông lấy chiếc giày, bọc vải, gõ trên cát. Khi nghe, tất cả các bạn nghe đều thích thú. Đó đúng là tiếng chân voi đi, tiếng chân voi chạy. Họ vây quanh ông, khen ngợi hết lời. Song ông vẫn chỉ nở nụ cười bình dị.
Ngày ông nghỉ hưu, tôi thấy ông Thọ - Trưởng phòng Tổ chức, đưa nghệ sĩ Minh Tâm quyết định, ông cười vui: “Tạm biệt nghề. Hơn ba mươi năm làm nghề, đã đến lúc nghỉ”. Nhìn cơ ngơi ông để lại, chưa có người tiếp quản. Cái nghề làm phim, bao nhiêu ma lực huyễn hoặc. Ai cũng thích làm đạo diễn, diễn viên. Được đủ mọi thứ. Và cũng nhiều tai tiếng kéo theo. Nhưng ít ai muốn làm cái nghề, suốt ngày ngồi trong căn phòng lủng củng, làm ra những tiếng động giả. Thế là tuần sau, vẫn thấy ông lên Hãng. “Sao bác vẫn đi làm?”. Ông cười: “Về hưu là cái nghề. Đi làm tiếp là cái nghiệp. Mình vẫn bận rộn như lúc chưa về hưu. Cái nghiệp nó theo mình đến cuối đời. Và nó còn có tính gia truyền nữa”. Tôi nghĩ, chà, cái nghề lặng lẽ này, lương thấp, ít người làm, do đó, ông phải động viên cô con gái là Minh Thu, theo nghề của bố.
Cả đời, ông sống bình tâm. Chính sự bình tâm ấy đã giúp ông say mê làm việc cho đến khi mắt mờ tay mỏi. Ông về nghỉ trong ngôi nhà có sân có vườn ở Thường Tín, quê xưa. Ông đích thực là một nghệ sĩ theo ý nghĩa chân chính của từ này. Ông ra đi cũng lặng lẽ, song những âm thanh và tiếng động mà ông để lại trong các phim, vẫn mãi âm vang trong lòng công chúng nhiều thế hệ sau…
Đ.T
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 153 phát hành tháng 10.2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|