Hà Nội vào Thu năm 2020. Một bất ngờ lớn của mùa Thu năm nay là Triển lãm tranh Đi giữa hai thế kỷ tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn minh Pháp (L’ Espace) trên phố Tràng Tiền. Nhân vật chính của triển lãm là nữ họa sĩ Mộng Bích. Năm nay bà gần 90 tuổi.
Ai cũng ngạc nhiên. Nhưng với bà Mộng Bích, dường như, mọi điều đều giản dị. Nhìn bà đi đứng, nói chuyện, có cảm tưởng, người phụ nữ này, không chỉ là một hình dáng bình thường còn là một tinh thần khỏe mạnh, một tâm hồn trẻ trung, một cái nhìn bất cứ sự vật nào, cũng luôn tươi mới.
Đối vời bà, tâm hồn luôn trẻ hơn tuổi tác. Bởi từ gần trăm năm nay, bà luôn nhìn thế giới bằng con mắt xanh của người biết ngạc nhiên. Cỏ hôm nay vẫn là cỏ của trăm năm trước, không hề úa đi. Đó là tuổi trẻ. Tuổi trẻ của bà luôn được kéo dài. Bởi bà luôn được nuôi dưỡng bằng nguồn văn hóa lớn. Đó là hội họa. Đối với nhiều người, điều này có vẻ khuôn sáo. Bởi họ không biết bà là một trong số những người khám phá một cách lặng lẽ sự tuyệt vời của nghệ thuật hội họa cho chính mình. Bà lắng nghe cuộc sống. Hiểu và cảm nhận. Điều này giúp bà gìn giữ một tâm hồn luôn tươi trẻ. Và kéo dài tuổi thọ.
Bởi những tín hiệu ấy đến từ vĩnh cửu. Bởi trong đó có sự trường sinh. Nghệ thuật là thiêng liêng. Con người luôn cao quý. Giữa nghệ thuật và nghệ sĩ luôn có sợi dây tâm linh gắn kết. Nó vô hình nhưng cảm nhận được. Số phận của tác phẩm gắn với số phận tác giả. Tác phẩm đầu tay của bà dường như đã báo hiệu cho bà con đường gập ghềnh của số phận. Bà kể về bức họa Mẹ và con (1960): “Những năm 60, tôi vào làng Tức Tranh ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đi vẽ đến trưa thì khát nước, tôi tìm một nhà người dân để xin nước uống, vào nhà thì có hai bà cháu, người bà đang dỗ đứa bé khóc. Một lúc sau, mẹ đứa bé cũng vừa đi rẫy về. Đứa bé sà vào lòng mẹ đòi bú. Thấy dáng ngồi đẹp quá, tôi cố ghi nhanh cái dáng. Khi về thì tôi vẽ lên lụa.
Sau đó gửi tranh để triển lãm ở Sở Văn hóa Liên khu Việt Bắc. Tranh duyệt xong không được cho triển lãm mà bị xếp ở góc tường. Rất nhiều người phê bình bức tranh, hỏi tại sao người mẹ cho con bú lại để hở cả hai bầu vú. Hôm đó ông Trần Văn Cẩn cùng một ông viện sĩ Viên Hàn lâm Mỹ thuật Ba Lan sang Việt Nam thăm triển lãm. Cả hai người đều thích bức tranh, và đề nghị bức tranh phải được triển lãm. Năm đó, bức tranh đoạt giải Nhất. Đến nay tôi chỉ còn giữ được bản phác thảo chì”.
Ngắm bức phác thảo ấy, người xem cảm nhận sự vững chắc của hình khối, song sự dịu dàng của cơ thể và tâm hồn người nữ vẫn tỏa hương. Gương mặt người mẹ ngắm nhìn đứa con như vũ trụ tỏa ánh sáng dịu dàng xuống hành tinh nhỏ. Cánh tay và bắp chân người mẹ khỏe mạnh như đất, đầy nguồn dinh dưỡng, chăm nuôi những bông hoa của mình. Tôi đặc biệt yêu thích những nét chì mà họa sĩ vấn vít trên cái khăn đội đầu. Cả thế giới lúc ấy chỉ có hai mẹ con. Tự do và thanh bình biết bao!
Năm 1957, bà học ở Trường Mỹ thuật Việt Nam, hệ cao đẳng. Năm 1960, bà tốt nghiệp, làm việc tại Ty Văn hóa Thái Nguyên. Một thời gian sau, bà lại trở về trường, học tiếp. Khi ra trường, bà được phân về báo Độc Lập. Sau 1975, báo này giải thể. Những người làm báo luân chuyển đến những cơ quan khác. Bà được điều về Viện Năng lượng Nguyên tử. Thực ra, đó chỉ là cách gửi gắm để bà có đủ thời gian công tác và được nhận lương hưu. Thời gian rỗi, bà xin đi sáng tác. Người ta cử bà lên Đà Lạt, vẽ lò phản ứng hạt nhân. Bà kể: “Trên đường, tàu hỏa dừng ở ga Cà Ná. Tôi tình cờ nhìn lên núi, thấy một ông già người Chăm, mặc bộ đồ trắng, dắt theo con ngựa. Đi bên ông là cô gái Chăm, mặc bộ đồ mầu tím. Hai người đứng trên núi nhìn xuống đoàn tàu. Những dãy núi màu xanh lam làm nền cho hai người. Bỗng tôi cảm thấy đây là bức tranh quá đẹp. Tôi quyết định không đi Đà Lạt nữa mà tìm về vùng người Chăm để vẽ”.
Trước đây, bà đã từng vẽ chân dung và những cảnh sinh hoạt của người Dao, vẽ người phụ nữ Nam Bộ làm cấp dưỡng ở nông thôn miền Bắc. Vốn là người ít nói, nhưng bà có óc quan sát tuyệt vời. Bà là người hướng nội. Trong đầu bà luôn xuất hiện những sự phân tích khác nhau. Bà thầm nghiên cứu con người và môi trường xung quanh. Bà dành nhiều thời gian để quan sát, lắng nghe và bắt được những khoảnh khắc nổi bật nhất của họ để sáng tạo. Tại làng Chăm, bà ở nhờ nhà họa sĩ Đàng Năng Thọ. Bà rất muốn vẽ chân dung một ông già người Chăm, là sư cả Bà La Môn. Họa sĩ Đàng Năng Thọ là cháu rể của ông. Nhưng ông già rất khó tính. Không cho vẽ. Bà vẽ chân dung vợ ông là bà Dố, 100 tuổi. Ông già Chăm thấy đẹp và rất giống, nên mới cho họa sĩ vẽ.
Bức chân dung ông già Chăm với đôi mắt trầm lắng, gương mặt hiền hậu, đặc biệt, hai gò má cao, sống mũi dài và thẳng đã thể hiện những nét đặc trưng về dân tộc học của người Chăm. Những lớp khăn mầu trắng, trang phục trắng cùng chòm râu bạc, tất cả như gợi lên không gian, đất đai, bầu trời cùng những dải nắng vô tận của vùng Ninh Phước. Rồi bà vẽ cô gái Chăm với đôi mắt u huyền bí ẩn, cặp môi dày, gương mặt tròn, một bức chân dung mà ai cũng muốn có. Bức chân dung ấy tỏa ra sức sống bền bỉ của người Chăm, là gạch nối dẻo dai của người Chăm giữa cát trắng và trời xanh. Gương mặt cô gái tỏa sáng nhân cách và tâm hồn sáng đẹp của người phụ nữ Chăm.
Để có được những tác phẩm ấn tượng đó, bà thâm nhập sâu vào đời sống người Chăm. Cùng họ dệt vải, làm gốm. Đi chợ Cà Ná, thưởng lãm đời sống thú vị của người Chăm. Bà mở lòng, tiếp thu những kinh nghiệm sống của người Chăm, mở rộng thế giới quan, nâng cao kỹ năng giao tiếp. Những bức tranh bà vẽ ở làng Chăm trong những ngày gian khó như những bóng cây đôn hậu tỏa bóng xuống khu vườn mỹ thuật của bà.
Người viết bài này đặc biệt chú ý đến bức chân dung bà vẽ cụ già ăn mày. Các họa sỹ Đông Tây, từ xưa đến nay, thường miêu tả vẻ đẹp phụ nữ. Về những người ăn mày, nhiều họa sỹ Nga, thế kỷ 19, thường miêu tả. Những đứa trẻ rách rưới trong tuyết, những ông già cô đơn trên đường, những người hát rong chơi đàn trong chiều đông… đã để lại trong lịch sử hội họa những giai điệu trầm lắng. Ở Việt Nam, ít thấy họa sỹ nào nhìn xuống người ăn mày. Tôi nhớ nhà thơ Vũ Đình Liên có viết bài thơ về người đàn bà điên, ăn mày ở ga Lưu Xá.
Họa sĩ Mộng Bích vẽ bà già ăn mày năm 1993 và kể: “Nhân vật trong bức tranh Bà già tên là bà Ngữ, một bà già ăn mày. Một buổi trưa, bà Ngữ ngủ gật tựa vào cái lều chữa xe đạp. Tôi đi qua, vô tình gặp, thấy hay quá nên vội vàng lấy bút giấy ra ký họa. Lúc sau bà ấy tỉnh dậy, tôi mời bà ấy vào nhà để vẽ tiếp. Buổi trưa thì tôi mời bà ấy lên nhà, rồi bật quạt để bà ấy ngủ. Khi bà ấy ngủ thì tôi lại vẽ. Khoảng thời gian đó, bà ấy thường xuyên lên nhà tôi nghỉ trưa. Mỗi lần bà ấy lên, con chó nhà tôi cứ sủa. Bà Ngữ phân bua: “Chủ mày mời tau vào chứ không phải tau tự tiện vào đâu’’.
“Bà Ngữ tâm sự với tôi, bà có một đời chồng và hai đứa con. Chồng bà bỏ đi đâu mất, bà phải ở nhà nuôi mẹ chồng. Sau khi mẹ chồng mất, bà phải bán hết ruộng vườn để làm ma. Vì theo phong tục ở quê bà, mỗi lần làm ma chay phải làm rất to. Sau đó cả ba mẹ con tính chuyện làm ăn. Người con thứ hai đi buôn trầu không, rồi bị đánh chết. Người con cả đi làm cửu vạn nhưng vì bị hen nặng nên không làm được. Bà Ngữ phải đi ăn xin để nuôi con. 50 ngày con trai mất, bà lấy một cái thùng đựng dụng cụ chữa xe đạp làm bàn thờ, rồi bà đi ăn xin được mấy quả chuối để thắp hương cho người con. Có hôm bà ấy đi ăn xin đâu được một quả chuối, rồi gói ghém cẩn thận, mang về cho tôi. Khi mang về thì quả chuối đã mềm nhũn, nhưng tôi vẫn rất trân trọng và cảm ơn bà”.
Không những yêu thương người mẫu, bà còn trân quý từng đồ vật. Bà nhìn thấy ở cải rổ, trái bí, mớ rau, cái bình… đều có tâm hồn. Bà yêu mọi thứ. Vì tất cả sẽ trôi qua ngay bây giờ. Bà thích vẽ tĩnh vật. Khi về già, không đi xa được, bà quan sát những thứ ngay trước mắt mình. “Bác Sắn là người giúp việc của tôi. Một hôm, bác đi chợ về, thấy rau củ để trong cái rổ sảo đẹp quá nên tôi vội vàng lôi giấy bút bắt đầu vẽ. Đang vẽ dở bó rau củ bắt đầu héo thì bác Sắn cứ đòi lấy ra muối dưa không bỏ phí. Thế nên về sau, khi vẽ tĩnh vật kiểu này thì kinh nghiệm của tôi là cái gì nhanh hỏng phải vẽ trước. Và rút ra thêm một kinh nghiệm nữa là bất cứ cái gì cũng có thể thành tranh, nghĩa là mình không coi thường nó”.
Trong lời của bà, có tấm lòng Bồ Tát. Có cả kinh nghiệm thiên tài của A. Chekhov, với cái gạt tàn thuốc lá, cũng có thể viết được một truyện ngắn hay.
Với bà, vẽ là cuộc sống hàng ngày. Vẽ là hơi thở, là bước đi. Bà sinh năm 1931, tại làng Cổ Đô, huyện Quảng Oai, thị xã Sơn Tây. Ông thân sinh của bà là nhà giáo. Trong nhà có rất nhiều sách. Văn học đã hình thành tính cách và tâm hồn bà. Ngay từ tuổi niên thiếu, bà đã rất thích vẽ. Rồi những năm kháng chiến, sơ tán cùng gia đình về Phú Thọ, bà đã yêu thích thiên nhiên, con người nơi đây. Sau này, càng đi nhiều, bà càng yêu con người, cảnh vật quê hương. Nói về sự vất vả trong cuộc đời bà, có lẽ phải viết thành tiểu thuyết. Từ căn phòng nhỏ 7 mét vuông mà gia đình bà bốn người ở trên phố Phó Đức Chính đến sau này, ra khu tập thể nhà gỗ ngoài bãi sông Hồng, bà vẫn mơ về hội họa. Đó là sự bền lòng. Và tình yêu nhọc nhằn, thánh thiện ấy đã kết thành trái ngọt.
Năm nay, ngót tuổi 90, bà được những người yêu tranh của bà tổ chức triển lãm đầu tiên. Và cuộc đời bà, về già có hậu. Hai người con trai đều thành đạt. Và bà lui về một làng quê ở Bắc Ninh. Nhiều sự kỳ diệu bắt đầu. Tinh thần, tâm hồn bà luôn mạnh hơn thể xác. Bà lập trình lại bộ não của mình. Tuổi già bị hủy bỏ. Luôn tươi sáng, thú vị. Bà vẫn đi trên con đường nghệ thuật đã định. Đó là con đường không có đích cuối cùng, nhưng hành trình bền bỉ, lặng lẽ của bà đã là giai điệu hạnh phúc của bà cũng như những ai yêu mến, kính trọng bà.
Đ.T
(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 231 tháng 11.2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|