Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng sau nó, còn bao nỗi buồn, như nhà văn Bảo Ninh đã viết trong Nỗi buồn chiến tranh. Bài thơ But you didn't (tạm dịch Nhưng anh đã không) của một phụ nữ Mỹ cũng là chứng cứ. Tác giả không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, chỉ một phụ nữ bình thường, có chồng ra trận, một trận mạc cách nửa vòng trái đất, xa xôi, nỗi chờ mong trở thành vô vọng, cuối cùng chỉ còn là những kỷ niệm đớn đau.
Bà Merrill Glass - tác giả bài thơ, có chồng sang chiến đấu và tử trận tại Việt Nam. Bà ở vậy với đứa con gái 4 tuổi. Khi nghe tin chồng mất, cả một vùng ký ức thức dậy, những kỷ niệm của tình yêu ngày trước tái hiện và bài thơ But you didn't ra đời. Bài thơ sẽ mãi mãi nằm trong bóng tối, nếu lúc mẹ mất, cô con gái không tìm thấy trong đồ đạc của mẹ mình có bài thơ này.
Bài thơ chân thành và cảm động. Khi công bố, độc giả đón nhận, sẻ chia và đồng cảm với nỗi đau của người phụ nữ mất chồng. Câu chuyện như cuốn phim quay chậm, mỗi cảnh là một phân khúc của cuộc đời, phản ánh tâm hồn, nhân cách, nhất là tính nhân văn của người yêu, người chồng.
Điệp khúc But You Didn't lặp lại nhiều lần, dù không có cao trào, vẫn xoáy vào trái tim người đọc với những ngọn sóng dào lên bao cảm xúc, bao nghẹn ngào. Phong Vũ, họa sĩ vẽ tranh và là người minh họa lại bài thơ bằng hình ảnh, đã dịch ra tiếng Việt. Người ta nhận ra rằng, đây là tiếng lòng đa âm vực. Một tiếng nói chân thành. Một bài thơ giản dị. Một bản tình ca bất tuyệt. Một khát vọng hòa bình. Một chân trời cảm thông giữa những phụ nữ Việt và Mỹ. Xin được trích nguyên văn bài thơ, gồm bản chính và bản dịch.
But you didn't!
Remember the day I borrowed your brand new car and dented it?
I thought you'd kill me, but you didn't.
And remember the time I dragged you to the beach,
and you said it would rain, and it did?
I thought you'd say, "I told you so" But you didn't.
Do you remember the time I flirted with all
the guys to make you jealous, and you were?
I thought you'd leave, but you didn't.
Do you remember the time I spilled strawberry pie
all over your car rug?
I thought you'd hit me, but you didn't.
And remember the time I forgot to tell you the dance
was formal and you showed up in jeans?
I thought you'd drop me, but you didn't.
Yes, there were lots of things you didn't do...
But you put up with me, and loved me, and protected me
There were lots of things I wanted to make up to you
when you returned from Vietnam...
I was waiting for you to come home. But you didn't!
Nhưng anh đã không!
Em còn nhớ ngày em mượn xe anh
Chiếc xe mới toanh bị em làm móp thủng
Em đã nghĩ thế nào anh cũng giết em chết
Nhưng anh đã không.
Có một lần em lôi anh ra biển
Anh nói rằng trời sẽ đổ cơn mưa và mưa thật
Em nghĩ rằng anh sẽ trách "đã bảo mà"
Nhưng anh đã không.
Có một lần em theo ỏng ẹo với các chàng trai,
để làm anh ghen và anh ghen thật?
Em nghĩ trong khi ghen tức, anh sẽ chia tay em
Nhưng anh đã không.
Còn nhớ lần em làm chiếc bánh kem dâu
đổ tung toé xuống sàn xe anh
Em vội nghĩ thế nào anh cũng sẽ đánh em
Nhưng anh đã không.
Còn nhớ lần em quên nói với anh là buổi khiêu vũ sẽ vô cùng trang trọng, anh xuất
hiện trong chiếc quần jean lạc lõng,
Em sợ anh sẽ bỏ về
Nhưng anh đã không.
Vâng có nhiều điều mà anh đã không làm
Nhưng anh yêu quý em và bảo vệ em
Có nhiều điều mà lòng em hứa, sẽ đền bù lại
Khi anh trở về từ Việt Nam...
Em đợi anh về. Nhưng anh đã không!
Trong bài thơ, mỗi lần "Không" là mỗi lần nhận được một ứng xử nhân văn, đẹp đẽ. Cứ ngỡ... cứ ngỡ... Tưởng rằng như thế này, hóa ra lại thế khác! Cái hay trong dắt dẫn câu chuyện là ở đó, từ chiếc xe mới bị móp thủng, đến cơn mưa trên biển, khi là ỏng ẹo với các chàng trai, lúc thì chiếc bánh kem dâu đổ tung toé xuống sàn xe anh, khi chiếc quần jean lạc lõng trong buổi khiêu vũ trang trọng, đều nhận nhiều điều "anh đã không". Tất cả những cái "không", điểm xuất phát từ anh yêu quý em và bảo vệ em.
Giá như cuộc đời và giá như bài thơ dừng lại ở đó, ở tình yêu, ở sự bao dung và trân trọng, thì người đọc cũng đã nhận ra một tâm hồn độ lượng, một thái độ đúng mực của người đàn ông, biết chỗ đến và chỗ dừng trong tình yêu, trong văn hóa giao tiếp.
Nhưng mà, cái chốt cuối cùng, làm cho chúng ta bàng hoàng và xúc động, đó là, em đã đợi, đã hứa, sẽ đền bù lại khi anh trở về từ Việt Nam.. và anh đã không trở về. Tác giả viết cho cái "không" cuối cùng thành một dòng thơ, đối lập giữa đợi chờ và vô vọng (I was waiting for you to come home / But you didn't!). Câu thơ nghẹn ngào. Tê tái ! Hết rồi ! Không còn gì cả!
Người phụ nữ trong bài thơ Đợi anh về của K. Simonov còn có niềm tin: Đợi Anh, Anh lại về. Còn ở bài thơ này, cuối cùng, chỉ có một từ: "không" (Không, Anh không về). Cái "không" ở cuối bài thơ vừa phản ánh cái bi kịch của chiến tranh cũng vừa làm sáng lên vẻ đẹp của hai tâm hồn trên nẻo về của cái thiện và cái mỹ.
Trong chiến tranh, không ai thiệt thòi hơn người phụ nữ. Sau lưng họ là tượng đài về nỗi buồn, nỗi buồn của chiến tranh. Bài thơ gửi thông điệp rằng là, chiến tranh không có màu hồng. Nỗi ám ảnh của người nghệ sĩ, đó là, phải làm thức dậy những trầm tư về khát vọng nhân văn, khát vọng hòa bình cho con người.
Đà Nẵng, 8-2020
H.V.H
(nguồn: Báo Đà Nẵng cuối tuần, số 7267 ngày 30 - 8 - 2020)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|