Đọc Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn) & Dấu binh lửa (Phan Nhật Nam): LÀ NGƯỜI LÍNH, HỌ CÓ ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

 

 MUA-CHINHN-CHIEN-Y-TAI-BAN-LAN-1

 

Sinh năm 1960, Đoàn Tuấn tham gia chiến trường Kampuchia năm 1978, bộ đội tình nguyện. Phan Nhật Nam, lính Việt Nam Cộng Hòa, biết mùi khói lửa khi Đoàn Tuấn mới vừa ba tuổi. Khi Đoàn Tuấn đang sống chết ở núi rừng Kampuchia thì ông Phan Nhật Nam đang bị giam trong trại tù, chín lần chuyển trại từ Nam ra Bắc. Hai người ở hai chiến tuyến khác nhau, dưới hai chế độ đối nghịch nhau, sự khác biệt tưởng chừng đã đến mức tột cùng của hai thái cực, thế nhưng hồi ký chiến trường của họ lại có những điểm tương đồng.

Đoàn Tuấn bắt đầu “Mùa Chinh Chiến Ấy” bằng bài thơ dài của Lê Minh Quốc, nhà thơ và cũng là bạn đồng ngũ. Phan Nhật Nam cũng bắt đầu “Dấu Binh Lửa” bằng bài thơ, cũng dài, do chính ông sáng tác ba mươi năm sau khi đọc lại quyển hồi ký của chính ông viết, ở Mỹ. Nhờ bài thơ dài này mà tôi chú ý Phan Nhật Nam cũng quen thuộc với chiến trường Kampuchia.

Quân tràn sóng lũ về phương Tây

Ôi Việt, Miên nào riêng thảm cảnh

Bên đường tượng Phật buồn chắp tay

Phật thấm xót đau đá vỡ nức [sic]

Oán hận rây mờ tán thốt nốt

Minot, Kompong rồi Snoul

Tây tiến râu tóc cùng xám nhợt

(Phan Nhật Nam, trang iii)

Đoàn Tuấn và Phan Nhật Nam chiến đấu với niềm tin là họ đang bảo vệ lãnh thổ và người dân của họ. Họ thương yêu bạn bè đồng ngũ, họ xót xa cho người già em bé cuộc sống vất vả với quê nghèo cày xới bởi đạn bom.

Phan Nhật Nam và Đoàn Tuấn thuộc về các quân đoàn thiện chiến tham gia những trận đánh đầy máu lửa và phải đương đầu với mìn bẫy của đối phương. Vào thời của ông Phan Nhật Nam, mìn bẫy của bộ đội Bắc Việt, mua của Trung Cộng tuy thô sơ, nhưng cũng gây thương tích đáng kể. Đến thời của Đoàn Tuấn, mìn của Kampuchia do Trung quốc chế tạo tinh vi hơn, sức công phá tàn bạo hơn và có chất độc. Lính bộ đội hễ trúng mìn của Khmer đỏ, dẫu chỉ thương tích nhẹ cũng chết vì chất độc. Phan Nhật Nam tuyên bố không sợ đánh trận nhưng sợ mìn giăng. Còn Đoàn Tuấn diễn tả sự căng thẳng hãi hùng của ba người, trong đó có Tuấn, phải vượt ngang bãi mìn do chính cả hai bên gài trên trên con đường độc nhất đến căn cứ. Đoạn đường rất ngắn chỉ chừng trăm mét mà họ phải mất ba tiếng đồng hồ để vượt qua. Người đi trước cách người đi sau năm mét. Điều đáng cảm động là cả ba người đã tranh với nhau, làm người đi đầu tiên, có nghĩa là giành cái chết về phần mình.

Cả hai quyển hồi ký đều nói về những người chỉ huy có tài và được thuộc cấp kính phục, những người lính rất đáng yêu chết trẻ, và những cái chết rất oái oăm. Có những người đi đánh trận bao nhiêu ngày không sao, lại chết lúc trên đường về hậu phương để đi đại học hay được phép về thăm nhà. Cả hai tác giả đều tin rằng có những người chỉ huy có tướng “sát quân” hễ dẫn quân đi là bị địch thủ tấn công. Lính của cả hai bên đều có cùng niềm tin dị đoan là hễ nhà bếp nấu cơm sống hoặc cơm khê là sẽ gặp địch tấn công và có người chết. Lính của cả hai bên đều sợ bị nhục hơn là sợ chết. Cả hai bên đều có những người bắn đến viên đạn cuối cùng rồi tự tử nhất định không để rơi vào tay đối phương. Tuy sống chết ở chiến trường, nhưng họ cũng có lòng nhân từ với những người đối phương họ chưa hề chạm mặt.

Cả Đoàn Tuấn và Phan Nhật Nam đều trải qua cơn khát đến suýt mất mạng trên đường hành quân. Một người đồng đội với Đoàn Tuấn, đã dùng súng tự tử vì không chịu nổi cơn khát. Chính tác giả sau cơn khát ba ngày cũng ngất xỉu trước khi được người tìm được nước mang đến cứu mạng (Đoàn Tuấn, trang 434 - 437). Phan Nhật Nam và đồng đội ở Bình Giả đói và khát hai ngày. Lính phải hút nước ở rễ cây, có người gặp cây độc đứng tìm mà chết.

"Đầu gục xuống, súng vác trên vai, tôi thở không những bằng mũi mà cả bằng chiếc mồm há thật lớn, chiếc lưỡi căng phồng, nhức nhối và đôi môi khô không còn chút cảm giác. Tro rừng, đất bụi bám đầy mặt mũi, bay đầy vào mồm, không còn tí nước bọt nào để nhổ ra, tôi đưa tay vào mồm chà trên lưỡi từng tảng tro đen! Quốc lộ 15 đây rồi, có thửa ruộng nhỏ bên đường, tôi úp chiếc mặt vào giòng nước đục ngầu phủ lớp bùn non… Uống! Uống! Như loài thú hoang trên sa mạc. Ngày hôm nay mới mồng tám Tết.

Về đóng quân ở quận Đất Đỏ, trong vườn cây vú sữa xanh tươi bóng mát. Tôi căng võng đọc sách, cho lính đi mua gà về nhậu với rượu đế, ngà ngà say suốt ngày. Nắng như thêu hoa trên áo, những ngày thật bình yên. Nhưng đêm thì thao thức không ngủ được, những hôm trời trăng sáng đem lính đi phục kích nằm trong rừng tiêu, cây tiêu dưới bóng trăng lạnh trông như những bóng người khổng lồ. Vẻ đẹp của khu rừng chứa đầy bí ẩn kinh dị. […] (Phan Nhật Nam, trang 58 - 59)

Cả hai tác giả, Đoàn Tuấn và Phan Nhật Nam đều có tài tả người rất sắc bén. Chỉ cần vài câu thậm chí vài chữ là người đọc có thể hình dung được nhân vật mà tác giả đang đề cập. Hai người lính mà cũng là hai nhà văn này đều có những đoạn văn tuyệt đẹp. Phan Nhật Nam có nhắc đến chất lân tinh trong lá rừng. Trong đêm tối mù mịt để dễ nhận ra và theo kịp đồng đội, người lính đã lấy lá rừng gắn lên lưng áo của người đi trước mặt. Còn Đoàn Tuấn thì có nguyên một đoạn văn dài thật lãng mạn.

"Một đêm trời mưa dầm dề. Tôi và Thuận, hai võng mắc nối tiếp. Tôi giả vờ ngủ. Dưới chân chúng tôi cơ man là lân tinh, lấp lánh như dải Ngân Hà. Trời mưa. Nước từ đỉnh rừng cứ lặng lẽ rơi xuống qua những tầng lá cao thấp, tạo thành bản nhạc rả rích, thầm thì trong không gian sẫm tối. Hình như đêm càng tối, ánh lân tinh càng sáng. Thuận mới lên, còn mê mẩn ánh lân tinh. Tôi thấy Thuận lọ mọ đi nhặt từng chiếc lá đầy ánh sáng. Hắn soi lên xem có gì bí ẩn trong đó. Thứ ánh sáng ma mị, diệu kỳ. Nếu đây không phải là Anlong Veng, thì có lẽ chúng tôi nghĩ mình đang ở một xứ sở thần tiên nào đó. Tôi thấy Thuận ép từng chiếc lá vào trong cuốn sổ. Lại nhớ chuyện Thuận kể. Khi còn đi học, có những đêm mải chơi, về không kịp học bài, bọn hắn đi hái những chiếc lá thuộc bài, về ép vào trang sách, đúng chỗ có bài cần học. Sáng hôm sau, thầy hỏi bài, dù không học, nhưng nhất định trả lời được. Ôi! Tuổi học trò của học sinh miền Trung lãng mạn bao nhiêu! Sao những đứa học trò đang có những kỷ niệm vàng ngọc như vậy, lại phải giã từ sách bút, để cầm cây súng đến đồn trú nơi biên ải xa lạ này? Sáng ra, tôi để ý, thấy Thuận mở sổ. Hắn nhìn những chiếc lá tuyệt diệu đêm qua. Hỡi ôi! Chẳng còn thứ ánh sáng nào đọng lại. Chỉ còn là những chiếc lá bẩn thỉu, nhôm nhem, đầy dấu giày, đầy bùn đất. Thuận lặng lẽ vứt đi.

Có gì khác nhau giữa đêm và ngày? Giữa ánh sáng ảo và ánh sáng thật? Giữa lãng mạn và thực tế? Giữa những gì ta ước mong và đối diện? Có điều gì mất trong Thuận không? Có điều gì giữ lại trong Thuận không? (Đoàn Tuấn, trang 201).

Đoạn văn này làm tôi liên tưởng đến một đoạn trong phim Avatar khi hai nhân vật trong phim đi trong rừng đêm, rừng tỏa ánh sáng theo từng bước chân của họ.

Đọc Mùa Chinh Chiến Ấy, tôi tìm được vài chi tiết giúp tôi hiểu biết thêm về chiến tranh Việt Nam. Vài đồng đội của Đoàn Tuấn, trong khi trò chuyện đã cho biết súng AK dùng tốt hơn súng M-15 hay M-16 của Mỹ vì loại súng này hay bị kẹt đạn. Tôi đã nghe kể điều này nhưng qua hồi ức chiến tranh của Đoàn Tuấn, chi tiết này càng đáng tin hơn. Bạn đọc sẽ dễ có cảm tình với quyển hồi ức của Đoàn Tuấn dù bạn là người của chế độ cũ. Bởi vì toàn quyển sách, mỗi lần nhắc đến người của chế độ cũ, quân đội cũ, Đoàn Tuấn đều dùng lời lẽ trang nhã và kính trọng họ như người anh, người đi trước. Bạn đồng ngũ của Đoàn Tuấn rất yêu thích nhạc vàng. Thỉnh thoảng người đọc sẽ nghe được những câu hát từ những anh lính trẻ. Thêm một chi tiết làm tôi có cảm tình với quyển sách của Đoàn Tuấn, là tác giả và các bạn đồng ngũ không gọi nhau là đồng chí. Họ dùng chữ đồng hương. Chúng ta có thể bất đồng chí hướng nhưng cùng sinh ra trên một dải quê hương.

Đọc Dấu Binh Lửa, tôi biết thêm quan niệm của ông Phan Nhật Nam về nghệ thuật viết văn. Hồi ức (hay hồi ký) thường bị phê bình, “Chỉ ghi chép những sự kiện thiếu tính chất sáng tạo.” Phan Nhật Nam tỏ ý bất bình. Ông lý luận: “Nhưng thế nào là sáng tạo? Thử nhìn vào các tiểu thuyết có rất nhiều “sáng tạo tính”, tiểu thuyết có mang một chữ “Fiction”rõ ràng như tiểu thuyết của người Mỹ, những cuốn sách ngất ngây quyến rũ có thể đọc một hơi từ đầu đến cuối. Trong đó nếu ta không gặp được những vật “ngoài đường” thì ít nhất cũng là khuôn mặt ao ước vì nỗi cao đẹp hay tội lỗi hấp dẫn của nó. Những “người tiểu thuyết” này đã tung hoành trong chuỗi hiện tượng sống động và rất “có thật”. Có thật. Tôi nắm giữ cán dao chủ động này để nhắc nhở: Hãy cứ viết, sáng tạo hay không cũng không ra khỏi đời sống. Viết đi. (Phan Nhật Nam, trang 210)

Ngoài những điểm chung đã nêu bên trên, hai ông Phan Nhật Nam và Đoàn Tuấn có thêm một điểm nữa, đó là cả hai đều may mắn sống còn để viết lại hồi ức của họ. Tôi không thể nào nêu ra tất cả điểm hay của hai quyển hồi ký này. Bạn hãy đọc đi, đọc và khóc và cười và tưởng tượng và đau xót với từng câu chuyện và từng nhân vật. Đọc để thương máu và thân thể của bao nhiêu người đã chết vì quê hương của chúng ta. Hãy tưởng nhớ và đừng lãng phí sự hy sinh của những người quá cố.

NGUYỄN THỊ HẢI HÀ

(nguồn: Blog Chuyện Bâng Quơ của Nguyễn Thị Hải Hà)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com