Ngô Đức Thọ: Lời giới thiệu NAM TRIỀU CÔNG NGHIỆP DIỄN CHÍ - Tác giả . Văn bản . Tác phẩm

nam-trieu-ciong-nghiep-dien-chi-1-R


I

 

Sách này nguyên đề Nam triều công nghiệp diễn chí (Truyện kể về công lao sự nghiệp của Nam triều), là tác phẩm của Nguyễn Khoa Chiêm tự Bảng Trung (1659-1736), nhà văn, nhà hoạt động chính trị danh tiếng thời chúa Nguyễn Minh vương ở Đàng Trong.

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, tiên tổ của Nguyễn Khoa Chiêm gốc ở xứ Hải Dương. Ông nội, Nguyễn Đình Thân là thuộc hạ của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, Đình Thân là quân sĩ tùy tòng cùng đi với chủ tướng , rồi nhập tịch ở huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa (nay vẫn gọi là huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đổi làm họ Nguyễn Khoa, trở thành khởi tổ của một dòng vọng tộc ở cố đô Huế.

Thuở trẻ, Nguyễn Khoa Chiêm theo Nho học rồi được bổ chức Thủ hạp. Năm Tân Tỵ (1701) tức là năm thứ mười đời chúa Nguyễn Phúc Chu ông cùng Văn chức Trần Đình Khánh theo Cai cơ ngoại tả Tôn Thất Diệu và nội hữu Tống Phúc Tài đi Quảng Bình đốc suất việc đắp Chính lũy. Năm Canh Dần (1710) thăng chức Cai hạp ở Chính doanh, kiêm chức Tri bạ. Cai bạ Trần Đình Ân khen ông là người có tài và tiến cử với chúa Nguyễn. Từ đó, ông được Minh vương tin dùng, thăng dần đến chức Câu kê kiêm Tri bạ, được dự bàn việc triều chính (Ất Mùi, 1715), rồi thăng Cai bạ Phó đoán sự (Mậu Tuất, 1718). Năm Giáp Thìn (1724) ông thăng chức Tham chính, Chánh đoán sự, sau đó về trí sĩ rồi mất ở quê nhà, thọ 78 tuổi. Sau khi mất được tặng hàm Đại lý thượng khanh, được ban tên thụy là Thuần Hậu. Trước khi kết thúc liệt truyện về Nguyễn Khoa Chiêm, Đại Nam liệt truyện tiền biên viết: “Chiêm giỏi văn chương, từng làm sách Nam triều công nghiệp diễn chí lưu hành ở đời” .

Gia phả dòng họ Nguyễn Khoa cho biết thêm, Nguyễn Khoa Chiêm sinh năm 1659 (Kỷ Hợi) và mất năm Bính Thìn (1736), đúng tuổi thọ như Đại Nam liệt truyện tiền biên đã ghi. Đồng thời, Gia phả cũng ghi Nguyễn Khoa Chiêm soạn sách Nam triều công nghiệp diễn chí vào năm Kỷ Hợi (1719), tức năm thứ  29 đời chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu (ở ngôi: 1691-1725) .

Danh sĩ triều Nguyễn nói đến sách này sớm nhất có lẽ là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), Phó tổng tài Sử quán triều Minh Mệnh. Trong Gia Định thành thông chí (quyển 3, tờ 4b), ông đã dẫn một ghi chép của Nguyễn Bảng Trung (tức Nguyễn Khoa Chiêm) để so sánh với Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Án: Nguyễn Bảng Trung Nam Việt chí viết: Nặc Ô Đài; Lê Quý Đôn Phủ biên tạp lục viết: Nặc Đài” (xét sách Nam Việt chí của Nguyễn Bảng Trung chép là Nặc Ô Đài; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép là Nặc Đài). Điều đáng chú ý là tên sách Nam triều công nghiệp diễn chí ở đây Trịnh Hoài Đức ghi là Nam Việt chí.

Theo dõi tiếp, chúng ta có thể thấy Sử quán triều Nguyễn đã sử dụng một truyền bản của sách ấy để làm tài liệu tham khảo trong khi biên soạn phần chép về thời kỳ các chúa Nguyễn như Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Chẳng hạn, trong lời Cẩn án về sử sự năm Quý Mão (1543), soạn giả Cương mục ghi rõ là: “Xét theo sách Công nghiệp diễn chí (CMục, CBXXVII, 40)”. Ngoài việc ghi tắt cho gọn, còn bởi vì đối với Sử quán của triều Nguyễn đã thống nhất toàn quốc, tên gọi Nam triều dùng từ thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong để phân biệt với Bắc triều chỉ triều Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài không còn thích hợp nữa.

Năm 1969, sử gia Phan Khoang khi nghiên cứu lịch sử xứ Đàng Trong đã được tham khảo một truyền bản của Nam triều công nghiệp diễn chí có tên sách là Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí. Ông xác nhận tác phẩm của Nguyễn Khoa Chiêm có giá trị tư liệu lịch sử quý giá, nhưng cũng tinh tế để khỏi sa vào những tình tiết ít nhiều đã bị tiểu thuyết hóa. Quyển Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí - Phan Khoang viết, “đáng ra là rất quý, vì là tác phẩm đồng thời với giai đoạn lịch sử chúng tôi nghiên cứu: Ông Nguyễn Khoa Chiêm làm quan nhiều năm đời chúa Hiển Tông, từ chức Thủ hợp đến chức Tham chính Chánh đoán sự. Nhưng chúng tôi nhận thấy tác giả quá trọng thị phương diện văn chương, dùng văn chương để tô điểm nhiều quá thì e có khi che lấp sự thực đi chăng…” . Tiếc là chúng ta không biết tin gì thêm về bản sách còn giữ đủ cả sáu chữ Nam triều công nghiệp diễn chí của tên sách cũ, mấy chữ mới thêm vào lại liên quan đến tên sách Việt Nam khai quốc chí truyện của truyền bản hiện còn.

Năm 1974, Tập san Sử Địa đã đăng bài khảo cứu công phu Đúng ba trăm năm trước của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Nhân chuyên đề “Kỷ niệm 300 năm ngưng chiến Nam - Bắc phân tranh thời Trịnh - Nguyễn”, Giáo sư Hoàng đã căn cứ vào tác phẩm của Nguyễn Khoa Chiêm để trình bày một cách tóm tắt những sự kiện chính của thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. (Văn bản ông sử dụng là bản HM. 2140 ở Paris có tên là Việt Nam khai quốc chí truyện, tức là bản của L. Cadière đã nói ở trên). Sau khi phân tích các mặt giá trị của tác phẩm, Giáo sư Hoàng viết: “Tôi cũng không nhận sách này là một bộ sử chính quy, nhưng cũng không coi nó là một bộ tiểu thuyết. Đối với những triều chúa Nguyễn, sách này cũng có giá trị tương đương với sách Hoàng Lê nhất thông chí đối với các triều cuối Trịnh và đầu Tây Sơn. Huống chi tác giả đã vâng lời người trên mà soạn, mà người trên ấy có lẽ là chúa Minh vương. Như vậy thì tác giả không dám bịa những chuyện mà người đương thời không biết. Bấy giờ Nam triều đã vững trong hơn một trăm năm, các đại thần đều thông thuộc các họ vào Nam với Nguyễn Hoàng, nghĩa là đã có đời sống phong kiến trong lâu năm. Vậy các công văn gia sử, truyền thuyết gia đình, thần phả, truyền thuyết dân gian bấy giờ chưa bị gián đoạn hoặc bị tiêu hủy vì loạn lạc. Văn học bấy giờ khá thịnh, và những biến cố được ghi cũng rất gần sinh thời tác giả. Bởi những lẽ ấy, tôi nghĩ rằng về đại cương cũng như về chi tiết, sách này khá đáng tin, nhất là về khoảng từ chúa Sãi về sau. Duy chỉ có những lời nói dông dài, những câu văn hay ý nghĩ của các nhân vật được ghi lại, thì ta chỉ nên xem là đại cương hợp lý, và nên huyền nghi về thể thức là thôi ”.

 

II


Nguyễn Khoa Chiêm đã sử dụng lối kể chuyện lịch sử vốn được nhân dân ta ưa thích. Thể loại văn học này có ưu thế rõ rệt trong việc tái hiện những môi trường lịch sử - xã hội rộng lớn. Trên đất nước Đại Việt thống nhất cường thịnh ở thế kỷ XV, từ nửa sau thế kỷ XVI đã hình thành ba vùng thế lực: Nhà Mạc lúc đầu có chính quyền khắp cả nước, về sau mất kinh đô (1592) phải rút lên vùng rừng núi Cao Bằng, tồn tại đơn lẻ cho đến khi Mạc Kính Cung thất bại phải chạy sang bên kia biên giới. Nhà Lê sau khi mất ngôi (1527) hầu như không còn thế lực để giành lại chính quyền nếu không có sự tôn phò của Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm. Trịnh Tùng (Bình An vương) là viên tướng có tài chinh chiến đã lần lượt đánh tan các đạo quân của nhà Mạc thu phục kinh đô cho nhà Lê trung hưng, nhưng cũng từ đó các vua Lê chỉ làm kẻ “khoanh tay rủ áo”. Con cháu Nguyễn Kim ngay từ khi cuộc trung hưng mới nhóm đã không chấp nhận sự liên hiệp mong manh đầy bất trắc với họ Trịnh, đã tự tạo lấy vùng thế lực của Chính quyền họ Nguyễn ở phía Nam đèo Ngang. Thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng xu hướng cát cứ còn dè dặt, nhưng từ Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên thì chính thức đối đầu.

Với bối cảnh đó Nam triều công nghiệp diễn chí là tác phẩm phản ánh thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, đặt lịch sử dân tộc trước một thử thách nội bộ gay go khốc liệt. Đó là thời kỳ ở Đàng Trong trải qua năm đời chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thái (Ngãi vương) . Đàng Ngoài cũng trải qua năm đời chúa Trịnh, từ Trịnh Kiểm (Minh Khang vương) đến Trịnh Căn (Định vương).

Tác phẩm bắt đầu kể từ sự kiện Nguyễn Hoàng dẫn hơn một nghìn quân thủy vượt biển vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558. Nói là trấn thủ, nhưng thực ra ông cùng các tướng sĩ phải giành lấy phần đất phía Nam đèo Ngang từ tay các tướng nhà Mạc. Đối với triều đình Lê - Trịnh, Nguyễn Hoàng vẫn giữ lễ phiên thần. Khi Trịnh Kiểm (là anh rể) mất, Nguyễn Hoàng còn sai người đem lễ vật ra phúng tang. Một sự kiện quan trọng khiến cho Nguyễn Hoàng phải trở về Bắc: Đầu năm 1593 khi quân Lê - Trịnh đuổi được nhà Mạc, thu phục kinh đô, Nguyễn Hoàng phải về Kinh chúc mừng vua Lê, rồi bị kẹt lại ở Thăng Long với lý do: Được thăng chức Hữu thừa tướng, ngôi thứ chỉ xếp sau Trịnh Tùng. Hơn nữa, để tỏ lòng trung thành với triều Lê trung hưng, ông vẫn phải hăng hái đem quân đi đánh dẹp tàn quân nhà Mạc lúc này đã lui về vùng Đông Bắc. Phải mất gần sáu năm ông mới lập được mưu kế: Xui cho Phan Ngạn và Bùi Văn Khuê làm phản, tự mình xin đem quân đi đánh dẹp rồi dẫn thuộc hạ bí mật ra cửa Chính Đại dong buồm trở về Thuận Hóa (1600). Từ đó, Nguyễn Hoàng càng chú ý vỗ về khuyến khích cho dân chúng yên nghiệp làm ăn, cho đến lúc qua đời (1613) mừng thấy trong cõi được yên bình thịnh vượng.

...

Song song với mảng chiến trận, tác phẩm cũng dừng lại ở những sự kiện đáng chú ý cả ở Bắc triều và Nam triều. Ở Đàng Ngoài, triều Lê - Trịnh ngay từ buổi đầu trung hưng cũng đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn gay gắt. Trịnh Xuân mưu giết cha là Trịnh Tùng, liên lụy dẫn đến cái chết bi thảm của vua Lê Kính Tông. Đến lượt Trịnh Xuân bị võ sĩ của Trịnh Đỗ chặt chân cho đến chết. Từ cuộc phản loạn của Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê đến những vụ mưu phản của các tướng họ Trịnh… khiến cho Thăng Long và các trấn Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ dù không chiến địa cũng không thực sự được yên ổn. Ở Đàng Trong, nội bộ Nam triều cũng không phải không có những vụ tranh chấp đổ máu. Như mấy việc sau khi Nguyễn Hoàng chết, Phúc Nguyên lên nối ngôi, hai người em là Phúc Hiệp và Phúc Trạch (con vợ lẽ của Nguyễn Hoàng) lập mưu để tranh ngôi báu. Khi mưu bị lộ, hai người công khai chiếm đồn Ái Tử để chống đối, kết quả thua trận, bị bắt tống ngục. Về sau, con thứ ba của Phúc Nguyên là Phúc Anh lại muốn tranh ngôi chúa của Nguyễn Phúc Lan, bí mật gửi thư ra dinh Cầu hẹn làm nội ứng cho quân Trịnh. Sau khi Phúc Nguyên chết, Phúc Anh không về chịu tang, công khai đắp lũy Cu Đê, đóng quân thủy ở vũng Sơn Trà (Quảng Nam) để chống quân từ Kim Long xuống, kết cục bị Đại tướng Yên Vũ đem đại quân thủy bộ vào đánh, bắt giết Phúc Anh và phe cánh mấy chục người.

Cả Bắc triều lẫn Nam triều dốc hết nhân tài vật lực vào các trận chiến. Không kể những năm thực sự có chinh chiến mỗi bên huy động binh lính dân phu cả chục vạn người, sản xuất nông nghiệp hầu như bị đình đốn. Ngay cả những lúc hưu chiến, kinh tế có phần gượng dậy được thì lại bị nạn cường hào, quan lại nhỏ to tranh nhau vơ vét để xây thêm dinh thự lâu đài. Người dân sống trong cảnh triền miên cực khổ như chúng ta có thể đọc thấy trong Nam triều công nghiệp diễn chí: “Năm Hoằng Định thứ tư, các nơi ở Đàng Ngoài thời tiết khô hạn, lúa má cháy khô, một thúng gạo giá một quan tiền, dân nhiều người chết đói, thậm chí có nơi người ta ăn thịt lẫn nhau”. Các nơi ở Đàng Trong thường được nói lướt qua là: “Gió thuận mưa hòa, ruộng đất màu mỡ, một đấu gạo giá chỉ ba đồng tiền, ngoài đường không ai nhặt của rơi…”. Nhưng tác giả cũng nhắc lại những năm tháng đói khổ rợn người dưới thời chúa Thượng: “Hai xứ Thuận - Quảng đại hạn lúa má cháy khô… một đấu gạo giá một quan tiền mà ở chợ không ai bán…, người chết đói đầy đường. Cũng có khi tù nhân bị giết vứt thây ở chợ dân đói tranh nhau xé thịt nướng ăn chỉ cốt sao giữ được mạng sống”.

Trên bình diện những sự kiện từ nửa cuối thế kỷ XVI đến gần hết thế kỷ XVII, Nam triều công nghiệp diễn chí đã tái hiện nhiều nhân vật văn võ ở cả hai miền. Ở Bắc triều, nếu Trịnh Tùng là viên tướng có tài đánh dẹp, có công trong các cuộc chiến trung hưng nhà Lê, thì Trịnh Tráng dường như là kẻ cầm quân ít mưu lược, mấy lần Nam chinh đều bị thất bại phải lui về.

Ở Đàng Trong, Đào Duy Từ (1572-1634) là hình tượng người mưu sĩ nổi danh của thời nội chiến. Bất mãn với triều đình Lê - Trịnh rào lấp con đường tiến thân của những kẻ sĩ chân chính, Đào Duy Từ quyết chí đi tìm minh chúa ở Đàng Trong. Qua xứ Thuận rồi vào đất Quảng, Từ đi ở chăn trâu cho nhà phú ông ở huyện Bồng Sơn, rồi xuất hiện trong cuộc đối đáp về “Nho quân tử” và “Nho tiểu nhân”. Cuộc đời Đào Duy Từ sử sách ghi chép không khác nhau mấy, nhưng ở Nam triều công nghiệp diễn chí nhân vật này đã được tác giả chuẩn bị để Khám lý Cống quận công Trần Đức Hòa tiến dẫn với Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên ở tầm cỡ như Nịnh Thích đối với Tề Hoàn Công, Gia Cát Khổng Minh đối với Lưu Bị. Tên gọi lũy Thầy thể hiện lòng mến mộ của nhân dân Đàng Trong đối với vị Quốc sư danh tiếng Đào Duy Từ.

Chiến tướng ở Đàng Trong thì nổi bật là Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật và Thuận Nghĩa Nguyễn Hữu Tiến. Chiêu Vũ lúc đầu làm văn chức đi giám chiến, sau kiêm chức tướng võ, lập kế bày mưu đánh đâu thắng đó, danh vọng lại càng vang lừng. Nhân vật này cũng có tác phong quân sự tài tử như các viên tướng trong truyện Tam quốc (đẽo gốc đa bất ngờ chỉ hướng hành quân, khi bị quân Trịnh bao vây ở đồn Khu Độc dùng kế nghi binh cho quân đốt đèn ngồi hát xướng...). Ngọn bút của tác giả thế nào cũng có tô điểm thêm, nhưng có lẽ cũng không khác xa đời thực của Chiêu Vũ mà sử nhà Nguyễn có chép.

Ấn tượng mạnh mẽ qua Nam triều công nghiệp diễn chí là dằng dặc những năm khói lửa chiến tranh của hai tập đoàn phong kiến ở hai miền Nam - Bắc, là những đoàn quân cờ xí rợp trời, những đoàn thuyền chiến qua lại ngoài khơi đèo Ngang có khi đông cả ngót nghìn chiếc, là vùng chiến sự hoang tàn từ bờ Bắc sông Nhật Lệ đến sông Gianh, sông Lam. Tác giả chưa phải đã có một lập trường rõ rệt lên án chiến tranh phong kiến, nhưng ý nghĩa khách quan của tác phẩm lại toát lên điều đó. Trên chiến trường bên sông Lam, cả hai bên Trịnh - Nguyễn đều có những quân sĩ giương súng mà không bắn, vung kiếm mà không chém. Ở Trấn Ninh, khi trận đánh lũy đang diễn ra ác liệt, bên ngoài ném quả nổ vào thành thì có người lính bên Trịnh gọi to báo cho những anh em Đàng Trong biết cách tránh đạn nổ. Cuộc chiến tranh mất lòng dân như vậy thì không một bên nào có thể thực sự giành thắng lợi.

Sau gần ba thế kỷ, tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm là dư âm của thời nội chiến Trịnh - Nguyễn đau thương và những bài học của nó. Nhưng lịch sử luôn luôn đi tới, mang theo nguyện vọng của nhân dân mong muốn xây dựng đất nước thịnh vượng thái bình. Giá trị văn học, sử học, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm có lẽ cũng hàm chứa trong tinh thần đó.

Cảm ơn các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước đã lưu tàng văn bản chữ Hán Việt Nam khai quốc chí truyện, các tác giả có các công trình khảo cứu, hiệu điểm mà chúng tôi được tham khảo đã ghi ở các chú dẫn của bài này.

Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

NGÔ ĐỨC THỌ

(nguồn:

Tên sách: Nam triều công nghiệp diễn chí
Tác giả: Nguyễn Khoa Chiêm
Dịch giả: Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga
Khổ sách: 15,5 x 23
Sô trang: 560
NXB: NXB Khoa học xã hội)
Liên hệ đặt sách: Anh Hoàng Nhơn - 0903.192.137

Chú thích:

(1) Nguyễn Hoàng có hai lần vào Nam: Lần đầu vào năm Chính Trị năm đầu (1558), khi triều Lê trung hưng còn đóng căn cứ ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Lần thứ hai vào năm Thuận Đức năm đầu (1600), khi triều Lê trung hưng đã thu phục kinh thành Thăng Long. Chưa rõ Nguyễn Đình Thân theo Nguyễn Hoàng vào Nam trong lần thứ nhất hay thứ hai.

(2)  Xem: Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 5, tờ 16b.

(3)  Gia phả dòng họ Nguyễn Khoa, G. Rivière dịch theo bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Khoa Đam. Bulletin du Vieux Huế, No 3, 1915, p. 287. Dẫn theo: Hoàng Xuân Hãn. Đúng ba trăm năm trước, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 27&28, 1974, tr. 214.

(4) Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969.

(5) Hoàng Xuân Hãn, Đúng ba trăm năm trước, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 26, 1969, tr. 10.

(6) Về tên húy của Ngãi vương, hai lần xuất bản trước đây chúng tôi phiên là Nguyễn Phúc Trăn như nhiều tài liệu khác, lần này chúng tôi sửa lại là Nguyễn Phúc Thái (xem thêm chú thích số 1 trang 301).

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com