Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân

Mục lục
Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân
Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân
Câu chuyện khác về “Bóng giai nhân”
Yến Lan: Chiều chiều mây kéo về kinh
Thư Yến Lan gửi Anh Khổng Đức Đinh Tấn Dung
Tất cả các trang

Lẽ ra tôi không nên lôi chuyện này ra nữa, nói mãi sẽ không có lợi mà còn gây phản cảm với người đọc, nhưng khi lên mạn xem vài trang webs hay blogs, thấy vấn đề Ai là cha đẻ của kịch thơ bóng giai nhân vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa; còn ý nghi ngờ về sự giải thích vì sao vở kịch ấy lại mang tên hai tác giả?

 

rez_243_binh_lan

Nhà thơ Yến Lan và nhà thơ Nguyễn Bính

Từ điển văn học bộ mới (Nxb Thế giới, 2004) ở mục Yến Lan do Nguyễn Văn Long soạn có ghi “Yến Lan được biết đến với những vở kịch lãng mạn: Bóng giai nhân viết chung với Nguyễn Bính (1939) và Gái Trữ La (1941) khai thác những sự tích trong dã sử thời xưa; những vở này được công diễn nhiều lần nhưng chưa in thành sách” (tr.2116), ở đoạn viết về tác phẩm chính của Yến Lan không thấy Nguyễn Văn Long ghi vở kịch Bóng giai nhân; mục Nguyễn Bính do Nguyễn Hoàng Khung soạn thì lại ghi “Nguyễn Bính sáng tác khá nhiều, chỉ ba năm 1940-1942 đã cho xuất bản tới bảy tập thơ, ngoài ra còn soạn vở kịch thơ Bóng giai nhân - do Yến Lan khởi thảo - và đã được dựng ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế” (tr.1111). 

Hai Nhà thơ Yến Lan và Nguyễn Bính đã đi vào cõi hư vô rồi, vả lại gia đình chúng tôi ai nấy cũng đã có tuổi. Nếu mình biết mà không nói ra những chứng cứ xác thực thì là có tội với lịch sử Văn học nước nhà. Vì vậy, tôi mạn phép trích dẫn những ý kiến của các nhà phê bình  giới thiệu cùng bạn đọc về Hoàn cảnh Bóng giai nhân ra đời (theo Hồi ký Chiều chiều mây kéo về kinh của Yến Lan) để bạn đọc suy ngẫm một cách thỏa đáng.

LÂM BÍCH THỦY


 

Sự thật về tác giả của Bóng giai nhân

Trong Kỷ yếu Nhà văn VN hiện đại do Hội Nhà văn VN xuất bản năm 2007, phần danh mục tác phẩm đã xuất bản của cả Nguyễn Bính lẫn Yến Lan đều ghi kịch thơ Bóng giai nhân - 1940 do hai ông cùng sáng tác. Trên một số sách, báo xuất bản lâu nay có nơi còn ghi Nguyễn Bính viết theo ý tưởng của Yến Lan. Dẫu biết rằng thêm hay bớt một tác phẩm trong sự nghiệp đồ sộ của hai ông vẫn không tôn vinh thêm hay hạ thấp giá trị của bất kỳ ai. Nhưng văn học sử cần ghi nhận rõ ràng, khách quan dù cả Nguyễn Bính hay Yến Lan cũng không muốn “tranh công” về tác phẩm này.

* Hoàn cảnh Bóng giai nhân xuất hiện

Hồi ký Chiều chiều mây kéo về kinh dài khoảng 6.000 từ, nhà thơ Yến Lan kể ông đến Huế từ bức thư của một người bạn gái quen ở Hà Tiên do vợ chồng nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết giới thiệu. Trong bức thư kèm một giấy chuyển tiền đủ cho chi xài cá nhân nhiều tháng. Người bạn gái ấy muốn Yến Lan đi đâu đó để thoát cảnh bà mẹ ghẻ khó tính nhằm tìm hứng khởi sáng tác. Cùng lúc này, ông cũng nhận được thư của nhà văn Vũ Trọng Can vừa thôi việc ở Tiểu thuyết thứ Năm từ Hà Nội vào Huế rủ ra chơi. Thư Vũ Trọng Can viết: “Báo chết rồi, bọn Can đang chuyển sang hoạt động sân khấu. Đang thành lập một ban kịch với chương trình đi biểu diễn từ Bắc vào Nam. Hiện cập bến sông Hương…”.

Yến Lan theo thư Vũ Trọng Can ra Huế, nhưng hỡi ôi, chẳng có ban kịch nào cả mà chỉ có Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can và một cậu trai theo điếu đóm. Trong lúc này, nhóm Can, Bính đang thiếu tiền ăn, ở chủ nhà trọ gần Đập Đá (bên kia cầu Tràng Tiền) đến hơn một tháng. Biết Yến Lan có tiền, Vũ Trọng Can liền nhờ ông trả giúp tiền cơm và nhà trọ. Vét hết túi trả tiền cho bạn, Yến Lan liền thúc giục mọi người làm gì đó để kiếm sống. Và để “đã đến Huế rồi phải tạo điều kiện ở cùng Huế cho đỡ cơn khát Huế, dù chỉ là những ngụm nước vóc lên từ sông Hương”. Cả nhóm bàn nhau làm kịch, Vũ Trọng Can có ý định làm kịch nhờ vào một thế lực nào đó để bảo đảm phần dàn dựng, bán vé, quảng cáo. Vũ Trọng Can đã làm quen với ông Hà Xuân Tế - thư ký riêng của Nam Phương Hoàng Hậu - ông Tế chấp nhận đứng ra bảo trợ việc làm kịch. Vấn đề còn lại là kịch bản, cả nhóm bàn nhau và quyết định làm kịch thơ, thể loại mới lúc này, có “tráng sĩ” có “mỹ nhân”. Nhà thơ Yến Lan viết: “Không có sự phân công, không có cuộc tranh phần; mặc nhiên tôi là người chắp bút. Không cần tra cứu, đối chiếu gì, nó như được sắp xếp lớp lang sẵn ở một bản nháp, giờ chỉ chép lại, nên vở kịch hoàn thành vào buổi sáng hôm sau”.

Vậy tại sao có tên Nguyễn Bính trong vở kịch thơ này? Trong một bức thư viết tay ngày 13/3/1988 gởi cho nhà nghiên cứu Khổng Đức - Đinh Tấn Dung, Yến Lan viết: “Từ trước đến nay Bóng giai nhânphải mang tên hai tác giả là do lúc ở Huế, tôi và Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can ở chung một nhà, để tên hai nhà thơ cho hấp dẫn. Giá lúc ấy Vũ Trọng Can lại là nhà thơ nữa thì có khi có cả tên vào đó”.

* Qua lời kể của nhà thơ Hoàng Cầm

Thế thì tại sao sau này Yến Lan mới lên tiếng về Bóng giai nhân? Theo một bài viết do nhà thơ Hoàng Cầm gởi cho gia đình Yến Lan có tựa Ai là tác giả kịch thơ Bóng giai nhân? (tháng 5/2001), thì những năm chiến tranh Yến Lan không nghĩ Bóng giai nhân được in lại. Thêm nữa, tình hình lúc ở Huế rất cấp bách cho việc kiếm sống, nên việc để tên Nguyễn Bính hay Vũ Trọng Can vào vở kịch thơ này cũng rất bình thường, miễn kịch có khán giả kiếm được tiền nuôi sống cả bọn.

Nhà thơ Hoàng Cầm kể, khoảng những năm 1940 tại Hà Nội, Bóng giai nhân được diễn tại Nhà hát Lớn với các diễn viên là nhà thơ nổi tiếng: Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính… Sau này, Hoàng Cầm mượn kịch bản Bóng giai nhân từ Vũ Trọng Can đem về Kinh Bắc, làng Phù Lưu cùng Kim Lân, Hoàng Tích Linh, Hoàng Tích Chù… diễn.

Hoàng Cầm viết: “Tôi rủ anh Nguyễn Bính về chơi. Trong bữa rượu đầu tiên, quanh mâm thịt chó…, tôi mạnh bạo hỏi vị “thượng khách, tân khách” Nguyễn Bính viết Bóng giai nhân từ bao giờ? Sau một tợp rượu rất hào sảng, Nguyễn Bính nói: “Yến Lan nó viết cả ba màn, đến màn cuối vừa hào sảng vừa tình tứ. Tớ đọc xong còn nói đùa: Thôi, hay lắm rồi! Để tao thay mặt phòng kiểm duyệt của thằng Tây phê cho một chữ được”. Hoàng Cầm khẳng định Bóng giai nhân tác giả đích thực là Yến Lan, vì: “Rõ ràng cái văn phong trong kịch bản là văn phong của nhóm thi sĩ Bình Định hồi bấy giờ”.

“…Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định. Ngoài ra chịu không biết sau màn mây mù ấy có gì không…” (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh- Hoài Chân, bản in năm 1942)

Nhà thơ Hoàng Cầm đã sắm vai “tráng sĩ” trong Bóng giai nhân diễn nhiều nơi, từ Nhà hát Lớn Hà Nội, Hải Phòng đến các sàn diễn nông thôn. Hoàng Cầm nhờ vai diễn này được mến mộ như những ca sĩ loại nhất hiện nay. Đến giữa năm 1948 nhóm kịch Bắc Ninh không diễn nữa, tính ra diễn được khoảng 60 buổi.

* Lời kết

Đã hơn một đời người từ khi Bóng giai nhân ra đời, những ai chứng kiến đa phần không còn nữa. Yến Lan nổi tiếng là người sống hết lòng vì bạn bè. Sinh thời, ông sẵn sàng vét túi vì Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can ở Huế. Ông còn góp phần nhiều nhất trong việc nuôi nhà thơ Bích Khê nằm bệnh ở Quảng Ngãi. Sau này còn chia một nửa phần gạo tem phiếu cho Quang Dũng. Ông lại là trí thức, nghệ sĩ đi sau quan tài Phan Khôi tiễn tác giả Tình già về nơi an nghĩ cuối cùng với “nghĩa tử là nghĩa tận" v.v... Một trí thức như Yến Lan, không thể nào vơ vào mình những điều không có.

Trần Hoàng Nhân

(nguồn:“http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/su-that-ve-tac-gia-cua-bong-giai-nhan-n20081005044828497.htm)




Câu chuyện khác về “Bóng giai nhân”

 

Để độc giả biết thêm một câu chuyện nữa về Bóng giai nhân, Văn nghệ Trẻ giở lại hồ sơ văn học này.

Trong một bức thư gửi nhà nghiên cứu Khổng Đức (tức Đinh Tấn Dung) đề ngày 13/3/1988, nhà thơ Yến Lan cho biết kịch thơ Gái Trữ La ông viết năm 1943 sau Bóng giai nhân (quãng giữa 1941-1942). Gái Trữ La diễn ở Thanh Hóa lần đầu và Bóng giai nhân ở Huế.

Cũng theo Yến Lan trước ngày thư cho Khổng Đức (tức ngày 12/2/1988), nhân khi đọc trên báo Nhân dân ra ngày Chủ nhật 28/2/1988 - cột cuối trang 4 có ghi tin “Xuất bản phẩm của Nguyễn Bính”: “Để kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Nguyễn Bính, Sở Văn hóa và Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh đã xuất bản… sẽ tiếp tục in những vở kịch thơ của Nguyễn Bính”, Yến Lan đã gửi cho nhà thơ Chế Lan Viên “một bức thư dài về câu chuyện có liên quan”. Tiếc rằng, trong thư ngày 13/3/1988 này, Yến Lan không nói “câu chuyện có liên quan” đó như thế nào và ý kiến của nhà thơ Chế Lan Viên ra sao. Chỉ biết rằng, từ chuyện tin tức “có vấn đề” trên báo Nhân dân đến Tuyển tập Nguyễn Bính [1], mục Tiểu sử có ghi “Vở kịch Bóng giai nhân Nguyễn Bính soạn theo phác thảo ban đầu của Yến Lan (1942) đã được dựng ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế”… và phần Tác phẩm chính trước Cách mạng tháng Tám “ghi chỉ một tên Nguyễn Bính”… Yến Lan đã nêu băn khoăn về quyền tác giả của Nguyễn Bính đối với Bóng giai nhân như sau: thông tin không chính xác về quyền tác giả như vậy có thể sẽ để lại những hệ lụy khó lường, nhất là đối với người không có điều kiện tiếp cận thực chất vấn đề văn bản Bóng giai nhân “sẽ vin vào đó để làm căn cứ tối hậu tổng kết”.

“Mai này các nhà xuất bản trên kia in nó ra - tôi nghĩ còn có mục đích khác quan trọng nữa là lợi nhuận - vì sách sẽ chạy - thì các quyền lợi của tôi bị tước bỏ. Ngay cả quyền lợi thiêng liêng là cái danh nghĩa chính đáng làm tác giả. Từ trước đến nay Bóng giai nhân đã phải mang tên hai tác giả (là do lúc viết - ra ở Huế, tôi và Nguyễn Bính ở chung một nhà, cả Vũ Trọng Can) - để cho đủ tên 2 nhà thơ để cho hấp dẫn - Giá lúc ấy Vũ Trọng Can lại là nhà thơ nữa thì có khi có cả tên vào đó. Nhiều tài liệu đã nêu, như Từ điển Văn học tập II của nhà xuất bản Khoa học xã hội - Lịch sử kịch nói Việt Nam (trước cách mạng) nhà xuất bản Văn học do Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý (1978) soạn - và nhiều tác phẩm, tiểu luận khác. Ngay hiện nay ở nhà, tôi vẫn còn giữ một tập đánh máy từ ngày viết xong để trình kiểm duyệt - có đề tên cả 2 người, tập ấy tôi gửi một bạn gái rất thân ở Hà Tiên nhân khi sắp diễn, và nhắn chị ấy chuyển cho anh Đông Hồ và chị Mộng Tuyết đọc. Sau này định diễn ở Thanh Hóa, tôi gửi thư vào mượn lại. Về Bình Định mang theo rồi gửi anh Quách Tấn giữ cho đến khi giải phóng trở về.

Tôi đang có một dự định nhằm làm cho sáng tỏ - Báo cho các nhà xuất bản trên cần lưu ý vấn đề này.

- Viết nhờ Báo Văn nghệ đăng mấy dòng cải chính, và báo cho Hội Nhà văn- Nhưng chỉ sợ họ cho là “đã có lửa đâu mà lo cháy”- Yến Lan chỉ xông khói lên thôi. Có thể lắm chứ.

- Viết một hồi ký về Huế (trong ấy xoay quanh những sự việc và xúc cảm về Bóng giai nhân, nhân đó mà nói rõ sự thật. Năm ngoái, Biên tập Sông Hương có mời tôi tham gia, giờ mà có bài thì họ đăng thôi. Và tôi đã viết một hồi ký gần 6.000 chữ. Mấy hôm nay đánh vật với nó và đọc lại thì cần điều chỉnh lại cho tế nhị, dịu dàng hơn. Thế là hiện giờ thì đang treo mà tôi đã mệt…

Tôi nghĩ, ngoài cái hồi ký ấy, giá có một nhà nghiên cứu nào viết theo chủ đề: đại khái như: Nhân cái tiểu sử ở đầu một tuyển tập, nghĩ đến trách nhiệm và tính chính xác, tính chân thật của việc nghiên cứu và giới thiệu.

Anh nghĩ nay Bóng giai nhân có thể là một vụ án văn học không? Theo tôi thì có, nhưng già rồi, lực tận thế cô cũng đến bỏ cuộc thôi” ” (Thư gửi Khổng Đức, ngày 13/3/1988).

Bóng giai nhân là một vụ án văn học chưa được các nhà nghiên cứu văn học, sân khấu… quan tâm thích đáng. Câu hỏi thực chất tác giả Bóng giai nhân là ai hầu như vẫn chỉ là mối bận tâm của dăm ba người; còn phần lớn người đọc vẫn xem đây là tác phẩm chính của Nguyễn Bính. Chính Yến Lan trong hồi ký viết năm 1990 cũng kể rằng: một hôm ông nhận được thư Vũ Trọng Can mời vào Huế nhập ban kịch mới; đến Huế ông cùng Vũ Trọng Can, Nguyễn Bính quyết định diễn một vở kịch thơ “vai chính lên sân khấu, xách gươm báu đi săn đuổi vinh quang, đã thủ tiêu ân tình phản bác đạo lý và tiêu ma cái đẹp. Đó là phác thảo đầu tiên do ba chúng tôi góp trong một buổi sớm (P.V nhấn mạnh). Cơm xong bỏ cả giấc trưa bàn luôn các chi tiết: bí quyết làm cho gươm thêm thiêng… Nguyễn Bính tả kể ra những em Đào, em Lý, cô Mừng, cô Thương với khá nhiều thiếu nữ, thiếu phụ mà anh gặp và quen trên các nẻo đường phố của Huế. Vũ Trọng Can cũng tả và kể ra những em Đào, em Lý, cô Mừng, cô Thương của mình. Nhưng đều kết luận: có trời mà vận động cho các gia đình người ta cho con em mình lên sân khấu. Nhất là con gái. Thế là lâm vào thế bí…”, rồi Can và Nguyễn Bính nhận sẽ đến Ngự Viên thuyết phục một cô gái lai Pháp, “cô ta sẽ là nhân vật biểu tượng cho cái đẹp trong vở kịch”, “vở kịch được ai nấy bằng lòng. Chỉ có đôi lúc nảy ra vài cuộc cãi cọ giữa tôi và Nguyễn Bính về lời văn câu văn. Bính chê văn tôi quá Tây, bắt chữa lại mấy chỗ. Tôi tự ái, bỏ đi cùng Chu Ngọc…”, “Hà Xuân Tế hứa chắc chắn rằng anh sẽ vời được Bảo Đại và Nam Phương đến chủ tọa khai diễn. Anh trao bản thảo vở kịch cho tôi và nói: “Vì có hoàng đế đến dự xem, nếu vở kịch thêm một vài đoạn có tính cách tôn vinh thì chắc sẽ được nhiều đặc ân cho các hoạt động sau này. Các anh về thêm vào cho khéo léo một chút.”; “Hai hôm sau thì giữa thành phố Huế xôn xao lên những áp phích, những tờ quảng cáo cho vở kịch dán ở các nơi công cộng và các mặt tường nhà. Nhất là ở các ngã tư đại lộ, những biểu ngữ bằng cả tấm vải trắng có hàng chữ đỏ viết bằng tiếng Pháp “Bóng giai nhân bi tráng, kịch bằng thơ của Yến Lan và Nguyễn Bính sẽ trình diễn ở Accueil vào các đêm… dưới quyền chủ tọa của hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương”…[2]

Trong Tuyển tập Nguyễn Bính (1986, 2001), Nguyễn Bính toàn tập (2 tập, Nguyễn Bính Hồng Cầu sưu tầm, biên soạn, Nxb. Văn học, 2008)… Bóng giai nhân được xác định là tác phẩm chính của Nguyễn Bính: nhóm tác giả Tuyển tập Nguyễn Bính khẳng định vở kịch thơ này Nguyễn Bính “soạn theo phác thảo ban đầu của Yến Lan”; còn Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái nhà thơ Nguyễn Bính ghi chú Bóng giai nhân “viết chung với Yến Lan”. Tuyển tập kịch thơ Việt Nam 1935-1945 (do Hồ Ngọc sưu tầm, biên soạn, Nxb. Sân khấu, 1994) ghi “Bóng giai nhân, bi kịch 1 hồi, 3 màn của Yến Lan và Nguyễn Bính”, phần Phụ lục của cuốn sách này cho biết thêm “Bóng giai nhân… diễn lần đầu tiên: 10.10.1942 tại Hà Nội, do ban kịch Hà Nội trình diễn, đạo diễn: Chu Ngọc”. Tuyển tập Yến Lan (Nguyễn Bao giới thiệu, tuyển chọn, Nxb. Văn học, H, 1996) khẳng định Bóng giai nhân soạn năm 1940, Yến Lan viết chung với Nguyễn Bính; trước đó trong tuyển tập Thơ Yến Lan năm 1987 (Chế Lan Viên giới thiệu, Nxb. Văn học, H) không thấy đoạn nào Chế Lan Viên nhắc đến những khúc mắc về quyền tác giả của Yến Lan hay Nguyễn Bính đối với Bóng giai nhân, ngay cả trong lời giới thiệu tập thơ Những ngọn đèn (thơ Yến Lan, Văn Cao giới thiệu, Nxb. Hội Nhà văn, H, 1957) cũng không thấy dòng nào Văn Cao nói lại quyền tác giả của riêng Yến Lan đối với Bóng giai nhân[3]. Từ điển văn học bộ mới (Nxb. Thế giới, 2004) ở mục Yến Lan do Nguyễn Văn Long soạn có ghi “Yến Lan được biết đến với những vở kịch lãng mạn: Bóng giai nhân viết chung với Nguyễn Bính (1939) và Gái Trữ La (1941) khai thác những sự tích trong dã sử thời xưa; những vở này được công diễn nhiều lần nhưng chưa in thành sách” (tr.2116), ở đoạn viết về tác phẩm chính của Yến Lan không thấy Nguyễn Văn Long ghi vở kịch Bóng giai nhân; mục Nguyễn Bính do Nguyễn Hoàng Khung soạn thì lại ghi “Nguyễn Bính sáng tác khá nhiều, chỉ ba năm 1940-1942 đã cho xuất bản tới bảy tập thơ, ngoài ra còn soạn vở kịch thơ Bóng giai nhân - do Yến Lan khởi thảo - và đã được dựng ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế” (tr.1111).

Theo thông tin chúng tôi có được, nhà thơ Trúc Đường lúc còn sống (anh cả nhà thơ Nguyễn Bính) và nhiều bạn bè thân thiết cùng thời với nhà thơ Nguyễn Bính đều cho rằng kịch thơ Bóng giai nhân là viết chung với Yến Lan. Hiện nay Nhà lưu niệm Nguyễn Bính (Gò Vấp, TP. HCM) còn giữ được bản photo tấm vé xem diễn vở kịch Thế chiến quốc và Bóng giai nhân tại nhà hát Tây, Hà Nội năm 1942 để gây quỹ học bổng... giá 25 đồng, do nữ sĩ Mộng Tuyết - Thất tiểu muội gửi tặng Nhà lưu niệm Nguyễn Bính năm 1997. Có đều trên tấm vé không thấy đề tên tác giả của cả hai vở kịch nói trên!

Vậy thực ra Nguyễn Bính hay Yến Lan là tác giả Bóng giai nhân? Lỗi thuộc về ai? Xung quanh vấn đề này còn nhiều câu hỏi mà những người đi tìm lời giải từ hai phía hậu sinh chưa hẳn đã xác thực.

Vở kịch Bóng giai nhân đã chung sống bình yên giữa hai tác giả qua các thời kỳ trước và sau cách mạng tháng Tám cho đến 1966 Nguyễn Bính qua đời. Suốt thời gian dài ấy không thấy ai (kể cả Nguyễn Bính và Yến Lan) có ý kiến khác về quyền tác giả của Bóng giai nhân như nó đã từng được giới báo chí đương thời và giới nghiên cứu văn học sau này ghi nhận. Vả lại Nguyễn Bính cũng như bao thi nhân khác, ông không có quyền bắt ép dư luận phải theo mình để tranh đoạt tác phẩm của người khác.

Văn nghệ Trẻ cung cấp thông tin - ý kiến đa chiều theo dòng lịch sử về vấn đề Bóng giai nhân với mong muốn bạn đọc rộng rãi và những người trong cuộc bình tĩnh suy xét vấn đề để có được câu trả lời thỏa đáng đồng thời tránh làm tổn thương đến vong linh của người đã khuất!

(nguồn: Văn Nghệ Trẻ http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/50/cau-chuyen-khac-ve-bong-giai-nhan/108745.html Văn nghệ Trẻ)

[1] Nhà xuất bản Văn học, Hội VHNT Hà Nam Ninh hợp tác xuất bản năm 1986, nhóm Vũ Quốc Ái, Quang Huy, Đỗ Đình Thọ, Kim Ngọc Diệu sưu tầm - tuyển chọn, Tô Hoài viết lời giới thiệu, Chu Văn viết lời bạt.

[2] Dẫn theo Hoàng Xuân, Nguyễn Bính thơ và đời, Nxb. Văn học, H, 1998, tr 174 – 179. In lại trong Nguyễn Bính toàn tập, tập 2, Nxb. Văn học, 2008

[3] Đành rằng Thơ Yến Lan và Những ngọn đèn không phải là những tuyển tập kịch thơ


Yến Lan: Chiều chiều mây kéo về kinh


Sau một chuyến đi dài vào mảnh đất tận miền Tây Tổ quốc, tôi trở về quê, lòng chưa ráo nỗi nhớ đường, nhớ sá, thì trời đã chớm sang thu. Khắp khu đất nội thành Bình Định mênh mông, mùa gòn đang tách vỏ. Những tiếng ve sầu còn sót lại, vẳng lên khí đìu hiu. Lòng tôi cũng lơ lửng như những múi bông gòn trên chớp nóc nhà dân xiu vẹo, trên những mái cong dinh thự rêu phong. Thư viết cho bè bạn, lúc nào cũng nói đến nỗi ray rứt muốn được tiếp tục đi xa.

Một buổi sáng tôi nhận được bức thư của người bạn gái, quen nhau hôm ở Hà Tiên, do chị Mộng Tuyết giới thiệu. Vì là bạn thân, chị biết tôi đang sống khó khăn, hàng ngày đối phó với một bà dì ghẻ khó tính, những sự vụn vặt ngày thường choán hết hứng khởi sáng tạo. Chị tán thành và khuyên tôi nên thay đổi không khí. Bức thư kèm theo giấy chuyển tiền đủ chi dùng cho một cuộc đi dài và nếu lâm vào cảnh lữ thứ, có thể sống trong vài tháng. Thế là tôi chuẩn bị một cuộc ra đi, cũng chưa rõ là đi đâu. Tiếp đến hôm sau thì tôi nhận được một bức của Vũ Trọng Can.

Lâu nay Can vẫn thường viết cho tôi, nhất là những ngày Can ở trong tòa soạn “Tiểu thuyết thứ năm”, từ Hà Nội. Bức thư này lại từ Huế, đại khái như sau: Báo chết rồi, bọn Can đang chuyển sang hoạt động sân khấu. Đang thành lập một Ban kịch với chương trình sẽ đi biểu diễn từ Bắc vào Nam. Hiện “Cập bến Bông Hương”. Nếu Yến Lan thích cuộc sống lưu động để tiêu sầu này, thì ra gia nhập với bọn mình…”

Đọc thư, tôi ngồi tưởng tượng… tưởng tượng… bao nhiêu kỳ thú, sôi động, hào nhoáng và mê ly… Cả một cuộc sống lan tỏa hoa đăng… cả một kho dự trữ và luyến ái và thi tứ. Và tôi quyết định nhập cuộc. Nhưng cũng phải đề phòng, nếu đó chỉ là câu chuyện bốc đồng? Nhưng lòng muốn ra đi luôn luôn thôi thúc, tự nhiên tôi nghĩ đến cái phương châm “đến đâu hay đó” khi nhỡ ra là những chuyến tàu suốt vào Nam ra Bắc hàng ngày đều tránh nhau ở ga Bình Định. Và tôi nghĩ: hãy lên ga cái đã – hễ tàu ra bán vé trước thì ta ra, và ngược lại…

Hôm ấy tàu ra đi trước, vừa khi lên tàu, tôi nhờ một người bạn đưa chân, đánh điện cho Can.

Tôi đến Huế vào khoảng hơn 8 giờ đêm. Cả “Ban kịch” đều ra đón tôi, gồm có Vũ Trọng Can, Nguyễn Bính và một chàng thanh niên. Sáng hôm sau tôi mới biết chàng trai này thuộc về loại đi theo điểu đóm. Ngoài ra, không còn si nữa.

Lần đầu tiên mới gặp Nguyễn Bính – trước thì cũng chưa có thư từ, quan hệ gì. Chúng tôi nắm tay, bá cổ nhau, chào mừng rối rít. Và Huế… Huế, vừa mới chạm lên vài sải bước chân, sao đã nghe thấy dậy trong lòng nỗi êm dịu, ngọt ngào khó tả.

Bốn chiếc xe tay do Nguyễn Bính chỉ dẫn, đưa bốn người chúng tôi từ cửa ga đến tận Gia Hội, đỗ ở trước một hiệu ăn khá lớn. Cơm, rượu no nê, bốn chiếc xe lại đưa chúng tôi về nhà trọ ở bên kia cầu Tràng Tiền, cách Đập đá chẳng bao xa.

Ông chủ nhà trọ ra mở cửa, dáng điệu bực bội và khi nhìn thấy tôi, thốt những câu gì làu bàu, không rõ. Tôi tinh ý, biết ngay là có sự phiền hà.

Nhà trọ đây không phải là lữ quán chứa tạm khách lai vãng một vài hôm. Nó là một căn nhà thờ họ, người kế thừa nhận cho trọ lâu dài và nấu cơm tháng.

Phòng trọ chứa nửa của “Ban kịch”, nhưng khi có tôi thêm càng chật ních. Đêm ấy tôi nằm bên Vũ Trọng Can, thao thức mãi vì cứ nghĩ lan man.

Tôi đâm ra rách người rồi trách cảnh. Huế ơi, sao trước đây vài giờ, qua những bước đầu tiên tôi đặt xuống sân ga, Huế hồn nhiên, kiều lệ, dồn lên tâm hồn tôi bao nhiêu êm dịu, ngọt ngào, thế mà giờ đây, một không khí phiền hà, lãnh đạm đang chập chờn phủ tới.

Tôi đem nỗi dằn vặt ấy hỏi, Vũ Trọng Can thì thầm:
- Cũng là điều đáng quan tâm, nhưng không can gì cái việc thường tình ấy. Ngày mai chúng ta sẽ tìm cách giải quyết, chúng mình đang thiếu ông chủ nhà một tháng tiền cơm, giờ thấy có thêm cậu nữa. Ờ mà thôi, rồi sẽ có cách… khẩn trương đấy, chiều nay ông chủ trọ đã báo là ngày mai sẽ cắt và đề nghị bọn mình dọn đi.

Nhân đó, tôi hỏi: Thế thì Ban kịch của cậu đâu? Hoạt động ra sao rồi? Can cố dấu cái thở dài, nuốt nghẹn ở cổ:

- Ban bệ, kịch cợm gì đâu. Bọn mình chán Hà Nội, nên rủ nhau đi du ngoạn một chuyến với ý định sẽ thành lập một ban kịch để làm cứu cánh về mặt tài chánh. Nghĩ đến cậu đang nằm khoèo ở tỉnh lẻ, mình viết thư gọi cậu ra chơi cho đỡ buồn.

Nghe xong tôi cũng nghẹn ngào ở cổ. Biết tôi không thích liều lĩnh – Can trấn an bằng cả một thôi dài tâm sự: Can đã nghĩ ra nhiều biện pháp xoay sở cho ra tiền. Can đã có ý định diễn kịch đảm nhiệm phần dàn dựng, quảng cáo, bán vé và thu tiền rồi chi cho nhau chỉ tiêu phần trăm quy định. Can cho biết cụ thể, việc Can đã tìm gặp và trao đổi với Hà Xuân Tế thư ký riêng của Nam Phương Hoàng hậu (thay chân cho Nguyễn Tiến Lãng đã đi nhận chức phủ thừa). Hà Xuân Tế lại là chủ tịch của Hội A.A.A (gọi là hội 3 chữ A) tên gọi tắt của một hội hoạt động thể thao thể dục. Thực ra nó là của ông Hoàng bà Chúa chọn riêng một môn quần vợt, cùng giao hữu với hạng công chức cao cấp. Can còn phải làm sao cho ra kịch bản và diễn viên là phần được phân nhiệm. Cuối cùng Can hỏi:

- Cậu còn bao nhiêu?

- Vừa tiêu phí nội ngày hôm nay, chỉ còn đủ trả một tháng cơm bình dân.

- Thế thì tốt. Ngày mai ta sẽ lấy tiền ấy tạm ứng cho ông chủ. Rồi sẽ vui vẻ cả thôi.

Sáng hôm sau, với tâm trạng một người “lỡ bước” tôi bỏ cuộc đi chơi núi Ngự, đã hẹn với Nguyễn Bính lúc ở tiệm ăn Gia Hội đề nghị khẩn trương họp nhau lại bàn qua chuyện diễn kịch. Chúng tôi ngồi lại trên mấy cố vấn trần, nghiêm chỉnh thảo luận. Qua sự trình bày của Vũ Trọng Can về mấy phác thảo các vở kịch nói Can định viết từ hôm rời Hà Nội đi vào, thì còn xa với yêu cầu đang đặt ra. Bàn sâu, tính rộng mãi, chúng tôi đi đến nhất trí: diễn thuật mới mà Huế là nôi thể nghiệm đầu tiên. Thực ra đó chỉ là những lời khoác lác để cười với nhau, chứ mục tiêu chính là ở chỗ cố làm sao cho hấp dẫn để có được khoảng thu kha khá, trang trải nợ nần và còn ung dung thưởng ngoạn. Để cho thật hấp dẫn, chúng tôi nghĩ đến những câu chuyện ly kỳ ở các huyền thoại, nhất là ở “Đông chu liệt quốc”, dựa vào dã sử hoặc hư cấu ra cốt truyện theo không khí dã sử. Nhân vật sẽ là những con người cá biệt cực đoan, tình huống phải thật éo le, tâm tư luôn dằn vặt. Và cũng để cho vở kịch đưa ra một giải đề gì về mặt nội dung, chúng tôi nghĩ ngay đến cái tư tưởng hủ bại đang còn ngự trị trong tầng lớp thượng lưu, luôn luôn tôn sùng quyền thế, chạy theo danh vọng mưu cầu một cuộc sống “Võng long xênh xang” đang còn nhan nhản ở Huế. Một điển hình người sẽ hiện lên sân khấu, xách gươm báu đi săn đuổi giật lấy vinh quang, đã thủ tiêu ân tình, phản bác đạo lý và tiêu ma cái đẹp. Đó là phác thảo đầu tiên do tập thể ba người góp nhau trong một buổi sớm. Cơm xong, tranh thủ bỏ giấc trưa, bàn tiếp luôn các chi tiết: Bí quyết làm cho gươm thêm thiêng (cái điều kiện duy nhất đưa đến vinh quang của một tráng sĩ cuồng ngông) là phải tôi gươm lần nữa vào máu ba người tình cờ gặp trên đường đi – theo lời thần mộng. Việc phác thảo này như một cuộc múa gậy trong phòng – Nhân vật nhất thiết phải lệ thuộc số người có sẵn, mà ngoài chúng tôi thì chắc gì có thể nhờ vào được ai? Loại trừ em thanh niên sẽ chạy vòng ngoài, cả ba thằng nhà văn, nhà thơ chúng tôi phải lãnh vai mà đóng. Thế thì vở kịch chỉ có ba nhân vật sa? Và toàn là nam giới cả thì còn đâu cái nhưng cái nhị của sự hấp dẫn? Biểu tượng của cái đẹp bị tiêu ma trong kịch sẽ là nhan sắc của một người con gái thùy mị, đoan trang.

Nguyễn Bính tả và kể ra những em Đào, em Lý, cô Mừng, cô Thương với khá nhiều thiếu nữ, thiếu phụ mà anh từng gặp trên các nẽo đường phố của Huế…

Vũ Trọng Can cũng tả và kể ra những em Đào, em Lý, cô Mừng, cô Thương của mình, nhưng phải kết luận: có trời mà vận động cho các gia đình ở đây người ta đồng ý cho con, em mình tham gia lên sân khấu. Nhất là con gái. Thế là lâm vào thế kẹt.

Trước đó không lâu, Nguyễn Bính có sáng tác một bài thơ, nhan đề “Xóm Ngự viên”. Đó là bài thơ hay, được tán thưởng. Bính đã chép lại trên một tờ giấy nguyên khổ, giấy in báo, nét chữ to, bay bướm, treo trên tường trước mặt. Tình cờ tôi ngước lên, liền hỏi với một ý nghĩ bâng quơ:

- Xóm Ngự viên ở phía nào nhỉ. Hôm nào vào đấy xem cho biết.
Vũ Trọng Can bổng nhảy người lên
- Ngự viên, Ngự viên – đúng rồi. Ừ nhỉ, sao mình quên bẵng đi.

Rồi đột ngột Can đứng lên:

- Mình với Nguyễn Bính sẽ vào đó, có một cô gái lai Pháp, mồ côi từ nhỏ. Hiện bán chè rao nuôi mẹ. Nhất định sẽ thuyết phục được. Cô ta sẽ là nhân vật biểu tượng xứng đáng cho cái đẹp trong vở kịch.

Rồi hai người lội bộ ra đi. Mấy giờ sau tin về, phấn khổi, cô gái rất đẹp, không đề ra điều kiện khó khăn nào, duy có một điểm làm cho tôi ngẩn ngơ giây lát, là cô ta mù chữ. Sau việc báo tin đến việc bàn biện pháp khắc phục. Đành sử dụng sắc đẹp của cô gái thôi, và sắc đẹp cần gì phải thốt lên lời mới gây được đắm say, mới quyến rũ. Một vẻ buồn của Tây Thi xưa cũng đủ khiến nghiêng thành, nghiêng nước. Chính vì vậy mà vai người đẹp trong vở kịch không thốt một lời nào. Trong các luận bàn, tội là người hăng say nhất, vì mình thế thôi thúc: đã đến Huế rồi, phải tạo điều kiện để ở cùng Huế cho đã cơn khát Huế, dù chỉ là bằng những ngụm nước vốc lên từ mặt sông Hương. Không có sự phân công, không có cuộc tranh phần, mặc nhiên tôi thành người chấp bút.

Chẳng cần phải tra cứu, đối chiếu gì. Nó như được sắp xếp lớp lang sẵn ở một bản nháp, giờ chỉ có việc chép lại, nên vở kịch hoàn thành vào cuối buổi sáng hôm sau. Buổi chiều đưa bản thảo ra duyệt, bổ sung và có gì cần thì tập thể chỉnh lý. Vừa mới bắt đầu đã thấy Chu Ngọc bước vào. Ngọc là người am hiểu nhiều về sân khấu. Anh vốn là đạo diễn và từng làm trưởng Ban những ban kịch nói thỉnh thoảng xuất hiện vào mùa kịch ở Hà Nội, vở kịch được thông qua nhanh. Chỉ có đôi lúc nảy ra vài cuộc cãi cọ giữa tôi và Nguyễn Bính về phong cách và ngôn ngữ. Bính chê văn ngôn quá Tây bắt chữa lại mấy chỗ. Tôi tự ái, bỏ đi cùng Chu Ngọc ra hóng mát cầu Tràng Tiền. Chiều về, không có bàn cãi gì về vở kịch nữa. Vũ Trọng Can bàn với tôi là rủ đi ngay đến Hà Xuân Tế và được hẹn sáng mai sẽ trả lời, vì còn cần đọc.

Cũng nhân buổi đầu hôm, chúng tôi tìm đến Lành, tên cô gái lai Pháp, mà sau này chúng tôi gọi là “Bóng giai nhân” theo tên vở kịch. Quả Lành có một sắc đẹp xứng cho nhân vật trong kịch. Mặc dù bị lâm vào trong lớp vỏ bọc lam lũ của cái nghèo, Lành vẫn giữ được vẻ tự trọng và trang nghiêm. Nghe kể lại tính cách nhân vật phải đóng, Lành tỏ ý băng khoăn về sự đơn điệu của vai diễn và cũng tỏ vẻ xấu hổ về điều không biết chữ của mình. Chúng tôi phải khích lệ, đạo diễn cho cô thấy các điệu bộ - phải tự mình sáng tạo thêm – nghe chim, bắt bướm, lội cỏ, nâng hoa… Hướng dẫn cho Lành tập ở nhà, và tôi hứa sẽ thỉnh thoảng đến giúp. Một bản giao kèo bằng miệng, đã thành mối dây ràng buộc tâm tình.

Sáng hôm sau Hà Xuân Tế tiếp chúng tôi với một vẻ thân mật khác thường. Anh vừa nói chuyện vừa nâng niu từng trang bản thảo, cho biết, anh đang chuẩn bị một bài giới thiệu đăng ngay số tới trên tờ báo bằng chữ Pháp phát hành ở Huế. Tôi không nhớ tên tờ báo, nhưng chỉ nhớ là mấy hôm sau thì có bài báo ấy.

Anh sẽ họp lại toàn thể hội viên A.A.A để tiến hành tổ chức và định ngày trình diễn. Anh ghi đủ các yêu cầu chúng tôi cần Ban tổ chức giải quyết. Theo giao ước ban đầu thì vở kịch sẽ được đưa lên sân khấu “Accueil” một hội trường lớn có sức chứa trên ba nghìn khán giả của Giáo xứ Thiên Chúa. Tiền bán vé cho tối thứ nhất sẽ chia đôi, tối thứ hai Hội nhường cho chúng tôi hưởng trọn. Hà Xuân Tế còn hứa chắc chắn rằng anh sẽ vời được Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu đến chủ tọa khai diễn. Nhân đó anh trao bản thảo vở kịch cho tôi, từ tốn nói:

- Vì có Hoàng Đế dự xem. Nếu vở kịch thêm một vài đoạn có tính cách tôn vinh thì nhất định sẽ nhiều đặc ân cho các hoạt động sau này. Các anh mang và bổ sung cho khéo léo một chút. Tôi biết đây là một xảo thuật trong nghề làm quan, vị thư ký riêng của Hoàng hậu này ứng dụng nhạy bén cho tiền đồ. Thì cứ để anh ta như nguyện, có gì xúc phạm đến nghệ thuật, đến mình đâu mà chối từ. Tôi liền vui vẻ nhận lời, nhưng không đợi đến lúc về nhà, tới ngay bàn làm việc, loáy hoáy một thôi, thêm được chục câu thơ mang tính cách tôn xưng chung chung, hướng về một ông minh quân đó.

Hai hôm sau thì giữa lòng Huế xôn xao lên vì những áp phích, những tờ quảng cáo cho vở kịch, dán ở các công trình công cộng và các mặt tường nhà thoáng rộng. Nhất là ở các ngã tư đại lộ, những biểu ngữ bằng nguyên súc vải trắng, được dán lên những hàng chữ đỏ viết bằng tiếng Pháp:

Bóng giai nhân

Bi tráng kịch bằng thơ của Yến Lan và Nguyễn Bính
Sẽ trình diễn ở Accueil vào các đêm…
Dưới quyền chủ tọa của Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.



Mặc dù đã trải qua những cơn hồi hộp vì hạnh ngộ ban đầu khi được nêu dưới những bài thơ đăng trên báo chí, tôi vẫn cảm thấy phấn khổi đến dạt dào. Riêng Nguyễn Bính thì anh lại hồ hởi với những ý nghĩ cuồng nhiệt trong vẻ cợt đùa nói tếu:

- Vua ông đi xem, vua bà đi xem, thế thì tam cung lục viện cũng đi xem. Rồi sáu bộ cũng tháp tùng. Chà, chà, cả Huế đều đi xem tất. Thế thì tiền vé để đâu cho hết. Chuyến này phải thả lên sông Hương sáu con đò két lại làm một khách sạn nổi… Ba con làm phòng ngủ, ba con chở theo bàn đèn, bia, rượu, nem, chả, chè, cháo… tha hồ mà lạc hưởng

Đấy là chuyện đùa vui, không có sự bàn cãi.

Trong mấy ngày tập luyện, tôi vẫn đến nhà Lành đạo diễn cho đến thuần thục, dù sao tôi vẫn tiếc, giá như Lành biết chữ, thì nhất định tôi sẽ cố gắng viết lại màn kịch thành chương tuyệt tác, điều ấy đòi hỏi ở tôi một cố gắng vượt bậc, nhưng xứng đáng với Huế, với một nhan sắc yêu kiều.

Cuộc biểu diễn đêm đầu – và cũng là đêm kết thúc không thu được kết quả như lòng tôi mong muốn. Diễn xuất có vẻ vội, không đạt tới mức chứa và tầm nâng của lời thơ. Về mặt tổ chức, Hội A.A.A bỏ rơi diễn viên trong cái thế chơi vơi của một khoang đồ thủng đáy. Không có một bàn tay tháo vát xếp đặt, bỏ sân khấu trống trơ giữa bốn cánh gà và lá màn hậu, mặc dù chúng tôi yêu cầu trang trí hết sức giản đơn theo lối tượng trưng. Cả một chiếc hòm to đựng các đồ lễ, vũ khí, mũ giày mượn từ trong nội cung ra, cũng không đáp ứng được yêu cầu. May mà bọn diễn viên chúng tôi không hiện ra sân khấu với những trang phục quá cỡ, tả tơi, meo mốc, nhờ biết đề phòng đã chạy trước từ sáng hôm ấy, đến nhà Nguyễn Tiến Lãng, mượn các Kimônô anh mang từ Nhật Bản về, nhân lúc tháp tùng theo phái đoàn ngoại giao của tên toàn quyền khâm sai Yue Chatel. Nhất là khoảng tiền thu: một hội trường có sức chứa gần ba nghìn người đã chật ních – Giá vé thấp nhất, năm hào, mặc dù đêm ấy Bảo Đại không đến xem vì có sự kiện đột xuất, chuẩn bị Bắc tuần, cả Nam Phương, cả viên Khâm sứ Pháp đều theo, nhưng cũng ởi đến gọi là “Ban tứ” cho đêm diễn, mỗi vị 15 đồng, cộng với số tiền quảng cáo cho cuộc xổ số Đông pháp cũng chừng 15 đồng, tiền vé 20 đồng.

Sau này người ta đổ cho việc lạm phát giấy mời. Chúng tôi vở mộng – nhất là Nguyễn Bính với viễn cảnh sáu con đò… Nhưng có một điều an ủi mà cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc đế, tôi vẫn không quên được từng chi tiết, dù là thoáng qua: Giữa lúc màn kịch cuối cùng hạ nhanh, khán giả sắp lưng vào phía sân khấu chen nhau cuồn cuộn như một dòng nước thoát ra phía cửa, thì các anh Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh và vài bạn nữa vượt lên sân khấu, đến cầm tay siết chặt từng người. Anh Lư nói bằng tiến Pháp “Tuyệt, tuyệt, tuyệt vời” không biết anh khen ngợi một pha nào trong lúc diễn xuất, hay khen vở kịch, về tình huống đầy kich tính, về bút pháp bay bướm văn chương, mà lúc ấy đang là những năm vừa mới thoát ra sự phôi thai của nền thơ mới Việt Nam.

Khi rạp đã trở lại vắng vẻ - “Bóng giai nhân” đã biến đi lúc nào không hay, Nguyễn Bính cũng đi rồi. Tôi và Vũ Trọng Can thu nhặt hết các dụng cụ, đồ trang phục cho vào chiếc hòm gỗ to, và…

Mỗi người nâng lên một quai hòm, hai chúng tôi ì ạch kéo lê bốn cẳng chân rời rã, mỏi mệt, dầm dưới cơn mưa đêm cuối hạ của Huế, lần bước cho đến khuya mới đến cửa nhà trọ. Ông chủ ra mở cửa, thò tay nâng cho chiếc quan tôi đang xách, như đã cảm thông tất cả nỗi niềm đang đè nặng lòng tôi.

Sáng hôm sau, tôi ra An Cựu tìm gặp lại người bạn học cũ ở Bình Định, tình cờ gặp nhau giữa đường hôm nọ, tôi hỏi vay hai đồng bạc – số tiền vừa đủ cho xuất vé và đĩa cơm trong chuyến tàu suốt vào Nam, sẽ trả tôi về với cái không khí cô liêu cố hữu từ xưa, ngày ngày nghe vẳng lên một câu hát ru con, không biết do tình huống nào mà có, giờ lại nhằm đúng vào tâm trạng của tôi:

Chiều chiều mây kéo về kinh
Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta.

(Kỷ niệm sinh nhật năm 1988)

Yến Lan


 

Thư Yến Lan gửi Anh Khổng Đức Đinh Tấn Dung


Bình Định ngày 05-04-1988

Anh Đinh Tấn Dung thân mến !

Nhận được thư anh ngày hôm qua tôi rất cảm động . Nhà hôm nay vắng , các cháu đi mẫu giáo , và sẽ có những ngày bận rộn tiếp tục đến đây tôi tranh thủ viết cho anh sợ đến lúc bận lại quên mất .

Vấn đề “Bóng giai nhân” không làm cho tôi bận rộn nhiều lắm đâu . Tôi chỉ bực một cái của những người làm ăn thiếu thận trọng và vô trách nhiệm . Nhưng anh hỏi trong thư , xin kể rõ một số chi tiếc . Ngày ấy ở Huế , viết vở kịch ( chưa nói rõ lý do , anh sẽ gặp anh Chế Lan Viên , sáng nay đã gửi vào cho Chế cả bản hồi ký lấy tên là “Chiều chiều mầy kéo về Kinh” , kể lại phần lớn sự việc xảy ra , tuy có lước qua những chi tiếc quá không hay ho gì … Anh sẽ nắm rõ mấy điểm khá lý thú mà ở lịch sử viết kịch chưa có ai đã trải qua , và chắc anh cũng sẽ “thương hại” Tôi như Tôi tự thương hại mình lúc ấy . Tôi muốn có một giải đề hẳn hoi , vì diễn kịch ở trung tâm văn hoá như thế đâu phải là trò đùa của các cậu ấy trước . Khi tôi ra , tôi muốn đả phá cái không khí “võng  lọng xênh xang” của đám thượng lưu vinh thân phí da nhan nhãn cả một đô thành . Mưu cầu lơi ích cá nhân thì tất nhiên động lên nhân nghĩa _( Tứơng sĩ ấy đã quay lại giết ân nhân tặng kiếm báu (không phải do hạ sơn, có thầy dựng ) mà mình đã khổ tâm đi tìm mua khắp nơi )_ phản bác lại đạo lý ( giết ngay vị đạo sĩ đang đi hái thuốc luyện linh đơn cứu người ) giết cả sắc đẹp ( người giai nhân tuyệt thế đang đi dạo trong vườn hoa ) ở chỗ này nếu chú ý là chủ trường cho tráng sĩ giết cái đẹp , nên ở gần chỗ gần hạ màn nhanh , tráng  sĩ chạy theo giai nhân rút kiếm ra .

Còn không ngỡ là nếu sau này ở một tình thế khác thì sẽ khôn gchủ trương giết mà bắt tráng sĩ chùn bước lại , thọc gươm vào vỏ . Đó là vai trò của đảo diễn sau này  tuỳ nghi thích ứng . ở bản đánh máy đầu tiên , chỉ ghi rút ra từ giả sử Đông Chu Liệt Quốc ) Thực ra là do chúng tôi hư cấu dựa theo không khí của thời ấy ( luyện kiếm bằng máu , giữ kiếm theo lối bảo pháp truyền gia ….) . Nếu bấy giờ viết lại , Tôi sẽ bổ sung thêm nhiều chi tiếc đã nghĩ , sẽ tăng nhiều chi tiết tàn bạo đến nghê mình và nhiều đoạn mang chất trriết học “đời” hơn , cũng ám chỉ giai nhân là “la” . Không có sức mạnh nào sát hại cho chết được . Nhưng thôi , không ai sửa lại cáilọ cổ làm gì . Nó có giá trị lịch sử tự thân của nó . Xin thú thật anh là ở màn đầu , kịch tính và văn chương viết hay quá. Tôi cũng không ngờ bởi vậy Vũ Hoàng Chương ( có kịch Vân Muội , thỉnh thoảng cũng diễn với “BGN” đã thốt lên là “ màn kịch tuyệt tác” . Năm 1946 đoàn vă nghệ sĩ miền trung ra dự văn hoá toàn quốc , lúc đến hội trường nhà hát lớn , anh em văn nghệ Bắc Hà ùa ra đón , riêng Võ Hoàng Chương chạy lên trước , hỏi to : Tôi hỏi có Chế Lan Viên không? tácgiả “Bóng giai nhân” . Khi Tôi bước tới hỏi lại: “Tôi chưa có hận hạnh được biết anh là ai ?” thì Chương chỉ vào mình nói : “Vân muội đây và cậu B.G.N” .

Còn vở kịch có diễn ở Quãng Ngãi , nghe nói hôm ấy tướng Nguyễn Sơn lên sân khấu, vổ tay vào bao súng , đòi bắn …..vì…..Chuyện ấy người ta đồn vào tới đồn đá _ cách Bình Định 5 khu _ do hoạ sĩ văn giáo lang thang vào đó , kề vui . Thế là tôi hại đáo để , tự nhiên người ta cho rằng Yến Lan phản động, bị Nguyễn Sơn đòi bắn, và đã bao lần tôi bị chính quyền kháng chiến gọi đi, muốn tống vào khu an trí với bao chuyện bị bịa đặt do bọn khác vu cáo làm hại mình .

Cũng vẫn dạo ấy , sau ít lâu , Vũ Đính Liên có mang vẫn ở Qui Nhơn , màn đầu để phụ hoạ cho buổi nói chuyện văn học của Xuân Diệu . Sau này , lúc tôi về Bình Định , anh Vũ Trọng Can về Hà Nội , Chu Ngọc đã cho diễn ở nhà hát lớn , vì vở diễn ngắn nên thường diễn kèm với “Thế chiến quốc”, quên là của ai, và “ Vân Muội” . Diễn đuợc do hội truyền bá quốc nghĩa tổ chức lấy tiền làm quỹ , mà tôi lúc ấy là một bộ phận công khai của Đảng ở Hà Nội . Ngày tập kết ra Bắc , chân ướt ,chân ráo bước vào hội nhà văn , Nguyễn Huy Tưởng lúc ấy là thường vụ Hội đã giả nghiêm , vỗ vai tôi bảo cậu làm khổ tôi nhiều lắm . Tôi xửng lửng không hiểu vì sao , thì Huy Tưởng cười bảo Truyền bá quốc ngữ “BGN” để diễn thu quỹ , yêu cầu ban kịch Hà Nội giúp . Thằng Chu Ngọc, trưởng ban hậm học đặt bao nhiêu điều kiện và phải chạy cho ra để nó làm cho đấy .

Ngày làm ở nhà xuất bản văn học , Như Phong là giám đốc , thỉnh thoảng ngồi tán chuyện . Như Phong nói Nguyễn Đình Thi xem như xa lạ với cậu lắm nhỉ . hắn có xạ lạ cậu gì đâu . Ngày hai đứa bị nhốt ở Hoả Lò ( tình nghi) nó cứ ngâm câu thơ của cậu trong “Bóng giai nhân”: Người ở đây mà kiếm ở đâu …

Cách đây 4 năm , Hồ Ngọc thường vụ Hội sân khấu làm một tuyển tập thơ“Kịch thơ” có biên cho tôi một bức thư , đại khái : Tuyển x đã chọn đủ các vở từ ngày trước , chỉ thiếu có “B.G.N” . Anh em có ý kiến , hôm nào mời đầy đủ các bạn ở Hà Nội , diễn viên , tài tử đến quây quần nhau uống bia và ai nhớ câu nào . đoạn nào đọc ra , rồi chép lại để cho có màn đầu còn hoàn thành tác phẩm . Bổng có người nhắc Sao không biên thư cho Yến Lan ở Bình Định , xem có còn nhớ hay giữ lại cái gì đó không …

Tôi đã gừi bản kịch củ ( đánh máy từ lúc nó sắp diễn ở Huế ) lúc diễn gửi cho người bạn gái ở Hà Tiên làm kỷ niệm và chuyển cho anh Đông Hồ và chị Mộng Tuyết đọc cho vui . Sau , vì ở Thanh Hoá muốn diễn tôi biên thư vào mượn lại . Bây giờ còn cả dấu chữ chị ấy đề địa chỉ trường tôi dạy , có dấu bưu điện đóng ở ngoài giấy bao mà tôi đã dán làm bìa Thanh Hoá làm lôi thôi , tôi phải viết ngay 3 hôm . kịch gái trữ la thế vào , và diễn rất thành công trong 3 đêm liền . Lúc đi tập kết , tôi gửi lại cho anh Quách Tấn giữ , ngày về vào nhận lại . Nhờ có bản thảo đánh máy ấy , tôi cung cấp cho Hồ Ngọc đủ 3 năm .

Bức thư sau , Hồ Ngọc cám ơn và cho biết sẽ trích hết cả 3 màu vào tuyển , nhưng tuyển dày quá chờ kế hạoch giấy đang nạp vào tủ của Viện Khoa Học Xã Hội .Điều đáng nhớ là , dù thế nào , lúc nào tôi cũng ghi đầy đủ hai tên tác giả : Yến Lan và Nguyễn Bích cho nên ở từ điển văn học , ở …kịch nói Việt Nam ( Trước CMT8) do Phan Kế Hoàng và Huỳnh Lý , đều có ghi đủ hai tên mặc dù ở đoạn viết các tác giả nghiêng về Yến Lan là chính .

Thư sau , tôi sẽ chép lại anh đọc màn đầu . Hiện tôi còn giữ “ Gái trữ La” và “B.G.N” còn vở “Dừng bến xe lăn” chưa diễn mà là vở kịch dài nhất lại bị mất .

Chúc cả gia quyến an khang .

Yến Lan

 

Lâm Bích Thủy sưu tầm,tổng hợp và giới thiệu

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com