Lẽ ra tôi không nên lôi chuyện này ra nữa, nói mãi sẽ không có lợi mà còn gây phản cảm với người đọc, nhưng khi lên mạn xem vài trang webs hay blogs, thấy vấn đề Ai là cha đẻ của kịch thơ bóng giai nhân vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa; còn ý nghi ngờ về sự giải thích vì sao vở kịch ấy lại mang tên hai tác giả?
Nhà thơ Yến Lan và nhà thơ Nguyễn Bính
Từ điển văn học bộ mới (Nxb Thế giới, 2004) ở mục Yến Lan do Nguyễn Văn Long soạn có ghi “Yến Lan được biết đến với những vở kịch lãng mạn: Bóng giai nhân viết chung với Nguyễn Bính (1939) và Gái Trữ La (1941) khai thác những sự tích trong dã sử thời xưa; những vở này được công diễn nhiều lần nhưng chưa in thành sách” (tr.2116), ở đoạn viết về tác phẩm chính của Yến Lan không thấy Nguyễn Văn Long ghi vở kịch Bóng giai nhân; mục Nguyễn Bính do Nguyễn Hoàng Khung soạn thì lại ghi “Nguyễn Bính sáng tác khá nhiều, chỉ ba năm 1940-1942 đã cho xuất bản tới bảy tập thơ, ngoài ra còn soạn vở kịch thơ Bóng giai nhân - do Yến Lan khởi thảo - và đã được dựng ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế” (tr.1111).
Hai Nhà thơ Yến Lan và Nguyễn Bính đã đi vào cõi hư vô rồi, vả lại gia đình chúng tôi ai nấy cũng đã có tuổi. Nếu mình biết mà không nói ra những chứng cứ xác thực thì là có tội với lịch sử Văn học nước nhà. Vì vậy, tôi mạn phép trích dẫn những ý kiến của các nhà phê bình giới thiệu cùng bạn đọc về Hoàn cảnh Bóng giai nhân ra đời (theo Hồi ký Chiều chiều mây kéo về kinh của Yến Lan) để bạn đọc suy ngẫm một cách thỏa đáng.
LÂM BÍCH THỦY
< Lùi | Tiếp theo > |
---|