THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo NGÔ VĂN CHIÊU - môn đồ đầu tiên của Đức Cao Đài

NGÔ VĂN CHIÊU - môn đồ đầu tiên của Đức Cao Đài

54DAO-CAO-DAI-1R


Ngô Văn Chiêu, đạo hiệu Ngô Minh Chiêu, sinh ngày 8.2.1878 tại Bình Tây (Chợ Lớn), là con trai duy nhất của ông bà cụ Ngô Văn Xuân và Lâm Thị Quí. Lúc ông còn trẻ thơ, ông được gửi nuôi ở nhà cô Ngô Thị Đây tại Mỹ Tho, vì song thân ra Hà Nội mưu sinh. Năm ông lên 12 tuổi, được Đốc phủ Sủng- công chức Tòa Hành chánh Mỹ Tho- hướng dẫn cách làm đơn và giới thiệu vào học trường Trung học Mỹ Tho (nay là trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu). Sau đó, ông lên Sài Gòn học Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn). Từ ngày 23.3.1890, ông bắt đầu cuộc đời công chức.

Khi ông thành tài, ân nhân là Đốc phủ Sủng muốn gả con gái cho. Việc làm này làm ông khó xử, vì gia đình mình không giàu có, không “môn đăng hộ đối”. Cô ruột của ông mới khuyên, nên cưới vợ là con nhà cần lao để sau này nếu thất bại trên đường đời thì vợ có thể làm lụng nuôi con, chứ lấy vợ giàu sang thì e lúc ấy không đảm đương được công việc nhọc nhằn, khổ cực.  Vì lẽ đó, ông cưới bà Bùi Thị Thân bấy giờ đang tản tần buôn bán ở chợ Mỹ Tho. Trong suốt năm tháng chung sống hạnh phúc, họ sinh được 9 người con. Thời gian làm công chức, ông thuyên chuyển nhiều nơi, lúc ở Sài Gòn, khi về Tân An...nổi tiếng là người thanh liêm, trong sạch và biết chia sẻ với nỗi khổ của thương người.

Ông Ngô Văn Chiêu được gặp Đức Cao Đài Tiên Ông vào thời điểm nào?

Ngày 1.3.1920, ông Ngô Văn Chiêu chuyển công tác ra Hà Tiên. Trước đó vài tháng, tại Tân An, ông cùng các ông Nguyễn Văn Vân, Lê Kiển Thọ, Trần Phong Sắc, Đoàn Văn Kim lập đàn tiên. Khi đọc bài cầu đến câu:

Ngũ chơn bửu khí lâm triều thế

thì cơ gõ mạnh, một đấng xưng là Cao Đài Tiên Ông và bảo sửa lại câu thơ trên là:

Bửu chơn ngũ khí lầm triều thế

Ra đến Hà Tiên, Ngô Văn Chiêu thường lên núi Thạch động để phù cơ thỉnh tiên. Có lần, vị tiên cô xưng là Ngô Kim Liên giáng cơ tặng ông hai bài thơ:

Vẳng vẳng nhạn kêu bạn giữa thu
Rằng Trời cùng đất vẫn xa mù
Non Tây ngoảnh lại đường gai góc
Gắng chí cho thành bậc trượng phu

Ngần ngần trắng tỏ giữa trời thu
Cái cảnh Tây phương vẫn mịt mù
Mắt tục nào ai trông thấy đấy
Lắm công trình mới đúng công phu

Rồi ngày 26.9.1920, ông cùng các ông Cao Văn Sự, Nguyễn Thành Diêu, Lâm Tấn Đức lập đàn tiên tại nhà. Một Đức ông giáng cơ tặng cho bài thơ:

Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu
Linh lung vạn hộc thể quang Diêu
Vô thậm Sự, Đức nhiệm ngao du
Bích thủy, thanh sơn tương đối tiếu

Ngày 26.10.1926, ông chuyển công tác ra Phú Quốc và thường cầu tiên trên núi Dương Đông. Có lần, một vị Tiên Ông không xưng danh, giáng cơ bảo ông nếu chịu làm đệ tử thì ngưng đọc kinh Minh Thánh nữa. Rồi lần khác, lại bảo ông lo tu và ăn chay cho được 10 ngày- vì trước đây ông chỉ ăn chay mỗi tháng 2 lần vào kỳ sóc, vọng. Ông chần chừ, lo lắng vì sợ không  giữ tròn giới nguyện. Ngày 8. 2.1921 thì cơ giáng “Chiêu, tam niên trường chay”.  Từ đó, Ngô Văn Chiêu bắt đầu trường chay.

Trong thời gian này, đã có lần ông được Tiên Ông cho thấy Bồng lai tiên cảnh và thấy Thiên nhãn.

Giữa năm 1924, trước lúc chuyển về Sài Gòn công tác, Ngô Văn Chiêu được Tiên Ông giáng cơ khen- trong đó có những câu như:

Ba năm lòng sáng như son
Trèo non xuống biển vuông tròn công phu

Bấy giờ, trong công chức thuộc Sở Thương chánh Sài Gòn cũng thường họp mặt để cầu cơ. Đó là các ông Phạm Công Tắc, Cao Huỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Trương Hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu. Đêm 25.12.1925, một Tiên Ông xưng danh là A, Ă, Â giáng cơ giao cho họ trọng trách trong sự truyền đạo. Trong danh sách này, sau còn có thêm ông Lê Văn Trung. Tất cả những người này được Tiên Ông căn dặn: “Mọi việc phải do Chiêu là anh cả”.

Đây là giai đoạn đạo Cao Đài phát triển nhanh chóng. Ngày 7.10.1926 là ngày chính thức ghi trên tờ Khai đạo gửi đến Thống dốc Nam Kỳ Le Fol.

Tính đến năm 1931, Ngô Văn Chiêu đã tu được 11 năm. Tuổi cao, sức yếu nhưng lúc nào ông cũng lạc quan. Nhiều đệ tử đến Cần Thơ thăm, thấy ông viết trên vách tường hai câu thơ và thường đọc:

Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sinh
Đố ai biết được cái danh Cao Đài

Ngày 18.4.1932, Ngô Văn Chiêu liễu đạo, trên sông Tiền Giang, lúc từ bến đò Mỹ Thuận đi về Tân An. Do đó, mọi người đưa ông về lại thảo lư ở Cần Thơ. Tại đây, các đệ tử tìm thấy ông phong thư của ông có ghi mấy lời di chúc:

Thôi, các em nhứt tâm
Thầy chẳng quên ta, ta hằng tại
Chẳng đặng nhiều lời
Bần đạo

Cho đến nay, các đệ tử vẫn nhớ đến gương sáng của Thầy mình, trên tập chí Cao Đài giáo lý (số phát hành tháng 4.1973) có cho biết về lúc sinh tiền của ông Ngô Minh Chiêu: “Tu giữa chợ mà không ai biết; Tửu, sắc, tài, khí không nhiễm; Không tham quyền cao lợi cả; Ít hay cầu thân với kẻ giàu sang; Hay thương kẻ nghèo nàn và mến người đạo đức; Tánh hay tu ẩn; Không chịu nhận lễ vật gì của ai; Không khoe khoang về Đạo; Mình tu mà đừng cho người ta biết mình tu, giữ bề ngoài như người thường; Trọn đời Thầy giữ thanh bần; Trong việc ăn mặc và thân hình, Thầy giữ một cách sạch sẻ. Thầy nói: “Thân hình của mình để dơ dáy và lèn xèn đi nói Đạo thì ai thèm nghe” v.v...

LÊ MINH QUỐC

Tài liệu tham khảo:
Lịch sử Quan phủ Ngô Văn Chiêu (1878- 1932) người sáng lập Cao Đài Đại Đạo (Tam Kỳ Phổ Độ)- bản in lần thứ 5 (1962); Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài giáo) - Huệ Lương- Thanh Hương tùng thơ XB 1963; Lịch sử Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920- 1926 - Lê Anh Dũng- NXB Thuận Hóa 1996.

 

Ghi chú: Tình cờ tìm lại bài viết đã lâu, post lại như kỷ niệm của ngày chưa có Google. Bây giờ, tìm kiếm tài liệu dễ dàng hơn nhiều rồi. Mà như thế, lại lười đọc, lười ghi chép hơn trước.Than ôi, ngày ấy đâu rồi?

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com