MỘT NGÀY Ở MỸ

Mục lục
MỘT NGÀY Ở MỸ
2. Bạn tôi… đi một ngày đàng
3. Lê Minh Quốc “Đi một ngày đàng...”
4.Lê Minh Quốc với
Tất cả các trang

611

http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/bien-khao/753-le-minh-quoc-mot-ngay-o-my.html

ĐỌC SÁCH "Một ngày ở Mỹ"

30/07/2008 09:10

(HNM) - Vài tháng sau chuyến đi Mỹ về, nhà thơ Lê Minh Quốc (đang công tác tại báo Phụ nữ TP HCM) cho ra mắt bạn đọc cuốn bút ký dày 157 trang, có tựa đề “Một ngày ở Mỹ” (NXB Trẻ). Chuyện dông dài, từ cái ăn cái mặc đến thứ “to đùng” như văn hóa Mỹ, tính cách Mỹ, làm sao thâu gọn  trong “một ngày”?

ĐÓ chẳng qua là Lê Minh Quốc nói khéo về chuyến cưỡi ngựa xem hoa trên đất Mỹ trong vòng 1 tháng của anh. Chứ đọc Một ngày ở Mỹ cũng ngẫm ngợi được khối chuyện hay nhờ sức quan sát của một nhà thơ, nhà báo và thói quen thấy gì cũng gặng hỏi của anh.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thú nhận rằng anh đã lo lắng khi cầm trên tay Một ngày ở Mỹ: “Sách ra vào thời điểm nước Mỹ đã không còn là một quốc gia xa lạ như chục năm trước đây. Hôm trước, lúc ngồi đọc bản thảo của Quốc, tôi thoáng thấy kênh truyền hình HTV3 giới thiệu chương trình Tìm hiểu văn hóa Mỹ. Tôi nghĩ: Thôi rồi, Quốc ơi!...”.

Rõ ràng ở Lê Minh Quốc có sự nhìn nhận rất riêng, cái riêng ấy được pha trộn thêm gia vị hài hước, vẻ hồn nhiên và có phần tinh nghịch khiến cho Một ngày ở Mỹ ăm ắp điều mới mẻ, và dễ đọc. Nổi bật trong bút ký là cách miêu tả và lối so sánh của anh: “Người Mỹ tiết kiệm. Rất tiết kiệm chứ nào có như những cuộc nhậu ở quê nhà “Bia rót ngập sông, rượu tràn ngập suối”. Những điều chiêm nghiệm trong thời gian ở Mỹ, anh trút cả vào bút ký, ví như: “Với tư cách một dân nhậu chuyên nghiệp, tôi nghiệm ra rằng ở Mỹ chưa hẳn đã sướng, nhất là cái khoản uống bia. Họ khó có thể được như ta mỗi chiều: Xong việc rồi, bia nhé!

Cái kiểu sòng phẳng rất Mỹ cũng được Lê Minh Quốc kể tỉ mỉ: “Điều khiến tôi bất ngờ là cô Deborah Burrll bắt đầu nói tới chuyện tiền nong! Đó là tiền thanh toán khách sạn, ăn uống. Sau khi đưa cho chúng tôi những ngân phiếu du lịch, nàng bảo phải đếm lại kỹ lưỡng. Tôi không thể tưởng tượng được trên đời này có loại đàn ông nhận tiền từ tay người phụ nữ xinh đẹp, rồi ngang nhiên xòe ra đếm lại trước mặt họ”. Cái sự săm soi so sánh mà Lê Minh Quốc chuyển vào Một ngày ở Mỹ thật đáng kể, nó giúp người đọc tự rút ra cho mình nhiều điều và đôi khi phải bật cười thích thú.

Trang viết của Lê Minh Quốc chứa xúc cảm thơ rất rõ. Những cóp nhặt dọc đường được anh ghi lại, ngẫu hứng nhưng đặc quánh tâm tình Việt: “Đêm cuối ở Florida/Ngoài trời mưa lơ phơ lất phất /Run run từng giọt /Bia ngon cũng nhạt / Cố hương ngày về / Đêm nay ngủ /Nhớ em / Đêm nay ngủ / Xa em/Tóc hương sen”.  Và Nguyễn Nhật Ánh đúc kết: “Chắc cái thú quan sát, ghi chép của một nhà báo ở trong anh phải mạnh mẽ lắm. Có cái say mê đó, đi một tháng có khi sự thu thập bằng người đi một năm”.

Có lẽ vì thế mà người ta vẫn đọc Một ngày ở Mỹ dù nước Mỹ nay đã chẳng còn xa lạ gì?

Lâm Văn

http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Van-hoa/175487/2727885c-sach--m7897t-ngay-7903-m7929.htm


 

 

Bạn tôi… đi một ngày đàng

 

“Cho Q. xin địa chỉ để gởi tặng tập bút ký Một ngày ở Mỹ”. Nhận được tin nhắn, tôi tự hỏi: “Sao Lê Minh Quốc đi Mỹ một tháng mà lại kể chuyện một ngày?”. Hôm sau, sách gởi EMS đã tới; tôi bèn đọc thử, hổng dè làm một mạch hết 157 trang. Đúng là cốt cách Lê Minh Quốc – một nhà báo thông minh ở trong một nhà thơ lãng tử.

1ngayomy

Quốc nói với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi nhờ Ánh viết lời giới thiệu sách: “Tôi chỉ viết theo cái ý đi một ngày đàng học một sàng khôn thôi”. Vậy là rõ rồi. Gấp sách lại, tôi thầm nghĩ, cái “một sàng khôn” được tác giả chọn lọc khá công phu và bay bướm ấy, quả là bổ ích.

Hổng phải là kiểu “thấy đâu kể đó” dễ dãi và quen gặp, Lê Minh Quốc đã mượn cái hồn thơ của tập “Lá Cỏ” của thi hào Walt Whitman làm đề từ cho 9 chương kí sự. Mỗi chương một vẻ, lấy cái sự nhìn nhận và ngẫm nghĩ hiện tại lồng vào những chuyện xưa và nay, tác giả đã vẽ phác thảo được một bức tranh khá sinh động về Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đặt trong mối quan hệ với Việt Nam.

Khi lang thang ở thủ đô nước Mỹ, Lê Minh Quốc đã nhắc lại sự kiện, từ năm 1873, vua Tự Đức đã phái Bùi Viện bôn ba sang Mỹ gặp Tổng thống Ulysse Simpson Grant để cầu viện chống thực dân Pháp. Ngược lại, người Mỹ đầu tiên đã đến Việt Nam sớm hơn, từ năm 1819, đó là thương gia John White. Đến một nơi khác, anh viết: “Sang Mỹ, tôi mới biết thêm một chi tiết khá thú vị ngay cả… người Mỹ chưa chắc đã biết. Tin không? Thật đấy. Đó là hiện nay người da đỏ ở Mỹ không “mặn mà” với tờ giấy bạc 20 USD”. Rồi anh giải thích bằng những tư liệu lịch sử, văn hóa và thực tế mà anh tìm gặp.

Là nhà báo (anh đang làm việc cho báo Phụ Nữ TPHCM) và là nhà thơ, khi thăm tòa soạn báo San Francisco Chronicle, The Star hoặc Trụ sở Báo chí Hoa Kỳ, tác giả hay hỏi báo chí Mỹ có in thơ không thì hầu như đều nhận được những cái lắc đầu. Anh tìm tiếp câu trả lời từ người trong cuộc: bởi vì báo giấy của Mỹ hiện nay đang cạnh tranh dữ dội với Internet, phải giảm trang in, nhất là các trang văn hóa văn nghệ, điểm phim, giới thiệu sách. Đến đây, nhà thơ Lê Minh Quốc bèn hạ bút: “Chao ôi! Cách đây hơn nửa thế kỉ, cụ Tản Đà đã than thở “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, không ngờ nay báo chí ở Mỹ cũng đối xử với nó như thế thôi!”.

di_motngay_dang

le-minh-quoc

Cũng vì là nhà thơ, nên dường như ở chương nào, Lê Minh Quốc cũng chép lại tặng bạn đọc những bài thơ anh viết dọc đường. Tỉ như khi nghe chuyện bà con Việt kiều ráng dạy con trẻ học nói tiếng Việt mỗi ngày để giữ gìn được tiếng Việt ở trong lòng người xa xứ, anh đã viết:

thèm nghe tiếng Việt ngọn tre cỏ dại

giọng nói quê mùa

trái ớt cay tê lưỡi

nước mắm thơm điếc mũi

rau muống xanh

tiếng Việt ngàn năm Hồng Hà, Cửu Long…

Dường như đi tới đâu, gặp chuyện gì khác lạ, “máu nhà báo” trong anh cũng nổi lên: luôn đặt câu hỏi, tìm kiếm lời đáp, so sánh, tự vấn… trước khi nhận xét, bình luận. Những câu hỏi kiểu như vầy thường gặp trong tập bút ký này: “Nước Mỹ được thành lập với nhiều chủng tộc khác nhau, vậy tính cách họ như thế nào?” (trang 43).

Khi đi thăm những bảo tàng văn hóa, âm nhạc, thư viện… Lê Minh Quốc tỏ ra trăn trở, anh viết: “Thú thật, trong những ngày ở Mỹ, ấn tượng nhất với tôi là được vào Bảo tàng Truyền thông báo chí (NewSeum) tại Washington D.C trên đại lộ Pennsylvania vừa khai trương vào ngày 11-4-2008 với kinh phí xây dựng lên tới 450 triệu USD… Tên của nó là sự kết hợp giữa News (tin tức) và Museum (bảo tàng), được đánh giá là bảo tàng có tính tương tác nhất thế giới… Nếu ai muốn tìm hiểu nỗi nhọc nhằn tác nghiệp, hiểm nguy săn tin của một nhà báo chuyên nghiệp, hãy dành một tháng tìm hiểu tại đây, sẽ có thể chia sẻ, đồng cảm… Còn tôi, tôi đã đến đây một ngày, tôi cảm nhận được những gì?”.

Để học được những “sàng khôn” như vậy, chắc hẳn Lê Minh Quốc đã lao động vất vả lắm dù anh chỉ nhận là mình đã “cưỡi ngựa xem hoa”. Nói như nhà văn Dạ Ngân – người đồng hành cùng chuyến du lịch với anh – khi chị viết lời bạt cho cuốn sách này: “Tôi đã chứng kiến Quốc suy tư và thành thật như thế nào trong hành xử cũng như trong công việc và trong văn chương”./.

Huỳnh Kim

http://www.metinfo.vn/blog/?p=1209



Lê Minh Quốc “Đi một ngày đàng...”

Thứ Bảy, 26/07/2008 01:19

611
Cuốn sách Một ngày ở Mỹ của nhà thơ Lê Minh Quốc (NXB Trẻ ấn hành) vừa ra mắt độc giả. Một ngày ở đất nước Mỹ bao la rộng lớn như thế thì liệu tác giả biết được gì để viết? Thực ra, tên sách là ý tưởng lấy từ câu tục ngữ Việt Nam: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” còn tác giả đã có gần một tháng để tham quan nước Mỹ

Một tháng ở nước Mỹ, với nhiều người, cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng với Lê Minh Quốc, là nhà thơ, nhà báo, nhà tư liệu học, lại là lần đầu đặt chân đến nước Mỹ, anh đã học được nhiều điều. Đúng như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết trong lời tựa của cuốn sách: “Mười ngày, bảy ngày hay một ngày cũng chỉ là một cách nói. Nó cho thấy ham muốn nghe, nhìn, nhớ và ghi là thói quen, thậm chí là bản năng của người cầm bút”.

Vừa có con mắt tinh tường của một nhà báo có tâm hồn lãng mạn của một nhà thơ vừa có khả năng đối chiếu liên tưởng sinh động và độc đáo của nhà khảo cứu, tư liệu học, Lê Minh Quốc cảm nhận về nước Mỹ bằng cách của riêng anh. Các sự vật, hiện tượng mà anh đã mắt thấy, tai nghe luôn được liên tưởng, đối chiếu bằng vốn kiến thức đông – tây – kim - cổ khá phong phú của anh để chuyển tải đến người đọc thông điệp mình muốn thể hiện. Một điều thú vị khác trong cuốn sách này là những câu thơ tức cảnh sáng tác của Lê Minh Quốc trong suốt hành trình trên đất Mỹ. Chẳng hạn nghe trẻ con người Việt tại Mỹ tập nói tiếng Việt, anh cảm tác: “Thèm nghe tiếng Việt ngọn tre cỏ dại/ giọng nói quê mùa/ trái ớt cay tê lưỡi/ nước mắm thơm điếc mũi/ rau muống xanh/ tiếng Việt ngàn năm Hồng Hà, Cửu Long.../ hát ru cánh cò chở gió qua sông...”.

Ngay khi trả lời câu hỏi: “Những ngày sống ở Mỹ có vui không?”, Lê Minh Quốc cũng chỉ gói gọn trong 4 câu thơ: “Mặt tôi quê mùa như nước mắm/ Một giọt thơm lâu giữ nếp nhà/ Vạn dặm đường xa không đổi mặt/ Mặt nào cũng giống mặt người ta”.

Huy Nguyên

http://nld.com.vn/233343p0c1020/le-minh-quoc-di-mot-ngay-dang.htm



Lê Minh Quốc với "Một ngày ở Mỹ"

611


Đi Mỹ về, nhà thơ Lê Minh Quốc viết cuốn bút ký Một ngày ở Mỹ (NXB Trẻ), vừa phát hành trong tháng 8.2008.

Phần đầu sách lướt qua đôi nét về lịch sử, địa lý nước Mỹ, cũng như nhắc đến người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ và người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam. Tiếp đó là những ghi nhận thú vị về chuyến đi từ Washington lên Kansas, ngược về San Francisco, rồi xuống Florida, thăm các bảo tàng, các nhà hát lớn, các điểm văn hóa và vui chơi...

Vào một nhà hàng ở khu Sea World, anh quan sát thấy, sau khi ăn tất cả thực khách đều tự giác dọn bàn sạch sẽ, "lúc họ đứng lên là người khác có thể ngồi vào ngay. Hình ảnh tốt đẹp này lặp lại nhiều lần ở nhiều nhà hàng khác". Nhắc vài điều tương tự, Lê Minh Quốc viết: "Tính cách ấn tượng nhất (với người Mỹ) trong mắt tôi vẫn là sự tự giác", dễ nhận ra nhất là thói quen xếp hàng. Hoặc "tự giác phục vụ cho chính mình dù mình phải trả tiền, chẳng hạn, khi vào cây xăng, ta phải... tự đổ xăng, sau khi đã đưa card tín dụng vào đó". Một người bạn của tác giả nói: "Muốn sống ngon lành ở Mỹ, phải thuộc nằm lòng thêm chữ S nữa!". Nghĩa là gì? Đó là save - tiết kiệm. Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc, khi giao tế mọi người đi thẳng vào nội dung công việc chứ không cà kê. Anh cũng lý giải "văn hóa share - chia đều" ở Mỹ: "Anh và tôi cũng như nhau. Không việc gì tôi phải nhận một khoản tiền từ sức lao động của anh và ngược lại... Không ai dựa dẫm ai, lợi dụng ai...".

Là một nhà thơ, nhà báo, Lê Minh Quốc cũng quan sát, hỏi han chuyện văn chương báo chí. Những người phụ trách tờ The Star đã cho anh biết về sự cạnh tranh khốc liệt của internet với làng báo Mỹ hiện nay, khiến tờ báo có 120 tuổi này (thành lập năm 1888), phải bỏ suất phát hành buổi chiều vì tin tức trong ngày đã được internet đưa lên tràn lan, báo in ra bị "nguội". Tờ San Francisco Chronicle không còn in thông tin thị trường chứng khoán như trước đây vì internet đã "đi trước" họ. Hiện báo Mỹ đang "ngày càng có khuynh hướng giảm số trang in". Đặc biệt là "siết" chặt nội dung sao cho khớp với nhu cầu bạn đọc, "giảm các trang bình luận về văn hóa văn nghệ", không in... thơ. Tác giả sực nhớ đến "một nhà thơ nữ đoạt giải Nobel cách đây không lâu, đã kể buổi đọc thơ của bà có chừng... 10 người đến dự. Trong đó có 6 người thân và vài người khác tình cờ dạt vào trú mưa". So ra, ở Việt Nam thơ cũng còn có chỗ dung thân...

GIAO HƯỞNG

(Báo Thanh Niên 2.9.2008)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com