TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định GÁI ĐẸP TRONG TÔI

GÁI ĐẸP TRONG TÔI

Mục lục
GÁI ĐẸP TRONG TÔI
1. Vì sao tôi viết Gái đẹp trong tôi?
2. Gái đẹp của Quốc
3. Gái đẹp trong tôi-Khát khao hạnh phúc
4.“Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc
5. Đàn bà mãi mãi bí ẩn?
6. Lê Minh Quốc viết sách tặng người yêu
7. Ngày hội quy tụ nhiều “cao thủ”
8.Nhà thơ Lê Minh Quốc miệt mài đi tìm “gái đẹp”
9. Lê Minh Quốc và… gái đẹp
10. Gái đẹp trong tôi
Tất cả các trang

gaideptrong_toi_R

http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/bien-khao.html

 

Lời thưa,

Vì sao tôi viết Gái đẹp trong tôi?


Tùy bút Gái đẹp trong tôi xuất hiện trên Báo Xuân Phụ Nữ 2009. Bài viết này được nhiều người đồng cảm và chia sẻ. Tôi viết: “Trong những năm phiêu bồng gió bụi, thi hào Nguyễn Du đã từng ngày ăn hoa cúc cầm cự qua cơn đói. Nhưng trong cái hoàn cảnh khắc nghiệt này, hoa chỉ là hoa. Với tôi, mỗi bông hoa là một nhan sắc. Thử nghĩ, lúc chia tay mà cái mùi hương từ trong thân xác lộng lẫy của nàng luôn quay về như một sự ám ảnh, phải làm gì để quên? “Xin đưa bông hoa ấy cho tôi/ bỏ vào miệng nhai/ từ đó/ nàng trong tôi nguyên vẹn hình hài”. Như vậy là gọn và thực dụng”.


  

Khi quan sát một người phụ nữ, tôi luôn suy ngẫm về phận người mà thi hào Nguyễn Du đã kêu lên thống thiết: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Nhưng không thể trình bày hết suy nghĩ ấy trong một bài báo, tôi muốn viết thành một quyển sách. Từng ngày nhẩn nha và tập sách có tựa Gái đẹp trong tôi ra đời.

Khi viết xong bản thảo, tôi nghĩ đến ba người đàn bà đọc trước và viết giúp cho lời tựa và lời bạt. Đó là nhà thơ Ý Nhi, Tiến sĩ NSƯT Bạch Tuyết, blogger Lê Phương Thảo. Họ cùng có một mẫu số chung là nổi tiếng, tài hoa và đẹp; thông minh, sâu sắc và mê… Truyện kiều. Nói như thế, vì hình ảnh chủ đạo hiện lên rõ nét nhất trong tập sách này vẫn là 15 năm phiêu bạt giang hồ rớm máu của một số phận “Canh khuya thân gái dặm trường”. Nếu tóm gọn số phận của Kiều trong một câu thơ, chỉ một câu duy nhất, khái quát nhất thì tôi chọn câu thơ đó. Và đó cũng là cung bậc tình cảm đau đáu mà tôi triển khai thêm những suy nghĩ mới.

Nghĩ về họ, hầu như kim cổ xưa nay trong tôi chỉ thấy hiện lên những cơ cực, nhẫn nại, thủy chung suốt một đời vì chồng vì con; thậm chí khi làm đẹp cũng chính  vì các đấng mày râu đấy thôi. Thế nhưng, trải theo năm tháng, tôi cho rằng bây giờ ý thức ấy đã khác trước. Khác như thế nào? thì cứ đọc trong tập sách này sẽ rõ.

Tôi cho rằng, yếu tố chủ quan của người viết thường thể hiện rất nét trong thể loại tạp bút. Vì thế, với từng chuyên mục từ Hương gây mùi nhớ, Tìm hoa quá bước… đến Đau đớn thay phận đàn bà cũng là suy nghĩ của một nhà thơ vốn… không nhiều kinh nghiệm về đàn bà. Nói như thế không phải khiêm tốn, nhún mình mà NSƯT Bạch Tuyết bằng “mắt xanh” đã nhìn ra khiến tôi phải “tâm phục khẩu phục” khi chị cho rằng tác giả là “một người đàn ông không chịu… lớn”. Nghe thế tôi thấy vui, bởi trước đàn bà, trước nhan sắc nõn nà, có người đàn ông si tình nào trên trái đất mà không như một đứa trẻ cơ chứ?

Khi bản thảo hoàn chỉnh, nhà văn Bích Ngân đã quyết định làm “bà đỡ” để  tập sách ra mắt bạn đọc sớm nhất. Và chị cũng đã chọn những bức tranh sơn dầu do tôi vẽ về người phụ nữ để in kèm trong sách. Vì thế, khi vừa đọc niềm say mê đắm đuối về đàn bà đẹp vừa ngắm tranh vẽ về họ qua nhiều sắc màu rực rỡ và ngộ nghĩnh há chẳng phải là điều thú vị đấy sao?

Lê Minh Quốc

(nguồn: http://www.phunuonline.com.vn/giaitri/2011/Pages/gai-dep-trong-toi.aspx


 

Gái đẹp của Quốc

“Mỹ nhân tự cổ” có “như danh tướng” thật không? Chưa có một thống kê mang tính chất điều tra xã hội học thật nghiêm túc và hiện đại để biết được rằng, hai loại người này: người đẹp và tướng tài đều: “Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”.

Nhưng, đã là đàn bà, chao ôi, thì nên là một người đàn bà đẹp.

Nhưng thời online, lên mạng đọc toàn những chuyện có kịch tính như là sao này ly hôn, sao kia vừa công bố hình cưới và cũng lại vừa kịp đau buồn vì ly hôn, mới thấm được thân phận của những người đẹp truân chuyên.

Vì thế, chẳng quá ngạc nhiên khi “Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc từ đầu đến cuối tập tản văn, toàn nhắc đến thân phận Kiều, và những người đẹp có cùng thân phận ấy. Quốc phân tích về đời Kiều hay đến mức, tôi phải lần giở lại những trang sách cũ kỹ của “Truyện Kiều” để đọc lại, và nghĩ rằng, nếu anh được thỉnh giảng, giảng về Kiều cho học sinh THPT nghe, thì có lẽ các em đã không vấp phải những phân tích ngô nghê giống như các bài văn kỳ lạ vẫn được đưa ra thành chuyện tiếu lâm trên mạng.

Người đẹp, bản thân từ này đã có sức hấp dẫn, chưa nói đến con người bằng xương bằng thịt. Người đẹp thì có tội lỗi gì với đời mà dễ bị lời ong tiếng ve thế nhỉ? Họ làm ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái những … người đẹp khác chăng? Hay là tâm điểm của những rắc rối về tiền bạc và đàn ông? Hay do sự sắp đặt của bàn tay số phận, cho người đẹp cái đẹp hình thể rồi, thì sẽ lấy đi sự yên bình hạnh phúc? Hay là do tất cả những điều vừa nhắc tới cộng lại?

Chỉ biết rằng, một người đàn bà khi đọc “Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc, đều cảm thấy phảng phất bóng dáng mình trong đó. Người bình thường thì đôi lúc xót xa: “Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào đài các, hạt ra ruộng đồng”. Người đẹp “có bàn, có ghế” thì cũng đau lòng bởi: “Rằng tôi chút phận đàn bà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.

Mấy năm nay, có lẽ do tình yêu thúc đẩy, mà Lê Minh Quốc ra được nhiều sách. Anh viết trường ca, bút ký, tản văn, và tất nhiên vẫn là tình yêu dạt dào với thơ. Nhiều đến mức, người bạn tôi khi đi ra nhà sách nhắn tin hỏi rằng, thời điểm này nên mua cuốn sách gì đọc. Tôi bảo: “Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc. Bạn nhắn tin ngay tắp lự: Nhà văn, nhà thơ Việt Nam đi đâu hết rồi mà suốt ngày thấy sách của Lê Minh Quốc?

Người đẹp trong Quốc là ai? Là thân phận người phụ nữ trong câu ca dao cổ, là Thuý Kiều của Nguyễn Du, là Đạm Tiên trong ký ức của Kiều, là rất nhiều cô gái làm nghề “sống làm vợ khắp người ta. Hại thay thác xuống làm ma không chồng”; là nhiều số phận người đẹp nhưng vẫn phải chấp nhận sống theo kiếp “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”. Là đàn ông – một người đàn ông cũng bị các người đẹp cho “lên bờ xuống ruộng” như Quốc, anh cảm được cái tâm đau của người đàn ông tinh tế đến mức chịu không nổi. Anh hỏi bạn đọc rằng, có biết một người đàn ông có hai bóng hồng, cả năm đau khổ nhất là vào ngày nào không, đó chính là đêm giao thừa, khi mà bước chân dùng dằng chẳng biết đến đâu. Ở đây thì nhớ bên kia, ở bên kia thì nhớ bên này, chao ôi, bi kịch của người đẹp cũng xô đẩy người đàn ông vào hoàn cảnh trớ trêu. Chỉ có Quốc, riêng có Quốc, mới có thể miêu tả và thể hiện được cái tình ấy.

Lê Minh Quốc lúc nào cũng vướng vào lưới tình. Anh không chịu nổi cô đơn. Khi viết “Một ngày ở Mỹ” cũng chính là lúc anh cảm thấy cô độc nhất, nên câu chữ trở nên yếu đuối phát thương. Vì thế, đọc thơ Quốc, hay đọc bút ký, tản văn, người tinh cảm đều nhìn thấu cái sự cô đơn của anh trong cuộc đời và tình yêu. Quốc yêu nhiều, yêu nhiều người, yêu liên tục, yêu bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết của mình. Nhưng anh cũng bị các người đẹp giáng cho những đòn chí mạng. Vậy mà Quốc vẫn thiết tha và chưa nguôi với người đẹp ở bất cứ thời gian nào trong đời cầm viết của mình.

Dành rất nhiều trang, nhiều chương đoạn để bình về cuộc đời Kiều, diễn giải và miêu tả khá kỹ về chiêu thức đánh ghen có một không hai của Hoạn Thư, kể chuyện và bình phẩm những giai thoại xưa và nay về cuộc đời đàn bà, tung hứng và một mình một sân thống kê nhiều những chi tiết về những cô gái bán thân nuôi miệng, “Người đẹp trong tôi” khiến những người đàn bà đọc xong cảm thấy hơi thảng thốt và lo ngại cho thân phận mình. Có phải làm đàn bà là đau khổ và tuyệt vọng đến thế không? Vậy thì đẹp để làm gì?

Nhưng, đã là đàn bà, chao ôi, thì nên là một người đàn bà đẹp.

Đầu tháng 6/2011

Đinh Thu Hiền

http://dinhthuhien.info/dinhthuhien/docbao_read.aspx?ID=111&LangID=1




Gái đẹp trong tôi-Khát khao hạnh phúc

Thứ Hai, 25/04/2011 22:45

gaideptrong_toi_R

Lê Minh Quốc luôn khiến bạn bè văn chương bất ngờ khi lâu lâu lại cho xuất hiện những “đứa con” mà anh âm thầm tạo dựng hình hài, lặng lẽ nuôi dưỡng cho đến khi “đủ lông đủ cánh” để trình làng. Anh hết nghiên cứu về Người Quảng Nam đến vẽ tranh, thả hồn theo Thơ tình Lê Minh Quốc và bây giờ suy ngẫm về Gái đẹp trong tôi (vừa được NXB Văn nghệ ấn hành).

Viết về phụ nữ, ngỡ chỉ là những tản mạn góp nhặt của một tâm hồn thi sĩ tinh tế và đa cảm, hóa ra không phải. Tác giả mang vào tập tùy bút cả một kho sử liệu và văn học từ cổ chí kim để vẽ nên diện mạo của người phụ nữ, đi dọc theo trục  biến chuyển với những thay đổi trầm luân của cuộc sống, của những giá trị nền tảng đạo đức và của tình yêu. Chỉ điều duy nhất không đổi thay trong vô lượng thời gian chính là tình yêu, sự thủy chung, đức hy sinh trong trái tim người phụ nữ và cũng chính họ là người phải gánh chịu nhiều nhất những mất mát, phải gồng gánh nhiều nhất những gian nan trong bể khổ của đời.

Người phụ nữ trong góc nhìn của Lê Minh Quốc đẹp khi hạnh phúc và trong cả nỗi đau. Tác giả kể những câu chuyện về tình yêu, mang những dẫn dụ trong văn học ra phân tích: Từ mối tình Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phạm Thái - Trương Quỳnh Như đến Thúy Kiều - Kim Trọng, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài; từ Đồi thông hai mộ đến Đỉnh gió hú, từ chuyện tình của các cụ Phan Châu Trinh, Hải Thượng Lãn Ông… đến Van Gogh, Beethoven… Tất cả cùng họa lên một bức tranh tình yêu đa sắc, một cung đàn ngân trọn vẹn thanh âm. Để thấy rằng từ hàng ngàn năm trước cho đến ngàn năm sau, tình yêu vẫn muôn đời là thiên đường hạnh phúc nhưng cũng là cõi bể dâu nhân thế.

Lê Minh Quốc mạn đàm chuyện xưa nay cứ như thể anh hiểu thấu được hết những bi ai của chữ “tình”. Yêu trong trắc trở chia phôi, trong xao lòng muộn màng; yêu với chờ đợi bao dung, với hy sinh chịu đựng; yêu thề nguyện trọn đời trọn kiếp; gánh trầm luân trong mất mát chia lìa… Tất cả những “đoạn trường tình” đều được người viết gọi tên, phân tích và lý giải cho đến tận cùng, để hiểu vì sao có những nỗi đau cứ giăng mắc dọc đời người.

Tình yêu đích thực là có xa nhau bao nhiêu trong muôn dặm đường trần thì hình ảnh người yêu vẫn cứ theo đuổi tâm thức người đến tận cùng hơi sức. Nỗi nhớ đích thực là dù có bị dông bão cuộc đời thổi qua, bào mòn sức chịu đựng thì hình ảnh của người trong quá khứ vẫn nằm vẹn nguyên ở một góc của trái tim. Và hy sinh đích thực không phải là cố tìm mọi cách sống cùng nhau hay phủ lên nhau những mưa nắng của đời mà hãy nghĩ cho nhau, sống tốt vì nhau trong chia xa, phải mang trách nhiệm thổi làn gió yên bình qua đời nhau bởi vì hạnh phúc vốn mong manh và phù du trong kiếp người.

“Gái đẹp” trong Lê Minh Quốc có thể là “một quyển sách, một bông hoa, một cánh cửa, ngôi nhà, gương soi, mạch nước, tiếng sét, lời cầu nguyện” hoặc là “gai nhọn, thiên nhiên, thời tiết, nỗi ám ảnh”… Nhưng dù là gì thì vạn vật ấy vẫn mang khát khao hạnh phúc và ước vọng tìm kiếm, hướng thiện.

Tiểu Quyên

http://nld.com.vn/20110425102336468p1140c1150/gai-dep-trong-toikhat-khao-hanh-phuc.htm



 

“Gái đẹp trong tôi” của Lê Minh Quốc

 

Thứ năm, 05/05/2011, 09:44 (GMT+7)

gaideptrong_toi_R

Lê Minh Quốc gây bất ngờ với bạn bè và bạn đọc khi cho ra mắt một tác phẩm “Gái đẹp trong tôi” (NXB Văn hóa – Văn nghệ). Một nhan đề mà những ai hiểu về anh đều xác nhận là “gu Quốc” bởi vì thơ anh chuyên dành ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ, tranh anh chỉ toàn vẽ về phụ nữ và cả cơ quan anh làm việc cũng là một cơ quan chuyên về phụ nữ: Báo Phụ nữ TPHCM!

Cuốn sách là một tập hợp những bài ký mà Lê Minh Quốc đã đăng trên một số tờ báo, những bài ký này của anh không bàn về một chuyến đi, không bàn về một sự kiện hay một câu chuyện cụ thể. Những bài ký của anh chỉ khắc họa lại những suy nghĩ, cảm xúc của anh trong hành trình tiếp xúc, cảm nhận về những người phụ nữ.

Quốc ngậm ngùi về cái chuyện “có nhau” trong tình yêu ở phần “Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”. Từ một truyện ngắn của Tô Hoài về một chàng trai chết vì người yêu đi lấy chồng, Quốc mỉa mai cay đắng rằng chết thế thiên hạ hẳn ai cũng chửi rằng ngu, phải “Tớ về lấy vợ thế là xong” mới được coi là đúng đắn.

Tác giả đã phân tích quan điểm về cái đẹp, từ hình thể đến số phận, từ trái tim đến nghiệp chướng thông qua những vần thơ của các danh sĩ, từ Lý Bạch đến Nguyễn Du, từ Bích Khuê đến Bùi Giáng… rồi còn cả từ những tác phẩm nước ngoài từ thơ của Goethe đến điện ảnh hiện đại… Tất cả được đưa ra như những tài liệu bổ sung, ủng hộ lập luận của tác giả.

Chỉ bằng một tác phẩm thể hiện hầu như toàn bộ những nỗ lực trong sáng tác nghệ thuật của anh thời gian qua, thậm chí ngay cả tranh minh họa cũng là những bức tranh do chính tay Quốc vẽ. Anh đã gặp rất nhiều người đẹp, đã trăn trở tìm một người của mình. Và chính sự trăn trở dồn nén buộc người nghệ sĩ phải tuôn trào, bằng thơ không đủ thì bằng tranh, bằng tranh không trọn vẹn thì bằng văn chương.

Có một điều khá thú vị về “Gái đẹp trong tôi”, bạn đọc nên chú ý một đoạn văn ngắn được in trên tấm gấp bìa 1 của blogger Lê Phương Thảo. Rồi tạm quên đi để đọc hết cuốn sách, đến cuối cùng, hẳn bạn nhận thấy có vẻ cái kết phủ nhận điều mà Phương Thảo đã viết. Nhưng cả hai giống như âm và dương, đối nghịch nhưng lại tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về cái gọi là “Gái đẹp”!

XUÂN THÂN

http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sachvacuocsong/2011/5/256823/


 

Đàn bà mãi mãi bí ẩn?


02/05/2011 22:07

gaideptrong_toi_R
Liệu có cần biết thật nhiều về đàn bà để viết một cuốn sách về họ? Nhà thơ Lê Minh Quốc, người từng tự nhận là “vốn không nhiều kinh nghiệm về đàn bà”,  vừa cho ra mắt tập bút ký Gái đẹp trong tôi (NXB Văn hóa - Văn nghệ).

Có một danh nhân từng nói rằng, để hạnh phúc với một người phụ nữ thì chỉ cần yêu nàng thật nhiều và hiểu nàng ít thôi cũng được. Điều này có lẽ đúng với Lê Minh Quốc. Kinh nghiệm về đàn bà không nhiều, nhưng sự trân trọng, ngưỡng mộ và say mê đối với đàn bà thì anh lại có thừa. “Gái đẹp” trong tập bút ký của Lê Minh Quốc thật đa đạng, từ những mỹ nhân nức tiếng trong văn chương như Thúy Kiều, Trương Quỳnh Như, đến những người phụ nữ trung trinh, tảo tần như bà cả của cụ Hải Thượng Lãn Ông và những phụ nữ được vua ban “tiết nghĩa khả phong”, cho tới cả những cô gái trong ca dao, thậm chí cả cô gái bia ôm… Dù cho thân phận họ thế nào, thì ngòi bút của Lê Minh Quốc cũng dành cho họ niềm thương yêu trong trẻo đến xót xa.

Viết về đàn bà, tất không thể không có đàn ông cùng những mối tình. Tài hoa của Lê Minh Quốc đặc biệt thể hiện trong những trang viết này. Anh không chỉ bàn luận một cách nồng nhiệt và đầy cảm xúc như một chàng trai đang yêu say đắm và khổ lụy về những mối tình trong văn chương như Kim - Kiều, Werthers - Lotte, cùng những mối tình của các danh nhân như Hải Thượng Lãn Ông, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, mà còn “dẫn gần xa” nhiều điển tích, thơ ca, khiến cho những câu chuyện tình ấy như được khoác một lớp áo mới lấp lánh đầy lôi cuốn.

“Đàn bà như thiên nhiên. Một thiên nhiên kỳ ảo nhất không kỳ quan nào trên trái đất có thể sánh bằng. Với thiên nhiên, ta chỉ chiêm ngưỡng, với đàn bà ta còn có thể khám phá. Khám phá thiên nhiên cũng là một cách thể hiện sự bất lực đấy thôi. Không thể đi đến tận cùng sự bí ẩn của thiên nhiên. Há chẳng sướng sao?” - Lê Minh Quốc đã viết như thế trong mục Tìm hoa quá bước. Phải chăng những khám phá về đàn bà của nhà thơ trong Gái đẹp trong tôi cũng là để thấy rằng đàn bà mãi mãi là bí ẩn?

Phạm Thu Nga

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110502/gai-dep-trong-toi.aspx



Lê Minh Quốc viết sách tặng người yêu

Thứ tư, 08/06/2011, 10:30


Nhà thơ người Quảng Nam chia sẻ, tình yêu của một người phụ nữ truyền cho anh cảm hứng viết cuốn sách 'Gái đẹp trong tôi'. Tác phẩm vừa ra mắt bạn đọc là một cách Lê Minh Quốc bày tỏ tình cảm với người mình yêu.

"Gái đẹp trong tôi", do NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa ấn hành, tập hợp những bài ký, cảm nhận, chia sẻ và luận bàn của Lê Minh Quốc thân phận người phụ nữ, về tình yêu trong các áng văn chương từ cổ chí kim. Mối tình Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Kim Trọng - Thúy Kiều, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đến chuyện tình của nhiều danh nhân như: Hải Thượng Lãn Ông, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu... được tác giả đề cập đến một cách nồng nhiệt, say đắm. Anh cũng thể hiện thái độ trân trọng và cảm thông với thân phận của người phụ nữ trong xã hội mọi thời đại.
Bìa cuốn sách 'Gái đẹp trong tôi'.
Bìa cuốn sách "Gái đẹp trong tôi".

Tại buổi giao lưu với bạn đọc vào cuối tuần qua ở TP HCM, Lê Minh Quốc chia sẻ, anh viết cuốn sách này tặng người yêu. "Khi tôi yêu một người phụ nữ thì lời tỏ tình có đáng gì đâu. Viết tặng nàng một bài thơ cũng chưa "ép phê" nên tôi muốn viết một cuốn sách cho nàng để cám ơn hình bóng mới, cảm ơn người đó đã mang tình cảm đẹp đến cho tôi".

Tại buổi giao lưu này, tác giả cuốn Người Quảng Nam cũng nêu ra nhiều đề tài tranh luận sôi nổi với bạn đọc về quan niệm trong chuyện yêu. Lê Minh Quốc cho rằng, một người đàn ông bản lĩnh là người biết quên đi sức ám ảnh của những cuộc tình đã qua. Anh bày tỏ, nếu đã yêu một ai thời trẻ mà không đến được với nhau thì cầu mong sao về già đừng bao giờ gặp lại. "Gặp lại nhau làm gì lúc đó khi đầu bạc, chân run... Còn đâu hình ảnh đẹp của thời hoa niên mà chỉ còn lại sự bẽ bàng mà thôi", Lê Minh Quốc nói.

ky_tang_sach_nguoi_dep

Lê Minh Quốc (phải) ký tên vào sách tặng độc giả tại buổi giao lưu ngày 5/6, trong khuôn khổ Ngày hội Vietculture lần đầu tiên diễn ra ở TP HCM. Ảnh: Thoại Hà

Trong một lần tâm sự với báo chí, Lê Minh Quốc cho biết, cuộc đời anh từng bị nhiều phụ nữ làm cho "lên bờ xuống ruộng". Nhắc lại ý này, một độc giả tại buổi giao lưu hỏi cắc cớ: "Anh có bao giờ anh làm cho người phụ nữ nào "lên bờ xuống ruộng" hay chưa?". Trước câu "hỏi khó", Lê Minh Quốc hóm hỉnh trả lời, nếu anh có đối xử với người phụ nữ nào như thế thì sau cùng người ấy cũng sẽ nói lời cám ơn anh vì đã mang đến cho họ những giây phút yêu đương đúng nghĩa.

Thoại Hà

http://evan.vnexpress.net/news/tin-tuc/trong-nuoc/2011/06/9666-le-minh-quoc-viet-sach-tang-nguoi-yeu/


 

Ngày hội quy tụ nhiều “cao thủ”

anh_tranhoang_nhan
28/05/2011 15:15

Từ ngày 1 đến 5.6 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (229 Lý Thường Kiệt, Q.11, TP.HCM) sẽ diễn ra Ngày hội sản phẩm các dịch vụ văn hóa do Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú, đặc biệt dành cho các em nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi.

Điểm nhấn của chương trình này là những buổi giao lưu với nhiều “cao thủ” trong làng văn nghệ: GS-BS Nguyễn Chấn Hùng sẽ diễn thuyết Tản mạn về vẻ đẹp con người (18 giờ ngày 1.6); GS-TS Trần Văn Khê với đề tài Âm dương trong văn hóa Việt Nam (19 giờ 30 ngày 2.6); nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói về Sách và đời sống tinh thần (18 giờ ngày 3.6); nhà thơ Nguyễn Duy: Tản mạn về thơ (9 giờ 30 ngày 4.6); nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Tác phẩm Kim Dung với bạn đọc Việt Nam (18 giờ ngày 4.6) và nhà thơ Lê Minh Quốc nói về cuốn sách mới nhất của anh: Gái đẹp trong tôi (9 giờ 30 ngày 5.6)...

H.Đ.N

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110528/ngay-hoi-quy-tu-nhieu-cao-thu.asp

"Tôi sẽ nói về thân phận của người phụ nữ từ cảm hứng 15 năm phiêu bạt giang hồ của nàng Kiều; và thông qua những số phận khác, số phận những người phụ nữ Việt Nam của xã hội thời trước mà thi hào dân tộc Nguyễn Du đã kêu lên thống thiết "Dau đớn thay phận đàn bà".

Tất nhiên trong buổi nói chuyện này, tôi còn đưa ra những cảm nhận về sự thay đổi của người phụ nữ trong thời đại @ từ phong cách sống, nếp suy nghĩ, quan niệm hôn nhân. Sự cảm nhận của một cá nhân có thể nhiều người không hẵn đã đồng tình. Nhưng bằng kinh nghiệm của một người đã từng "lên bờ xuông ruộng" vì họ, tôi sẽ cố gắng "tranh luận" với hết mọi ý kiến giao lưu.

LINH NGA (ghi)

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ 3.6.2011)

 


Nhà thơ Lê Minh Quốc miệt mài đi tìm “gái đẹp”

Thứ Tư, 04/05/2011 10:58

 

(TT&VH) - Trích dẫn rất nhiều sử liệu, giai thoại để tôn vinh phái đẹp, Gái đẹp trong tôi là cuốn bút ký mới nhất của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc vừa được NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.

Bỏ khá nhiều thời gian, đầu tư sức đọc, sức nghĩ, sức cảm từ vô số trang sách viết về phụ nữ xưa nay để làm nên Gái đẹp trong tôi - đó là hành động rất “ga-lăng” của gã đàn ông ngoài 50 tuổi, độc thân và cô đơn Lê Minh Quốc.

TT&VH có cuộc trò chuyện với anh.

* Với bút lực sung sức như Lê Minh Quốc, thật không có gì ngạc nhiên khi anh ra sách mới. Nhưng lạ là lần này, anh lại dành hẳn một cuốn sách để viết về “gái đẹp” hay đúng hơn là về phụ nữ. Anh có thể bật mí động cơ để anh viết nó?

- Trong cuộc đời, tôi vốn là người thô vụng trong giao tế, nhất là khi muốn ngỏ lời tán tỉnh một nhan sắc nào đó. Những ngày tháng này, tôi đang yêu một người phụ nữ. Nàng xinh, nàng đẹp, nàng ngoan, nàng thánh thiện nên khiến lưỡi tôi không thể thốt nên lời. Trước nàng, tôi chỉ câm như thóc, ngậm tăm như hến.

Chẳng lẽ im lặng mãi sao? Thế là tôi quyết định viết một cuốn sách, như một cách bày tỏ tình yêu của mình dành cho nàng. Viết cho nàng nhưng thật ra cũng là dịp chiêm nghiệm về những người đàn bà đã đi qua cuộc đời mình, đã để lại những vết xước ngọt ngào, những đòn roi đau đớn, những thất vọng điên cuồng... Và khi viết trong tôi luôn hiện lên 15 năm giang hồ phiêu bạt của nàng Thúy Kiều, để lấy đó làm âm hưởng chủ đạo cho tập sách này.

* Như vậy sau nhiều năm tháng yêu, được yêu và thất tình... Lê Minh Quốc mới có được Gái đẹp trong tôi?

- Tôi cho rằng sống trên đời này, thiên anh hùng ca hay nhất của mọi thời đại vẫn là sự phấn đấu cho hạnh phúc của lứa đôi. Ai sinh ra trên đời mà không ao ước được sống với người mình yêu? Sống bằng hơi thở của người tình? Hơi thở của người tình là nguồn sống. Nhưng than ôi, khát vọng ấy không dễ. Nhìn bốn phía hư không, phía bụi bặm trần thế đều thấy những chia lìa, đổ vỡ, ly tán, tan nát... Ngoảnh lại từ Đông sang Tây, những cuộc tình đẹp nhất của nhân loại đều trùng trùng nước mắt...

Vâng, từ Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đến Đồi thông hai mộ; từ Tristan - Iseul đến Đồi gió hú... cũng đã đầm đìa nước mắt. Đố ai tìm ra một áng văn trác tuyệt mà ở đó đôi lứa chỉ hơn hớn toe miệng ra nói cười và cầm tay nhau dung dăng dung dẻ bước trên thảm cỏ rải đầy hoa hồng thơm tho tình ái. Gái đẹp trong tôi cũng được viết trong tâm thế ấy thôi. Cái tâm thế mà trong tập Thơ tình của Quốc, có đoạn dằn vặt tôi tự hỏi chính mình: “Mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ Tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều?”. Gái đẹp trong tôi cũng góp phần trả lời câu hỏi đau đáu ấy.

dong_nghiep_n

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc và các nữ đồng nghiệp ở các báo, đài TP.HCM

* Nhìn lại các tao nhân thi sĩ mày râu tiền bối đã từng yêu và cảm thông cho thân phận đàn bà, bản thân anh sẽ bầu chọn ai là người đàn ông “ga-lăng” nhất?

- Tôi chọn thi hào Nguyễn Du. Trong vòng quay sinh tử một kiếp đàn bà, từ Văn tế thập loại chúng sinh đến Truyện Kiều, đã hai lần Nguyễn Du thốt lên thống thiết: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Tiếng kêu bi thương não nùng, vang vọng suốt 2.354 câu thơ Kiều từ thời Nguyễn Du đến “tam bách dư niên hậu” vẫn còn rõ mồn một. Đầm đìa nước mắt. Tôi ngờ rằng, với các nhà thơ cổ điển Việt Nam, chỉ Nguyễn Du là người cảm thương sâu sắc nhất đến thân phận kỹ nữ, đào nương “xướng ca vô loài”... Chính thân phận nàng Kiều đã tạo thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt giúp tôi đi tìm thấy Gái đẹp trong tôi.

* Xin cảm ơn nhà thơ!

Thanh Kiều (thực hiện)

http://thethaovanhoa.vn/173N20110504081809845T133/nha-tho-le-minh-quoc-miet-mai-di-tim-gai-dep.htm



Lê Minh Quốc và… gái đẹp

Thơ thì đã ra đến cả chục tập, nhưng tùy bút thì Lê Minh Quôc chỉ mới ra tập thứ tư, lại là tập văn mang cái tên khá “sốc”: Gái đẹp trong tôi (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM).

anh_tranhoang_nhan

Bàn về người đẹp hay sắc đẹp thì nhà văn tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều đã bàn, nhưng hiếm ai dám gọi thẳng ra là “gái đẹp”, lại thẳng thừng là “trong tôi”. Ồn ào và huỵch toẹt là bản tính của nhà thơ gốc Quảng này, nhưng mang cái tính ấy đi luận về phụ nữ thì coi chừng chị em… khó chịu đấy. Tưởng vậy, nhưng đọc Gái đẹp trong tôi để thấy  anh cũng biết cách “nịnh đầm” bằng những hiểu biết, trải nghiệm sâu rộng.

Đọc từng tản văn Hương gây mùi nhớ đến Máu ghen ai cũng cau mày nghiến răng rồi Đau đớn thay phận đàn bà… trong Gái đẹp trong tôi để thấy phái đẹp trong tư duy của Quốc là một  thế giới nhiều màu sắc.

H.T.C

(nguồn: báo CA. TP.HCM 3.5.2011)


Gái đẹp trong tôi

TTO - Có thể coi đây là một tập tạp bút hay tản văn? Có thể coi đây là một khảo luận khá dài hơi, hay một… công trình nghiên cứu nho nhỏ? Nhưng cũng có thể coi đây là những tâm tư, chia sẻ, tình yêu, lòng biết ơn của một người đàn ông về phụ nữ, trải dài tự cổ chí kim, qua thơ, văn, nhạc, họa…

Tất cả đều "có thể", trên một sự khẳng định, Lê Minh Quốc đã dành những tình cảm trân trọng yêu thương nhất đối với nửa kia của thế giới, ngoài tác giả mà lại luôn bên trong tác giả.

anh_tranhoang_nhan

Sách do NXB Văn Hóa- Văn Nghệ ấn hành

Cả tập sách gần 200 trang bàng bạc ca dao, sử liệu, Kiều… nhưng Lê Minh Quốc treo nó trên một chiếc đinh… @, nhìn người phụ nữ từ những… đêm online hôm nay! Ngay tự cái nhan đề gây không ít tò mò, thắc mắc, tưởng đâu "bông lơn", khi nhà thơ không nói "đàn bà trong tôi" hay "phụ nữ trong tôi" mà lại là… ""? Ấy cũng là cái chất Lê Minh Quốc, nếu đã biết hay đọc nhiều tác giả này.

Qua từng khía cạnh, từ những cuộc di dân trong lịch sử, thân phận nổi chìm, sự thủy chung… cho đến một làn hương trên mái tóc bàn tay, một cơn ghen giận… Lê Minh Quốc miên man, mê đắm, nhiều phen thổn thức nấc dài, với dung nhan và thân phận của nửa thế giới loài người trong cơn vật vã khao khát… được làm người, theo suốt chiều lịch sử.

Và nữa, tự phía mình, tác giả cũng khát khao không kém trong nỗ lực tìm vào bí ẩn của đối tượng mà muôn đời với đàn ông vẫn là một khoảng mơ hồ khôn tiếp cận! Mê khảo cứu truy tầm, Lê Minh Quốc đã lật dở cả núi tư liệu về phụ nữ xưa nay, để đưa vào trang viết nhiều trích dẫn khá bất ngờ và không kém phần thú vị, để biến chính cuốn sách của mình thành một nguồn tư liệu về phụ nữ.

NGUYỄN DANH LAM

(nguồn: Tuổi trẻ Online)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com