Đọc Tiếng Việt cắc cớ cũng cứng cựa (NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2024), ta thấy Lê Minh Quốc “vòng vo” không phải vì “không dám nói thẳng vào vấn đề”, mà là đi quanh truy tìm cho rõ ngọn ngành từng câu từng chữ trong tiếng Việt.
Trong “Từ điển Tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học Vietlex, 2020), “vòng vo” được giải thích: “(nói) vòng quanh, không đi thẳng vào vấn đề”. Dân gian có câu “Vòng vo Tam Quốc” để chỉ việc “không dám nói thẳng vào vấn đề”.
Nhưng “vòng vo” với Lê Minh Quốc thì không phải vậy. Đọc Tiếng Việt cắc cớ cũng cứng cựa (NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2024), ta thấy ông “vòng vo” không phải vì “không dám nói thẳng vào vấn đề”, mà là đi quanh truy tìm cho rõ ngọn ngành từng câu từng chữ trong tiếng Việt. Dù khiêm tốn cho rằng, “khó có thể “chốt hạ” dứt khoát”, khi ông trăn trở “chỉ một chữ/một từ thôi nhưng dẫu đằng đẵng canh thâu vò đầu bứt tóc, ngày rộng tháng dài nung nấu tâm can, tập trung suy ngẫm, suy nghĩ, suy luận nhưng rồi cuối cùng cũng chào thua”; nhưng đọc sách, mới thấy sau khi “vòng vo” cho đã đời, ông đã giúp người đọc sáng tỏ hơn về một chữ/ một từ nào đó…
Khi nói đến cuộc tranh luận thú vị trên cộng đồng mạng xã hội Facebook về hai chữ “giữa” hay “cuối” trong Truyện Kiều: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa/ cuối trời”, Lê Minh Quốc phải dẫn 2 từ ấy trong từ điển, rồi đặt trong tình huống/ ngữ cảnh của Truyện Kiều và các văn bản liên quan, trong đó có phân tích của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong tập sách Thả một bè lau, rồi “chốt hạ”: “thi hào Nguyễn Du sử dụng từ “giữa/ giữa trời” là chính xác, đúng với hoàn cảnh đang diễn ra, không thể thay thế bất kỳ một từ nào khác”!
Hay từ cái chuyện “ai đâu ở yên đấy” thời chống dịch Covid-19, tóc tai không hớt được, để bờm xờm, Lê Minh Quốc “ngồi nghĩ lan man mới thấy, cùng một nghề - nghề cắt tóc nhưng hai miền Nam Bắc có cách gọi khác nhau”. Phân tích từ những câu ca dao, tục ngữ “Xoen xoét như mép thợ ngôi”, “Mép thợ ngôi, môi thợ cạo”…, ông đi một vòng đến tự điển của Huình Tịnh Paulus Của rồi hồi ký Hơn nửa đời hư (Vương Hồng Sển), từ đó nhận ra: “Từ hù thời ông Huình Tịnh Paulus Của qua thời ông Vương Hồng Sển đã có khác. Hù từ chỗ ám chỉ con cọp hù đã thành động tác thổi hù/ thổi hù hù. Cái sự “ác ôn”, “éo le” của tiếng Việt chính là chỗ này, càng đi sâu vào tìm hiểu càng phát hiện ra nhiều chuyện bất ngờ ra phết”.
Bắt đầu bằng chữ “đánh” trong tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, vòng vo một hồi, Lê Minh
Quốc dẫn đến câu “Mập mờ đánh lận con đen/ Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi?” (Truyện Kiều), phân tích từ các văn bản liên quan giải thích từ “con đen” theo nghĩa “người ngu dại”, “người thường dân”, từ đó “chốt hạ” với cách chú giải của Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị (1895): “Con đen: con ngươi, tròng đen. Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”. Từ đó, ông xác quyết: “Thế thì, hành động xảo quyệt, dối trá của gã Mã Giám Sinh là đánh lận, đánh lừa cái nhìn của người khác, bất luận là ai chứ không chỉ “dân đen”.
Rồi lâu nay, “mồng tơi” trong thành ngữ “Kiết xác mồng tơi” (dị bản “Nghèo rớt mồng tơi”) thường gắn với hình ảnh rau mồng tơi “khi ngắt hết lá để nấu ăn chỉ còn trơ lại thân xác, đây là thành ngữ chỉ sự nghèo túng đến mức kiệt quệ”. Nhưng dẫn nguồn từ các tự điển, Lê Minh Quốc cho rằng, cách giải thích của Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học là hợp lý hơn: “…mồng tơi hay mùng tơi là phần trên của áp tơi che mưa nắng (…) Mùng tơi được kết dày, bằng các dọc lá tốt nên tơi rách mùng tơi vẫn còn nguyên. Áo tơi mà rớt mồng tơi là rách nát hoàn toàn…”.
Không dừng lại ở đó, Lê Minh Quốc “phát tiết” tranh luận, mà dân gian xứ Quảng thường dùng từ “cãi”, để từ đó chỉ ra những cái chưa đúng ở một số văn bản, dẫn đến cách hiểu sai lệch về tác phẩm văn học, nhân vật văn học.
Trong phần “Nói phải củ cải cũng nghe”, ông “rào trước”: “Có những tác phẩm văn học đã được nhiều người biết đến, lâu nay hầu hết chúng ta hiểu ngữ nghĩa của các từ được sử dụng, từ đó, đã mặc định cách hiểu là thế. Nhưng rồi, chắc gì đã thế, nếu khảo sát, tìm hiểu thêm một lần/ nhiều lần nữa. Thật bất ngờ, ta lại ra một cách hiểu khác”.
Như khi phản bác lại những đánh giá của PGS.TS Nguyễn Đức Ngôn trong “Các hình thức ngôn từ nghệ thuật trong Lục Vân Tiên”: “Cách gieo vần này có vẻ như gượng ép, nhiều từ dùng để gieo vần có vẻ như bị làm sai lệch về ngữ âm để cho phù hợp với vần chân và vần lưng”, Lê Minh Quốc dẫn chứng các từ điển và văn bản khác để khẳng định Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu đã dùng đúng từ. Ví dụ từ “nàn” trong “Cảm thương phận tớ mắc nàn khi không”, thì “mắc nàn” là “mắc nạn”, theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895) ghi nhận, giải thích “Tai hại, đồng nghĩa với tiếng nạn”. Hay trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã viết “Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương”…
Dẫn ra nhiều ví dụ như vậy, ông khẳng định “Rõ ràng, cách sử dụng vốn từ của cụ Đồ Chiểu hoàn toàn không phải “gieo vần lạ” “sai lệch về ngữ âm” gì sất”!
Với tinh thần lao động nghiêm túc, trên lĩnh vực khảo cứu, Lê Minh Quốc tập trung cho những nỗ lực gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt giữa thời đại hội nhập diễn ra một cách mạnh mẽ. Cùng với Tiếng Việt cắc cớ cũng cứng cựa, gần đây thôi, ông đã cho ra mắt Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (3 tập, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2021), Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm (NXB Trẻ, 2024).
Cái cách ông “vòng vo” để tạo nên hứng thú cho người đọc khi tìm về tận nghĩa của một chữ/ một từ trong tiếng Việt, cũng là một “duyên ngầm” mà không dễ có được!
ANH QUÂN (nguồn: báo Đà Nẵng cuối tuần - ngày 10.11.2024
Tiếp theo > |
---|