HỘI HOẠ Bài viết Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Giỡn với sắc màu

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Giỡn với sắc màu

Nói đến người đàn ông này khó dùng từ nào tương đối chính xác hơn từ “ham chơi”.

Lê Minh Quốc chơi thơ thì khỏi phải bàn, anh gắn bó tên tuổi mình cùng Nàng thơ hơn nửa đời người có dư. Lê Minh Quốc chơi tiểu thuyết thì hình như anh đã in vài quyển, chơi biên khảo thì lâu lâu lại cho ra đời một “công trình”, gần đây nhất là tập sách Người Quảng Nam (NXB Đà Nẵng) nổi đình nổi đám. Bạn đọc lại thường xuyên thấy anh xuất hiện trên tivi, nhưng không phải chỉ đọc thơ mà còn dẫn chương trình. Oách nhỉ? Lại thấy anh được Trung tâm Vietbook tặng cho giấy chứng nhận kỷ lục Việt Nam vì đã có ý tưởng thực hiện và tham gia làm tập thơ viết tay của các nhà thơ ở TPHCM trên giấy dó độc bản bán được hơn ¼ tỉ đồng góp quĩ từ thiện… Bao nhiêu thì đủ để một người ham chơi như anh cảm thấy “buồn” mà “dừng bước giang hồ” để “vui” bên mái ấm hưởng trọn những “đêm yêu thương vợ chồng”? (xin tiết lộ, nhà thơ – gã đàn ông gần 50 xuân này vẫn xanh, nghĩa là chưa lấy vợ). Vậy mà bây giờ… lại thêm một ngón chơi khác!

THN1



Gần một năm nay, “gã ham chơi” đã tự bổ sung vào bộ sưu tập “vui vẻ, lành mạnh” của mình những bức tranh do chính sự ngẫu hứng tạo nên. Nào là tranh hoa lá, nào là những mặt người và gương mặt của phút giây tự họa. Niềm vui, thú vui… với ai đó “nhanh đến chóng tàn” nhưng xem ra với Lê Minh Quốc thì dai dẳng lắm. Bởi tính cách của người đàn ông này rất quyết liệt và rạch ròi nên đã chơi thì phải chơi tới bến. Sự quyết liệt này được chính Lê Minh Quốc giải thích cho một bức chân dung tự họa: “Người ta tự họa một gương mặt, tôi chơi ‘hai trong một’ vì thật ra trong bản thể con người có thiện, có ác cùng song hành. Tôi cũng vậy”. Dám vẽ mặt mình một cách sòng phẳng theo luật đời như thế thì quá sức rạch ròi.

Một hôm, nhà thơ Đoàn Vị Thượng rủ tôi đi xem tranh, lúc đầu tôi tưởng là đi xem triển lãm. Mà cũng giống như đi xem triển lãm thật, còn hơn thế vì được xem triển lãm ngay tại nơi “sản xuất” để tận mắt thấy vài chục bức tranh sơn dầu đã được vẽ như thế nào. “Cuộc triển lãm” nơi chúng tôi đến không có lẵng hoa chúc mừng hay tiếng nổ của sâm banh, càng không có sự bày biện đầy chủ ý như ở các gallery chuyên nghiệp. Tất cả tự nhiên như ở nhà, mà là nhà của Lê Minh Quốc thì còn gì bằng. Tôi nhận thấy có quá nhiều màu sắc trên mỗi bức tranh và quá nhiều tranh trong một bức tường. Thật ngạc nhiên, dù đã chuẩn bị tinh thần, hóa ra ông Lê Minh Quốc “chơi thiệt” chứ không “dọa”. Còn nhà thơ Đoàn Vị Thượng khi xem tranh anh cũng háo hức lắm, vì cả hai là bạn đồng trang lứa, cùng tuổi Kỷ Hợi, sinh năm 1959, cùng đam mê đeo đuổi nàng thơ từ mấy chục năm nay và cả hai cũng đang có niềm đam mê mới với hội họa.

Để “tường thuật” hay “vẽ lại” một bức tranh với vài dòng chữ và với kẻ “mù tranh” như tôi là quá khó. Nhưng điều đầu tiên có thể thấy là trong tranh của “gã ham chơi” có thơ, có thêm ý tưởng cùng cảm xúc của người làm thơ. Thơ ở đây không bảng lảng, man mác… mà trực diện “đập” vào mắt người thưởng lãm. Trong bao phủ các cung bậc màu sắc thì thơ hiện lên bằng chữ nghĩa du dương vần điệu ngọt ngào ý tứ. Các con chữ là thủ bút của tác giả sáng tác tức thì ngay khi hoàn thành bức tranh cứ chực “bò” ra khỏi khung vải tìm hơi thở mới. Tôi chỉ dám nhận xét bằng trực cảm như thế thôi, chấm hết, chứ e rằng xem tranh mà nhiều lời thì khác nào “bôi bẩn” một họa phẩm.

Riêng nhà thơ Lê Minh Quốc thì chân thực: “Tôi chỉ vẽ chơi, chơi và chơi, không hơn không kém. Nhưng các bạn thử cầm cọ rồi mới thấy sức hút của nó mà ngôn từ  không diễn tả được. Mỗi màu sắc là một ngôn ngữ riêng, nhiều màu sắc gộp thành một câu chuyện, một bài thơ, một ca khúc… Khi cầm cọ, tôi có sự run rẩy của người mới yêu lần đầu”. Phải chăng đó là một lợi thế? Lê Minh Quốc chưa học qua trường lớp mỹ thuật nào để gọi là vẽ có kỹ thuật. Hai từ kỹ thuật trong nghệ thuật chuyên nghiệp nên dành cho những người sống với nghề. “Ở đây chỉ có cảm xúc non tơ, trinh nguyên… mà một nghệ sĩ lão luyện rất thèm khát quay trở về buổi ban đầu ấy” - Lê Minh Quốc bộc bạch.

Suốt buổi thưởng lãm, nhà thơ Đoàn Vị Thượng nhận xét đại ý rằng màu sắc và ý tưởng đều hay. Cũng theo Đoàn Vị Thượng, thì ở đời cách chơi của mỗi người mỗi khác, nên đây cũng là nét chơi riêng của Lê Minh Quốc. Ở ta, hiện nay nhà thơ “kiêm” luôn vai trò cầm cọ kể ra cũng hơi “bộn”, như: Phan Vũ, Trần Nhương, Lê Thị Kim, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo… và Lê Minh Quốc “chen” vào danh sách đó càng chứng minh thêm nhà thơ ở ta rất đa tài, cụ thể trong cái sự “thi họa tương phùng.

Sắp tới, “gã ham chơi” sẽ có cuộc triển lãm đầu tiên trong đời hứa hẹn nhiều điều khác lạ hiến tặng người xem. Một trong những điểm khác lạ đó là nhà thơ Lê Minh Quốc sẽ vẽ tranh cùng với bè bạn. Nghĩa là trên một bức tranh có hai tác giả chắc chắn sẽ… mới. Tôi được chứng kiến hai nhà thơ Đoàn Vị Thượng và Lê Minh Quốc cùng “giỡn với sắc màu” tạo ra bức tranh mang tên “Thi sĩ”. Cả hai ‘chàng” đều là thi sĩ, nhưng thi sĩ trên tranh thì mỗi người mỗi nét, mỗi sắc, mỗi “đường cong” tình cảm… Đây là lần đầu Đoàn Vị Thượng cầm cọ nên còn “run tay”, Lê Minh Quốc khích lệ bạn nên “chơi đi”, càng chơi sẽ càng thấy “đắm”.

TRẦN HOÀNG NHÂN

(nguồn: tạp chí Tài hoa trẻ 25.7.2007)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com