HỘI HOẠ Bài viết LÊ MINH QUỐC: Tết này nhớ ỚT

LÊ MINH QUỐC: Tết này nhớ ỚT

 

TẾT NÀY NHỚ ỚT

Trong tập truyện dài mới toanh Mùa hè năm Petrus , nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa có kể lại khá phong phú sinh hoạt của học trò miền Nam trước năm 1975. Trong đó, có cái thú sưu tầm. Nhân vật của anh tuyên bố một câu xanh rờn: “Thấy chưa mậy, không có sở thích sưu tầm nào thấp kém nghe mậy, kể cả sưu tầm báo Playboy…” (tr.332). Đúng quá! Lúc đó, chỉ mới học trung học, nhưng tôi đã có sưu tầm sách báo. Những tờ nhật báo như Điện Tín, Hòa Bình, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng… ba tôi đọc xong, trước khi bán ve chai, tôi thường cắt và giữ lại những bức biếm họa để dán vào sổ tay. Chỉ vì thích những nét vẽ ngộ nghĩnh, xem vui mắt chứ không hề hiểu đến ý nghĩa sâu xa của nó. Nhờ vậy, đến nay tôi vẫn còn giữ được nhiều biếm họa, trong đó có tranh của một đàn anh mà tôi rất quý mến, kính trọng: Huỳnh Bá Thành.

tet-lang-cuoi-2013R

Khi ký tên vẽ tranh biếm - như chính anh Huỳnh Bá Thành cho biết: “Họa sĩ Ớt, do một người bạn thấy bức tranh đầu tiên của tôi chua cay nên đặt cho tôi cái tên Ớt”. Qua tìm hiểu của tôi “người bạn” này chính là nhà thơ Cung Văn. Bấy giờ, trên nhật báo Chính Luận có hoạ sĩ biếm ký tên Tiêu Sọ - tờ báo này do Đặng Văn Sung chủ nhiệm kiêm chủ bút, số 1 phát hành ngày 5.4.1964 tại Sài Gòn, và có khuynh hướng thân quốc gia. “Tiêu Sọ”, ngụ ý cay lắm đó! Như một cách “bày tỏ chính kiến”, Cung Văn đặt bút danh Ớt cho bạn mình - nghĩa là cũng cay mà lại đặc trưng cho tính cách của người Quảng Nam - quê hương của hai anh.

Lúc anh Huỳnh Bá Thành mất, NXB Trẻ có in tập “Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) - Ký sự nhân vật”, trong đó còn thiếu những bức tranh mà tôi sưu tập, hơn nữa, do kỹ thuật in ấn thời đó nên hầu hết các tranh in lại đều không rõ hình, rõ chữ, mờ nhạt. Có một điều tôi phân vân là trong tập sách đó còn những biếm họa ký Thợ Cọ? Tại sao nghiên cứu về anh Huỳnh Bá Thành, tôi chưa tìm thấy tài liệu nào cho biết anh ký Thợ Cọ. Có sự nhầm lẫn gì chăng?

Từ Đà Nẵng, qua điện thoại, nhà thơ Cung Văn - người bạn chí cốt  làm “văn nghệ văn gừng” cùng thời với anh - cười khà khà: “Có một họa sĩ biếm đồng hương với Ớt tên là Thợ Cọ, nếu tôi nhớ không nhầm, tên là Trung. Về sau anh này mất ở biển Cà Ná, là bạn bè thân thiết với nhau, anh Ớt cũng ký Thợ Cọ; ngoài ra, khi viết báo anh Ớt còn ký tên Hai Mã Tấu cũng từ một tình bạn”. Test thêm thông tin từ nhà báo Đoàn Thạch Hãn, tôi được xác nhận Ớt cũng ký Thợ Cọ.

Như vậy là rõ. Dù rõ, nhưng ta cũng khó có thể phân biệt tranh nào chính Thợ Cọ vẽ và tranh nào Ớt vẽ ký Thợ Cọ. Tôi còn giữ bức tranh biếm của Ớt có ghi thêm: “Ớt vẽ thay Thợ Cọ 1 kỳ”. So sánh, nét vẽ của Ớt và Thợ Cọ, ta thấy y chang nhau, như song sinh. Đố ai có thể phân biệt được:

 

1R

 

Tết này, lật lại mớ tài liệu cũ, nhìn loạt tranh biếm họa này bỗng dưng lại nhớ đến anh Huỳnh Bá Thành. Nay, tôi giới thiệu cùng bạn đọc Làng Cười một vài sản phẩm độc đáo đó. Đề tài nay cam đoan không “đụng hàng”.

Trước hết về chuyện chống tham nhũng dưới chế độ Sài Gòn cũ. Có bức tranh ký Thọ Cọ, ta thấy có nhân vật hô to bốn lần: “Chống bọn tham nhũng…”; “Tận diệt bọn tham nhũng…”; “Cách chức tức khắc bọn tham nhũng…”. Nghe “cũng thương thôi”, nhưng đến lúc y hô câu thứ tư, ta thấy đểu quá: “Trừng trị bọn tham nhũng… không chịu đóng hụi chết”:


2-ot


Lại có bức tranh vẽ một VIP hút đường, những người hưởng “xái” đều bị kết án tù, còn y bình chân như vại và… bỏ đi một mạch!

3-OT

 

 “Múa gậy” cũng là bức biếm họa dũng cảm: 

 

4-ot

 

Cũng nhân đề tài này, tôi mời bạn đọc xem luôn bức tranh biếm vì sao không chế độ Sài Gòn không tiêu diệt được buôn lậu. Tranh vẽ như sau:

 

5-OT

 

Về mối quan hệ giữa Tổng Thẹo (cách gọi châm biếm của báo chí đối lập Sài Gòn cũ) và Nixon. Ớt có tranh vẽ khá độc đáo, không một lời chú thích. Tạp chí Đối Diện (số 61 tháng 9.1974) khi in lại ghi thêm: “Tôi trung tín; Tớ theo thầy”:


6-OT

 

Xem tranh biếm, có cái thú là ta hình dung được không khí xã hội thời đó, qua cái nhìn và suy nghĩ của quần chúng, phản ánh được nguyện vọng quần chúng. Chẳng hạn, “Làm thì láo báo cáo thì hay” là bức tranh có hai cảnh trái ngược nhau, xem xong chắc ta phải phì cười một cách chát:

 

7-OT

 

Đôi khi, không chỉ là cười, Ớt còn vẽ bức biếm dân nghèo thành thị “tiết kiệm nhiêu liệu” chua xót tột cùng:

8-OT

 

Bức tranh “Kinh tế hậu chiến” của Ớt cũng ngộ nghĩnh, thâm trầm:

 

9-OT

Trong tư duy của Ớt, tôi nhận ra anh luôn quan tâm đến đời sống của người nghèo. Chẳng hạn, đây là một bức vẽ “Hạn chế sinh đẻ” :

 

10-OT

 

Với chú thích: “Ông Đô buộc dân đi xe đạp phải sắm đèn và chuông, làm cho nhiều người nghèo phải lo. Ớt trình bày kiểu đèn và chuông tự túc để giúp dân nghèo làm vừa lòng ông Đô”. Ớt vẽ như sau:

 

11-OT

 

Dưới chế độ Sài Gòn cũ, có hay không sự “tự do báo chí”? Câu hỏi này thú vị quá đi chứ? Nhưng trong khuôn khổ một bài báo, tôi không thể trình bày hết một loạt tranh mà tôi đã sưu tập được. Để làm quà cho bạn đọc báo Làng Cười, tôi chỉ công bố một bức biếm họa chắc chắn của Ớt (vì không thấy ký tên, nhưng nét vẽ giúp ta xác định được tác giả):


12-OT


Tranh này đả kích vào Sắc luật 007/TT/SLU do Thiệu ký ngày 4.8.1972 nhằm bóp nghẹt quyền tự do thông tín báo chí. Chính Sắc luật này đã dẫn đến một sự kiện vẻ vang của làng báo miền Nam: “Ngày ký giả ăn mày” - diễn ra vào ngày 10.10.1974 tại Sài Gòn.

Tôi định viết thêm, nói thêm bỗng nhiên nghe câu thơ của trung niên thi sĩ Bùi Giáng vọng đến:

Thưa rằng: nói nữa là sai

Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

Xuân đang đến mà cứ bàn chuyện dông dài mãi nữa sao? Thôi, dành hẹn qua lại đề tài trên vào đúng dịp… 21.6 năm nay vậy, cũng trên tờ Làng Cười. Các bạn đón đọc nhá!

 

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: báo Làng Cười số XUÂN 2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com