HỘI HOẠ Bài viết PHAN HOÀNG: Nhà thơ cũng là họa sĩ

PHAN HOÀNG: Nhà thơ cũng là họa sĩ

 

Dù thành công hay chưa thành công nhưng việc các nhà thơ dũng cảm thử sức mình ở lĩnh vực hội họa đã chứng tỏ ý thức lao động sáng tạo nghệ thuật rất chuyên nghiệp. Khi bán được tranh thì cuộc sống thêm được cải thiện để họ tiếp tục cống hiến…

images439604_4a

Tranh sơn dầu Ghi-ta trên biển của Bùi Chí Vinh.

Gần đây, khi họa sĩ Phạm Cung công bố một số bức tranh do cố thi sĩ Bùi Giáng vẽ đã gây ngạc nhiên không ít người. Ngạc nhiên vì trước đó họ chưa hề nghe Trung Niên Thi Sĩ “chơi” hội họa bao giờ. Ngạc nhiên nhưng không lạ. Bởi việc giới làm thơ viết văn Sài Gòn một ngày đẹp trời nổi hứng vẽ tranh, vẽ rất nhiều, để triển lãm, không còn là chuyện lạ nữa, nhất là các thế hệ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất.

Riêng lĩnh vực thi ca, ngoài Ly Hoàng Ly vốn xuất thân từ trường đại học mỹ thuật thì các đàn anh đàn chị như Đỗ Trung Quân, Lê Thị Kim đều thành danh bằng thơ trước khi được gắn thêm “mác” họa sĩ. Đỗ Trung Quân với những bức minh họa đầy chất thơ cho trang thơ các báo đã chinh phục cả những người yêu thơ và yêu hội họa khó tính. Anh cũng vẽ tranh nhưng hầu như chỉ lưu truyền trong bạn bè.

Còn Lê Thị Kim từ khi “nhảy” vào vẽ tranh hơn chục năm trước, chủ yếu bằng sơn dầu, đã cố gắng tìm chỗ đứng của mình trong hội họa bằng những cuộc triển lãm tập thể trong và ngoài nước. Tiền bán tranh cũng là một cứu cánh cho chị thời điểm gặp khó khăn…

Cách đây hơn 3 năm, làng văn nghệ TP.HCM chợt xuất hiện thêm một nhà thơ “phóng” vào hội họa: Lê Minh Quốc. Lúc đầu tưởng đây chỉ là cuộc chơi nghệ thuật để anh có dịp lên tivi hay xuất hiện mặt báo, không ngờ anh lao vào vẽ như điên hàng mấy năm trời, hoàn thành mấy chục bức sơn dầu và tham gia triển lãm tập thể tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Tranh của Lê Minh Quốc cũng giống như thơ anh, hồn nhiên và phiêu bồng, ngẫu hứng và thăng hoa, chiêm nghiệm và trải lòng. Bây giờ thì đằng sau cái danh nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc đã có thêm cái “mác” họa sĩ. Xứng đáng thôi.

Và mới đây, đầu tháng 11-2012, giới văn nghệ lại thêm một ngạc nhiên thú vị nữa: nhà thơ Bùi Chí Vinh mở cuộc triển lãm tranh “Ngày sinh của Ngựa” tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Gần một năm nay mỗi khi gặp nhau anh Bùi Chí Vinh hay khoe những tấm ảnh chụp tranh anh vẽ nên chuyện anh vẽ tranh không còn gây ngạc nhiên. Điều tôi bất ngờ là chỉ trong hơn một năm anh vẽ đủ số tranh cho một phòng triển lãm cá nhân. Một sức làm việc đáng nể cho một họa sĩ “trẻ” như họ Bùi.

Phòng tranh “Ngày sinh của Ngựa” khai mạc sáng ngày đầu tiên tháng 11, dù sinh nhật của Bùi Chí Vinh là 23-10. Thi sĩ họ Bùi vốn nổi tiếng “ngang tàng” này tự khẳng định: “Trên thực tế tôi từng có những thành tựu nhất định về thơ về văn về kịch bản phim và bây giờ phiêu lưu qua lĩnh vực hội họa. Mỗi thứ một chút, thứ nào chán thì thay thứ khác. Cuộc sống nghệ thuật cũng cần thay đổi như xiêm y, mỗi mùa một loại y phục, chán viết văn, viết kịch bản phim thì làm thơ, vẽ tranh. Đó cũng là một cách để tôi tồn tại”.

Đông đảo bạn văn nghệ và người yêu họa yêu thơ đã có mặt để chung vui với phòng tranh Bùi Chí Vinh. Các đồng nghiệp cùng thế hệ với anh như Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Lê Thị Kim, Hồ Thi Ca… đi ngắm rất kỹ từng bức tranh. Riêng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn là một trong những người gắn nơ mua tranh Bùi Chí Vinh. Chẳng biết mức thu thực sự là bao nhiêu nhưng khá nhiều bức tranh giá vài trăm đến cả ngàn Mỹ kim đã được gắn nơ, mà người mua chủ yếu ở trong làng văn nghệ.

Mới biết, tình văn nghệ thời nào cũng đáng quý. Không chỉ chia sẻ với đồng nghiệp cái đẹp trong tranh mà văn nghệ sĩ còn san sẻ với nhau những khó khăn về kinh phí để bạn mình tiếp tục tồn tại và cống hiến.

Dù thành công hay thất bại nhưng việc các nhà thơ như Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc… dũng cảm thử sức mình ở một lĩnh vực sáng tạo mới đã chứng tỏ ý thức lao động nghệ thuật rất chuyên nghiệp của họ. Khi bán được tranh thì cuộc sống thêm được cải thiện để họ tiếp tục cống hiến.

Và cũng biết đâu mai sau khi nói đến tên các nhà thơ - họa sĩ này thì có thể có người nhớ ngay đến các bức tranh và… quên thơ. Làm nghệ thuật mà có cái để người đời nhớ là vui rồi. Sự sàng lọc của thời gian sẽ nhận chân giá trị đích thực của mọi sáng tạo.

Phan Hoàng

(nguồn: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2012/11/303837/

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com