BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Ai chịu gù, cong, còng, cóng…?

LÊ MINH QUỐC: Ai chịu gù, cong, còng, cóng…?


 

ai-chi-gu-cong-con-cong

 

 

Thiếp đang mắc nước xe lồng 

 

Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu 

 

Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu

 

Thua thì thua quyết níu lấy con 

 

Về từ chịu, có thể nói đây là một trong những từ có nhiều hàm nghĩa, và dễ gây tranh cãi vì không phải ai cũng hiểu như ai; hoặc hiểu đúng theo ý của tác giả. Trong câu thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, có phải, chàng kiêu hãnh bảo rằng, làm như vậy, đến như vậy là nàng đã chịu, đã hài lòng, đã ưng ý?; hay chàng xụi lơ ngay đơ cán cuốc thều thào mà rằng, đã đến nước này thì bó tay, chào thua, không còn có thể gắng sức, ráng sức thêm được nữa? “Thiếp rằng chẳng chịu” rõ là không đồng tình, không ưng ý, không chấp nhận lời đề nghị đó. Thế thì, cùng từ chịu nhưng hiểu rõ ý của nó không dễ.

 

Theo Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, chịu có đến 7 nghĩa: 1. Tiếp nhận cái không hay cho mình; 2. Tiếp nhận các tác động từ bên ngoài vào; 3. Nhận cho mình mà chưa trả được; 4. Thừa nhận cái mạnh người khác cũng như thừa nhận sự bất lực của mình; 5. Bằng lòng một cách ngượng ép; 6. Cố gắng làm việc nặng nhọc, khó khăn; 7. Vừa lòng, vừa ý. Về đại thể là vậy, nhưng tùy theo ngữ cảnh, có từ chịu chắc gì ta có thể hiểu dễ dàng theo kiểu “rập khuôn” này.

 

Xin thử nêu một vài thí dụ, để thấy từ chịu đã “chơi khăm” chúng ta ra làm sao. Chẳng hạn, khi được giao làm một việc gì đó, người này bảo: “Việc này, tớ chịu chết”. Vậy, chịu chết này có đồng nghĩa với chịu chết trong câu ca dao: “Dao phay kề cổ, máu đổ chẳng màng/ Chết thì chịu chết buông nàng không buông”? Chịu trong câu ca dao này, ta hiểu theo nghĩa 1 của từ điển là sẵn sàng chấp nhận chuyện tồi tệ, không hay dẫu có xẩy ra thì mình cũng bất sá nhưng câu “Việc này, tớ chịu chết” lại là chịu thua, không thể làm được. Còn ở câu thơ của Hồ Xuân Hương, “chàng bảo chịu” hiểu theo nghĩa 4; “nàng chẳng chịu” hiểu theo nghĩa 7 nhưng lại phủ định là không hài lòng, không  vừa ý với lời thú nhận của chàng, dù cả hai đều xuất hiện từ “chịu”.

 

Với từ chịu này, ta hãy khảo sát trong câu thơ của Tú Xương. Rằng, ngày Tết, ông cao hứng viết câu đối dán vào cột nhà, tủm tỉm cười, nhìn vợ mà rằng: “Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?/ Rằng hay thì thực là hay/ Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài/ Xưa nay em vẫn chịu ngài”. Từ chịu này, có hàm nghĩa như chịu trong câu tục ngữ “Giàu út ăn, khó út chịu? Ta hiểu sau khi lo cho các anh chị, tài sản gì còn lại thì cha mẹ dành hết cho út, bấy giờ nếu nhà vẫn còn tài sản thì tốt, út hưởng trọn; bằng không, chẳng còn gì thì út phải chịu. Chịu ở đây là chấp nhận lấy sự việc hiển nhiên, đương nhiên này, chứ không thể, không còn cách nào khác. “Trời giục mặc trời, lão cứ chây/ Trời đành phải chịu lão bài bây” (Tú Mỡ) - dù không thích, không khoái, không chịu nhưng ông trời cũng phải đành chịu, bó tay trước kẻ cố ý kéo dài, dây dưa, không thèm làm theo, nghe theo.

 

Trong một tình huống khác, lúc Thúc Sinh viết bài thơ “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” tặng Kiều và bảo họa lại. Nàng trả lời: “Lòng còn gửi đám mây Hàng/ Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay”. Thì, giữa “chịu chàng” của nàng Kiều và “chịu ngài” của bà Tú Xương có một cùng nghĩa?

 

Trong Truyện Kiều chú giải (Ziên Hồng XB năm 1959), nhà nghiên cứu Văn Hòe cho rằng: “Chịu ở đây là chịu lại, chưa trả, khất đến sau sẽ trả (nợ)… Nhận được thơ người ta mà chưa họa vần được, tất phải khất đến khi khác và như thế tức là chịu người ta một bài thơ, chưa trả cũng như là chịu một món  nợ vậy” (tr. 282). Vậy, chịu ở đây là khất lại, hẹn lại vào dịp khác, cần phải có thời gian. Với Kiều, sở dĩ như thế vì trong lòng còn đang nhớ cha, nhớ mẹ “Lòng còn gửi đám mây Hàng” nên chưa có hứng làm thơ thù tạc đành phải chịu, là hiểu theo nghĩa 3. Tuy nhiên, tùy ngữ cảnh nếu chưa trả cái gì có tính chất thiên về vật chất, tiền bạc thì chịu tức là mắc nợ nhằm chỉ ai đó nhận trước, xài trước nhưng lại trả tiền sau như mua chịu, ăn chịu dẫn tới thiếu chịu, chẳng hạn, như tình huống trong câu ca dao: “Khoan khoan quần tía xuống màu/ Dây lưng mua chịu khoe giàu với ai?”.

 

Còn chịu ở câu thơ “Xưa nay em vẫn chịu ngài” là hiểu theo nghĩa nghĩa 7, là bà Tú khẳng định sự hài lòng, ưng ý, tâm phục khẩu phục. Thế nhưng, thiệt éo le cũng là chịu nhưng chắc gì hàm ý như kiểu như bà Tú dành cho chồng? Ta hãy xét câu thoại: “Cậu làm vậy, tớ chịu cậu”. Có thể hiểu là sự hài lòng, vừa ý, khâm phục, phục lăn chiêng đèn cù, khen ngợi nhưng tùy ngữ cảnh chịu này lại là bày tỏ sự thất vọng, không còn biết nói năng gì thêm nữa.

 

Từ cái sự chịu của nàng Kiều, ta liên tưởng đến thành ngữ “Chịu chày chịu cối” nhưng chịu này lại là khất lần khất lữa, cố tình dây dưa, kéo dài. Thiệt oái oăm, chịu có khi lại chấp nhận, đồng ý, tỷ như lúc Kiều tâm tình cùng Thúy Vân: “Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Chịu lời là nhận lời một cách tự nguyện. Đôi khi lời nói/ tiếng nói cũng được hiểu na ná, nhưng chịu lời/ chịu tiếng lại khác nhau. Chịu lời là do vì cái gì đó từ bên ngoài mà mình phải chịu như: “Mang bầu chịu tiếng thị phi/ Bầu không có rượu lấy gì mà say” (ca dao); còn chịu tiếng là mang tai mang tiếng, mắc phải lời chê bai nào đó, khó thanh minh thanh nga.

 

Trong khi đó cũng là chịu nhưng “Chịu đấm ăn xôi”, “Chịu đói còn hơn chói xương”, “Chịu dại chịu thua đừng đua với giải” - lại chỉ sự chấp nhận, chịu đựng một cách cố tình, cố ý có mục đích. Mục đích đó tốt hay sau mới là câu chuyện đáng bàn. Chẳng hạn, thời buổi này có câu tuyên bố xanh rờn, thoáng nghe qua đã thấy sốc: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" - câu nói ngụy biện trật cù chìa này về một quan niệm sống đã khiến không ít người choáng váng, ứ chịu! Thiên hạ đã phê phán, bình luận nhiều. Không nhắc lại. Ai cũng gù, vậy, mình cũng phải chịu gù theo?

 

Tréo ngoe thiệt.

 

Ở đây, ta hiểu thế nào là gù? “Biến dạng lưng do cột sống lưng hoặc thắt lưng lồi ra phía sau quá mức” (Từ điển bách khoa Việt Nam); tuy nhiên, cần bổ sung thêm: “Lưng cong xuống hoặc nổi bướu” (Đại từ điển tiếng Việt). Và do cái lưng đó cong lại như hình dáng con tôm nên mới có khẩu ngữ “lưng tôm” tức cái lưng đó cong/ gù.

 

Cong có nhiều kiểu như cong queo/ cong quẹo/ cong quèo, cong như vỏ đỗ, cong veo, “Trời mưa nhà dột chảy re/ Lá tre hứng nước, ngọn tre cong vòng” (ca dao)… Thế, cong cớn là cong thế nào? Là từ nhằm chỉ người đàn bà có biểu hiện từ cử chỉ điệu bộ khiến ta thấy chua ngoa, đanh đá, chao chát. Cong còn có nhiều từ đồng âm, chẳng hạn, trong quan hệ tưởng rằng xuất phát từ tình cảm, yêu nhau chân thành cỡ như chỉ cần “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” nhưng nào ai biết tỏng tim đen chỉ do “Chị tưởng anh có tiền đầy gác; anh tưởng chị có bạc đầy cong”, chứ yêu với đương cái quái gì. Từ cong này cũng như trong câu “Mặt tày lệnh, cổ tày cong”, ta hiểu ra làm sao?

 

Cong, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Đồ đựng bằng sành cao và có hông”; tương tự, theo Việt Nam tự điển (1931): “Đồ bằng sành, hình như cái vò: Một cong nước”. Tuy nhiên, cái cong này người miền Nam còn gọi cóng, Từ điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín ghi nhận; và Phương ngữ Nam Bộ của Bùi Thành Kiên giải thích theo hai nghĩa: “1. Vật dụng hình trụ, bầu hông, có quai để đựng chất lỏng; 2. Lu khạp nhỏ bằng đất nung để đựng nước”. Sở dĩ, phải giải thích cặn kẽ, vì nếu khi đọc các thành ngữ này găp từ cong/ cóng, nếu ta không hiểu bèn tra cứu trên… Goolge ắt bù trất, bó tay!

 

Cong, tùy trường hợp, có thể hiểu là cụp, chẳng hạn, với câu nói: “Cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”, ta hiểu cong ở đây là cụp, tức cái đuôi hạ xuống và quắp vào. Mà cụp cũng hàm nghĩa như cúp, chẳng hạn, “cúp bình thiết” là cụm từ dùng để chỉ người già, yếu, lưng đã cong quặp xuống. Mà, lưng cong còn gọi là lưng còng, “Chồng còng lại lấy vợ còng/ Nằm chiếu thì chật, nằm nong thì vừa”. Thế nhưng khi nghe câu đồng dao “Bà còng đi chợ trời mưa/ Cái tôm cái tép đi đưa bà còng” thì bà còng này chính là… con còng. Do ám chỉ con còng nên vế sau mới có con tôm, cái tép là vậy. Nay, có lẽ ít ai còn nhớ đến thành ngữ “Quân móc còng” nhằm chỉ “Những người không biết điều, quân quê mùa”, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích. 

 

Trái nghĩa với cong/ còng là thẳng. Có nhiều kiểu thẳng như thẳng đuột, thẳng đuồn đuột, thẳng băng, thằng bong/ thẳng tắp, thẳng tuột… Nhưng không phải lúc nào người ta cũng dùng từ thẳng, tỷ như “Thằng còng làm cho thằng ngay ăn” - ngay trong ngữ cảnh này không phải ngay thẳng hiểu theo nghĩa thẳng thắn, chất phác, chân thật mà chính là “ngay lưng” - nhằm chỉ kẻ làm biếng chảy thây, không việc gì mó tay làm. Người làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối, bán lưng cho đất bán mặt cho trời mà thành quả đó, kẻ ngồi không lại hưởng ngon ơ bà ờ.

 

Éo le thiệt,

 

Dù ngay cũng hiểu là thẳng nhưng “thẳng lưng” lại khác với “ngay lưng” ở chỗ: hiểu theo nghĩa bóng “thẳng lưng” là chỉ sự ngay thẳng, chính trực biết phân biệt chính tà, phải trái chứ không hùa theo đám đông, gió chiều nào theo chiều đó mà có chính kiến rõ ràng, cứ theo lẽ phải mà làm. Sự chọn lựa tích cực còn thể hiện qua câu “Cây ngay không sợ chết đứng”. Phải thế chứ, thiên hạ chỉ nể trọng những ai dám “thẳng lưng”, chứ nào phải biện minh kỳ quặc: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

 

Mà, gù cũng có từ đồng âm, chẳng ai đó nói: “Xem kìa, chim trống gù chim mái”, thì gù này là động từ nhằm chỉ tiếng kêu trầm, dài để tán tỉnh, quyến rũ. Từ đây, gù đồng nghĩa với o, gò, ve… mà phái nam dùng tán tỉnh, thả thính phái nữ. Như ta đã biết, một khi cái bướu nổi trên lưng thì gọi gù nhưng nổi trên cổ, trên tay lại gọi là u, chẳng hạn, “Vai u thịt bắp. Vói từ u này, khi quan sát con bò, khi nhìn thấy khối u đó trên cổ, có người đã ứng tác câu vè cực kỳ ba trợn cà rỡn, vui thôi, đừng bắt bẽ gì: “Con bò có một cái u/ Đàn ông sợ vợ thì ngu hơn bò”. Ai tán thành thì mặc, chứ những ai vốn “anh hùng râu quặp” như tôi đây, do đã biết thân biết phận nào dám ho he gì.

 

Đã không dám ho he gì, vậy, ta hãy quay lại bàn thêm về từ “chịu” cho thiện lành. Rằng, đọc lại ca dao Nam Bộ có những câu liên quan đến chịu nhưng chưa chắc ta đã rõ nghĩa, chẳng hạn, “Cắn răng bóp bụng chịu đần/ Dầm sương phản mại tảo tần đợi anh”. Trước hết, xin giải thích “phản mại” là tiếng lóng ở trong Nam hiểu theo nghĩa mua đi bán lại. Còn chịu đần là gì? Là cam chịu bị hành hạ, bị người khác làm cho khổ sở - Đại Nam quấc âm tự vị giải thích.

 

Không những thế, còn có chịu đèn là lấy từ hình ảnh con vật trố mắt nhìn thấy đèn rọi của thợ săn, đứng yên, không chạy, thợ săn dễ dàng ra tay bắt lấy. Về sau, nó trở thành tiếng lóng ám chỉ sự đồng thuận, xiêu lòng của người khác phái mà bấy lâu nay mình tán tỉnh, ve vãn… Tuy nhiên, chịu đèn còn dùng để nói kẻ nào đó bấy lâu ứ chịu nhưng nay đã chịu há mồm ra đớp của đút lót rổi lo việc gì đó cho mình, trường hợp này còn từ tương đương mỉa mai hơn là chịu mồi, nói cách khác chính là “cá đã cắn câu”.

 

Thế đấy. Thế mới thấy từ chịu “lôi thôi” quá đi thôi. Tuy nhiên, với các cách giải thích này về từ chịu, nghe chịu quá đi chứ, phải không bạn ơi? Lập tức nghe câu khen: “Xưa nay em vẫn chịu ngài”, tôi đây liền mát lòng, hả dạ và chịu ngay tắp tự.

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 243 tháng 11.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com