Kể ra cũng lạ. Mà, thật ra chẳng lạ gì.
Có những từ khi tra cứu tự điển không thấy cách giải thích, chẳng qua, người ta bỏ sót đấy thôi. Hỏi, bởi vừa đọc lại truyện ngắn Mua nhà của Nam Cao, có đoạn: “Bỗng tôi nghe một tiếng trẻ con khóc nức nở và hờ: “Mẹ ơi!…”. Rồi truyện ngắn Báo hiếu trả nợ mẹ của Nguyễn Công Hoan cũng có câu: “Áo quan chưa ngắm đúng hướng, người ấy đã nhảy đánh tụp xuống mà nằm thẳng cẳng ra, ôm chặt lấy mà hờ, mà khóc. Rồi quá lắm, đến nỗi ngất đi”.
Hờ là gì?
Có phải “hờ” này là “đặc sản” của vốn từ người Bắc chăng? Hỏi như thế, vì khi khi tra cứu nhiều từ điển trước đây của người miền Nam không thấy giải thích. Dù rằng, dấu vết “hờ” còn tìm thấy qua thành ngữ “Hờ cha khóc mẹ” (Pleurer ses parents défunts) - Từ điển Việt-Hoa-Pháp của J.F.M. Génibrel in tại Sài Gòn năm 1898 đã ghi nhận. Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Hờ: Khóc kể lể thảm thiết”.
Vậy, “Khóc mướn thương hờ” cũng hiểu như nghĩa trên?
“Hờ” trong ngữ cảnh này lại là giả vờ, tạm bợ, thể hiện sự thương xót là do người ta bỏ tiền ra mướn nên mới thương với khóc, chứ không thật lòng vì thương mà khóc, ấy là nước mắt cá sấu. Có thể tìm thấy trường hợp này trong truyện ngắn vừa nêu trên của cha đẻ Kép Tư Bền: “Trong cái phương du đi sau nhà táng, thì họ hàng thân thích, chen lách mà bước từng bước một. Tiếng khóc than kêu gào thảm thiết, ai nghe thấy cũng phải não lòng. Người ta bảo là bọn khóc mướn, nhưng lấy gì làm chứng?”.
Khóc mướn, là khóc thuê. Thuê đồng nghĩa với mướn. Ai trả tiền cho công việc nào đó thì làm/ làm mướn. Thế nhưng một khi mình có cái gì đó, do thừa thải hoặc chưa cần sử dụng đến, cho người khác tạm thời sở hữu, tất nhiên đôi bên thỏa thuận về giá tiền họ phải trả lẫn thời gian hoàn trả lại vật dụng đó cho mình thì cũng gọi là mướn/ cho mướn. Thí dụ, có người bảo: “Tớ có mảnh đất này, có ai mướn không”, tức là người đó đang cho mướn, ai thích thì nhào tới thương lượng.
Này cô Hai, với từ “cho mướn” này, tôi sực nhớ đến một câu chuyện khá thú vị trong làng báo nước nhà ngày trước. Chẳng phải khoe khoang gì, tôi đây từ thuở chân ướt chân ráo vào đời đến nay chỉ kiếm cơm bằng nghề viết mướn, nói trắng phớ ra làm cái nghề cày sâu cuốc bẩm trên cánh đồng chữ nghĩa. “May thuê, viết mướn kiếm ăn lần hồi” (Truyện Kiều) nhưng khác Vương Quan ở chỗ là viết báo cho thiên hạ đọc, chứ không phải viết câu đối, thư từ… ai thuê gì viết nấy. Do đó, tôi luôn quan tâm đến chuyện bếp núc của nghề báo. Trong vô số các chuyện đã đọc, đã nghe kể có chuyện này liên quan đến từ mướn, trộm nghĩ cô Hai chưa biết đến, vậy, kể lại cho vui.
Trước khi vào chuyện, xin dài dòng mà rằng, thời Pháp thuộc, các tờ báo đều bị con mắt cú vọ của bọn nhân viên Ty kiểm duyệt soi mói từng câu, “vạch lá tìm sâu” từng chữ... Do đó, có nhiều bài báo bị xóa một phần nội dung nhưng người ta không cho phép để trống lổ chổ, lỏm chỏm, nham nhở ấy trên mặt báo. Như thế, không khác gì tố cáo bài báo đó bị kiểm duyệt à? Để trả đũa, có tờ báo chơi khăm lại bằng cách “tiếp thu có chọn lọc” sáng kiến của đồng nghiệp bên Pháp: Nếu các nhà báo Pháp phản ứng bằng cách ngay những chỗ trống đó, họ in hình cái kéo, ngụ ý bài báo đã bị cắt xén/ cắt phéng thì ở Nam Kỳ, các nhà báo ta lại đóng khung và in hai chữ “CHO MƯỚN” bự tổ bố, to tổ chảng. Lật tờ báo ra thấy đầy rẩy hai chữ này, độc giả có thể hiểu nơi đó cho mướn để đăng quảng cáo hoặc những đoạn “nhậy cảm” đã bị kiểm duyệt cắt phéng. Tùy, ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Cú phản đòn độc đáo này đã khiến quan Thống đốc Nam Kỳ rất bực bội, cay cú bèn gọi sếp kiểm duyệt quở mắng và dọa đuổi việc nếu cứ để nhà báo nước Nam “ghẹo nhây” mãi. Thế là họ tìm cách “chơi” lại nhà báo một vố thật đích đáng nhằm kiếm cớ đóng cửa tờ báo đó, thậm chí truy tố cả ông chủ báo ra tòa cho bõ ghét.
Lần đó, bài báo nọ có đoạn: “Dân chúng ước mong ông Thống đốc sẽ dùng quyền uy rộng lớn để sửa chữa một bất công quá rõ rệt ngõ hầu nhân dân không thể ngờ vực sự sáng suốt quang minh của chánh phủ, đề phòng sự bất bình ngấm ngầm nhen nhúm trong dư luận, tức là mưu lợi cho cả nhân dân lẫn chánh phủ”. Câu này, rõ ràng là ý kiến xây dựng chứ nào xỏ xiên gì đâu. Thế nhưng do bấy lâu bực bội trò chơi khăm của báo này, thế là sếp kiểm duyệt bèn cắt bỏ từ đoạn “sửa chữa” đến “... tức là”. Cứ như mọi lần, ông chủ báo bèn “bổn cũ soạn lại”, thành ra câu đó sẽ là: “Dân chúng ước mong ông Thống đốc sẽ dùng quyền uy rộng lớn để CHO MƯỚN mưu lợi cho cả nhân dân lẫn chánh phủ”. Thế là ông chủ báo đã sa bẫy ngon ơ, sụp hố ngọt xớt, không cựa quậy gì nổi!
Chuyện này nào ai dám bịa, người kể chính là nhà báo lão thành Hoàng Phố. Báo chí tập san - Báo của người làm báo (bộ 1, số 1, phát hành Xuân 1968) tại miền Nam đã in rành rành, còn cho biết: “Ông là một trong những người cộng tác đầu tiên của tờ Lục tỉnh tân văn và điều khiển nhiều tờ báo ở Sài Gòn”. Kể lại chuyện này, ông Hoàng Phố kết luận: “Làm báo mà bị kiểm duyệt thì không có thời nào dễ chịu hơn thời nào hết”. Đã kể xin kể nốt, sau thời Pháp, qua thời Mỹ ở miền Nam, khi bị kiểm duyệt thì hầu hết các tờ báo đều bỏ trống, ghi dòng chữ T.Y.Đ.B nghĩa “tự ý đục bỏ”; hoặc dùng mực đen bôi lấp dòng chữ đã in. Ai biểu đục bỏ? Ai bảo bôi đen? Độc giả tự hiểu lấy. Có một điều kể ra cũng vui vui, cơn cớ làm sao các nhà báo thời Pháp thuộc lại gọi mỉa mai nhân viên kiểm duyệt là “bà kiểm duyệt” (?) - dù đàn ông đảm nhiệm công việc này? Nhà thơ Tú Mỡ có nhiều thơ trào phúng cực hay chế giễu cái bà hắc ám, hắc xì dầu này, cứ tìm đọc Giòng nước ngược ắt rõ.
Câu chuyện thú quá, phải không? Tất nhiên. Vậy, ta lại tiếp tục bàn nốt về từ mướn. Thì đó, “Khóc mướn thương hờ” na ná “Thương vay khóc mướn”, cũng là một cái nghề kiếm cơm trong đám ma ngày trước. Có thành ngữ, ta thấy rành rành từ mướn nhưng hiểu rõ nghĩa cũng chẳng dễ dàng: “Gánh bàn độc mướn” là gì? Ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Thày lay, gánh vác chuyện kẻ khác”, xét ra nó rất gần với câu: “Việc nhà thì nhác, việc cô bác thì siêng/ Ăn cơm nhà, vác ngà voi/ Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”? Về từ mướn Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương có câu thơ về tình cảnh người phụ nữ làm lẽ:
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Nếu xét về nội dung, ta ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ làm lẽ - mà “lẽ” lại viết dấu ngã. Vô lý không? Cứ như theo Đại từ điển tiếng Việt: “Lẽ: Điều được coi là hợp đạo lý, hợp quy luật, là nguyên nhân của sự việc”. Một khi cưới thêm vợ lẽ thì đâu thể “hợp đạo lý, hợp quy luật” trong quan niệm một vợ một chồng? Vợ chồng là chẵn, được ví như có đôi có đũa “Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”. Thế thì, cái sự cưới thêm người “nâng khăn sửa túi”, phải gọi vợ lẻ (dấu hỏi), hiểu theo nghĩa “dôi ra, thừa ra” thì mới hợp lý chứ?
Đã mướn thì phải trả công, trả tiền hoặc bằng hình thức khác miễn đôi bên cùng thỏa thuận do mình đã mượn công sức của họ. Đã vỗ ngực xưng tên “dân chơi” thứ thiệt, một khi đã mượn thì phải trả, có thể chỉ cần trả nguyên vẹn, trả đúng, đủ như hiện trạng ban đầu là được. Thậm chí, có thể thua thiệt về mình như “Vay đấu trả bồ” cũng không sao, vì:“Vay chín thì trả lên mười/ Phòng khi túng lỡ có người cho vay”. Ông bà ta dặn dò đừng quên: “Vay nên ơn, trả nên nghĩa” tức đã vay thì phải trả sòng phẳng để giữ trọn ơn nghĩa lâu bền; đừng bao giờ giở thói “Vay mật trả gừng”. Một khi nghe câu: “Có vay có trả” thì ngoài sự trả vay còn được hiểu có ăn có trả, có làm có chịu, chứ không hồ đồ đổ thừa rằng vì, do, bởi nhất là… “tại thằng đánh máy” nhằm né tránh trách nhiệm. Đúng vậy không cô Hai?
À, đôi khi đọc văn học cổ, nếu gặp từ “vay”, ta cũng hiểu như vay trong nghĩa vay mượn chăng?
Lại có một cành ngoài ấy lẻ,
Bóng thưa ánh nước động người vay.
(Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập)
Lỡ làng chút phận thuyền quyên
Bể sâu sóng cả có tuyền được vay?
(Nguyễn Du - Truyện Kiều),
Vay lại là thán từ tỏ ý than tiếc - tùy vùng miền có thể là sao, nhỉ, dẫy na, vậy à, vậy thay, răng rứa, hả, hén… Nay, từ cảm thán “vậy vay” (vậy sao? có phải như vậy chăng?) hầu như không mấy ai sử dụng nữa. Như đã biết, vay cũng hiểu là mượn. Ca dao Nam Bộ có câu:
Tới đây mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi
Chỉ mượn thế thôi, còn chấp nhận được. Láu cá và ghét nhất vẫn là những ai “Mượn đầu heo nấu cháo”. Lúc trả lại, cái đầu heo đó, thử hỏi nó còn chất béo bổ gì nữa không? Hiểu theo nghĩa bóng là chê trách kẻ giả dối, bòn rút lợi lộc của người khác một cách tinh vi, ma mãnh, chẳng khác gì kẻ “Mượn hoa cúng Phật”. Trông bề ngoài bảnh tỏn, oách xà lách nhưng thực chất rỗng ruột, chẳng có gì sất, người miền Nam gọi là kẻ “Mượn thuyền lái mướn”, tức của cậy mượn của người khác, chẳng phải của mình. Tùy ngữ cảnh “mượn” còn hàm nghĩa lợi dụng cơ hội nào đó để thực hiện việc có lợi cho mình, chẳng hạn “Mượn gió bẻ măng”. Đôi lúc không cần xuất hiện từ “mượn” theo nghĩa trên, lại là “Té nước theo mưa/ Đục nước thả câu/ Đục nước béo cò”…
Lúc Thúc Sinh đóng vai “anh hùng cứu mỹ nhân” đã thực hiện chiêu: “Mượn điều trúc viện thừa lương/ Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi”, mượn lại là dựa vào, nhờ cậy, lấy cớ. Lúc Thúy Kiều bị quan phủ mắng: “Tuồng chi hoa thải hương thừa/ Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”, trong ngữ cảnh này, mượn lại được hiểu là giả dạng. Xin nói luôn, “con đen” này không phải là hạng người như theo Đại từ điển tiếng Việt (1999): “Dân thường, không có địa vị, bị coi là thấp hèn” mà cần đặt trong tình huống cụ thể nêu trên, “con đen” tức là con ngươi, tròng đen như Đại Nam quấc âm tự vị (1895) đã giải thích, tức giả dạng son phấn bề ngoài đặng đánh lừa cái nhìn của bất cứ ai.
Khi A kể cho vợ: “Nè vợ, thằng Tèo vào được công ty đó, là nhờ chồng mượn tiếng của B đó”. Trong ngữ cảnh này, có thể A không quen biết, không thân thiết với B nhưng vẫn lẳng lặng “Mượn hơi hùm rung nhát khỉ”, lòe người khác để mọi việc suôn sẻ; nhưng cũng có thể do là bồ tèo, bầu bạn nên A nhờ cậy B với uy tín, vị trí sẵn có nói thêm vào một tiếng cho mọi việc thuận lợi hơn. Mượn tiếng trong chừng mực nào đó cũng là một cách mượn danh - tỷ như kẻ xấu mượn danh nhà cơ quan chức năng mà tác oai tác quái. Mượn lời là nhắc lại y chang lời của người khác để câu nói của mình ép-phê hơn, có trọng lượng hơn, ví như nhà nghiên cứu lý luận nọ kết luận: “Tóm lại, về sứ mệnh của thi ca, Nguyễn Du nói rằng…, Nguyễn Trãi cho rằng…, Cao Bá Quát khẳng định rằng…”. Còn “mượn tay” chẳng phải cầm lấy bàn/ cánh tay của người đó mà lại lợi dụng người khác làm thay việc gì có có lợi cho mình.
Rõ ràng có nhiều cách mượn, nhưng rồi cô Hai à, tôi đây vẫn thương thương cho anh chàng nọ. Ngày nọ, anh ta hí hửng khoe vợ: “Nè cưng, tía con Mì vừa mượn được cái đầu máy karaoke, chiều nay, cưng tha hồ luyện giọng nhá?”. Nào ngờ, cô vợ bĩu môi cái rẹt: “Ai mượn?”. Câu nói này không nhằm xác định lần nữa ai mượn, lại là lời than phiền ai biểu/ ai sai/ ai nhờ/ ai khiến mà xớn xác, láu táu “cầm đèn chạy trước ô tô”? Bị mắng quá hớp đến thế, phải làm sao? Dễ ẹt, cứ học hỏi kinh nghiệm của Thúc Sinh - đệ nhất cao thủ võ lâm trong chốn anh hùng râu quặp là xong tất, phải vậy không cô Hai?
L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 166 tháng 11.2021)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|