BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Rửa chén cùng mẹ

LÊ MINH QUỐC: Rửa chén cùng mẹ

RRRua-chen-cung-me_101636042044

 

Đôi khi tôi nghĩ, một tác phẩm văn học đã được phát hành rộng rãi, thì số phận của nó thế nào là do bạn đọc quyết định, tất cả đều ngoài tầm tay của nhà văn. Tác phẩm Rửa chén cùng mẹ (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM-2021) của nhà văn Nguyễn Đình Xê cũng là trường hợp tương tự. Dù đã nhiều năm tháng có mặt trên trường văn trận bút, nhưng đến lúc ngoài “lục thập”, anh mới có tác phẩm đầu tay này. Vậy, anh đã chọn những gì để tạo nên ấn tượng?

Tôi thấy rằng, anh đã tìm về những kỷ niệm êm đềm nhất trong thời thơ ấu của mình, qua đó, chắt lọc lại những êm đềm còn sót lại trong tâm tưởng để dựng nên tác phẩm. Anh kể: “Những lần trở về đứng cạnh mẹ bên gian bếp, thò tay vào mớ rau muống mẹ đang lặt, hay loay hoay cùng mẹ bên bồn rửa chén, tôi lại có thêm một lần nghe những câu chuyện của bà. Vẫn nhiều sôi nổi, hào hứng dù giọng mẹ bây giờ đã yếu đi thấy rõ. Nhờ vậy mà anh em chúng tôi thỉnh thoảng trở về với tuổi thơ, san sẻ những hồi ức không chỉ riêng của mỗi người”.

Trong tập sách này, Nguyễn Đình Xê đã vận dụng cái thế mạnh từ lời kể của mẹ, từ sự cảm nhận tinh tế, để gửi đến người đọc những trang viết thấm đượm ký ức khó quên. Ở đây, tôi cảm thấy có một điều gì đó rất xao xuyến. Chẳng hạn, với những vật dụng cũ trong nhà, thông thường người ta tìm mọi cách bỏ đi, nhưng khó lắm, vì vật dụng ấy không phải một giá trị bình thường nữa, nó còn gắn với kỷ niệm. Ví dụ như một cái tủ cũ, nhưng với người mẹ: “Không ít lần bà nhẹ nhàng mở cánh cửa, nhoài người đưa mũi hít thật sâu mùi hương trong tủ. Mùi hương gần gụi đưa bà trở lại ngày xưa có bóng ông bên cạnh. Góc này là chỗ máng bộ vest của ông, góc kia là nơi bà mắc từng tấm áo dài. Đây rồi, ngăn kéo yêu thương nơi bà giữ kỹ từng lá thư ngày xưa ông viết cho bà”. Vậy, cái tủ đó đã trở thành một phần ký ức trong đời sống của người mẹ đấy chứ?

Và, ai cũng có những kỷ vật, những kỷ niệm như thế. Ca dao Việt Nam có câu: “Ra về để áo lại đây/ Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng”. Mùi hương của cái áo đó gợi nhớ tình cảm xao xuyến không nguôi. “Mẹ tôi cũng kể những năm tôi đi học xa nhà, ba tôi vẫn thường mang chiếc áo cũ nồng mùi long não của tôi ra, đưa lên mũi hít hà cho đỡ nhớ con. Khi tôi lập gia đình, ông cũng làm như thế với những chiếc áo còn sót lại của cháu nội lúc chúng tôi chuyển đến sinh sống và lập nghiệp ở phương xa.

Tôi không nghĩ rằng ba tôi quá ủy mị, yếu mềm đến thế. Mùi hương với ông là một phần không thể thiếu trong thương nhớ và hoài niệm. Nỗi nhớ của ông không dừng lại ở chỗ thổn thức, bi ai, mà thường kéo theo cả một trời lo toan, chăm sóc dành cho con cháu”. Vậy đó, một mùi hương còn để người ta gợi nhớ về một tình cảm yêu thương trong gia đình, cả những kỷ niệm xúc động…

Nhưng rồi tôi bất ngờ khi biết có một con phố không còn mùi hương/hương thơm nữa. Anh kể câu chuyện, nghe lại ắt sẽ thấy có một điều gì đó khiến chúng ta tiếc nuối. Rằng, ở con đường đó ngạt ngào mùi hương hoa lý, có một người vẫn thường qua lại đây mỗi ngày và tận hưởng mùi hương đó. Ngày kia, vào đêm rất khuya trên đường đi về, anh nhìn thấy tay thanh niên bặm trợn, trấn lột ông già. Lúc đó anh đã lướt ngang qua, anh bỏ đi, hay anh dừng lại can thiệp? Khi con đường đó trở về bình yên với mùi hương quen thuộc, anh cảm nhận như thế nào?

"Anh không sợ gã trai nào đó cũng thình lình xông ra hành xử thô bạo với mình như với người đàn ông tội nghiệp kia, dù không có gì đảm bảo chuyện ấy không xảy ra”. Thế thì anh sợ cái gì ở đây? Nhân vật xưng anh trong tùy bút này cho biết: “Anh đang sợ chính mình”. Là sợ nỗi “hổ thẹn về sự yếu hèn”, bởi anh đã không dám đối mặt với cái xấu đang diễn ra. Từ đó, con phố đó, với anh, không còn mùi hương nữa. Một tùy bút nhỏ gợi cho chúng ta thấy trách nhiệm của chính mình, trách nhiệm phải giữ gìn và nâng niu cái đẹp.

Trong tập sách này, Nguyễn Đình Xê còn viết tùy bút mà tôi rất thích, ví dụ tiếng “đằng hắng” - là tiếng ho khẽ, làm hiệu của người miền Trung. Với sự tinh tế của người xưa, đôi khi dạy con không bằng tiếng nói, không bằng răn đe, không bằng quát nạt, mà chỉ là một tiếng “đằng hắng”. Nghĩa là lúc đó đã có một sự báo hiệu không đồng tình về một điều gì đó từ người lớn, lập tức con cái trong nhà đã tự biết để chấn chỉnh lại hành động, hoặc lời ăn tiếng nói của mình.

Có thể nói, Nguyễn Đình Xê biết đi vào chi tiết rất nhỏ trong đời sống để dựng lên tập Rửa chén cùng mẹ. Đây là một tác phẩm không đặt những vấn đề lớn lao, chỉ những ngóc ngách rất nhỏ bé trong tình cảm của mỗi người, nhưng đáng đọc và suy ngẫm. Tuy nhiên, tôi nghĩ tùy bút còn có thể triển khai rộng hơn, sâu hơn, bởi đây là một thể loại cần sự từng trải của nhà văn, như đang tâm tình trò chuyện với bạn đọc, nếu anh viết kéo dài thêm nữa, chắc chắn đó sẽ là những tùy bút thực sự đầy đặn.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 5.11.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com