Khi chạm vào ngưỡng cửa “lục thập”, bất ngờ nhà thơ Trương Nam Hương lại có Thời nắng xanh & những bài thơ khác (NXB Hội Nhà văn - 2022). Với thế hệ chúng tôi, có lẽ Hương là người gặt hái thành công sớm hơn cả. Từ năm 1989, anh nhận giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; năm 1991, niềm vui lớn là giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó, thêm một vài giải thưởng khác nữa. Lúc còn trẻ, khi bước vào trường văn trận bút, ai cũng cần một vài thành tích tương tự, như một cách khẳng định tên tuổi của mình. Nhưng rồi, một khi đã sống chết với nghề thì tôi nghĩ, điều đó không quan trọng lắm đâu, vì rằng, cốt lõi cần thiết nhất của người sáng tác vẫn là nội lực đường dài.
Mà, ở đó, “cuộc chiến” duy nhất vẫn là chính mình có “vượt qua chính mình” hay không? Vì lẽ đó, khi nhận tập thơ này của Trương Nam Hương, thú thật tôi hồi hộp lắm. Bạn thơ đã viết những gì? Có gì khác 10 tập thơ trước đã in, đã tạo dấu ấn trong lòng người yêu thơ? Và, hơn cả thế, đó cũng là lúc tôi nhớ lại ngày tháng hoa niên còn sống trong Ký túc xá của Trường Đại học Thủ Đức, chúng tôi đã chia sẻ cho nhau vần thơ mới viết, khoe cùng nhau bài thơ được chọn in trên báo. Thoáng đó, đã hơn 30 năm đồng hành cùng nhau làm bạn với Nàng Thơ, từ lúc tóc xanh nay đã nhuốm màu mây trắng…
Thơ ơi, có những gì trong thể loại này mà chúng tôi mê đắm, đeo đuổi gần cả đời người?
Trương Nam Hương tự nhủ: “Tứ như vốc hạt tình gieo xuống/ Mảnh đất hồn ta chữ lặng chờ/ Ngày như giấy trắng, đêm như mực/ Ngọn bút khơi mầm - những luống thơ”. Công việc của người làm thơ đấy thôi, nói như Tagor chính là người làm vườn. Thi vị quá. Và, trong cảm xúc ấy, anh có lúc: “Cỏ mềm xanh thót trái tim/ Ta ngồi ngóng khoảng chiều im, thót buồn/ Chim kêu thót ngực hoa vườn/ Em xa, hòn sỏi cuối đường thót đau”. Chính lẽ ấy đã bật ra tiếng thơ? Tất nhiên rồi. Nhưng rồi, trong đời sống của mỗi người không chỉ có thế, không chỉ có “em” mà còn là các mối quan hệ khác nữa.
Tôi vẫn thích nhất những câu thơ anh đã viết về mẹ. Đọc đi. Sẽ nhớ. Sẽ có gì rưng rưng ngay từng dòng chữ thơ: “Đưa mẹ vào Tháp cốt/ Quay về, con bần thần/ Quên hóa vàng đôi guốc/ Lên đó Người lạnh chân”. Thế đấy, lũ chúng ta đôi khi lơ đễnh quá, sinh thời mẹ thương yêu ta máu thịt biết dường nào, sao ta lại quên đôi guốc lúc tiễn mẹ? Có gì nhoi nhói trong lòng. Đó chính là mỹ cảm của thơ. Với lúc nhớ về cha, anh viết: “Áp mặt vào sông/ Bóng cha đáy nước/ Người khuất lâu rồi/ Vớt thương chẳng được”. Rồi nhìn ra cõi nhân gian, lúc tiễn những người đã mất trong Covid-19, anh ngậm ngùi: “Người mới đây người… không thấy nữa/ Nhang vẽ chân dung, khói điểm thần/ Lẩn về cuối ấy đi qua lửa/ Nến tiễn thương buồn - lệ ngún thân”. Ngậm ngùi quá đỗi.
Khi đến với một tập thơ, hoặc bất kỳ loại hình nghệ thuật sáng tạo nào, mỗi người đều có cảm nhận dành riêng cho tác phẩm đó. Khi đọc Thời nắng xanh & những bài thơ khác, tôi còn thích những tứ tuyệt khắc họa văn nhân tài tử trong nền văn học Việt Nam. Trương Nam Hương đã tự thử thách chính mình khi bút pháp chỉ cho phép bốn dòng, không hơn không kém mà vẫn “vẽ” ra con người ấy. Anh đã thể hiện thế nào? “Mắt dẫu mù lòa, tâm dẫn bước/ Con thuyển đạo nghĩa chở thơ theo/ Thương dân, trĩu khẳm tình yêu nước/ Cụ hóa Vân Tiên đứng mũi chèo”. Hoặc: “Chị vẫn mời trầu, thơ đãi khách/ Xòe tay hầu quạt thế gian này/ Duyên chung không thắm, tình riêng bạc/ Vén váy ngôn từ ghẹo ngốc ngây”. Không gần giải thích, hẳn bạn đọc đã nhận ra đây là 2 danh nhân lớn mà UNESCO vừa thông qua quyết nghị sẽ kỷ niệm toàn thế giới.
Nói xa chẳng qua nói gần, khi đọc tập thơ của người cùng thời, điều khiến tôi âu lo nhất là dạo này thơ họ thế nào? Với Trương Nam Hương, qua tập thơ này đã tan biến nỗi lo, còn lại niềm vui. Vui vì bạn vẫn còn nỗ lực, đau đáu cùng thơ như một cái nghiệp mà có lúc anh trầm ngâm tự hỏi lòng mình: “Trà đậm chiều thơ, từ vẫn phụ/ Tóc trang giấy trắng bạc sang ngày/ Lòng nhạt trách gì đêm chả cũ/ Ấm ngồi trơ bã. Cạn câu hay”. Lo là lo vậy. Câu thơ hay vẫn còn. Thời nắng xanh vẫn còn… Có thể nói, ở tập thơ này, cái nhìn của Trương Nam Hương về sự vật, sự việc sâu lắng và trầm tĩnh dù vẫn theo phong cách đã có nhưng lần này, các con chữ chặt và nén hơn nữa. Nói cách khác “gừng càng già càng cay”.
L.M.Q
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 12.1.2022)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|