BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết lê Minh Quốc: Tập sách Văn học Nam Bộ 1945-1954: Một góc nhìn mới

lê Minh Quốc: Tập sách Văn học Nam Bộ 1945-1954: Một góc nhìn mới


 

trang-15van-hioc-nam-bo

Phải nói rằng, mãi cho đến thời điểm này, văn học Nam Bộ giai đoạn 1945-1954 vẫn còn đang là một khoảng trống, chưa có nhiều công trình nghiên cứu chu đáo, bài bản nhằm giúp người đọc có cái nhìn tương đối đầy đủ. Trước năm 1975, nếu kể đến, theo tôi đáng chú ý nhất vẫn là Văn chương tranh đấu miền Nam, Văn chương Nam Bộ và cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1950 của nhà nghiên cứu, GS Nguyễn Văn Sâm. Rồi, nay còn là chuyên khảo Nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học  Nam Bộ thời kỳ 1865 - 1954 (NXB Giáo dục VN- 2018) do  PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân chủ biên. Ngoài ra còn là nỗ lực của nhiều tác giả khác qua những bài viết chuyên đề nghiêm túc, tuy nhiên diện mạo của văn học Nam Bộ vẫn chưa thể hiện một cách rõ nét, thỏa đáng.

Một trong những lý do dễ dàng nhận ra nhất vẫn là do thiếu tài liệu về sách báo đã in ấn phát hành trong giai đoạn đó, kể cả nhân chứng... Chính vì lẽ đó, có những tên tuổi nổi bật của một thời, nay, ít người còn biết đến, chẳng hạn Tam Ích, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh, Hợp Phố, Hoàng Tấn, Vũ Anh Khanh v.v… Đội ngũ cầm bút của người miền Nam xuất hiện trên lãnh vực văn chương miền Nam, báo chí miền Nam hầu như dần dà đi vào quên lãng. Đó là sự đáng tiếc, vì rằng, chính con người và tác phẩm đó đã là nên hồn cốt của nền văn chương phía Nam trong dòng chảy của nền văn học cả nước. Nếu quên lãng, nếu thiết sót là làm nghèo đi dấu ấn văn học của chính chúng ta.

Mới đây nhất, lần đầu tiên công trình nghiên cứu có tính chất “dài hơi” đã hoàn thiện: Văn học Nam Bộ 1945-1954 (NXB TH TP.HCM-2021) của nhóm thực hiện là các nhà giáo, nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Thanh Xuân. Lê Thụy Tường Vi, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thúy. So với những gì bạn đọc đã biết, lần này, tài liệu công bố lần này ở mức độ đầy đủ nhất trong khả năng có thể. Nhóm tác giả cho biết Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Xã hội TP.HCM, nhà lưu niệm Đông Hồ ở Hà Tiên, GS Nguyễn Văn Sâm, nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Anh, nhà sưu tập Hoàng Minh, cô Phương Lan - phu nhân nhà văn Thẩm Thệ Hà… đã cung cấp nhiều tài liệu hiếm hoi và quý giá.

Sự chu đáo này rất cần thiết, bởi lẽ, nhìn về một giai đoạn văn học, để có cái nhìn đầy đủ và cẩn trọng vẫn là văn bản, tiếp cận từ văn bản. Có thể vui mừng nhận ra rằng, lần này nhóm thực hiện đã khắc phục, bổ sung nhiều thiếu sót của người đi trước. Công trình nghiên cứu này đã chứng minh những điều mới mẻ như dòng chảy chủ lưu của nền văn học miền Nam trong giai đoạn này chính là phát triển trong không gian đô thị và chiến khu của nhiều thế hệ cầm bút Bắc, Trung, Nam hoạt động trên vùng đất này. Do hoàn cảnh chính trị bấy giờ, các tác phẩm ấy, nói như nhà văn Thiếu Sơn là không đóng khung trong “tháp ngà văn chương” - ở đó nổi bật sự dấn thân, không chỉ bằng tác phẩm mà còn là cuộc đời của chính họ. Thế thì, suy luận ra rằng, sau này khi bàn về “văn học trong vùng tạm chiếm miến Nam” của giai đoạn 1954-1975, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, trong đó có tính cách yêu nước, tiến bộ và cách mạng, thì rõ ràng, đó sự tiếp nối những gì mà thế hệ trước đã thực hiện, đã đặt nền móng.

Không chỉ có thế, điều mà chúng tôi lấy làm tâm đắc, ưng ý và hoàn toàn tán thành còn chính là ở chỗ góc nhìn của nhóm thực hiện không bỏ quên dòng văn học đứng ngoài trào lưu tranh đấu: “Tuy không đóng góp trực tiếp vào công cuộc chống ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất nhưng vẫn ít nhiều có giá trị trong việc phản ánh tinh thần của công chúng đương thời và góp phần bảo lưu, phát triển văn hóa Nam Bộ trong một giai đoạn lịch sử” (tr.63). Âu cũng là đặc thù của văn học miền Nam kể từ giai đoạn 1945-1975 chứ sao? Nói như thế, là cần thiết, vì rằng, tinh thần “gạn đục khơi trong” ấy là một ý thức khi tìm về văn học ở phía Nam. Cái nhìn này đã không loại bỏ tác giả - tác phẩm dù không trực tiếp đấu tranh nhưng góp phần tích cực hướng bạn đọc về tình tự dân tộc, thiên nhiên, phong tục… của một vùng đất.

Với tập sách này, ta thấy nhóm tác giả đã đề cập đến các vấn đề căn bản của nhiều thể loại như thơ, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học. Xét ra, phạm vi nghiên cứu đã rộng rãi, đầy đủ hơn những công trình trước đó. Thiết nghĩ, từng chủ đề đó, có thể xem là cách gợi mở, đặt vấn đề một cách nghiêm túc để sau này sẽ có những công trình chuyên đề nghiên cứu sâu hơn nữa.

Với sự vui mừng về Văn học Nam Bộ 1945-1954 đã là một đóng góp mới, rất đáng hoan nghênh, nếu có sự góp ý nào đó, tôi chỉ dám thưa rằng, phải chi nhóm tác giả bổ sung thêm, đầy đủ hơn nữa phần tài liệu mà trước đây GS Nguyễn Vân Sâm đã thực hiện: “Tác giả và tác phẩm căn bản của văn chương Nam Bộ 1945-1950”. Sở dĩ như thế, đây chính là “bảng chỉ đường” quan trọng để người nghiên cứu đi sau sẽ tìm cách tiếp cận, khai thác sâu hơn nữa.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 4.5.2021)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com