Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trường hợp kỳ lạ: ngay từ lúc xuất hiện với một vài truyện ngắn đầu tay, lập tức ông đã tạo nên sự tranh luận dữ dội.
Từ nhiều góc nhìn, nhiều đánh giá khác nhau về các chi tiết, nhân vật của ông, tưởng chừng như bên nào cũng “có lý”. Người khen thì đã khen hết mực, người chê cũng gán ghép cho ông biết bao từ ngữ chẳng mấy hay ho. Nói cách khác, trong thập niên 1980 của thế kỷ trước, Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một hiện tượng văn học sáng giá. Còn nhớ, trong khoảng thời gian đó, hầu như truyện ngắn nào của ông in ra, thiên hạ cũng bàn tán râm ran thú vị, thậm chí cãi nhau chí chóe.
Kể ra “sức mạnh” của nhà văn còn là ở chỗ đó nữa. Và, tất nhiên, tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp nổi như cồn. Tâm lý của bạn đọc lẫn… các nhà phê bình cũng lạ, không chỉ bàn đến văn chương, họ còn quan tâm cả sinh hoạt đời thường của ông nữa. Về chi tiết này, nói một cách bông lơn, Nguyễn Huy Thiệp bấy giờ đã “đình đám” không thua kém gì giới showbiz.
Còn nhớ nhà phê bình nổi tiếng Văn Tâm đã khắc họa về ông: “Kìa, nhà văn trẻ Nguyễn Huy Thiệp chưa đến tuổi bốn mươi mà đã “Mặt phong trần nắng nám mùi dâu” đang gò lưng đạp xe trên đoạn đường ngoại ô lầm lụi: cái xe đạp “cai lục lộ” lọc xọc, bộ quần áo xoàng xĩnh, cái mũ nan rẻ tiền đội cũng được mà vứt đi cũng được… Anh đang đến một cơ quan sản xuất vật chất của Bộ Giáo dục để làm những công việc không liên quan mấy đến văn chương, cũng không liên quan đến chuyên môn sử học của anh: cộng cộng, trừ trừ, sắp sắp, xếp xếp… Để rồi khi chiều xuống đêm buông vắng lặng, anh lại miệt mài viết, tiếp tục mơ màng trò chuyện cùng ta…” (Báo Văn Nghệ số 48 ngày 26/11/1988).
Kể ra đây cũng là một đoạn văn “lạ” trong phong cách phê bình quen thuộc thời đó, tức là nhà phê bình còn bổ sung chi tiết đời thường nhằm góp phần tìm hiểu thêm về nhà văn, chứ không chỉ dừng lại ở văn bản. Không những thế, Nguyễn Huy Thiệp còn nổi tiếng đến độ vào khoảng tháng 11/1994 khi ông mở quán Hoa Ban ở đường Nguyễn Văn Cừ bên Bát Tràng, lập tức đã có hơn 300 bạn bè văn nghệ sĩ ùn ùn kéo sang đó ngày khai trương. Đến để thưởng thức món ăn ngon? Không. Bấy giờ, có nhà phê bình đã nói đùa mà thật: “Món ăn đặc biệt nhất ở quán này chính là bộ mặt Nguyễn Huy Thiệp”. Quả không ngoa chút nào.
Sở dĩ như thế bởi không riêng gì bạn đọc mà ngay cả đồng nghiệp cũng tò mò Nguyễn Huy Thiệp là ai mà có thể viết ra những câu văn rất ác, những tính cách con người đã ác thì ác đến tận cùng; không những thế có những nhân vật lịch sử như Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Ánh… cũng nhìn qua lăng kính khác, khiến thiên hạ la toáng lên nhà văn có quyền hư cấu đến đâu khi viết về lịch sử, có phải Nguyễn Huy Thiệp bôi nhọ lịch sử? Bất chấp, Nguyễn Huy Thiệp vẫn cứ viết.
“Nghề của mình là biến không thành có, mà lại phải có thế nào, chứ nếu không sẽ làm tan hoang cuộc đời mình và những người thân của mình. Văn học nó kinh khủng thế. Mà văn chương chữ nghĩa là sống trong bể thị phi. Chữ nghĩa nó hóc hiểm vô cùng, nhiều khi người ta nói thế này mà lại là thế kia, mình phải vượt lên chuyện đấy với tất cả sự nhẫn nại, đau đớn”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ TP.HCM năm 2014 khi quyết định dừng bút ở tuổi 65
Những chi tiết từ các truyện ngắn đó, nay đọc lại vẫn rùng mình: “Tôi pha cà phê, cha tôi không uống. Ông hỏi: “Con có để ý công việc của Thủy không con? Cha cứ rờn rợn”. Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hằng ngày các nhau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”. Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!“. ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ” (Tướng về hưu). Ở truyện ngắn, phải là chi tiết. Chi tiết này “đóng đinh” trong trí nhớ bạn đọc không chỉ một thời. Một sự tha hóa đến cùng cực mà câu văn cứ tưng tửng, lạnh lùng như không.
Phải nói rằng, bấy giờ đã có khối kẻ lăm le nổi tiếng đã bắt chước theo lối hành văn của ông. Câu văn ngắn, gọn và đanh như thép, đại khái: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn” (Những bài học nông thôn). Nhưng rồi chẳng mấy ai có thể bắt chước nổi thủ pháp viết truyện, dựng kịch của ông theo cấu trúc hư và thực lẫn lộn, đa tầng ngữ nghĩa và thỉnh thoảng ở đó, ông lại chêm vào những đoạn thơ cực kỳ bay bướm, thanh thoát, trái ngược với các chi tiết sần sùi, nhiễu nhại một cách bi hài đau đớn đang diễn ra. Đã có một phong cách, đó là phong cách Nguyễn Huy Thiệp, với bề dày văn hóa nội lực của chính ông.
Có những nhà văn, những gì họ đã viết ra, dù đã đọc nhưng lần sau đọc lại ta vẫn thấy mới mẻ, rung động như đọc lần thứ nhất, với tôi vẫn là Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Sơn Nam và Nguyễn Huy Thiệp. Xin vĩnh biệt ông, một nhà văn đã đóng một cột mốc quan trọng, độc đáo trong tiến trình văn học Việt Nam. Và chắc chắn dấu ấn ấy, thời gian không thể xô lệch…
L.M.Q
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM - ngày 22.3.2021)< Lùi | Tiếp theo > |
---|