BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Ca từ đầy "ma lực" của nhạc Trịnh

LÊ MINH QUỐC: Ca từ đầy "ma lực" của nhạc Trịnh


11-tuyen-tap-ca-khuc-tcs-1617455458425527914225


Một trong những lý do khiến công chúng yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ vì giai điệu mà còn vì tìm thấy sự tinh tế, uyển chuyển trong ca từ. Nhận xét về ca từ của Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có nói một câu mà nhạc sĩ Văn Cao rất tán thành: "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra". Tưởng là dễ nhưng phải là nội lực của một người am tường tiếng Việt mới có thể đem đến công chúng cách "nói" mới, thoát ra ngoài sáo mòn, quen thuộc.

Trong ca khúc "Em còn nhớ hay em đã quên", Trịnh Công Sơn viết: "Trong lòng phố mưa đêm trói chân". Từ "trói" trong ngữ cảnh này hoàn toàn bất ngờ. Mưa không là sợi dây, vậy làm sao có thể buộc được chân? Thế mà có đấy, là cách nói do mưa nên đôi chân không thể tự do đi đứng "trong lòng phố", phải bó chân ngồi một chỗ. Điều này khiến ta nhớ đến câu đối xưa: "Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách (Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách). Từ hình ảnh này, Trịnh Công Sơn đã chọn cách nói khác, ấn tượng hơn vẫn là "trói", mà người nghe cảm thấy gần gũi, không hề xa lạ.
Ca từ đầy ma lực của nhạc Trịnh - Ảnh 1.

“Tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn” (NXB Thời Đại)

Không những thế, có lúc ông còn vận dụng vốn từ trong ca dao, chẳng hạn "Tình yêu như thương áo, quen hơi ngọt ngào" (Tình sầu). Ở đây là sự kết hợp hình ảnh "áo": "Ra về để áo lại đây/Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng" và "quen hơi": "Chim quyên ăn trái nhãn lồng/Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi". Rõ ràng, qua sử dụng từ trong trường hợp này, Trịnh Công Sơn đã thể hiện sự am hiểu về cách nói quen thuộc của người Việt nói chung, nhờ vậy, ca từ dễ dàng đi vào lòng người.

Tuy nhiên, có những lúc ông sử dụng biện pháp tu từ mới lạ đến bất ngờ. Hẳn nhiều người còn nhớ đến ca từ: "Người ra đi có đôi dòng lệ. Cỏ xanh rì, cỏ mướt dưới chân. Miệng môi kia ốm o lời thề" (Có nghe đời nghiêng). Ốm o là "gầy gò, ốm yếu, trông thảm hại" (theo "Đại từ điển tiếng Việt" -1999). Ở đây không chỉ về người mà dùng cho lời thề của người đó, tức là người đó đã quên đi lời thề trước đó. Một cách nói tinh tế lắm.

Miêu tả một bàn tay đẹp, ông viết "Tay măng trôi trên vùng tóc dài" (Còn tuổi nào cho em). Từ "măng" được hiểu theo hai nghĩa, măng là non, trẻ như ta vẫn thường nói măng tơ, măng non nhưng "măng" còn gợi lên hình ảnh cụ thể nữa khiến ta hình dung những ngón tay tựa như hình búp măng, thon, dài trắng trẻo và mềm mại. Và trong ca từ đó, sâu lắng nữa còn là từ "trôi", thay thế cho cách nói về động tác vuốt tóc/lùa tóc bằng động tác nhẹ nhàng, thanh thoát.

Ca từ trong "Yêu dấu tan theo" cũng là một trong rất nhiều thí dụ: "Tóc em gầy trong gió/Trong ta giọt máu mù/Khô theo ngày thương nhớ/Vết sầu khắc trên da". Người ta thường nói tóc dài, tóc ngắn bay trong gió, sao ở đây lại gầy? Với từ gầy, tùy theo cảm nhận mà người nghe có thể hiểu khác nhau, đó cũng chính là ma lực của ca từ trong những tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Đã thế, tôi rúng động với câu "Vết sầu khắc trên da". Từ "khắc" quyết liệt, mạnh bạo và "vết sầu" không còn là tâm trạng, nó đã cụ thể hóa bằng vết xăm hiện hữu trên da thịt. Xăm/khắc ở đây không diễn ra mà chính là cách nói về sự tột cùng của lúc "Nghe quanh đời mưa bão/Ôi những ngày yêu dấu bọt bèo". Không gì còn có thể níu kéo…

L.M.Q

(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 4.4.2021)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com