Kỷ niệm 19 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001-2020), vì dịch Covid-19 nên không thể diễn ra những đêm nhạc như gia đình cùng các đơn vị tổ chức biểu diễn đã dự định. Năm nay, chỉ có triển lãm online "Lời thiên thu gọi" của họa sĩ Lê Sa Long - hội viên Hội Mỹ thuật TP HCM - trên trang điện tử công nghệ studio 3D của "Duyên dáng Việt Nam" với 32 tranh sơn dầu.

Trịnh Công Sơn trong nét họa của Lê Sa Long - Ảnh 1.
Trịnh Công Sơn trong nét họa của Lê Sa Long - Ảnh 2.
Trịnh Công Sơn trong nét họa của Lê Sa Long - Ảnh 3.

Một số bức tranh trong triển lãm online “Lời thiên thu gọi”

Nét độc đáo của những tác phẩm này là Lê Sa Long đã thực hiện chân dung Trịnh Công Sơn bằng cảm nhận và ký ức của người mê nhạc Trịnh. Tuy nhiên, để người xem dễ dàng cảm nhận, anh chia thành những cụm chủ đề như: Chân dung Trịnh Công Sơn; Trịnh Công Sơn với những nhân vật nữ nổi tiếng (ca sĩ Khánh Ly, Michiko, Trịnh Vĩnh Trinh, Tokito Kato, Hoàng Trang, có cả Dao Ánh nữa); Trịnh Công Sơn với các nghệ sĩ khác: nhạc sĩ Văn Cao, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn…

Cảm nhận đầu tiên khi xem tranh của Lê Sa Long là nhận ra ngay nét khác biệt với những bức tranh về Trịnh Công Sơn của nhiều họa sĩ đã vẽ về ông như Đinh Cường, Đặng Mậu Tựu, Phạm Trinh, Quang Thám… Nếu các họa sĩ này vẽ chân dung Trịnh Công Sơn theo lối nghĩ, cách nhìn riêng biệt của họ thì Lê Sa Long lại theo phong cách hiện thực. Khi xem tranh, ta tưởng chừng như có thể chạm vào thần thái của người nhạc sĩ tài hoa dù đó là chất liệu sơn dầu hay màu nước, than, pastel… Lối vẽ hiện thực này cũng thường được các họa sĩ thế giới chuyên vẽ tranh chân dung cho những nhân vật nổi tiếng sử dụng để truyền thêm cảm xúc cho người xem.

Anh quan niệm rằng nếu sáng tác theo chủ đề nào thì tùy vào cảm hứng, tâm trạng mà người họa sĩ chọn bố cục và sử dụng màu sắc; còn nếu đã vẽ chân dung thì yếu tố quan trọng đầu tiên là phải vẽ giống, "giống thần thái" nhân vật đó, không cần ghi tên vẫn nhận ra nhân vật.

Thế nhưng, nếu chỉ có thế ắt sẽ dẫn đến đơn điệu, nét tài hoa và sáng tạo của Lê Sa Long chính là ở chỗ anh còn biết lồng vào đó hình ảnh đắt giá nhất nhằm làm nổi bật chủ đề của bức tranh. Với "Nhớ Michiko", đằng sau hình Trịnh Công Sơn chống cằm suy tư là chân dung Michiko do chính ông vẽ; ở bức "Khánh Ly người con gái Việt Nam da vàng", điểm nhấn là hình lúc thời trẻ của hai người đang trình diễn tại Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn…

Về sắc màu hội họa, tùy theo tên từng bức tranh (lấy từ tựa nhạc Trịnh Công Sơn), Lê Sa Long đã chọn theo suy ngẫm của mình. Với "Biển nhớ" là trập trùng sóng vỗ làm nền, có một vệt sóng xanh lướt qua người nhạc sĩ tài hoa; "Lời thiên thu gọi" thì điểm nhấn lại là cây đàn guitar, thùng đàn trở thành mặt đồng hồ như ẩn dụ về thời gian của kiếp người…

Trao đổi với tôi, họa sĩ Lê Sa Long cho biết loạt tranh triển lãm lần này anh đã âm thầm thực hiện từ 1-2 năm trước. Sở dĩ như vậy là vì ngoài tình yêu với âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn là một kỷ niệm khó quên của đời lính.

Anh kể năm 1984, khi còn là tân binh huấn luyện trong Quân trường D1 Quảng Ngãi, người bạn thân tâm sự: "Mày quê Quy Nhơn, được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác tặng cho bài "Biển nhớ" hay quá, ước gì quê tao cũng được ổng viết ca khúc trữ tình như vậy. Còn bây giờ, mày vẽ tặng tao bức chân dung của ổng để nay mai tao mang theo lên biên giới". Theo ý nguyện của bạn, anh đã vẽ bức chân dung Trịnh Công Sơn theo trí nhớ đã nhìn thấy trên mấy bìa hộp nhạc dĩa nhựa 45 vòng lưu hành trước năm 1975. Ngày chia tay nhau, không ngờ đó là ngày họ vĩnh biệt, chuyến xe đưa bạn anh cùng đồng đội sang chiến trường Campuchia, trên đường vào căn cứ tác chiến đã gặp mìn. Bức tranh vẽ Trịnh Công Sơn lấy tên "Cát bụi" năm đó đã theo người bạn thân về với cát bụi. Số phận của bức tranh đầu tiên anh vẽ Trịnh Công Sơn đã hằn vết trong ký ức theo năm tháng.

Được biết, sau khi rời quân ngũ, Lê Sa Long thi đậu thủ khoa Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM. Sau đó, anh có nhiều cuộc triển lãm chung và từng đoạt giải nhất cuộc thi "Chân dung ký họa" của Hội Mỹ thuật TP HCM, giải nhì cuộc thi "Vẽ về đất nước, con người Romania" năm 2019… Và từ kỷ niệm khó quên của tình bạn thời trai trẻ, anh vẫn tiếp tục vẽ chân dung Trịnh Công Sơn. Nay, khi bắt tay thực hiện loạt tranh chủ đề "Lời thiên thu gọi" đã gợi cho anh nhiều cảm xúc. Tôi tin rằng cảm xúc của anh sẽ được người yêu hội họa đồng cảm.

Tác giả cho biết loạt tranh này, khi có điều kiện thuận tiện, sẽ được triển lãm tại Quy Nhơn vào dịp UBND tỉnh Bình Định khánh thành tượng Trịnh Công Sơn ngay bên bờ biển đã trở thành chất liệu trong ca khúc "Biển nhớ" của ông và tổ chức bán đấu giá ủng hộ Quỹ Học bổng Trịnh Công Sơn.

LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Báo Người lao động - ngày 1.4.2020)