BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa…

LÊ MINH QUỐC: Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa…

DUOI-CHAN-NGANY-CO-XOT-CA-DUA-1R

 

“Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ/ Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa” (Trịnh Công Sơn). Diễn tả vòng đời đấy chăng? Mà, “chân ngày” là gì đây ta? Là cuối ngày, lúc hoàng hôn xế bóng bởi sáng sớm mai lên, còn gọi “đầu ngày”. Khoảng cách giữa đầu và chân là lưng, vì thế người ta cũng gọi lưng ngày/ nửa ngày. Một ngày đi qua chóng vánh. Mới thức giấc, chưa kịp làm nên trò trống gì đã lụn một ngày. Cứ thế, năm tháng trôi vèo.

Mấy hôm vừa rồi, trằn trọc mãi, ngủ không yên, sực mình tỉnh giấc bởi đầu xóm có đám tang, đêm đã khuya, rất khuya nhưng đàn ca sáo trống vẫn réo rắt, vẫn ầm ĩ lượn lờ theo tiếng hát lúc thì thầm, khi ầm ĩ. Kêu trời không thấu. Đành im lặng. Ai chê đám cưới, ai cười đám ma? Thật lạ, có những ca khúc quen thuộc tưởng chỉ người đang sống sờ sờ ra đó mới thưởng thức, nào ngờ nay lại dành cho cả người đã khuất như Cát bụi, Một cõi đi về, Lòng mẹ, Tình cha… Kể ra cũng là sự thành công của người nhạc sĩ, khi âm nhạc của họ phục vụ cho mọi đối tượng, kể cả người đã về chín suối. Đời người, ai cũng đến lúc nhắm mắt xuôi tay, vì thế, có bàn đến âu cũng là lẽ thường tình, ngại gì kiêng với cử?

Cho đến nay, chỉ có nhà nghiên cứu Bằng Giang làm quyển tự điển về chuyện “ăn xôi nghe kèn” từ A đến Y, dày đến 430 trang, cả thảy 1079 từ/ cụm từ mà người Việt sử dụng để nói về cái chết, có dẫn chứng văn liệu rành mạch, rõ ràng. Thật đáng nể. Thử nêu một hai thí dụ, có thể chỉ phổ biến ở miền Nam: “Còn đâu xe ngựa ngược xuôi/ Lỡ đà quá trớn dễ… hui nhị tì” (Tú Vẽ). Theo nhà ngôn ngữ học trứ danh Lê Ngọc Trụ, “hui nhị tì” đích thị tiếng Quảng Đông: “đi ra gò mả, tức là chết”. Còn có cách gọi “xí lắc léo”! Trong Tầm nguyên từ điển Việt Nam, cụ Trụ lại giải thích đó là tiếng Triều Châu: “Tử liễu”, từ được Việt hóa còn đượm ý trào lộng do từ “lắt” thêm vào giữa, nói lên sự việc “chết rồi” kèm theo vẻ bông đùa, như từ “ngủm cù đèo”! Không những thế, ta còn nghe nói đến “ngủm củ tỏi” nữa.

“Lúa rồi” cùng hàm nghĩa tương tự. Cơn cớ tại làm sao có từ này? Cụ Bằng Giang cho rằng: “Ở Sài Gòn trước năm 1975, trong ngôn ngữ thông dụng, người ta có nói “lúa rồi” trước một sự việc hư hỏng, một vụ làm ăn thua lỗ… Có người giải thích như sau: Nhà nông sau khi làm đất, gieo mạ là đã nghĩ tới mùa gặt. Chẳng may bị thất mùa. Người nông dân kêu: “Thôi thất mùa lúa rồi. Cả câu rút gọn lại chỉ còn cái đuôi lúa rồi”. Tuy nhiên, nếu nói “lúa đời”, ta lại hiểu là ám chỉ cuộc đời thất bại thêm thảm, tụt dốc không phanh… Dù giải thích thế nào thì các từ này đều có sắc thái bông lơn, hài hước và thân mật.

Nói tóm lại, bàn chuyện nghi lễ tang ma cũng cần thiết nữa, nghĩ cho cùng đó chính là phong tục, tập quán của cư dân một/ nhiều vùng miền.

Mới đây, do mối quan hệ gia đình, y có dự đám tang theo phong cách người Hẹ trong văn hóa Trung Hoa. Và nhận ra ít nhiều dị biệt trong tương đồng của tang lễ so với người Việt, dù trắng vẫn là sắc màu chủ đạo. Nếu quan sát, ta có thể phân biệt được vai vế, quan hệ các thành viên trong nhà qua áo tang, khăn tang. Với con rể, đầu quấn khăn trắng, giữa có dán miếng giấy tròn màu đỏ, thắt lưng bằng vải có đính thêm một tờ giấy tiền. Trong khi đó, hàng con cháu cũng quấn khăn tang y hệt con rể, không đội mũ tang.

Các thành viên khác thế nào? À, con dâu đội mũ tang, phía trước mũ có đính miếng vải sô cỡ bằng hộp diêm, con gái lại đính phía sau mũ; sau lưng áo của họ cũng đều có đính thêm miếng vải sô cỡ đó, thắt lưng bằng dây cói. Con trai trưởng và con trai thứ thì ao tang giống nhau, nhưng có khoác thêm chiếc áo bằng vải sô, trên đầu có 3 vòng tre, cũng thắt lưng bằng dây cói. Nhận xét, nếu miếng vải sô và sợi dây cói tượng trưng cho vai vế trong một nhà, rõ ràng con trai quan trọng hơn cả. Vải sô ấy, dù miếng nhỏ thôi nhưng chỉ dành cho con gái và con dâu, còn rể thì không và cũng không thắt lưng bằng dây cói.

Còn nhớ ở đám tang ngoài Quảng Nam lại có đội khóc đưa tang, người dẫn đầu gọi là "ông công". Trong những ngày "tang gia bối rối", tang chủ chọn thời khắc phù hợp và mời họ đến. Họ thành kính dâng nhang đèn, hương khói nghi ngút rồi ngâm nga, diễn xướng một bài thuộc dạng văn tế có câu có cú, có vần có điệu khóc thương người đã khuất. Y không ghi lại bài than khóc này. Bởi lẽ, y cảm nhận lời lẽ ấy đớn đau, buồn bã, bi đát, thê thảm quá... Ai mềm lòng, khi nghe sẽ sùi sùi khóc theo.

Trộm nghĩ, liệu người còn sống có nên bi lụy vậy không? Trở về cát bụi, nghĩ cho cùng cũng là một chuyến ra đi cuối cùng, có điều chẳng một ai biết sẽ đi về đâu. Một khi đã không thể níu kéo được nữa, y nghĩ, cứ nhìn sự việc ấy nhẹ nhàng thì vẫn hay hơn. Ít ra là cho người đang sống vì vẫn phải tiếp tục sống; biết đâu còn hay cho cả người đã khuất vì họ đã nhẹ nhàng lui gót sau mấy mươi năm bươn chãi trên cõi trần này rồi. Được lui gót nghỉ ngơi, há chẳng phải là điều nhẹ nhàng cho "người đi, kẻ ở" đó sao?

Về đội “ông công”, so với thời ông ngoại y mất cách đây hơn nửa thế kỷ thì sự ăn mặc, trang điểm còn cầu kỳ hơn nhiều. Ngay cả đôi giày của họ  phải là đôi hia như diễn viên trong gánh hát bộ. Chiêng, trống, bộ gõ... và các điệu bộ, động tác diễn xuất, đi đứng cũng phức tạp hơn. Còn ở đám tang của người Hoa mà y tham dự lại không có, thay vào đó là vai trò của thầy pháp, mặc áo vàng, phía sau có đính thêm tấm vải lục giác, ở giữa có hình âm dương, mỗi lần đọc kinh kệ chỉ có cái chập cheng tạo nên âm thanh chủ đạo.

Ở Quảng Nam, trước giờ đi quan, đội “ông công” lại đến thực hiện nghi lễ; còn ở đây, có đội đưa tiễn mặc áo màu đỏ, tay cầm cheng, miệng thổi kèn tạo nên âm thanh vang động. Kế đến là màn trình diễn độc chiêu như muốt gươm, đóng đinh vào lỗ mũi v.v… ai thích tặng tiền thì họ nhận. Nhưng hồi họp nhất là lúc người đó đặt nghiêng chai rượu trên đầu, đã mở nắp, rồi giữ thế thăng bằng đi từ ngoài cổng đến trước bàn thờ, cúi thấp người, không dùng đến hai tay, chỉ sử dụng, vận động cái cổ để rót rượu vào ly, sau đó  lại rót cho gia chủ, rượu chảy ron rót, không rơi một giọt, rất điệu nghệ, tài tình.

Khi di quan của người Hoa, trên đường đi từ nhà ra nghĩa trang, ở chiếc xe đầu tiên, nếu thấy những ai đi phía bên trái, tay vịn vào con rồng bên hông xe, ta biết đó là những người con rể. Con trai trưởng khi đi, tay cầm lá phướng, con trai thứ cầm gậy. Chỉ đi một đoạn đường có tính tượng trưng, ngắn thôi. Rồi tất cả cùng lên xe. Đoàn xe tang đi thẳng một lèo, không dừng lại dọc đường.

Còn ở Quảng Nam thì sao? Khi đưa xe tang sắp vào đến địa phận sẽ an táng người đã khuất, tất cả dừng lại và làm lễ "Tế đầu trung”. Có thể hiểu nôm na là lễ báo cáo với sơn thần, thổ địa cho người đã khuất được "định cư", nhập “hộ khẩu” tại vùng đất mới. Người thay mặt gia đình làm việc khấn vái này cũng là “ông công”. Lúc ấy, bàn thờ đặt bên lề đường, cũng có hoa quà, bánh trái, trà rượu... Không rõ, lúc ấy "ông công" đã khấn những gì, nhưng quan sát thấy lễ này hết sức trang nghiêm. Thân nhân người khuất lần lượt thắp nhang và quỳ lạy thành kính. Sự việc này chỉ diễn ra chừng mươi phút, sau đó tất cả tiếp tục đi vào nghĩa trang.

Trước khi hạ huyệt, các nhà sư tụng kinh, dùng cây phương trượng viết 3 chữ Nho dưới đáy huyệt đã được rải một  lớp cát trắng. Ba chữ đó là Án Dạ Hồng và đọc một câu kệ, đại ý làm phép trừ tà ma, những vong linh khác không vào chiếm cứ huyệt mộ. Bấy giờ ngay sát với huyệt còn có một lễ khác, tuy phẩm vật sơ sài hơn lễ "tế đầu trung" nhưng cũng không kém phần trang nghiêm. Trên vuông chiếu, một người đàn ông khăn đóng áo dài, quỳ xuống khấn vái, đây cũng là một hình thức báo cáo với sơn thần, thổ địa, thành hoàng bổn xứ... cho người đã khuất được phép an cư tại nơi này.

 

Đọc kỹ bài khấn này, y thấy không chỉ xin thần linh, còn xin cả tiền nhân, người trần mắt thịt của bao đời trước có công khai khẩn vùng đất và đã vùi thây tại nơi này. Dù cách biệt, nhưng dẫu "dương" hoặc "âm" thì vẫn có những quy định cụ thể... Bài khấn này đứng tên người chủ tang, ngoài địa điểm, thời gian thì nội dung như sau: “Cẩn dĩ kim ngân/ Nhang đăng thanh chước/ Hoa quả trà nước/ Phù lang tửu/ Chi lễ cung nghinh/ Khai hoàn đại đế/ Hậu thổ nguyên quân/ Thổ địa phước đức chánh thần/ Kim ngân hành khiển/ Hành binh tôn thần/ Ngũ phương thổ công/ Tiền khai khẩn/ Hậu khai canh khai cư/ Thần long mạch/ An thần dương thôn/ Nhơn thần hương linh”. Dù chép lại đúng nguyên văn nhưng y ngờ rằng vẫn có một đôi chữ sai lệch là do văn bản được truyền miệng từ đời này qua đời khác, tùy theo trí nhớ của người viết, người đọc.  Bài khấn này, đọc xong thì đốt.

 

Lưu ý, câu cuối của bài khấn này, dù nhà nào, là ai đi nữa cũng kết bằng câu: “Xin cáo Thành hoàng bổn xứ”. Thế nào là Thành hoàng? Là thần chủ được tôn vinh theo tín ngưỡng thờ thần của cộng đồng dân cư làng xã Việt Nam truyền thống. Có Nhân thần - người thật được suy tôn, Nhiên thần - nhân vật huyền thoại được suy tôn, lại có cả Phúc thần... Tóm lại: "Đức Thành hoàng là "vị chỉ huy tối cao" không chỉ trong lĩnh vực tâm linh mà còn trong cả lãnh vực đời sống thực của cả cư dân làng xã truyền thống. Ngày nay, nghi lễ thờ cúng các Đức Thành hoàng gắn với truyền thống tốt đẹp của dân tộc vẫn được duy trì và là một nét đẹp trong bảo lưu các giá trị của nền văn hóa Việt Nam (Từ điển Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa - 2005 - tập 4, tr.155).

 

Lúc hạ huyệt là vai trò của "ông công", ngoài sự khấn vái theo nghi lễ còn nhằm mục đích giúp các tay đòn cùng thực hiện động tác nhịp nhàng. Nói cách khác, đó là "khẩu lệnh" để họ tập trung cao độ, ăn ý với nhau. Quan tài đã đặt vào huyệt, phía trên có đặt lá phướng dài, hai đầu có hai tay đòn ngồi giữ lấy. Theo lệnh của nhà sư, họ lần lượt lật úp, ngửa lá phướng ấy nhiều lần. Cụ thể là mấy lần? Y không biết rõ nhưng có thể đoán rằng con số ấy phụ thuộc theo quan niệm về vía của người Việt chăng? Theo đó, đàn ông 7 vía, đàn bà 9 vía. Rồi lá phướng này đốt đi. Mọi việc xem như đã hoàn tất.

Lúc y dự đám tang của người Hoa gần đây, không chôn mà lại thiêu. Khi các thành viên đi vòng quanh quan tài, bên cạnh có đặt cái rỗ, trong đó có nhiều loại đậu, gạo, nếp và những đồng tiền xu tròn lỗ vuông, mỗi người bốc một nắm cho vào túi, xem như lộc của người khuất. Sau đó, quan tài chuyển vào lò. Mọi việc đã hoàn tất. Mọi người ra về, phải bước qua đống giấy vàng mã đang đốt ngay trước cửa nhà tang lễ. Về đến nhà, trước lúc bước vào cửa phải rửa sạch tay, mặt mày bằng nước thơm và tiếp tục làm lễ. Tại buổi lễ này, áo tang, khăn tang của con rể đem đi đốt xem như người đó đã xả tang, còn các thành viên khác phải đợi đến lễ thất tuần. Lúc kết thúc lễ, bà con thân thuộc lần lượt thắp nhang, bất kỳ ai cũng được gia chủ tặng lại phong bì màu đỏ, xem như lộc của người đã khuất.

Dù nghi lễ khác nhau, nhưng có mẫu số chung vẫn là sự trang nghiêm, thành kính, bao trùm lên là sắc âm bùi ngùi, thương tiếc của giữa lúc vĩnh biệt người đi kẻ ở. “Người đã đến và người sẽ về bên kia núi/ Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời/ Còn lại tiếng cười khóc giữa đời…”.

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 146 tháng 2.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com