BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Cũng xin lượng biển uy đèn thứ cho

LÊ MINH QUỐC: Cũng xin lượng biển uy đèn thứ cho

ung-xin-luong-bien-uy-den-thu-cho

 

 

Ai lại không khoái ăn với uống? Do khoái ăn uống, có lần y hỏi, đặc sản ẩm thực của người Nam Bộ là gì? Mỗi người nói mỗi phách, nhưng chung quy lại trong danh sách khoái khẩu thuộc hàng danh thủ “đệ nhất” vẫn là món… chuột dừa. Tức chuột leo lên ngọn cây dừa, kiếm ăn nơi đó, nó ăn củ hủ dừa - phần non nhất ví von là “trái tim” của cây dừa, người ta làm bẫy dùng cây sào đặt trên ngọn, tóm gọn chuột vừa bảo vệ dừa, vừa có món nhâm nhi giải sầu. Nhất cử lưỡng tiện. Ngon lành cành đào. Sướng mê tơi.

 

Xếp vào hàng “đệ nhị” không “đụng hàng” đó là ong vò vẽ, ở Bến Tre còn gọi “ong cọp”, một cách ví von ấn tượng, khó quên, vì rằng có tài liệu cho biết dăm ba con ong vò vẽ cũng đủ sức đánh gục con trâu mộng. Ghê gớm chưa? Nghe đâu cách bắt cũng dễ, ban ngày quan sát “đường đi nước bước” của chúng từ miệng tổ chui ra, chui vào; đêm đến, dùng “cây rọi” là cây tầm vông, đầu có gắn cục vải đã tẫm dầu lửa, đốt cháy rực đưa vào miệng của tổ ong. Ong trong tổ ngủm củ tỏi. Vậy là xong. Bê lấy tổ, đem về nấu cháo nước cốt dừa thì dẫu gan ông trời cũng kém xa, chớ hòng sánh bằng; còn ong bay ra ngoài nằm nằm la liệt dưới đất, nhặt lấy chiên ăn chơi hoặc ngâm rượu uống dần, cam đoan “ông uống bà khen” là cái chắc. ông Táo đang ngồi trên bếp cũng nhảy xuống đòi chia phần, nếu không chịu làm sao nổi? Đã vậy, ông Táo lại còn ngâm thơ nữa chứ? Thơ rằng:

 

Sống trên đời không ăn ong vò vẻ

 

Xuống suối vàng khóc ré kêu la

 

Lệ sầu lệ thảm tuôn ra

 

Ước ăn một miếng thiệt là miếng ngon

 

Kế tiếp, hàng “đệ tam” là nấm mối. Thường vào khoảng tháng 4 âm lịch trời có mưa xuống, ở các ụ mối mọc lên một loại nấm, gọi nấm mối. Thu hoạch đúng điệu là phải chịu khó thức dậy sớm, đi hái chừng 4 giờ sáng, búp còn non, chưa nở xòe cánh càng ngon. Đem về bảo vợ xào với ớt non hoặc măng, hoặc nấu canh, bằng không quấn với thịt bò, gói lá cách nướng trên than hồng rồi chấm muối ớt. Cắn đến đâu, nhai đến đấy là thấy lạc thú trần gian rõ mồn một ở nấm mối, chứ nào phải đâu xa. Không loại nấm nào ngọt, bùi, bổ, béo cho bằng vì loại nấm tự nhiên này không thể tự trồng.

 

Ông bà ta dạy, “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột nghe”, về Nam Bộ, y đã nghe và thấu hiểu, vì thế cho phép y chọn thêm món nữa thuộc hàng “đệ tứ” nhé? Thì cứ việc, nào ai hẹp hòi gì, miếng ngon sở dĩ nó ngon còn tùy thuộc khẩu vị của từng người nữa, nói đi, đừng ngại. Được lời như cởi tấm lòng, y xin đề xuất thêm món gỏi sầu riêng. Với trái sầu riêng nổi tiếng của Bến Tre, chưa ăn có thể không khoái nhưng một khi đã chịu hương vị của nó ắt thích mê tơi. Trong tập Thơ văn Xuân 1957 của NXB Văn Nghệ in tại miền Bắc, nhà văn Phạm Tường Hạnh có bút ký Trái sầu riêng. Đọc lại nghe chơi: “Khi trái sầu riêng đơm bông, người ta lấy tấm đệm hứng những cánh hoa rụng xuống, dùng làm món rau sống ăn với mắm thái, thịt luộc. Nó là món ăn quen thuộc với người ở xứ vườn. Những bữa ăn đặc biệt, người ta dùng bông sầu riêng trộn gỏi, món ăn thanh lịch mà ngon: Cá lóc nướng trui, thịt ba rọi thái nhỏ, tôm nướng, hột vịt luộc, mỡ nước, hành củ, chanh, ớt, gừng, đậu, phụng rang trộn với bông sầu riêng. Đưa đà vài ly Mai quế lộ, “nhậu” với bông gỏi sầu riêng. Nó vừa giòn, vừa ngọt, bùi bùi, béo béo, đậm đà, ý nhị một món ăn quê hương”. Chẳng lẽ đặc sản Nam Bộ, chỉ có thế thôi sao? Không đâu, từ đầu thế kỷ XX, ông nhà nho Nguyễn Liên Phong có câu thơ mang tính chất tổng kết: 

 

Cá đồng, cá biển, cá sông

 

Ốc, đuông, ba khia, chim cùng tôm cua

 

Ta thấy có nhắc đến con đuông. À, này bạn mình ơi! Ăn con đuông, không chỉ là ăn… con đuông. Hãy nghe nhà văn Vũ Bằng nhận xét: “Những người sành ăn thường ưa đuông chà là, thứ đến đuông dừa, rồi đến đuông cau sau rốt. Ở ba loại cây đó, đuông bao giờ cũng sinh sản và lớn lên trong đọt của cây, tức là chỗ non mềm nhất, bổ béo nhất. Đuông sống là vì chất bổ đó, nhưng đuông mà sống và lớn được thì cây dừa, cây chà là hay cây cau bị xác đi, cũng như người mẹ nuôi được đứa con nên người thì “thôi hồng đôi má, sữa teo vú cằn”. Vì thế ăn đuông không phải là chỉ ăn một con sâu, nhưng là ăn cả một sự diễn tiến của mấy kiếp sống vào lòng, ăn đuông là ăn cả hương hoa của đất thơm, là ăn cỏ cây mây nước, là ăn mấy chục năm buồn vui, tươi đẹp và thơ mộng”.

 

Lý thú quá. Thế bạn đã ăn rồi à? Vẫn chưa ạ. Y chỉ mới “ăn” qua văn chương chữ nghĩa nhưng cũng có cái thú riêng. Ngoài ra còn có một vài “ứng cử viên” sáng giá khác như tôm càng xanh ở vùng nước ngọt nước lợ, hấp bằng nước dừa, ngon hơn hấp bia; hoặc chọn lấy cá bống sống trong bẹ các cây dừa nước đem kho thì rõ ràng nó ứng vào câu “miếng ngon nhớ lâu” v.v… Đại khái thế.

 

Đã ăn thì phải uống. Với nhiều người từ nơi xa đến vùng đất phương Nam đều có chung nhận xét là cư dân nơi này thích rượu. Ô hô, cả nước Nam này từ thời xửa thời xưa cũng đều khoái uống rượu đó thôi. Có thể kể đến rượu Phú Lễ (Bến Tre) cùng các loại rượu trứ danh như Làng Vân (Bắc Giang), Bàu Đá (Bình Định), Gò Đen (Long An), Hồng Đào (Quảng Nam), Xuân Thạnh (Trà Vinh), Làng Chuồn (Huế), Kim Long (Quảng Trị)…

 

Sực nhớ mẩu chuyện mà anh bạn nhà nhà văn ngoài Hà Nội kể: Vừa mới sau giải phóng, các anh chị thuộc Hội Nhà văn Việt Nam có chuyến đi thực tế tại Nam Bộ nhằm thu thập tài liệu viết về phong trào phụ nữ. Họ được các chị, các mẹ ở Hội tại xã, huyện tiếp đón ân cần nhiệt tình. Có lần đãi khách, các chị nồng nhiệt tuyên bố nhậu say mới về, khác với mọi lần là lần này sau khi khóa cổng, chiếc chiếc chìa khóa bị… bẻ gẫy làm đôi. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, bao giờ, “chủ xị” tuyên bố kết thúc thì chủ khách mới được ra về. “Phong cách” nhậu theo lối này, dù lạ đối với vùng miền khác nhưng rõ ràng chân tình, cởi mở, thật lòng - thể hiện rõ nét tính cách đâu ra đó, thương ghét rạch ròi, không nửa nạc nửa mỡ, không ba rọi. Vâng, họ đãi khách, tiếp khách rất nhiệt tình. Nhiệt tình đến nổi sau đó, không ít nhà văn nhà thơ… chạy mất dép! Lần sau, anh bạn y hễ nghe nói đi công tác về nơi ấy là đã… nghe mùi rượu từ năm xửa năm xưa xộc lên mũi. Khiếp quá.

 

Đang ngon trớn kể chuyện, cho phép y kể thêm một mẩu chuyện nhỏ. Nhỏ thôi. Ngày kia, tháng kìa y được một quan chức từ miệt vườn miền Tây lên Sài Gòn mời ăn trưa, nhằm trao đổi một hai công việc. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng y đâm ra lo sốt vó, vì mười lần như chục hễ vào quán là dứt khoát phải có bia bọt lai rai chút đỉnh, dù ít dù nhiều cũng có chút men cho rôm rã cái sự đời. Chẳng phải hay ho tài thánh gì, chẳng phải mèo chê mỡ nhưng thú thật trước lúc đi, vì công việc nhà đang cần kíp, vợ dặn đừng uống rượu, mau về sớm, nào dám trái lời. Lo là lo thế, nhưng y thừa biết rằng, người ta nơi xa đến lại có lòng, vì tình thương mến thương mời một ít ly y lít, lẽ nào mình từ chối, coi sao được?

 

Cũng không sao.

 

Thú thật, điều y lo và đâm ra nản là do nhớ lại cái lối làm việc tại quán ăn, quán nhậu đã từng diễn ra. Nản vì biết tỏng công việc rồi chẳng đi đến đâu, sau các cuộc nhậu đó, người ta quên mà mình cũng chẳng nhớ những gì đã bàn, đã thảo, đã luận, đã tranh, đã cãi, đã hứa, đã hẹn... Mọi việc trở thành công cốc. Mất thời gian. Vậy, lần này cũng thế? Này bạn mình ơi, hôm đó y đã nhầm. Nhầm to. Y được ngồi tiếp chuyện với một quan chức trí thức trẻ trung, anh ăn nói điềm đạm, chừng mực, hiểu biết nhiều lãnh vực nhưng điều khiến y ngạc nhiên đến kinh ngạc là gì? Là anh chủ động… không uống rượu. Dù chỉ một giọt. Sau cuộc gặp gỡ đó, dù chỉ mới gặp ban đầu nhưng mọi việc đâu ra đó, xuôi chèo mát mái. Cần quái gì phải nhờ rượu bắt nhịp cầu trung gian?

 

Lại nghĩ, sở dĩ người Nam Bộ thích rượu, phải chăng từ thuở lưu dân từ vùng Ngũ Quảng vào đây lập nghiệp, dựng cửa dựng nhà, sinh con đẻ cái, thế hệ sau ngay lúc lọt lòng đã mang trong máu tứ hải giai huynh đệ, dễ dàng tạo ra sự thân thiện ngay trong cộng đồng, kể cả người từ xa đến cũng không câu nệ nghèo giàu, thân sơ. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Vô tửu bất thành lễ” chứ lẽ nào chỉ “buôn dưa lê” bằng nước bọt? Phải có rượu. Có thể ban đầu không phải thèm rượu nhưng phép ứng xử là phải thế, dù chẳng hề có văn bản nào bắt buộc; hơn nữa, rượu còn tạo ra hứng khởi ban đầu, cầu nối cho đôi bên dễ dàng “trút bầu tâm sự”, dần dà thành thói quen, tạo nên nếp sinh hoạt phổ biến chung. Biết đâu chính họ còn có suy nghĩ lúc tiếp đãi có rượu mới hiếu khách, mới hào phóng, mới thật lòng quý mến nhau và đã uống phải uống cạn, uống phải say ngất trên cành quất mới trọn tình tròn nghĩa?

 

Ăn theo thuở, ở theo thời. Tuy nhiên, không ai cực đoan đến độ kêu gào lên phải cấm tiệt uống rượu đâu, trong giao tiếp cần có rượu là lẽ thường tình, thậm chí tán dương nữa là khác, không chỉ thế, nếu có thêm đội đàn ca hất xuống giúp vui lại càng nhộn, càng thân thiết.  Chơi kiểu này, uống lối này thanh lịch quá đi chứ? Vậy cớ sao lại cấm? Chẳng ai điên khùng cực đoan cấm ngặt cấm cấm nghèo đâu, thưa rằng, chỉ cần thực hiện một “nguyên tắc” nho nhỏ mà y nhận ra từ cuộc gặp gỡ trên là không, tuyệt đối không giọt rượu trong lúc làm việc, sau đó, thế nào thì tùy.

 

Chà, dễ ẹt. Rất dễ. Vậy mà cũng kể ra? Chuyện nhỏ thôi mà.

 

Có phải y đây “trầm trọng hóa” vấn đề không? Ừ, cứ cho là thế. Y sực nhớ đến mẩu chuyện nhỏ từ một nhân vật lừng trong sử nước nhà: Chí sĩ Phan Châu Trinh. Mùa đông năm 1906, sau khi đi nước ngoài vế nước, ý nghĩ Duy tân bắt đầu nhen nhúm trong óc cụ, làm thế nào để vận động, kêu gọi quốc dân? Trước hết, với các bậc khoa bảng, trí thức, cụ chỉ yêu cầu họ làm một chuyện nhỏ, rất nhỏ, cụ nói khích: “Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tính rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách rút, có khi họ nói việc nhỏ không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm” (Ngày nay số 149 (ra ngày 15.2.1939).

Vậy, cái việc nhỏ này là gì? Xin thưa, hớt tóc ngắn, cắt phéng đo cái búi tó, búi tóc đã chễm chệ ngự trên đầu trên đầu đàn ông Việt từ hàng ngàn năm. Dám là không? Sao lại không? Chuyện nhỏ mà. Vâng, từ chuyện nhỏ này đã dẫn đến sự kiện quan trọng đầu thế kỷ XX - nhân chứng trong cuộc là cụ Phan Khôi cho biết: “Hớt tóc cũng là một cớ buộc tội trong vụ án năm 1908 ở mấy tỉnh Trung kỳ. Làm người không có việc gì cả, chỉ đã hớt tóc mà cũng bị ghép vào mặt luật bất ưng vi trọng, phải 18 tháng tù. Lại cuộc “phiến loạn” năm 1908 ấy trong các ký tài của người Pháp cũng gọi là “cuộc phiến loạn của bọn hớt tóc”. Xem đó đủ thấy hớt tóc ở thời đại ấy bị coi là nghiêm trọng dường nào” (Ngày nay số 149 (ra ngày 15.2.1939). Ý thức của phong trào Duy tân chỉ từ chuyện nhỏ thế thôi.

Vậy, chuyện nhỏ đang bàn, có tác dụng lớn đấy chứ? Dám mong mọi người gật gù đồng tình, bằng không y cũng xin tự nhủ bằng câu thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu:

Nôm na dù vụng hay hèn

Cũng xin lượng biển uy đèn thứ cho

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 223 tháng 3.2020)

Ghi chú:

(Biên tập, lược trích từ chuyên luận Người Bến Tre, hoàn thành ngày 29.3.2020. Cả thẩy 127,889 từ, sắp in nay mai)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com