Thể loại thơ, liệu có còn tồn tại? Đôi lúc tôi tự hỏi, bởi vì rằng từ nhiều năm nay, một tập thơ in ra hầu như hiếm tạo nên hiệu ứng dư luận xã hội bằng các loại hình nghệ thuật khác; hơn nữa, số lượng in cũng cực kỳ khiêm tốn. Thế thì, một bài thơ/ tập thơ đến với công chúng chẳng khác gì muối bỏ biển. Nói thì nói thế, nếu bình tâm, ta sẽ thấy trong vô số các tập thơ đã in, trong đó, có không ít tập thơ có nét rất riêng, có thể khiến người đọc tìm thấy sự đồng cảm. Ngày chúng ta không còn yêu nhau (NXB Hội Nhà văn-2019) của nhà thơ Hạnh Skyler đã cho tôi cảm nghĩ này.
Vốn là đã từng nhận học bổng du học tại Mỹ, cô quay về nước làm việc và tiếp tục… làm thơ. “Chủ đề yêu thích của Hạnh là tình yêu và sự tự do”, cô cho biết. Thế thì trong thơ của Hạnh có gì? Tôi nghĩ, thơ vẫn là nơi người ta trình bày cảm xúc rõ nét nhất, hiện diện rõ ràng, dễ nhận ra hơn các loại hình khác. Đơn giản thơ là tiếng lòng được thể hiện bằng chất liệu chỉ là những con chữ. “Nét vẽ” ấy dù cụ thể, dù trừu tượng nhưng đều phản ánh thế giới nội tâm sâu thẳm.
Và đây, “Có những ngày chật chội như một cái nhà gương/ Quay về hướng nào cũng chỉ thấy chính mình/ Những phiên bản méo mó đầy thói xấu/ Hình như mình đã chẳng nhận ra…”. Sự tự vấn, ta thường gặp ở những người trẻ chăng? Họ luôn hỏi lấy chính mình từ những câu hỏi “ngờ nghệch” cứ như.. thơ, mà thơ luôn cần sự ngờ nghệch ấy, nếu không còn gì là thơ?
Chẳng hạn, nàng rủ chàng cùng đến sa mạc, rừng rậm, ngọn núi và cuối cùng: “Hãy cùng em đến phố đông/ Chiêm ngưỡng quân tử, bóng hồng/ Ăn kem rồi nghĩ 5 phút/ Có còn muốn cạnh nhau không?”. Câu hỏi kết thúc thật bất ngờ, vì nó không tuân theo logic quen thuộc của “lớp lang” vốn có trong tình cảm. Cũng như khi tác giả tự hỏi: “khi bên anh, em chẳng biết thời giờ/ hay anh giáu thời gian trong tay ấy?”. Một câu hỏi tưởng chừng như rất “nai” đấy chứ? Nhầm chết.
Đọc một tập thơ, có những câu thơ khiến người đọc gật gù, đồng cảm thật không dễ dàng chút nào. Ở đây, tôi thích thú với cách diễn đạt đôi lúc tác giả lúc viết như đang nheo mắt cười, bỡn cợt, ở câu cuối: “Trời chuyển mùa, mây rạc rời, gió mỏi/ Mưa như chơi, nắng chẳng khác trò cười/ Ta chuyển tuổi ốm ù tai, chóng mặt/ Ho liên thanh, bay mất 9 phần người”.
Có thề nói, trong mặt bằng chung hiện nay, Ngày chúng ta không còn yêu nhau là tập thơ có cá tính. Được thế, đã là đủ cho một nét riêng của một tác giả trong bộn bề chữ nghĩa hiện nay.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|