BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Di sản văn hóa của Nguyễn Hiến Lê

Di sản văn hóa của Nguyễn Hiến Lê

13-nguyen-hien-le-1r-15414298304661829176571

 

Học giả Nguyễn Hiến Lê là một gương mặt độc đáo của trong giới văn hóa miền Nam trước 1975. Với sức làm việc bền bỉ, kiên trì và đeo đuổi mục tiêu đã định trước, cho đến năm tháng cuối đời, ông đã để lại hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại.

Tái bản sách Nguyễn Hiến Lê

Về di sản đồ sộ, phong phú của ông, mới đây nhất, NXB Hồng Đức cùng Công ty BizBooks đã có quyết định đúng đắn là tái bản lại toàn bộ. Điều này cho thấy một khi nhà văn viết sách, soạn sách nếu biết hướng về các giá trị có tính nhân văn ắt có sức sống lâu dài.

Tuy nhiên, ta thử đặt câu hỏi, trong tình hình hiện nay, với sự "nở nồi" của quá nhiều hướng tiếp cận thông tin, liệu sách Nguyễn Hiến Lê có còn bán chạy? Rõ ràng, một câu hỏi không dễ dàng trả lời. Với "những bài học thành công" của các nhân vật lừng danh mà ông đã viết trong nhiều bộ sách như: "Các cuộc đời ngoại hạng", "Gương hy sinh", "Gương chiến đấu"… phải nói thật rằng thời buổi này, chỉ cần đặt những "từ khóa" trên Google, bạn đọc đã có thể tiếp cận, kể cả hình ảnh và tư liệu mới nhất.

Di sản văn hóa của Nguyễn Hiến Lê - Ảnh 1.

Những tác phẩm của học giả Nguyễn Hiến Lê

Thế nhưng, với cách diễn đạt của một nhà giáo uyên bác, thông thạo tiếng Việt nên những trang viết của Nguyễn Hiến Lê vẫn còn sức hấp dẫn riêng. Và một khi chọn đọc tức cũng là lúc bạn đọc còn có dịp thưởng thức về sự uyển chuyển, phong phú của tiếng Việt. Vì lẽ đó, dù cũng là thông tin đã phổ biến nhưng sách Nguyễn Hiến Lê vẫn có chỗ đứng là… không dành cho những ai đọc vội. Mà khi đọc, cần có thời gian, cần nghiền ngẫm triết lý về các bài học mà ông đã nhọc công đúc kết và khái quát trong từng tập sách.

Tái bản sách của Nguyễn Hiến Lê, nói thật cũng là lúc… giới làm sách hiện nay cần xem lại mục tiêu và định hướng đã thực hiện. Nói thế vì có thời gian Nguyễn Hiến Lê mở nhà xuất bản nhưng không chăm bẵm vào lợi nhuận bằng cách in "thượng vàng hạ cám" mà in có chọn lọc, nhất là các tập sách dành cho giới trẻ, sinh viên học sinh nhằm bổ sung tri thức, kiến thức lịch sử, văn hóa. Nhưng sau đó, ông không theo nghề này vì muốn dành thời gian viết sách. May mắn, đồng tình với quan niệm về xuất bản với ông bấy giờ có NXB Phạm Văn Tươi. Về quyển "Luyện văn", năm 1952, ông biên soạn để có tài liệu dạy học trò, cuối năm đó, NXB này nhận thấy bán chạy và hữu ích nên đã giục ông tiếp tục biên soạn quyển 2, rồi tiếp tục với quyển 3.

Và cách học làm người

Năm tháng đó, nếu làm sách chỉ bám lợi nhuận, chủ NXB Phạm Văn Tươi đã không chia sẻ với ông về ý thức cần cải tạo tinh thần thanh niên để thích ứng với thời đại mới vì họ là lớp người đầu cho giai đoạn phát triển kinh tế sắp tới. Vì thế, Nguyễn Hiến Lê đã toàn tâm toàn ý viết loạt sách "Học làm người" mà đến nay vẫn xứng đáng để bạn đọc tham khảo, tìm đọc. Đáng chú ý là các quyển "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi"… mà ông đã biên dịch, dịch thoát theo tinh thần phù hợp với người Việt, miễn là không phản ý tác giả.

Di sản văn hóa của Nguyễn Hiến Lê - Ảnh 2.

Về mảng sách du ký của ông như "Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười", "Đế Thiên Đế Thích", dù hiện nay Google có thể giúp người ta biết tất tần tật cả thế giới thế nhưng đọc vẫn còn thấy hấp dẫn. Bởi vì nó là những "thước phim" ghi nhận từ thời gian trước đó, giúp người đọc hiểu sâu hơn về một quá khứ chính ông đã chứng kiến mà nay đã thay đổi.

Theo tôi, còn có giá trị lâu dài vẫn là loạt sách ông biên khảo về triết học, văn học thuộc hạng tinh hoa của văn hóa phương Đông như Đại cương văn học sử Trung Quốc, Chiến quốc sách - Sử ký của Tư Mã Thiên, Tô Đông Pha, Văn học Trung Quốc hiện đại, Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường… Hoặc về sử nước nhà như Đông Kinh nghĩa thục…

Tuy nhiên, có những loạt sách của ông nếu tái bản như kim chỉ nam dành cho học sinh chẳng hạn, cũng cần phải "cập nhật" thêm - mà điều này khó xảy ra một khi tác giả đã mất. Bởi vì thời điểm ấy, lúc ấy, không riêng gì Nguyễn Hiến Lê mà hầu hết vẫn chưa ai có thể tiên đoán về sự ra đời của công nghệ thông tin. Do đó, ông không thể đề cập đến mặt trái gây tác hại lẫn tiện lợi trong hỗ trợ việc học cho học sinh hiện nay như thế nào. Nói cách khác, tập sách của ông lùi lại so với thời đại, dù rằng những nét đại cương vẫn còn hợp lý.

Bên cạnh đó, loạt sách dành cho các bậc phụ huynh như "Tìm hiểu con chúng ta", "Thế giới bí mật của trẻ em" hoặc sách dành cho các bà mẹ trẻ… cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhận định này có thể khiến nhiều người yêu mến Nguyễn Hiến Lê không hài lòng. Nhưng biết làm sao được vì đây là hạn chế thuộc về thời đại mà lớp người cầm bút thuở trước nói chung khó có thể vượt qua. Làm sao họ có thể vượt qua khi mà thời đại hiện nay đã thay đổi với rất nhiều phát minh, sáng chế mới - kể cả cách tiếp cận thông tin cũng đã khác trước?

ANH LƯU
(nguồn: Báo Người  lao động  ngày 6.111.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com