BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết "Nhẹ bước lãng du" cùng Nguyễn Chấn Hùng

"Nhẹ bước lãng du" cùng Nguyễn Chấn Hùng

"Nhẹ bước lãng du" (NXB Tổng hợp TP HCM, 2018) là một tập sách thú vị.

Trải qua gần 500 trang sách, tác giả Nguyễn Chấn Hùng đã kể lại các câu chuyện về niềm vui sống từ sự trải nghiệm. Một trong những điều khiến ta ngạc nhiên là ông đã đi đến nhiều nơi, nhiều chốn và đã thao tác như một nhà văn chuyên nghiệp là ghi chép cặn kẽ, đưa ra những nhận xét riêng, chứ không thưởng thức, chiêm bái chùa chiền, danh lam thắng cảnh bằng phong thái của người "cỡi ngựa xem hoa".

Ông cho biết do thuở bé từng đọc "Hương rừng Cà Mau" của Sơn Nam nên đã "Theo các dòng sông ra biển: Sông Gành Hào ra biển Đông; sông Ông Đốc ra biển Tây", rồi ông đã đến Ngọc Hiển (Cà Mau) - nơi tận trời cuối đất quê hương, lại ngược ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc; kể cả những chuyến "phiêu bạt giang hồ" sang tận trời Tây. Ngẫm ra, đời người được thế đã là khoái. Nhưng khoái hơn cả là ông đã viết lại để mọi người cùng… khoái. Đó chẳng phải vai trò của nhà văn là gì?

Nhẹ bước lãng du cùng Nguyễn Chấn Hùng - Ảnh 1.

Chẳng hạn khi thăm Bảo tàng Nghệ thuật New York, ông tìm xem cho bằng được bức tranh "Cái chết của Socrates" do J.Louis David vẽ năm 1787. Qua đó, ông kể lại câu chuyện trước lúc đối mặt cái chết, một người bạn giục trốn đi nhưng Socrates không đồng ý. "Ông chỉ ra luật pháp không sai mà hội đồng xét xử sai. Chính luật pháp như người cha đã nuôi Socrates khôn lớn, lựa chọn ở lại là tuân theo luật pháp. Đào thoát hóa ra là tội đáng chết. Chính con người chớ không phải luật pháp đã sai. Lúc nào và ở đâu cũng là chân lý hướng dẫn điều tốt và đạo đức". Rõ ràng, Nguyễn Chấn Hùng không chỉ xem tranh trong bảo tàng mà còn có những suy tư xuôi theo dòng cảm xúc.

Rồi lúc đến thăm nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu tại Huế, rất tự nhiên, ông lại nghĩ đến thời trẻ đã từng đọc "Chu dịch" của cụ Phan: "Khi tôi là giảng viên trẻ chuyên ngành ung thư học Đại học Y khoa Sài Gòn, thầy tôi - GS Đào Đức Hoành - đã truyền sức cho tôi rằng hãy học tinh thần của giếng. Nước giếng trong, ai cần thì cứ múc. Giếng không sợ cạn. Càng múc nước lên càng trong, đầy mà không tràn. Không được đậy lại, phải để mọi người dùng. Theo đó mà lo cho người bệnh, chỉ dạy cho đàn em". Ông lật "Chu dịch" của Sào Nam Phan Bội Châu chỉ cho tôi đúng quẻ Thủy phong tỉnh dạy về tinh thần của giếng"… Những chi tiết này, đã giúp tập sách "Nhẹ bước lãng du" vượt ra khỏi thể loại bút ký.

Vốn là bác sĩ có phận sự đem lại niềm vui, sức khỏe cho người khác, do đó, thỉnh thoảng ta lại thấy ông bàn về tiếng cười, liệu pháp cười. Theo ông: "Hãy cười giỡn bất cứ lúc nào có dịp, càng lâu càng tốt miễn là không có hại cho ai. Có lần tôi được xem HTV trực tiếp Giải Mai Vàng 15 năm, bao nhiêu bông hoa nghệ thuật được vinh danh. Tôi đặc biệt thích thú với giải trao cho nghệ sĩ hài Hoài Linh… Cây cười Bảo Quốc thì tôi ngưỡng mộ từ lâu. Thấy các "thầy cười" làm cho bà con khỏe, khỏi bị bệnh hoặc có bệnh thì mau lành, các bác sĩ phải nể trọng và cảm ơn nhiều lắm". Thì ra, trong cuộc sống đều có sự hỗ trợ qua lại, dù rằng người nghệ sĩ không phải bác sĩ nhưng bằng tài năng và tiếng cười, họ cũng có thể đem lại cho người khác niềm vui sống, kể cả bác sĩ.

Có thể nói, khi đọc "Nhẹ bước lãng du", ta gặp một Nguyễn Chấn Hùng khác, khác ở đây là những trang viết giàu tính văn học hơn là các tập sách về chuyên môn y khoa về bệnh ung thư mà ông đã in, dù rằng những tập sách đó cũng cực kỳ cần thiết, hữu ích cho bạn đọc.

Anh Lưu
(nguồn: Báo Người lao động ngày 19/11/2018) 

 


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com