BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA - khâu lại một mảnh Sài Gòn

LÊ MINH QUỐC: Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA - khâu lại một mảnh Sài Gòn

khua-lai-1-manh-Sg

 

Ban đầu bước vào làng văn, Lê Văn Nghĩa “chuyên trị” ở lãnh vực trào phúng, hài hước, châm biếm. Bấy giờ, có thể xếp anh chung chiếu với Hoàng Thiếu Phủ, Đồ Bì, Lê Hoàng… Họ đã có một thời làm mưa làm gió trên các trang báo nhằm giúp bạn đọc xả xú bắp, tìm kiếm tiếng cười trong không gian vốn ít nhiều sắc màu u ám. Ở chặng đường này, Lê Văn Nghĩa đã nỗ lực thổi hồn tạo vía tạo ra hai nhân vật “điển hình” là điệp viên Không Không Thấy và đại gia Đại Văn Mỗ.
 

Những tưởng, đã có thể ung dung tiếp tục múa bút theo dòng thời cuộc, nhưng không, dăm năm trở lại đây anh đã nhảy qua một một lãnh vực khác: Tìm về các giá trị văn hóa của Sài Gòn xưa. Đến nay, đã có 5 quyển sách của anh được trình làng Mùa Hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ. Và bây giờ, tập sách mới nhất: Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (NXB Trẻ - 2018).

Lê Văn Nghĩa, thuở bé học ở Trường Tiểu học Bình Tây (nay trường Nguyễn Huệ). Cũng như các đứa trẻ nhỏ hồi ấy, anh thường xem “cọp” ở rạp hát nhỏ như  rạp Vĩnh Khánh cũ kỹ  khu Cầu Bót, rạp Tân Lạc, Tân Bình. Lớn lên một chút, anh được mẹ dẫn đi xem cải lương ở rạp Quốc Thanh, Hưng Đạo. Thế giới giới Sài Gòn của anh được mở rộng hơn vào lúc lên mười, anh kể: “Lúc đó, ba tôi, một viên cảnh sát quèn, được nhận nhiệm vụ gác trước cửa ngân hàng BFC trong thương xá TAX, tôi mới biết được thế nào là thế giới của ‘văn minh’. Thi thoảng, tôi được ba tôi chở ra thương xa Tax để nhìn người đi qua, đi lại trong ánh điện sáng choang, trong mùi dầu thơm sực nức. Những của hàng bán băng,  dĩa hát có giọng ca Bạch Yến, Tini Young, hàng hóa, quần áo, nước hoa sang trọng. Những quán ăn hột gà lộn 11 ngày, la de 33 sủi bọt …đập vào mắt, mùi thơm của thức ăn ngào ngạt xộc vào mũi tôi đầy nghiêng ngửa và thèm muốn”.

Với nhiều người kỷ niệm về năm tháng ấy, có thể nhớ, có thể quên nhưng với nhà văn lại khác. Đó chính là chất liệu của văn chương để họ trải lòng qua trang viết. Viết về dấu vết của Sài Gòn còn đọng lại trong ký ức dễ hay khó? Rất dễ bởi hiện nay, qua kho tài liệu tìm kiếm trên Google, ta có thể chạm đến tận chân tơ kẽ tóc. Cực kỳ phong phú. Đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ tư liệu thì vẫn chưa đủ vì các trang tùy bút, ngẫu hứng với nỗi nhớ bất chợt bao giờ cũng đòi hỏi cảm xúc. Càng nhiều càng tốt. Có thế, mới tạo ra nét riêng. Lê Văn Nghĩa có ưu thế đã sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, nơi chôn rau cắt rốn bao giờ cũng gợi lại niềm tâm cảm sâu sắc, dù chỉ là chi tiết nhỏ, lặt vặt. Nghĩ cho cùng, loại tùy bút rất cần đến chi tiết mà người viết đã trải qua, đã chiêm nghiệm.

Đọc tập sách Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, tôi thêm khoái lối uống bia la-de của người Sài Gòn thuở trước: “Cùng là một chai nước lên men bằng hublon nhưng này trước dân nhậu gọi bằng la-ve hay la-de. Người Sài Gòn phát âm theo giọng Nam bộ thường gọi la-de. Chữ la-de dễ chấp nhận hơn vì theo một số người am tường, từng làm cho Hãng BGI cho biết chữ la-de xuất phát từ chữ Larue trên tờ nhãn. Chữ Larue được đọc là la ruye nhưng người bình dân giản lược là la-de (?)”; rồi lúc vào quán: “hất hàm gọi: “cho chai 33 bà chủ” thật là oách càng cua”.
Kể ra cũng thú lắm đây.

Không thú sao được, khi đã có chút men, lại nghe anh kể về loại xe ngựa: “Với tuổi thơ chúng tôi, không ai gọi xe ngựa là thổ mộ, thảo mã, thủ mã, boite d’allumettes (xe hộp quẹt) hay “tac a tac”… mà tụi tôi gọi là xe một bu-gi vì đa số ngựa kéo xe thổ mộ là ngựa đực có một… cái “bu-gi” dài thoòng. Và sau này dù cho là ngựa cái kéo xe thì tụi tôi vẫn gọi tuốt là Xe Một Bu Gi”. Chi tiết này hay quá, nếu không từng trải qua, đố biết.

Lại nữa, cũng là cái lon sữa Guigoz, theo anh, chỉ mới nhập vào Sài Gòn vào năm 1967: “Tôi nhớ khi bị giam ở Côn Đảo, ba ngày mỗi người mới được phát cho một lon gô nước để tắm. Các tù nhân thường ụp nguyên một lon gô lên đầu để cho nước chảy từ từ xuống thân người một cách tiết kiệm”.

Những chi tiết sống động của Lê Văn Nghĩa bàng bạc qua gần 400 trang sách. Khi đã soi rọi từ ký ức một vấn đề nào đó như một lẽ tự nhiên các chi tiết ấy lại ùa đến. Ngoài cảm xúc ta còn thấy anh còn cố tình lồng vào đó khá nhiều kiến thức mà anh am tường, nhờ đó, trang văn có thêm một “sức nặng” khác.

Thời gian gần đây, địa danh Sài Gòn đã có nhiều người khai thác nhưng không loại trừ chỉ là cái cớ để đáp ứng “nhu cầu thời thượng” hơn là thật sự trải lòng từ cảm xúc. Ở Lê Văn Nghĩa lại khác, với anh vẫn là những lời thủ thỉ như tâm tình kể chuyện cùng bạn đọc. Chi tiết nà, chi tiết kia có thể mới lạ hoặc đã quen thuộc nhưng với kỹ năng viết chuyên nghiệp và giàu cảm xúc, Lê Văn Nghĩa đã tạo ra một dấu ấn riêng. Và chắc chắn, không dừng lại đây, anh cho biết vẫn còn tiếp tục đeo đuổi về đề tài này, với anh cũng là lúc sống lại cùng năm tháng hoa niên mà anh muốn chia sẻ củng bạn đọc.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 31.10.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com