Ở một cơ quan hội văn học nghệ thuật nọ, khi bước vào sảnh, người ta thấy có những kệ sách, ai muốn lấy đọc thì lấy. Tôi cũng đến xem sao. Hầu hết đó là quyển sách in rất đẹp, giấy trắng bóng. Có điều đáng ngạc nhiên là phía sau bìa cuối, thay vì ghi giá tiền là dòng chữ "Sách nhà nước đặt hàng". Có thể hiểu đây là sách được nhà nước rót kinh phí nhằm tuyên truyền về chủ trương, chính sách, phổ biến văn hóa nói chung.
Loại sách này, hầu hết do cơ quan của địa phương đó nhận kinh phí từ nhà nước, giao lại cho NXB in ấn. Ngoài ra, cũng có thể là những tác phẩm đã làm nên tên tuổi nhà văn rất cần thiết cho bạn đọc. Chẳng hạn, NXB Văn học, Hội Nhà văn đã từng in loạt sách của các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước…
Ở đây, có một điều nghịch lý là sách không bày bán rộng rãi, công khai nhằm phổ biến đến đông đảo bạn đọc. Nó chỉ được phát cho các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo; hoặc nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch nào đó. Nói cách khác do "quy trình" này nên bạn đọc dẫu có nhu cầu cũng bó tay, không thể tìm mua. Bất kỳ nhà văn nào dù nổi tiếng hoặc sắp… nổi tiếng cũng đều mong muốn những gì mình đã viết phải đến tay bạn đọc, thế mà… Nghĩ cũng tiếc! Tiếc nhất là người cần đọc lại không thể mua được sách; ngược lại do sách không in giá bán nên NXB (hoặc cơ quan "đặt hàng" in sách) cũng không thể đưa vào kênh phát hành chính thức trên thị trường.
Vậy, phải xử lý ra làm sao với loại sách trên, nếu nó tồn đọng?
Bộ sách “Kỹ thuật của người An Nam” (Technique du peuple Annamite) và sách “Tranh dân gian Việt Nam” đều ghi giá bán
Như đã nói trên, cơ quan "đặt hàng" làm sách trưng bày trong cơ quan như hội văn học nghệ thuật chẳng hạn, ai biết thì cứ việc lấy, bằng không thì thôi. Ít ra cách linh hoạt này cũng khỏi mất thời gian lưu trữ trong kho; hoặc cất giữ trong kho để lúc nào có hội nghị thì lại… tặng tiếp! Tuy nhiên, cũng có nơi tính bằng cách khác "nhanh, gọn, lẹ". Đó là cách mà trước đây, báo chí đã ầm ĩ về vụ hàng ngàn cuốn sách của hàng chục đầu sách thuộc công trình nghiên cứu cấp quốc gia đã bán thốc bán tháo ra… hiệu sách cũ, ve chai đồng nát! Thế thì, dù sách có giá trị nhưng cũng do "quy chế" là "Sách nhà nước đặt hàng" nên người đọc có nhu cầu chỉ có thể mua bằng cách oái oăm đó.
Trong khi đó, đối với các cơ quan truyền bá văn hóa nước ngoài, dù có tài trợ hoặc một phần tài trợ họ cũng nghĩ đến cách phát hành rộng rãi. Chẳng hạn, bộ sách giá trị "Kỹ thuật của người An Nam" (Technique du peuple Annamite) in theo lối in tranh mộc bản, ghi lại cảnh sinh hoạt, lao động hằng ngày của người Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vào đầu thế kỷ XX do Henri Oger thực hiện năm 1909. Nay Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), NXB Thế giới, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM và đơn vị làm sách Nhã Nam tái bản (3 tập), vẫn có giá bán hẳn hoi.
Còn có thể kể đến "Tranh dân gian Việt Nam" do Maurice Durand sưu tầm và nghiên cứu đã từng được EFEO xuất bản lần đầu tiên vào năm 1960. Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm trên các phố phường Hà Nội và các vùng lân cận thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nay, NXB Văn hóa Văn nghệ phối hợp tái bản, cũng có ghi giá bán. Gần đây nhất, một sự kiện liên quan đến tác phẩm "Lục Vân Tiên" là khi cố GS sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, sang thăm thư viện của Viện Pháp (Institut de France, Paris). Ông đã được người phụ trách giới thiệu về cuốn sách dày, ngoài bìa viết tay dòng tiếng Pháp: "Histoire de Luc Van Tien illustrée par Le Duc Trach…". Và khi NXB Văn hóa Văn nghệ cùng EFEO tái bản, vẫn không quên… ghi giá bán.
Với một vài dẫn chứng trên, ta thấy cách làm này là sòng phẳng và chỉn chu về đời sống của một quyển sách, tức là nó phải được lưu thông trên thị trường nhằm phục vụ đông đảo người đọc, chứ không chỉ in ra rồi dán mác "Sách nhà nước đặt hàng" chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp, dẫn đến tình trạng "người cần không có, người có không cần".
Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần xem xét và có biện pháp điều chỉnh nghịch lý này. Một nghịch lý đã tồn tại từ… thời bao cấp nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi. Cần thay đổi quan niệm, cho dù sách thực hiện bằng kinh phí đặt hàng của nhà nước đi nữa mà chỉ phát không là… thất sách. Nghĩ cho cùng, loại "Sách nhà nước đặt hàng" nhằm đạt đến mục tiêu phổ biến, quảng bá về văn hóa, nếu không đưa vào kênh phát hành chính thức thì cực kỳ lãng phí ngân sách do nhà nước chi ra lẫn công sức của các NXB.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|