HỒN THƠ ĐÃ CHÍN
Trong cõi đời này, Nguyễn Ngọc Mai là một thi nhân, tâm hồn ấy, con người ấy, đã làm việc thiện như một niềm vui sống. Từ trong niềm vui sống vì đã biết cho đi, những tập thơ của Mai đã lần lượt ra đời. Tiếng thơ ấy góp thêm một tiếng nói về tình người, tình yêu thương là đã sống thì hãy luôn biết san sẻ cho nhau. Dẫu không phải lúc nào cũng suông sẻ, nhưng Mai luôn có niềm tin và tự nhủ:
Em không khóc trong hành trình chia sẻ
Cho yêu thương truyền lửa đến tim người
Riêng em nhận mưa lòng rơi trên gối
Để hân hoan neo đậu những môi cười!
Không chỉ thế, trong con người thi nhân ấy, còn thể hiện trách nhiệm công dân rất rõ nét. Khi về đến Ngã ba Đồng Lộc, Mai đã có những vần thơ dạt dào thương cảm:
Nén tâm hương em không nói thành lời
Chỉ đứng lặng ngắm nhìn mười di ảnh
Mười trái tim hồng tinh khôi trong trắng
Mười linh hồn vĩnh viễn hoá mùa xuân
Câu thơ cuối mang sức khái quát về sự hy sinh vì nghĩa lớn của những
cô gái đã khuất. “Mười linh hồn vĩnh viễn hoá mùa xuân”. Rất cảm động, bởi lẽ mùa xuân ấy dành cho thế hệ đang sống của hôm nay, khi mà các chị đã trở về cát bụi. Có lẽ Mai vẫn là nhà thơ nữ viết nhiều nhất các vần thơ gửi đến hải đảo, biên cương cùng người lính ở Trường Sa.
Đất liền biển đảo soi chung
Một vầng trăng đẹp hòa cùng lời ca
Em yêu biển đảo Trường Sa
Yêu non nước Việt đậm đà nghĩa nhân!
Có thể nói, Mai đã nói hộ cho nhiều người về tình yêu thiêng liêng dành cho non sông đất nước. Dẫu là ngày Tết, lúc mọi nhà sum họp ấm áp, tự sâu thẳm lòng mình, Mai vẫn thì thầm chia sẻ nỗi niềm:
Tết Trường Sa anh chỉ nhìn sóng biếc
Gửi nhớ thương theo con nước vào bờ
Tết đất liền xốn xang bao nỗi nhớ
Phút giao thừa em thầm gọi Trường sa
Tuy nhiên, sâu thẳm nhất trong tâm hồn của Mai, ở thời điểm này vẫn là sự thức tỉnh về lẽ vô ưu“Tìm mình giữa sắc không”. Đó là những câu thơ đã nhìn thấy sự biến hóa vô cùng trong hỗn mang trời đất:
Ai cũng biết trần gian là cõi tạm
Sao con người lại hờ hững với nhau
Rồi đặt ra bao nhiêu điều trói buộc
Một kiếp người ngẫm có được là bao
Không “có được là bao”, thế thì tại sao con người ta không yêu thương nhau, không sống tốt với nhau? Trả lời cho câu hỏi này, điều đáng ghi nhận là từ nhiều năm qua, Mai đã cùng các cộng sự chung tay đã điều hành Câu lạc bộ Từ thiện Đồng Tâm tại chùa Pháp Vân quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2009 đến nay các tấm lòng cao thượng ấy đã phụng sự hơn 30 tỷ đồng nhằm xây 110 cây cầu, 59 căn nhà, 10 ngôi trường, hàng nghìn quà tặng… Những con số này, có thể cân, đong, đo, đếm nhưng từ việc làm này, qua đó, tác động đến tâm hồn Mai ra sao? Câu hỏi này, làm sao có thể trả lời chỉn chu nhất, nếu không đọc thơ của một thi nhân:
Sau ồn ào em trở về tĩnh lặng
Nghe mưa rơi trên gác trọ nhà người
Lúc ấy, Mai đã nghĩ gì?
Thế gian chia sẻ nụ cười
Kết tình nhân ái cho đời lạc an
Ta về mây gió xốn xang
Cầu Vồng bảy sắc hân hoan đón chào
Kiếp người có được là bao
BUÔNG là phẩm hạnh đi vào Chân Như!
Và đã thấy gì?
Em tan trong cõi vô hình
Bâng khuâng mây trắng đan hình trái tim
Vấn vương gió mãi đi tìm
Ngác ngơ sen trắng bên thềm Hư vô!
Một lần nữa, Mai lại xác định con đường đã chọn. Và vui mừng thay, trên con đường ấy, thơ của Mai ngày càng thiền hơn, hàm xúc hơn và gợi mở ra thêm nhiều cung bậc khác trước. Vì lẽ đó, có thể ghi nhận ở tập thơ này, thơ của Nguyễn Ngọc Mai đã chín hơn trước nhiều lắm. Với sự vui mừng, hoan hỉ này, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc yêu thơ.
Lê Minh Quốc
(VII.2018)
(nguồn: Tập thơ Tìm mình giữa sắc không của Nguyễn Ngọc Mai -
< Lùi | Tiếp theo > |
---|