Gần đây, chúng tôi được mời về Trường KHXH&NV TP HCM để góp ý về đề cương Tự điển báo chí - một công trình có tầm vóc quốc gia. Với ý kiến xác đáng, nhà báo Trần Nhật Vy đã chỉ ra những hạn chế trong đề cương khi đề cập nhân vật báo chí Sài Gòn trước 1945. Chẳng hạn, ở trong Nam có đến 3 nhà báo cùng tên Nguyễn Đức Nhuận mà lâu nay không ít người nhầm lẫn...
Không chỉ có thế, qua những tập sách vừa ấn hành từ vài năm trở lại đây, như: "Mười tám thôn vườn trầu", "Chữ quốc ngữ: 130 năm thăng trầm", "Kim Vân Kiều truyện", "Từ Bến Nghé đến Sài Gòn", "Báo Quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19", "Ba nhà báo Sài Gòn - Dương Tử Giang, Trần Tấn Quốc, Bà Bút Trà", "Sài Gòn chốn chốn rong chơi", mới đây nhất là tập sách "Văn chương Sài Gòn 1881-1924"… có thể nói, Trần Nhật Vy đã cung cấp được những văn bản gốc, những tài liệu mới mẻ, những phát hiện có liên quan đến đời sống xã hội, văn học, báo chí của Sài Gòn thế kỷ trước mà trước đây chưa mấy ai đề cập chu đáo, đầy đủ.
Bìa 2 cuốn sách “Văn chương Sài Gòn 1881-1924” của Trần Nhật Vy vừa nhận giải thưởng Sách hay 2018
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng kiệt tác "Truyện Kiều" dịch ra chữ quốc ngữ là bản của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ ấn hành năm 1925. Trần Nhật Vy cho rằng trước đó, từ năm 1875 ở trong Nam, hơn nửa thế kỷ sau khi Nguyễn Du mất, Trương Vĩnh Ký đã xuất bản quyển "Kim, Vân, Kiều truyện" - đây là quyển "Truyện Kiều" chuyển từ chữ Nôm sang quốc ngữ đầu tiên trong văn học Việt Nam.
Với bộ sách "Văn chương Sài Gòn 1881-1924" (2 tập) vừa được Viện Giáo dục IRED trao giải Sách hay 2018, có thể nói đây cũng là đóng góp quan trọng của Trần Nhật Vy. Một câu hỏi "phản biện" đã được đặt ra nghiêm túc: "Vì sao lại chọn cột mốc 1881-1924? Dựa vào tiêu chí và các chứng cứ nào?".
Với tất cả những gì đã dày công sưu tập, anh phân tích chu đáo: "Từ tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo, năm 1866 Trương Vĩnh Ký cho ra đời tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên. Đó là "Chuyện đời xưa" nhằm "lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích". Tiếp đó là những sáng tác văn xuôi quốc ngữ thuộc nhiều thể loại báo chí. Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử báo chí Sài Gòn, tôi phát hiện một điều đáng chú ý. Đó là sự thay đổi đột ngột của mục "Thứ vụ" trên Gia Định báo vào ngày 1-12-1881. Đó là ngày trong mục này bỗng xuất hiện 3 bài viết văn xuôi ngắn chiếm nửa trang báo khổ A3, không có tên tác giả, gồm: "Cách thế cứu người chết ngột", "Tên chăn bò" và "Thằng ăn trộm với con heo". "Cách thế cứu người chết ngột" (đúng ra là chết ngộp) là một bài khoa học thường thức. Còn 2 bài kia là truyện. Phải chăng đây là những truyện đầu tiên được đăng trên báo quốc ngữ? Vì vậy, tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn". Và anh cũng cho biết: "Tôi quyết định chọn năm 1924 làm cái mốc "tạm dừng chơn" của văn chương Sài Gòn để cho mọi người Việt thấy và biết rằng trước khi "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách ra đời thì Sài Gòn đã có rất nhiều, rất nhiều tiểu thuyết dài ngắn khác nhau".
Đọc tập sách này, ngoài thưởng thức các áng văn xưa viết theo lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ, ta còn có thể tìm thấy nhiều thông tin lý thú về văn học sử, chẳng hạn, anh cho biết từ năm 1902, báo Nông cổ mín đàm, ở Sài Gòn, đã tổ chức cuộc thi thơ đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam với tên gọi "Quảng văn thi cuộc". Cuộc thi này chính thức diễn ra từ số báo 39 ra ngày 22-5-1902: "Bổn báo có lời rao: Nay muốn mở cuộc thông đồng cho văn nhơn tài tử xa gần vui chơi với nhau cho dễ. Tuy xa cách mặc dầu, chớ cũng đồng thinh khí. Xưa nay ai nấy đều biết bài thơ "Lão kỵ quy y" là hay, không ai họa lại được cho bằng. Vậy nay đổi ngược lại ra đề như sau này mà làm thử coi có hay chăng: Thanh ny hồi tục. Xin chư dai nhơn tài tử có rảnh làm chơi, vận chi cũng được".
Những thông tin quan trọng này, rõ ràng ngoài văn chương còn là tài liệu về diện mạo báo chí của Sài Gòn xưa. Đến nay, dù đã mày mò, cặm cụi chọn lọc cả hàng trăm áng văn xuôi từ các báo Nông cổ mín đàm, Nam kỳ địa phận, Lục tỉnh tân văn, Trung lập báo… dày gần ngàn trang in nhưng Trần Nhật Vy vẫn chưa dừng lại. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết hiện đang hoàn thành tập 3 "Văn chương Sài Gòn 1881-1924" gồm các truyện có tựa chung "Mật thám truyện". Đó là các truyện ngắn, truyện dài thuộc thể loại hình sự, điều tra, phá án để qua đó, bạn đọc có thể hình dung ra tình hình xã hội, văn hóa, chính trị của Nam Bộ đầu thế kỷ XX qua lăng kính của các nhà văn Lê Hoằng Mưu, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Biến Ngũ Nhy, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử, Phú Đức, Bửu Đình, Phạm Minh Kiên, Sơn Vương...
Trường hợp Trần Nhật Vy, theo chúng tôi, "độc đáo" còn ở chỗ dù anh chỉ tay ngang, không được đào tạo trường lớp, bài bản trong lĩnh vực sưu tập, khảo cứu văn bản học hoặc phê bình, lý luận về văn học - báo chí, thế nhưng công trình của anh đã khiến giới nghiên cứu chuyên nghiệp phải "ngả nón" thán phục. Cái gì tạo nên điều đó, Trần Nhật Vy cho biết "bí quyết" chỉ gọn trong dăm chữ: "Vì tình yêu Sài Gòn, vì vùng đất đã chôn nhau cắt rốn".
Tự chi tiền túi để làm
Điều đáng ghi nhận ở Trần Nhật Vy là: Một, toàn bộ kinh phí sưu tập, mua tài liệu, kể cả chuyến đi Pháp sắp tới để "thâm nhập" Thư viện quốc gia Pháp đều do anh bỏ tiền túi chứ không hề nhận bất kỳ một tài trợ nào; hai, với văn bản xưa, cách đây hàng trăm năm nay, ngoài việc giữ nguyên theo bản gốc (tiện cho người đọc nghiên cứu, tham khảo về văn chương quốc ngữ Nam Bộ) thì anh đã làm công tác chú thích, giải thích để độc giả ngày nay dễ theo dõi.
Gần đây, chúng tôi được mời về Trường KHXH&NV TP HCM để góp ý về đề cương Tự điển báo chí - một công trình có tầm vóc quốc gia. Với ý kiến xác đáng, nhà báo Trần Nhật Vy đã chỉ ra những hạn chế trong đề cương khi đề cập nhân vật báo chí Sài Gòn trước 1945. Chẳng hạn, ở trong Nam có đến 3 nhà báo cùng tên Nguyễn Đức Nhuận mà lâu nay không ít người nhầm lẫn...
Không chỉ có thế, qua những tập sách vừa ấn hành từ vài năm trở lại đây, như: "Mười tám thôn vườn trầu", "Chữ quốc ngữ: 130 năm thăng trầm", "Kim Vân Kiều truyện", "Từ Bến Nghé đến Sài Gòn", "Báo Quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19", "Ba nhà báo Sài Gòn - Dương Tử Giang, Trần Tấn Quốc, Bà Bút Trà", "Sài Gòn chốn chốn rong chơi", mới đây nhất là tập sách "Văn chương Sài Gòn 1881-1924"… có thể nói, Trần Nhật Vy đã cung cấp được những văn bản gốc, những tài liệu mới mẻ, những phát hiện có liên quan đến đời sống xã hội, văn học, báo chí của Sài Gòn thế kỷ trước mà trước đây chưa mấy ai đề cập chu đáo, đầy đủ.
Bìa 2 cuốn sách “Văn chương Sài Gòn 1881-1924” của Trần Nhật Vy vừa nhận giải thưởng Sách hay 2018
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng kiệt tác "Truyện Kiều" dịch ra chữ quốc ngữ là bản của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ ấn hành năm 1925. Trần Nhật Vy cho rằng trước đó, từ năm 1875 ở trong Nam, hơn nửa thế kỷ sau khi Nguyễn Du mất, Trương Vĩnh Ký đã xuất bản quyển "Kim, Vân, Kiều truyện" - đây là quyển "Truyện Kiều" chuyển từ chữ Nôm sang quốc ngữ đầu tiên trong văn học Việt Nam.
Với bộ sách "Văn chương Sài Gòn 1881-1924" (2 tập) vừa được Viện Giáo dục IRED trao giải Sách hay 2018, có thể nói đây cũng là đóng góp quan trọng của Trần Nhật Vy. Một câu hỏi "phản biện" đã được đặt ra nghiêm túc: "Vì sao lại chọn cột mốc 1881-1924? Dựa vào tiêu chí và các chứng cứ nào?".
Với tất cả những gì đã dày công sưu tập, anh phân tích chu đáo: "Từ tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo, năm 1866 Trương Vĩnh Ký cho ra đời tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên. Đó là "Chuyện đời xưa" nhằm "lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích". Tiếp đó là những sáng tác văn xuôi quốc ngữ thuộc nhiều thể loại báo chí. Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử báo chí Sài Gòn, tôi phát hiện một điều đáng chú ý. Đó là sự thay đổi đột ngột của mục "Thứ vụ" trên Gia Định báo vào ngày 1-12-1881. Đó là ngày trong mục này bỗng xuất hiện 3 bài viết văn xuôi ngắn chiếm nửa trang báo khổ A3, không có tên tác giả, gồm: "Cách thế cứu người chết ngột", "Tên chăn bò" và "Thằng ăn trộm với con heo". "Cách thế cứu người chết ngột" (đúng ra là chết ngộp) là một bài khoa học thường thức. Còn 2 bài kia là truyện. Phải chăng đây là những truyện đầu tiên được đăng trên báo quốc ngữ? Vì vậy, tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn". Và anh cũng cho biết: "Tôi quyết định chọn năm 1924 làm cái mốc "tạm dừng chơn" của văn chương Sài Gòn để cho mọi người Việt thấy và biết rằng trước khi "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách ra đời thì Sài Gòn đã có rất nhiều, rất nhiều tiểu thuyết dài ngắn khác nhau".
Đọc tập sách này, ngoài thưởng thức các áng văn xưa viết theo lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ, ta còn có thể tìm thấy nhiều thông tin lý thú về văn học sử, chẳng hạn, anh cho biết từ năm 1902, báo Nông cổ mín đàm, ở Sài Gòn, đã tổ chức cuộc thi thơ đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam với tên gọi "Quảng văn thi cuộc". Cuộc thi này chính thức diễn ra từ số báo 39 ra ngày 22-5-1902: "Bổn báo có lời rao: Nay muốn mở cuộc thông đồng cho văn nhơn tài tử xa gần vui chơi với nhau cho dễ. Tuy xa cách mặc dầu, chớ cũng đồng thinh khí. Xưa nay ai nấy đều biết bài thơ "Lão kỵ quy y" là hay, không ai họa lại được cho bằng. Vậy nay đổi ngược lại ra đề như sau này mà làm thử coi có hay chăng: Thanh ny hồi tục. Xin chư dai nhơn tài tử có rảnh làm chơi, vận chi cũng được".
Những thông tin quan trọng này, rõ ràng ngoài văn chương còn là tài liệu về diện mạo báo chí của Sài Gòn xưa. Đến nay, dù đã mày mò, cặm cụi chọn lọc cả hàng trăm áng văn xuôi từ các báo Nông cổ mín đàm, Nam kỳ địa phận, Lục tỉnh tân văn, Trung lập báo… dày gần ngàn trang in nhưng Trần Nhật Vy vẫn chưa dừng lại. Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết hiện đang hoàn thành tập 3 "Văn chương Sài Gòn 1881-1924" gồm các truyện có tựa chung "Mật thám truyện". Đó là các truyện ngắn, truyện dài thuộc thể loại hình sự, điều tra, phá án để qua đó, bạn đọc có thể hình dung ra tình hình xã hội, văn hóa, chính trị của Nam Bộ đầu thế kỷ XX qua lăng kính của các nhà văn Lê Hoằng Mưu, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Biến Ngũ Nhy, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử, Phú Đức, Bửu Đình, Phạm Minh Kiên, Sơn Vương...
Trường hợp Trần Nhật Vy, theo chúng tôi, "độc đáo" còn ở chỗ dù anh chỉ tay ngang, không được đào tạo trường lớp, bài bản trong lĩnh vực sưu tập, khảo cứu văn bản học hoặc phê bình, lý luận về văn học - báo chí, thế nhưng công trình của anh đã khiến giới nghiên cứu chuyên nghiệp phải "ngả nón" thán phục. Cái gì tạo nên điều đó, Trần Nhật Vy cho biết "bí quyết" chỉ gọn trong dăm chữ: "Vì tình yêu Sài Gòn, vì vùng đất đã chôn nhau cắt rốn".
Tự chi tiền túi để làm
Điều đáng ghi nhận ở Trần Nhật Vy là: Một, toàn bộ kinh phí sưu tập, mua tài liệu, kể cả chuyến đi Pháp sắp tới để "thâm nhập" Thư viện quốc gia Pháp đều do anh bỏ tiền túi chứ không hề nhận bất kỳ một tài trợ nào; hai, với văn bản xưa, cách đây hàng trăm năm nay, ngoài việc giữ nguyên theo bản gốc (tiện cho người đọc nghiên cứu, tham khảo về văn chương quốc ngữ Nam Bộ) thì anh đã làm công tác chú thích, giải thích để độc giả ngày nay dễ theo dõi.
Ghi chú:
Anh Lưu bút danh của Lê Minh Quốc