BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: SỰ LÝ THÚ NHÌN TỪ… ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM

LÊ MINH QUỐC: SỰ LÝ THÚ NHÌN TỪ… ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM

su-ly-thu-nhi-tu-dong-tienVN



Sau khi hoàn thành sứ mệnh đánh tan 12 sứ quân thống nhất Tổ quốc, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế - thường gọi Đinh Tiên Hoàng, đặt niên hiệu Thái Bình, quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Nhà sử học Lê Văn Hưu nhận định: “Có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu vương chăng?”. Đinh Tiên Hoàng không những là ông vua đầu tiên ở nước ta tự đặt niên hiệu để sánh với niên hiệu của hoàng đế phương Bắc, mà còn là người đầu tiên cho đúc tiền để lưu hành trong nước. Đó là đồng tiền hình tròn, đường kính khoảng 22cm, giữa có lỗ vuông, bề mặt có bốn chữ đọc chéo là “Thái Bình hưng bảo”, phía lưng đúc nổi chữ “Đinh”.

Với chức năng nhằm thực hiện thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, dự trữ và thanh toán thì sự ra đời của đồng tiền đời nhà Đinh là một sự kiện rất đáng ghi nhớ, nó gắn liền với sự phát triển của sản xuất và giao dịch. Với sự có mặt của “Thái Bình hưng bảo”, chứng tỏ vương triều nhà Đinh lúc ấy thật sự vững mạnh, chính quyền từ trung ương và địa phương đều được củng cố và phát huy quyền lực, do đó, đồng tiền mới có điều kiện ra đời.

Từ đây, các vị vua của các triều đại kế tiếp cũng tổ chức đúc tiền với nhiều chất liệu khác nhau như đồng, kẽm, bạc, vàng hoặc dùng kẽm pha sắt, kẽm pha thiết (như tiền đúc dưới đời nhà Mạc vì vậy chất lượng kém, chóng rỉ, dễ gẫy, dễ mục nên các nhà sưu tầm tiền cổ ngày nay khó tìm thấy).

Trong chế độ phong kiến, chỉ duy nhất vào cuối đời nhà Trần, tháng 4.1396, với cương vị Phụ chính cai giáo hoàng đế (giúp vua trị nước kiêm dạy bảo vua), Hồ Quý Ly đã cho phát hành tiền giấy gọi là “Thông bảo hội sao”, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 2 quan tiền giấy. Các loại tiền gồm có: tờ 10 đồng vẽ rong biển, tờ 30 đồng vẽ sóng biển, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa (quy), tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng (long). Chủ trương phát hành tiền giấy rất táo bạo và cũng là lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta.

Có lẽ kỹ thuật in thời ấy còn thô sơ nên chắc chắn không tránh khỏi tình trạng làm... tiền giả! Người trước nhất làm tiền giả là tên cướp Nguyễn Nhữ Cái! Chỉ ba năm sau sử dụng tiền giấy, y trốn vào núi Thiết Sơn làm loạn và làm... tiền giả để tiêu dùng! Do đó, Quý Ly đã quy định nghiêm ngặt kẻ nào làm tiền giả thì bị tội chết, ruộng đất tài sản bị tịch thu; cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa tiền, tiêu dùng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ; kẻ nào vi phạm cũng bị tội như làm tiền giả!

Việc thu lại tiền đồng, không những nhằm giải quyết khủng hoảng tài chính mà còn là mục đích dùng để đúc vũ khí phục vụ cho nền an ninh quốc phòng. Vì lúc này, giặc Minh đang tìm cớ để đánh xuống nước ta, việc chuẩn bị trước của Quý Ly đã chứng tỏ tầm nhìn xa của một người trị nước. Chủ trương táo bạo này, do tạo ra rắc rối trong sự mua bán, trao đổi quen thuộc lâu nay nên đã không được nhân dân ủng hộ.

Cứ theo nhận định của nhà bác học Phan Huy Chú, ta biết được tâm lý của người tiêu dùng thuở ấy: “Tiền giấy chẳng qua chỉ là mảnh giấy vuông, phí tổn chỉ đáng năm, ba đồng tiền, mà đem đổi lấy vật đáng năm, sáu trăm đồng của người ta, cố nhiên không phải là cái đạo đúng mức. Vả lại người có tiền giấy cất giữ cũng dễ rách nát, mà kẻ giả mạo sinh ra không cùng, thật không phải là cách bình ổn vật giá nhằm lưu thông của cải của dân vậy. Quý Ly không xét kỹ đến cái gốc lợi hại, chỉ ham chuộng hư danh sáng chế, để cho tiền của, hàng hóa vẫn đang lưu thông lập tức sinh ra ứ đọng khiến dân nghe đã thấy sợ, thêm mối xôn xao, thế có phải là chế độ bình trị đâu?”.

Do đó, khi nhà Hồ sụp đổ thì tiền giấy cũng mất theo.

Sau mười năm nằm gai nếm mật đánh giặc Minh hồn xiêu phách lạc, năm 1428 anh hùng Lê Lợi lên ngôi, tức vua Lê Thái Tổ. Trong Chiếu ban xuống cho bàn dân thiên hạ, ngài cho biết quan điểm về việc đúc tiền:

“Tiền là huyết mạch của nhân dân, không thể không có. Nước ta vốn sản xuất mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị người Hồ (nhà Hồ) tiêu hủy, trăm phần chỉ còn một, đến nay việc quân việc nước thường bị thiếu dùng. Muốn cho tiền được lưu thông tiêu dùng để thỏa lòng dân, há chẳng khó sao? Mới rồi có người dâng thư trình bày xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng mà lưu hành ở trong dân chúng hữu dụng, thực không phải là ý yêu dân dùng của. Nhưng đời xưa có người cho rằng vàng, bạc, da lụa, tiền thực, tiền giấy các vật ấy đều cân ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần trăm quan và những người thông đạt thì vụ ở trong ngoài đến bàn thể lệ dùng tiền cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không lấy lòng thích riêng của một người mà bắt ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để làm phép hay một đời. Nên phải bàn định sớm tâu lên, trẫm sẽ tự chọn mà thi hành” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Cuối cùng, phương thức làm tiền giấy đã không được chọn và các triều đại sau cũng không.

Khi khảo sát đồng tiền, người ta cũng có thể biết được kỷ cương phép nước của một thời. Thời bình trị, những đồng tiền được làm bằng đồng, đầy đặn, không quá mỏng, không sử dụng chất liệu kém phẩm chất vì dễ gẫy, dễ mục... Với quan điểm: “Công dụng của tiền tệ quý ở trên, dưới lưu thông. Việc cất chứa trong kho tàng cốt sao cho để lâu không nát” nên vua Lê Thánh Tông (1460-1497), một vị vua anh minh đã có nhiều cải cách quan trọng trong lịch sử nước nhà, đã cho đúc “Quang Thuận thông bảo”, “Hồng Đức thông bảo”. Loại tiền này đã được nhà bác học Phan Huy Chú và các nhà nghiên cứu tiền cổ ngày nay nhận định đó là những đồng tiền mẫu mực, không thua gì tiền của Trung Quốc.

Đọc lại ca dao, thỉnh thoảng ta bắt gặp những câu như “Một quan tiền tốt mang đi”, chứng tỏ tiền cổ Việt Nam trải qua các triều đại đã được làm nhiều chất liệu khác nhau nên phẩm chất không đồng bộ. Chẳng hạn, dưới thời vua Lê Thánh Tông hoặc đời vua Lê Thần Tông có lệnh cấm dùng tiền xấu v.v... Đồng tiền chất lượng kém nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam là tiền đúc dưới đời nhà Mạc. Đến đời Cảnh Hưng và các triều vua nhà Nguyễn ngoài tiền đồng còn lưu hành cả tiền kẽm nữa.

Trong ca dao cũng cho biết tên gọi của những đồng đồng tiền ra đời dưới các triều đại trước. Chẳng hạn, loại tiền “Cảnh Hưng” xuất hiện dưới đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786).

Mẹ em tham thúng xôi rền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng

Tiền Cảnh Hưng có nhiều loại như “Cảnh Hưng thông bảo”, “Cảnh Hưng trung bảo”, “Cảnh Hưng chí bảo”v.v... Riêng sự ra đời của một trong những loại tiền đồng này cũng khá lý thú. Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết: “Năm Bính Thân, vâng truyền rằng phàm bắt được súng đồng ở Thuận Hóa, nòng súng đã rộng không dùng được, cùng là đồ đồng, tấm đồng rộng lớn không dùng được và không chở đi được, thì nên phá hủy gấp mà đúc tiền lưu trữ, đồng tiền nặng 1 đồng cân, đề chữ “Cảnh Hưng thông bảo”, làm khải đệ lên, để trữ dùng vào việc ngoài biên”. Chi tiết này ít nhiều gợi cho ta phán đoán, kỹ thuật đúc súng ở Đàng Trong thời gian này đã hơn hẳn Đàng Ngoài, ít ra là về hình thức. Thật vậy, từ năm 1614, tại một xưởng đúc súng của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đã được một người Bồ Đào Nha là Jean Lacroix đảm nhiệm trọng trách “cố vấn kỹ thuật”!

Đồng tiền dưới thời Bảo Đại (1926-1945) có khắc bốn chữ “Bảo Đại thông bảo”, vừa nhỏ vừa mỏng nên lưu hành trên thị trường là loại tiền nhỏ nhất. So với tiền Khải Định (1916- 1925) thì 1 đồng có khi ăn 2 hoặc 3 đồng Bảo Đại, do đó, có câu mỉa mai:

Hai con đổi lấy một cha

Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền

...

Thóc hơn không có người đong

Bán buôn một bố giá đồng ba con

...

Bao giờ thằng ngốc làm vua

Thiên hạ mất mùa dân khó làm ăn

Thậm chí, giới hành khất còn rủa độc địa “Bảo Đại làm hại ăn mày” cũng vì người hảo tâm ném cho một đồng Bảo Đại thì cũng chẳng nên “cơm cháo” gì! Trong thế chiến lần thứ hai, từ năm 1940, do ảnh hưởng của chiến tranh, ngoài việc phát hành tiền giấy với chất lượng giấy xấu, in sơ sài, trên vẽ hình con voi thì chính phủ Pháp còn cho lưu hành cả đồng bạc chì. Do trên đồng bạc chì này có vẽ hình bó lúa nên trong dân gian mới có câu sấm truyền:

Bao giờ lúa mọc trên chì

Voi đi trên giấy còn gì thầy tăng

“Thầy tăng” nói lái là “thằng tây”. Điều này đã nung nấu tinh thần quật khởi của dân tộc ta và lời tiên đoán này dăm năm sau đã trở thành hiện thực.

Trong lịch sử nước ta, việc đúc tiền dưới chế độ phong kiến không phải lúc nào cũng được tổ chức một cách nghiêm ngặt, đồng tiền phải đúng phẩm chất, đúng trọng lượng... như quy định của triều đình. Có thể các quan phụ trách xưởng đúc tham ô hoặc cũng vì lý do chính trị. Dưới triều nhà Nguyễn có nhân vật mà nay cách đánh giá còn nhiều ý kiến khác nhau là ông Nguyễn Văn Tường. Trong đó có việc oan khuất là lúc ông đứng ra phụ trách việc đúc tiền! Để chuẩn bị cho cuộc tấn công đồn Mang Cá lúc nửa đêm 4.7.1885, trước đó với cương vị Phụ chính đại thần trong Viện Cơ mật, ông Tường ra lệnh cho thu đồng tiền cũ để đổi tiền mới. Nhưng khổ nổi đồng tiền mới lại mỏng như lá lúa đến nỗi có thể nổi trên... mặt nước! Thế là phe chủ hòa và thực dân Pháp vu cho ông tội tham lạm, nhưng ông làm sao có thể giải thích được vì đổi đồng tiền dày ra đồng tiền mỏng là nhằm giúp cho phe chủ chiến có thêm đồng để đúc súng chống Pháp? Trước làn sóng căm phẫn của dân chúng lên đến tột độ, ông phải chém một hai người thợ đúc tiền để trấn an dư luận.

Thông thường, khi thưởng cho người có công, ngoài những vật dụng cần thiết, còn có kèm theo hiện vật là tiền. Người nhận tiền thưởng mà trở thành giai thoại văn học là nhà sử học Lê Ngô Cát. Sau khi hoàn thành bộ Quốc sử diễn ca dâng lên vua Tự Đức, dù được khen thưởng nhưng có lẽ không hài lòng nên ông mới đùa:

Vua khen thằng Cát có tài

Thưởng cho tấm lụa với hai đồng tiền!

Cho đến bây giờ, hẳn nhiều người có nhớ đến bài ca dao nói về người phụ nữ thuở xưa cầm một quan tiền đi chợ:

Một quan tiền tốt mang đi

Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?

Thoạt tiên mua ba tiền gà

Tiền rưởi gạo nếp với ba đồng trầu

Trở lại mua sáu đồng cau

Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng

Cái gì mà tính chẳng thông?

Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi

Ba mươi đồng rượu chàng ơi

Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng

Hai chén nước mắm rõ ràng

Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi

Hai mươi mốt bột nấu chè

Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan

Nay ta thử tính xem nàng đã mua ra sao? Trong bài ca dao trên ta thấy có nêu lên ba đơn vị tiền tệ ngày xưa là đồng, tiền (= 60 đồng) và quan (= 600 đồng, = 10 tiền). Vì thế, trong dân gian có câu đố mà lời giải là “1 quan”:

Cha già cha được sáu mươi

Có mới lên mười con được làm quan

Để xem bà nội trợ thuở ấy đã mua ra sao, trước hết ta hãy cộng các khoản tiền: gà (3 x 60 = 180 đồng), gạo nếp (1,5 x 60= 90 đồng), thịt (1,5 x 60 = 90 đồng) và gạo tẻ (1,5 x 60 = 90 đồng) như vậy hết 450 đồng; ta tính tiếp các khoản đồng: trầu (3 đồng), cau (6 đồng), rau (10 đồng), chè tươi (6 đồng), rượu (30 đồng), mật (30 đồng), vàng (20 đồng), nước mắm (14 đồng), bột (21 đồng), chuối (10 đồng) như vậy hết 150 đồng. Cộng cả hai khoản lại: 450 đồng + 150 đồng = 600 đồng là vừa đủ “Một quan tiền tốt mang đi”.

Tính đến năm 2004, đồng tiền kim loại mới nhất trong lịch sử tiền tệ nước ta được lưu hành chính thức vào ngày 17.12.2003. Đó là loại tiền 200 đồng, màu trắng bạc, làm bằng thép mạ niken; loại 1.000 đồng, màu vàng đồng thau, làm bằng thép mạ đồng vàng và loại 5.000 đồng, màu vàng ánh đỏ, làm bằng hợp kim CuA16Ni 92. Các hình được chọn khắc trên những đồng tiền kim loại này theo thứ tự là Quốc huy, chùa Bát Đế và chùa Một Cột và mặt sau cả ba loại đều có dòng chữ “Ngân hàng nhà nước Việt Nam”.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay - số 10011 ngày 10.9.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com