BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Duyên sen trong mùa Vu lan

Duyên sen trong mùa Vu lan

duen-sen-trong-mua-vu-lan

 

“Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông thắm lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Câu ca dao này, đã đi vào tâm thức ngàn đời của người Việt. Một ngày kia, nhà thơ Phùng Quán lại nổi giận đòi “Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian”, lập tức đã trên diễn đàn văn hóa đã nổ ra sự tranh luận dữ dội. Ở đây, tôi không bàn đến đúng/ sai về “quan điểm”, chỉ thừa nhận rằng, tác giả Lời mẹ dặn, có lý khi viết: “Bùn với sen đâu phải chuyện gần/ Chính là sen mọc lên từ trong đó/ Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen”.

 

Dù có tranh luận đến cỡ nào đi nữa thì sen, chính sen vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho những người sáng tạo nghệ thuật. Triển lãm Về miền tâm linh diễn ra từ ngày 18.8 đến 27.8.2018 tại Nhà triển lãm TP.HCM (92 Lê Thanh Tôn, Q.1) là những nét đẹp đa dạng, đa chiều về sen của ba họa sĩ: Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Huy Khuê và Trần Thùy Linh. Cuộc triển lãm này,

 

Trong xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, tôi đã thỏa thuê nhìn ngắm những bức tranh chị. Và cũng như nhiều người khác, tôi ngạc nhiên: “Thưa chị, đã từng nổi tiếng từ tranh lụa, tại sao, gần đây chị lại chuyển qua sơn dầu?”. Trầm ngâm một chút, chị bảo: “Sức khỏe không cho phép”.Và chị kể rằng, khi làm bài thi tốt nghiệp thủ khoa ở trường Mỹ thuật, tác phẩm tranh lụa của chị đã được thầy Lê Văn Đệ khen nức nở và dặn dò: “Cô nên đi theo hướng giữ gìn truyền thống của tranh lụa - với tất cả sự mềm mại, và chan chứa tình cảm”. Chị đã làm theo và tạo nên dấu ấn rực rỡ qua 25 lần triển lãm trong, ngoài nước.

 

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm bảo, muốn vẽ tranh lụa thì phải trải phẳng trên mặt bàn, tranh to thì mặt bàn cũng to theo kích cỡ, dưới có lót giấy trắng, tuyệt đối không có độ chênh, vênh bởi đây là một loại hình nghệ thuật “dùng nước dẫn màu”, nói cách khác là “vẽ màu trong nước”. Với quy định nghiêm ngặt như vậy, ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, chị không thể thao tác nhanh nhẹn, khỏe khoắn như thời trẻ. “Khi qua sơn dầu, tôi vẫn chuyển tải tình ý, cái ảo mơn man, tự tại của tranh lụa. Chất liệu chỉ là phương tiện đưa người họa sĩ đến với mỹ thuật”, chị chia sẻ.

 

Mà trong triển lãm Về miền tâm linh, với tôi, thật ngạc nhiên khi thấy, chị cho căng toan theo… hình tròn! Đã có người từng vẽ trên thúng, trên mẹt nhưng chị không làm theo vì khó có thể gìn giữ lâu bền. Nay, xét về kỹ thuật căng toan theo hình tròn, rõ ràng, cũng là một sự mới lạ.

 

Bức đầu tiên Ngậm ngùi nỗi nhớ, chị vẽ cảnh thả hoa sen trên sông Sài Gòn, phía đàng xa kia làm nền là các tòa nhà cao ốc, chị trầm tư: “Mùa Vu lan, thả hoa sen cũng là cách tưởng nhớ đến tiền nhân, đến cha mẹ, dù đấng sinh thành luôn ở trong trái tim mình. Tôi phải dành 2 đêm đi chơi trên sông để khắc họa hình ảnh, chứ không từ tưởng tượng”.

 

Ngoài các tranh kế tiếp ngụ ý theo triết lý luân hồi: “sinh, lão, bệnh, tử, tái sinh”, chị còn vẽ bức thứ 6 là Chân lý, chỉ là một hình tròn màu trắng. Bên cạnh đó, còn là các bức tranh theo kích cỡ quen thuộc cũng chỉ vẽ về hoa sen như Gió ngoài bờ ao, Đêm huyền diệu, Thỏ thẻ cùng ánh sao…

 

Qua vẻ đẹp kỳ diệu từ “Lá xanh bông thắm lại chen nhụy vàng”, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã nhìn thấy ở đó một sức sống bất tận trong cơn giông tố bão bùng: “Với sự nuôi dưỡng của bùn nhơ, với sự cấu tạo của từng cọng lá ốm yếu bởi hàng nghìn sợi tơ cộng lại làm cho thân cây sen uốn lượn theo chiều gió và lại đứng lên sau cơn giông... Thân sen luôn bảo vệ đài sen không bị gãy nát và hoa sen vẫn tồn tại, để rồi khi khô đi hạt rụng xuống, nẩy mầm và tiệp tục kiếp luân hồi”.

 

Họa sĩ Nguyễn Huy Khuê, anh cho biết đã học từ người cha - nhà giáo, là học kỹ thuật của sự kỹ lưỡng về nguyên tắc bố cục, đường nét hài hòa các gam màu nóng - lạnh. Trong khi đó, anh lại học ở mẹ - họa sĩ Nguyễn Thị Tâm là ở sự buông thả tùy theo cảm xúc đang thăng hoa. Từ năm 2010, anh là họa sĩ người Úc gốc Việt đầu tiên vào vòng chung kết của Giải Archibald - một trong giải thưởng lớn nhất tại Úc về tranh chân dung có lịch sử từ năm 1921. Lần này, Ngoài các tác phẩm Bắt đầu từ tâm, Tôi- chính tôi, Lối về… tôi đặt biệt chú ý đến bức tranh lụa Dưỡng dục. Làm nền cho cánh sen hồng đang vươn lên là hàng trăng chữ “nhẫn” dược viết ngay hàng thẳng lối.

 

Anh kể, ngày trước khi chiêm bái một ngôi chùa ở ngoài Huế, bất ngờ lại được một vị sư tặng thư pháp chỉ viết mỗi một chữ “nhẫn”. Từ đó, anh đã “ngộ” ra nhiều điều. Theo anh: “Tâm linh xuất phát từ chữ Spiritus của tiếng Latin, có nghĩa là hơi thở/ tâm tinh”; và “Hơi thở kết nối với phần tâm linh của chúng ta, trong con mắt của Phật giáo là đưa tâm của chúng ta trở về nhà”. Rõ ràng, khi vẽ Huy Khuê đã có ý thức rõ ràng với qua biểu hiện của bố cục, màu sắc.

 

Với họa sĩ Trần Thùy Linh, chị đã vẽ sen từ năm lên tám, có tranh sưu tập tại Bảo tàng Haegeumgang (Hàn Quốc). Thế nhưng, chị bảo: “Nghiên cứu hơn nửa đời vẫn thấy thiếu, để có thể ngắm nhìn từng sắc thái của sen. Năm 2015, duyên sen đến với tôi nhờ lời mở lối của thiền sư Thích Kiến Nguyệt, thượng tọa Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Cũng là một cái Duyên khi những bức tranh sen từ ba miền tâm thức của ba họa sĩ tụ hội về trong một triển lãm chung có tên gọi Về miền tâm linh”.

 

“Rằng, từ ngẫu nhĩ gặp nhau/ Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn” (Truyện Kiều). Bấy lâu mong mỏi, sốt ruột rồi tình cờ, ngẫu nhiên không hẹn trước cả ba họa sĩ cũng đã kết hợp để làm nên một cuộc ra mắt chỉ về sen. Âu cũng là cái Duyên vậy. Nhưng tại sao lại là sen? Tôi hiểu vì sen mang tính biểu tượng của sự trong trắng, tiết độ và cứng rắn - biểu hiện cho người hiền. Người ta tìm thấy ở đó tính kiên định (thân cây cứng rắn); sự thịnh vượng (cây mọc sum suê); hậu duệ đông đúc (hạt nhiều); vợ chồng đuề huề (hai hoa trên một thân); thời quá khứ, hiện tại và tương lai (cùng một lúc ta gặp ba trạng thái của cây: nụ, hoa nở, hạt)…Và từ đó, tùy góc nhìn, cảm hứng cả ba họa sĩ đã những tác phẩm mới về sen.

 

Đứng ở góc độ mỹ thuật và ý nghĩa của triển lãm lần này, họa sĩ Huỳnh Văn Mười - chủ tịch Hội Mỹ thuât TP.HCM nhận định xác đáng: “Họ không nói Lễ Vu Lan một cách cụ thể mà họ nói cái hồn Vu Lan theo cách hiểu, cách nghĩ trong mối tương giao giữa đạo đức đời sống tâm linh và đạo đức nghệ thuật của nghệ sĩ đối với nghệ thuật và cuộc đời”.

 

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 17.8.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com