“Em là con gái đồng trinh/ Em đi bán rượu qua dinh ông nghè”. Ông nghè là danh hiệu gọi tiến sĩ hay gọi chung các bậc đại quan? Trước mắt, ta hãy xét từ nghè do từ điển giải thích:
Chức vụ của các bậc văn nhân (Từ điển Việt-Bồ-La, 1651); Các phòng làm việc ở trong cung điện các của nhà vua. Đời Lê chỉ những người đỗ tiến sĩ mới được vào làm việc trong các, cho nên mới gọi tiến sĩ là ông nghè, dù không đỗ tiến sĩ cũng gọi là nghè” (Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức, 1931).
Từ nghè, dùng chỉ tiến sĩ có thể đưa ra vài dẫn chứng: Sau chiến thắng oanh liệt mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nông dân trại Văn Chương - phía nam kinh thành Thăng Long, chứng kiến Văn Miếu - Quốc Tử Giám hoang tàn đổ nát nên viết sớ dâng lên vua Quang Trung xin cho dựng lại “nhà bia”. Ngài trả lời: “Ngày mai dọn lại nước nhà/ Bia nghè dựng lại trên tòa muôn gian”. Bia nghè là bia tiến sĩ. Trong bài thơ Vịnh tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến có câu: Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/ Cũng gọi ông nghè có kém ai”.
Nhưng “dù không đỗ tiến sĩ cũng gọi là nghè”, cụ thể ra làm sao?
Lược khảo về khoa cử Việt Nam của nhà thư mục học Trần Văn Giáp giải thích thêm: “Bây giờ, ai viết chữ tốt được bổ làm bút thiếp ở Hàn lâm cũng gọi là cậu nghè, nghĩa là lấy tiếng công mà thay vào tiếng tư” (Hanoi, Imp, du Nord - 1941, tr.10). Hiện nay, tại Sài Gòn có cầu Thị Nghè - do vợ của chánh thống Cai cơ Nguyễn Cửu Vân dựng nên. Dù không đậu tiến sĩ, nhưng ông Vân vẫn được gọi “nghè”, do đó, vợ của ông được “ăn theo” cách gọi bà nghè/ thị nghè là vậy.
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (1970); Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí (1971); Từ điển tiếng Việt (1977) của Văn Tân cũng giải thích tương tự Việt Nam tự điển (1931). Gần đây, Đại từ điển tiếng Việt (1999) đã “gút” lại: 1. Phòng làm việc trong cung điện nhà vua, 2. Người đỗ tiến sĩ thời phong kiến, 3. Người thừa phái trong các bộ của triều đình Huế.
Thử đặt câu hỏi: Vì sao lại dùng từ nghè để chỉ tiến sĩ?
Năm 1942, khi viết tập Bút nghiên, nhà văn Chu Thiên giải thích: “Ở trong cung điện nhà vua, cái điện nào cũng có mái chạy dài ra hẳn quá sân, để che mưa che nắng cho các đại thần cao cấp. Các tiến sĩ vào Đình thí phải đứng ở đấy, tức là tiến lên vua rồi, cho nên gọi gộp là các ông nghè”. Cách lý giải này, liệu có chính xác?
Như vừa nêu trên, Việt Nam tự điển (1931) cho biết từ nghè dùng để chỉ tiến sĩ xuất hiện từ thời nhà Lê. Đọc lại Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, ta xác định chi tiết trên là đúng: “Đời Lê có đặt ra khoa Đông các… Ân đình cho người thi đỗ có phần hậu hơn chế khoa Tiến sĩ, thực là một khoa đặc cách vậy”. Một trong phần “hậu hơn” đó là gì? Phạm Đình Hổ cho biết: “Lệ cũ ai đỗ khoa Đông các, khi vinh qui cả dân bản tổng phải đến phục dịch, làm nhà tư thất bằng gỗ lim, lợp ngói, độ ba gian, tất cả dân phu trong bản tổng, bản huyện phải đến phục dịch”.
Đây chính là manh mối khi sử dụng từ nghè để chỉ tiến sĩ.
Theo Trần Văn Giáp: “Nghè tức là dinh thự dân phải làm như miếu, đền v.v… Chỉ có ông tiến sĩ là được có nhà của dân làm cho mà dân đốc thúc, thế cho nên gọi là ông nghè, phương ngôn hãy còn có câu: Chưa dỗ ông nghè đã đe hàng tổng” (SĐD - 1941, tr.11). Cách giải thích này, hoàn toàn hợp lý.
Dấu vết của nghè/ cái nghè có thể tìm thấy trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651), Từ điển Việt-Pháp (1898) của Génibrel: “nghè miếu”; thậm chí Từ điển Việt-Hoa-Pháp (1937) của Gustave Hue còn cho biết có từ tương tự là “nghè mưỡu”. Nói cách khác, nghè là nói tắt của nghè miếu, thường nhỏ hơn chùa, đình dùng để thờ thần do dân xây, dựng lên. Và khi ông tiến sĩ ở trong dinh thự cũng do dân xây như vậy, dân gian bèn gọi là… nghè! Có câu đối xưa: “Ngói đỏ lợp nghè, lớp sau đè lớp trước/ Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên”.
Ngày nay, ta vẫn còn nghe các câu mỉa mai Ông nghè đeo nợ, Bà nghè mua chồng là xuất phát từ sự việc Phạm Đình Hổ cho biết: “Còn đến như làm nhà tư thất, phục dịch việc gì cũng đổ vào đầu dân cả, thì dân hàng tổng chịu làm sao được. Vả lại, người học trò mới đỗ đại khoa, mà cả hàng tổng đến phục dịch, làm nhà cửa cho mình, lại phải mở yến tiệc khao mừng, đãi dân hàng tổng để đền công lao, thế tất phải xoay xở đi vay mượn cho xong việc. Thậm chí có kẻ chỉ dòm lấy con gái nhà giàu mà bỏ vợ tao khang, hoặc chịu tiếng luồn lỏi đi vay lãi mà kí liều văn khế, như thế mà mong người ra làm quan giữ liêm khiết, không trái phép làm càn, thì sao được”.
Nghè còn có thêm dăm nghĩa khác nhưng nay đã dần dần mất dấu.
“Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô/ Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ”, ở đó, thôn Trung Nha còn có tên nôm là Nghè, do nắm được bí quyết làm ra loại giấy cao cấp tức “giấy sắc” - cung cấp cho triều đình viết chiếu, chỉ, hịch... Về kỹ thuật làm giấy sắc, sau khi “seo giấy” để tạo ra tờ giấy, người thợ còn phải quét lên đó lớp keo da trâu để chống mối mọt, dai bền và không hút ẩm; rồi dùng hoa hòe giã bột nhuộm cả hai mặt, xong mới đem tờ giấy trải lên mặt đá phẳng để “nghè” cho mịn mặt, cho bóng, cho phẳng.
Nghè nhằm chỉ một động tác, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Cà nhận, miết xuống làm cho dẽ, cho trơn”; và còn nêu thêm các từ “nghè cho láng: mài, cà, làm cho láng; nghè đất: làm cho đất dẽ, dện cho đất dẽ; nghè giấy: cà cho giấy láng, làm cho nó sát một bề”. Việt Nam tự điển (1931) ghi nhận thêm: nghè sợi, đá nghè đũi. Có một điều thú vị, mãi đến cuối thế kỷ XIX, người ta còn dùng “ngừ nghè” để chỉ tiếng kêu biểu thị sự giận dữ của con vật như chó, phát ra từ cuống họng; thế nhưng nay đã được thay thế bằng gầm gừ/ gầm ghè.
Trở lại với các vị tiến sĩ, ngày xưa được gọi ông nghè. Dù học lực kém nhưng vẫn có người “bảng vàng bia đá”, cụ Nguyễn Khuyến mỉa mai, biếm nhẽ là “tiến sĩ giấy”: “Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ/ Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi”. Thế xin hỏi thời buổi này, các ông nghè cỡ ấy có còn không?
L.M.Q(nguồn: Báo TTC ngày 15.8.2018)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|