BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết NHÀ VĂN - NHÀ BÁO TRẦN TỪ VĂN THONG DONG NGHỀ BÁO, NGHIỆP VĂN

NHÀ VĂN - NHÀ BÁO TRẦN TỪ VĂN THONG DONG NGHỀ BÁO, NGHIỆP VĂN

 

thong-dog-nvghiep-bao-nghiep-van-tran-tu-van


 

Tôi quen biết nhà văn - nhà báo Trần Tử Văn đã lâu, hơn 20 năm trước, cùng với nhiều đồng nghiệp khác bên báo Công An TP.HCM. Dù chỉ gặp trong giây phút trao đổi bài vở, nhưng đến nay hình ảnh các anh chị Huỳnh Bá Thành, Từ Kế Tường, Nguyễn Ngọc Mộc, Lại Văn Long, Khương Hồng Minh, Nam Bình, Hồng Ánh,… vẫn để lại trong tôi nhiều ấn tượng êm đềm và thơ mộng.

Khi nói đến báo Công An TP.HCM thuở ấy, trong tôi luôn nhớ đến “bộ ba” Từ Kế Tường, Trần Tử Văn, Nguyễn Ngọc Mộc. Họ có đôi điều giống nhau: cùng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, cùng khoác sắc áo công an và cùng công tác tại một cơ quan. Nhưng phong cách viết của từng người không giống nhau. Mỗi người có thế mạnh của riêng mình.

Từ Kế Tường nghiêng về thơ, nếu có viết văn xuôi thì câu chữ của anh cũng đằm thắm với ngôn từ đầy biểu cảm như thơ.

Trần Tử Văn có những trang văn ngồn ngộn chất liệu của đời sống, khiến bất cứ nhà văn chuyên nghiệp nào cũng thèm thuồng một vốn sống dồi dào như thế. Đã có một thời bạn đọc cực kỳ mê đọc chuyên mục Trinh sát kể chuyện qua ngòi bút của anh. Và đúng như nhận xét của nhiều người, có nhiều tình huống không chỉ gây cấn mà còn hấp dẫn chính là nhờ yếu tố bi hài, hoạt kê... Điều này cho thấy, chính lấy từ chất liệu của cuộc đời, Trần Tử Văn đã có được những tác phẩm mang phong cách của riêng mình.
 

Còn Nguyễn Ngọc Mộc có được những trang viết giàu tình tiết bất ngờ, sôi nổi và giàu tính nhân văn.

Và có lẽ, họ còn nét giống nhau nữa vẫn là sự lao động cật lực, miệt mài gieo hạt trên cánh đồng văn chương và đến nay, cả ba đã có những tác phẩm tạo được dấu ấn không ngoài mục đích đem lại Chân, Thiện, Mỹ cho bạn đọc. Ước mơ đó, cũng chính là nguyện vọng, tâm huyết của bất cứ nhà văn chuyên nghiệp nào. Dẫu biết thế, còn điều đáng quý nữa là họ đã chăm chút từng trang văn để khắc họa hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân trong bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới. Cho đến nay, đề tài ấy vẫn chưa có nhiều người viết và bạn đọc cũng mong muốn hình tượng ấy được khắc họa thật rõ nét hơn trong văn học. Nói như thế, để thấy thể loại văn chương này luôn cần thiết cho người đọc biết dường nào...

Với riêng tôi, tính cách của nhà văn Trần Tử Văn thật dễ gần gũi. Anh nói năng bộc trực, tuệch toặc, không kiểu cách, không giả vờ “lên gân”. Ruột gan thế nào, anh phơi bày ra thế. Tính cách ấy ít nhiều ảnh hưởng đến phong cách viết của Trần Tử Văn. Đọc tác phẩm của anh, nhà văn Ngôn Vĩnh hoàn toàn có lý khi nhận xét: “Văn là một trong những cây bút có nhân cách đẹp trong cuộc sống cũng như trên trang viết. Vốn là một chiến sĩ công an gắn mình với đời sống nhân dân, nên trên trang viết của Văn luôn hừng hực hơi thở cuộc sống: cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân và cuộc sống của người chiến sĩ công an đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ ngày đêm chiến đấu bảo vệ an ninh quốc và bình yên cuộc sống”.

Tôi còn khoái ở anh Văn ở chỗ có tâm tính độ lượng, ân cần với mọi người và nhất là rất “giang hồ mã thượng” với bè bạn. Chính nhờ tính cách này, anh đã có mối quan hệ rộng rãi với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ai cũng tìm thấy ở anh một sự tin cậy và nếu cần, khi chia sẻ thì anh sẽ lắng nghe… Sực nhớ đến, có lần “ông già Nam bộ” Sơn Nam cho biết trong những ngày cuối đời, anh Văn đã giúp đỡ khá nhiều để ông có thể bình tâm ngồi viết nốt những trang hồi ký.

Bên cạnh đó, còn do điều này nữa: Thế hệ cầm bút của chúng tôi - những nhà văn, nhà thơ kiếm sống bằng nhề viết báo/ làm báo, Trần Tử Văn là một trong những người luôn ý thức tự nâng mình lên. Nếu dẫm chân tại chỗ, bằng lòng với gì đã có, điều còn lại cuối cùng của anh là gì? Là những bài báo hình sự, điều tra các vụ án ư? Mà những sự việc ấy, một khi trôi qua thời gian, đi qua năm tháng, liệu còn mấy ai nhớ đến? Từ chất liệu ngồn ngồn thông tin của đời sống lúc đã thâm nhập, ghi chép nhằm tác nghiệp báo chí, anh đã rất khôn ngoan khi sử dụng, chuyển tải dưới một hình thức khác: văn học.
 

Không phải ngẫu nhiên, khi nhắc đến anh, bạn đọc nghĩ ngay đến một cây bút chuyên nghiệp, một nhà văn đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM. Dẫu biết rằng, danh xưng ấy không là tất cả, không là sự khẳng định duy nhất. Bởi lẽ ở nhà văn, điều còn lại đầu tiên và cuối cùng vẫn chính là tác phẩm.

Anh đã có một loạt tác phẩm, trong đó, tiểu thuyết Kế hoạch J.96 đoạt giải Nhì cuộc thi Vì an ninh Tổ quốc và cuộc sống bình yên (1999-2002), ký sự Ngọn nến đoạt giải Ba (1995-2005). Không những thế, từ kịch bản của anh, bộ phim Xóm nước đen đoạt giải A Điện ảnh quốc gia năm 1996, phim Không thể siết cò đoạt giải Cánh diều vàng năm 2004. Từ những tác phẩm này, tôi đã sử dụng để có thơ khắc họa chân dung anh. Loại thơ này tưởng dễ nhưng thật ra cực khó, nếu không hiểu, không thật sự quý mến nhau thì đố có thể viết nổi bằng cảm xúc cuồn cuộn trong lòng:

Những đêm khuya lặng im như nòng súng

Văn phải ngồi đối diện với Văn

Chỉ ngọn đèn thấu hiểu nỗi cô đơn


Cô đơn như Pháp trường yên ả

Thiện - ác rạch ròi ai nhớ ai quên?

Nước mắt giang hồ đã vay phải trả


Từng dòng chữ có là phép lạ

Thay đổi con người sống thật Người hơn?

Tình yêu này cảm hóa cả núi non


Văn vẫn đi qua cuộc đời với văn với báo

Gặt hái được Kế hoạch J.96

Cùng Xóm nước đenBữa nhậu cuối cùng

Sở dĩ tôi phải nhắc lại chi tiết về tác phẩm văn xuôi của Trần Tử Văn, bởi lẽ, thời gian gần đây, anh lại có những tác phẩm vốn không thuộc sở  là thơ - được chọn in trong tập sách Gác kiếm mới nhất của anh (NXB Hội Nhà văn-2016). Tôi đã ngạc nhiên như nhiều đồng nghiệp khác, khi hay tin Trần Tử Văn có làm thơ. Lạ chưa? Lạ quá đi chứ. Ai cũng biết rằng, thơ là một thứ “trời cho”, phải có năng khiếu thiên phú, chứ không phải cứ mải mê đọc “thiên kinh vạn quyển” về nghệ thuật làm thơ là có thể phiêu bồng, dan díu cùng Nàng Thơ.

Vậy, Trần Tử Văn đã có gì trong thơ?

Tôi đọc kỹ và nhận ra rằng, một lần nữa, Trần Tử Văn đã tinh tế khi “bắt mạch” đúng nội tâm của chính anh, đó là sự đau đáu trăn trở, suy tư đầy trách nhiệm của người cầm bút trước thế sự, hiện thực của cuộc sống. Nói như thế, vì nếu đã đọc văn xuôi của anh, ta nhận ra đó là thể mạnh của cây bút xây dựng tác phẩm bằng chất liệu rất đời, đôi lúc khốc liệt, chứ không phải nơi múa may, làm xiếc chữ nghĩa, viễn mơ trên mây, trên gió, xa rời hiện thực.

Thơ của anh cũng thế. Nhiều tứ thơ bật ra bất ngờ, sắc lẹm và đã hằn vết trong trí nhớ. Chẳng hạn một kẻ “trưởng giả học làm sang”, tìm niềm vui bằng cách săn bắn chim chóc, thú rừng... Rồi số phận hắn ta thế nào? “Viên đạn cuối cùng của khẩu súng hơi/ Xuyên qua óc kẻ vui chơi tàn nhẫn/ Súng cướp cò hay oan khiên rửa hận/ Luật đất trời soi thấu luật nhân gian”.

Nhìn Trần Tử Văn ngoài đời, có lẽ từ gương mặt đến cách nói cười, tâm tính hào phóng có thể nghĩ rằng ở anh dường như chẳng hề có gì phải bận tâm cả. Không phải đâu. Với các thể loại khác, nhà văn có thể che giấu mình nhưng với thơ thì không thể. Qua thơ, nội tâm tác giả hiện ra rõ nét lắm. Tôi ngạc nhiên khi anh quan sát đàn chim sà xuống sân, cất tiếng hót líu lo, rồi bỗng dưng vút cánh bay. Tại sao? Nào ngờ anh bật ra tứ thơ sắc và gọn: “Một thoáng bồi hồi/ Tôi chợt nhận ra/ Chim ta không tin/ Lòng dạ con người”.

Nếu chỉ phản ánh hiện thưc, cần gì phải dụng công đến thơ nữa? Phải từ hiện thực đó, nâng lên tầm một triết lý có tính khái quát chăng? Đúng thế.

Với một loạt tai ương, chiến tranh, khủng bố, hạn hán, lũ lụt… có tính toàn cầu, anh đã nhìn ra: “Thượng đế không ghi cái ngày tận thế/ Sự tồn vong do quyết định của con người/ Cái ngày ấy sẽ đến chắc mười mươi/ Nếu chữ NHÂN không còn trên cõi đòi này nữa”. Đôi lúc trong nhiều bài thơ, từ tính cách triết lý, suy ngẫm ấy, anh lại có những phát biểu về công việc làm thơ, về nghệ thuật: “Nếu ai cũng như ai/ Thì cuộc sống thật đáng ngại/ Cứ rập khuôn thì sáng tạo được gì?”.

Tự vấn này, thời nào, lúc nào cũng đúng.

Cảm cái hay của thơ, ngoài cảm xúc của nhà thơ, còn là sự từng trải của tác giả nữa. Ở đây, có lúc anh ghi nhận lại câu nói của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: “Ông nói đời là thế/ Có những cuộc dâu bể/ Mới nhận ra con người/ Mới thấy chân hạnh phúc”; với họa sĩ Nguyễn Trung: “Ông cười hiền nói khẽ:/ Cuộc sống con người ta/ Cứ nghĩ như đó hoa/ Sẽ đẹp tươi tất cả”;  với nhà thơ Bùi Giáng lại là một cách lý giải: “Ông có điên đâu, có dại đâu/ Chẳng qua trần thế quá âu sầu/ Đấu tranh cuộc sống người thua, được/ Phẫn uất cơn đau đến đỉnh đầu”; với nhà thơ Lâm Xuân Thi là sự ghi nhận xác đáng: “Có lúc bồi hồi/ Nhìn cuộc đời như vòng quay của chiếc bánh xe đạp/ Chạy mãi với thời gian/ Đôi mắt bạn vẫn bao dung, sâu nặng tình người”…

Những bài thơ viết về các nhân vật tên tuổi, còn có thể kể thêm GS-TS Trần Văn Khê, nhà văn Sơn Nam, ca sĩ Ngọc Sơn… chứng tỏ anh hiểu rõ về họ, nặng về cái tình.
Bên cạnh đó, còn là mảng thơ riêng tư. Viết cho một người. “Em cho ta giọt lệ/ Để nói về cuộc đời/ Ba mươi năm mong đợi/ Được một ngày thảnh thơi”. Anh xếp những bài thơ này cuối tập, tôi hiểu đó cũng là một cách tri ân người bạn đời - một bệ phóng của thơ. Và bây giờ lại là bến bờ bình yên cho một con thuyền đã từng xông pha bão táp trên trường văn trận bút. Anh quay về yên lành và chiêm nghiệm lấy lẽ sống ở đời: “Bình yên là nơi không loài hổ báo/ Thanh tịnh là nơi không sóng cuộn trào/ Hạnh phúc là nơi không ý lao xao/ Ở đâu có, ngoài ngôi nhà thân thuộc?”. Tâm niệm ấy, đã có và đã thấy, vậy tôi tin rằng, thơ của Trần Tử Văn lại tiếp tục ra đời.

Thoáng đó đã mấy mươi năm quen biết nhau trôi qua cái vèo: “Đêm đã khuya chỉ còn trên bản thảo/ Nhân vật của Văn hòa nhập với đời / Văn vẫn vô tư như đám mây trời/ Cắm cúi viết như một người đang viết/ Thời gian ơi! Thoáng đó đã nửa đời…”.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: Báo ANTG số 110 tháng 3.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com