BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN TÌNH CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG - 1. Lê Văn Trương và hai người vợ yêu

LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN TÌNH CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG - 1. Lê Văn Trương và hai người vợ yêu

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN TÌNH CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG
1. Lê Văn Trương và hai người vợ yêu
2. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vần thơ se duyên
3. Tình đầu là tình cuối của Nguyễn Tuân
4. Duyên tiền định của học giả Nguyễn Hiến Lê
5. Những người đàn bà đi qua cuộc đời Trần Tấn Quốc
Tất cả các trang

 

LÊ VĂN TRƯƠNG VÀ HAI NGƯỜI VỢ YÊU

 

Lê văn Trương (1906-1965) là một trong số nhà văn Việt Nam có khối lượng tác phẩm in nhiều nhất. Và qua các trang viết của mình, ông đã cố gắng  hoàn thiện cho một “triết lý người hùng, triết lý sức mạnh”. Theo thống kê chưa đầy đủ, ông có đến 96 tác phẩm đã in và 29 cuốn chưa in.  Có thể kể đến những tác phẩm nổi tiếng nhất như Cô Tư Thung, Tôi là mẹ, Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, Trận đời v.v…

 

le-van-truong-1-RRR

Nhà văn Lê Văn Trương

 

Gặp "cô Hai" trên đất khách

Năm 1923, ông bị đuổi học vì tổ chức biểu tình bãi khóa phản đối hiệu trưởng người Pháp mắng học trò Việt. Không nản chí, Lê Văn Trương tiếp tục tự học và thi đậu vào ngành Bưu điện. Với tì vết trên, năm 1926, nhà cầm quyền Pháp phân bổ ông làm việc tận Phnông Pênh, rồi đổi lên Mondonkiri… Những chuyến đi xa xôi nơi hẻo lánh, rừng thiêng nước độc sẽ là chất liệu để ông hoàn thành những tác viết đầu tay. Và cũng chính tại nơi đất khách quê người, Lê Văn Trương đã gặp người tình đầu của mình. Trong tiểu thuyết Tôi là mẹ, ông  có cho biết đôi nét về gia cảnh của nàng, khi ông Nam Phát, nói:

- Vâng, tôi là người Bắc, lên buôn bán trên này đã hơn hai mươi năm. Hôm qua có mấy thầy người Nam làm nhà Dây thép nói chuyện cho tôi biết rằng có một thầy người Bắc đổi lên đây, nên tôi ra đón. Trên này chẳng có ai là người Bắc ở, chỉ có một mình tôi… Tôi đã hơn hai mươi năm chẳng về bao giờ. Mà biết quê quán ở đâu mà về! Tôi mồ côi cha mẹ, phiêu bạt từ nhỏ, quên cả quê quán. Chỉ còn nhớ mình là người Bắc, ở tỉnh Nam Định, nên tôi đặt tên hai cháu là Nam và Định để kỷ niệm quê quán của tôi.

Ngoài ra, ông Nam Phát còn có người con gái lớn nữa, mà trong tiểu thuyết này nhà văn Lê Văn Trương đặt tên là cô Hai. Thật ra, nhan sắc ấy tên là Nguyễn Thị Hỷ. Ông và cô Hỷ kết hôn vào năm 1927 và sau này, cô Hỷ sẽ là nguyên mẫu trong tiểu thuyết Tôi là mẹ và tiểu thuyết Người đàn bà phương Đông. Sau khi cưới vợ, năm 1930, Lê văn Trương bỏ việc để về Lovéas ở Battambang khai khẩn đồn điền, buôn bò qua Thái Lan rồi làm thầu khoán… Bấy giờ, Đông Dương đang khủng hoảng kinh tế, Lê Văn Trương dẫn vợ  và năm con (Lân, Liễn, Bổng, Linh và Giáng Vân) về Hà Nội, trú ngụ ở nhà số 38 Chùa Vua (tức phố Gustave Dumoutier), Ông bắt đầu viết văn và nổi tiếng như cồn.

 

le-van-truong-Ba-HY-va-con-ut-GIANG-VAN-.1RRjpg

Bà Hỷ, người vợ đầu của Lê Văn Trương và con út Giáng Vân, chụp tại Hà Nội

 

Người vợ hoa khôi

Năm 1938, ông cưới thêm một người vợ nữa và cũng là thời gian ông viết sung sức nhất - ngay cả nhà văn Nam Cao lúc ra tác phẩm Đôi lứa xứng đôi (tức Chí Phèo), chính ông là người đề tựa và nhà xuất bản đã in tên ông to gấp ba lần tên Nam Cao để sách có thể bán chạy! Người vợ thứ hai của ông tên là Nguyễn Thị Đào, quê ở phủ Xuân Trường (Nam Định) gặp ông lúc mới mười chín xuân, là hoa khôi nổi danh của vũ trường Fantasio. Bà Đào được ông giao nhiệm vụ trông nom trang trại ở Láng để nuôi anh em văn nghệ sĩ đến ăn ở sáng tác. Một người đàn ông sống với hai vợ thì kể ra cũng khó, làm sao giữ được không khí “trong ấm ngoài êm”? Bà Đào có kể lại:

- Chẳng có gì là bí quyết cả. “Chị Cả” rất lành, tôi thì biết phận mình, không dại gì ghen ngược cả. Có những điều kiện mà nhà tôi đã đặt ra, chúng tôi mà làm sai thì bị trị thẳng tay!

Theo anh Lê Văn Phú - con trai nuôi của ông với bà Đào: “Mẹ tôi ít học ít, nhưng thông minh, rất giỏi về khoa tâm lý. Mỗi lần cha tôi viết xong một đoạn văn, bao giờ cũng đọc cho mẹ tôi nghe để hỏi ý kiến. Mẹ tôi có những nhận xét rất tinh vi, cha tôi phải chịu “phục bà Trương” là giỏi. Mẹ tôi có tài ngâm thơ và thuộc khá nhiều thơ.

Bạn bè nhà văn, ai cũng khen ông thu xếp chuyện gia đình êm ấm như thế là giỏi và bịa ra câu chuyện hài hước: nếu đọc văn Lê Văn Trương thấy mạch văn không nhất quán, có đoạn già giặn có chỗ non nớt thì đừng lấy làm lạ, vì “nhị vị phu nhân” của ông đã… góp phần không nhỏ vào các trang viết đó. Lúc viết về đêm đang mệt, ông lên tiếng gọi: “Dì Hai ơi! Ra viết tiếp giùm anh”, rồi ông vào phòng ngủ lấy sức. Sau đó, ông ra viết tiếp, lúc mệt lại gọi: “Dì Ba ơi! Ra viết tiếp giùm anh”, rồi lại vào ngủ lấy sức. Và cứ thế cho đến sáng… Thật ra, đây chỉ là giai thoại mua vui.

Sau năm 1945, cũng như nhiều trí thức khác, Lê Văn Trương nao nức đến với Cách mạng và Kháng chiến, ông ra báo Việt Nam hồn ủng hộ Việt Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, từng được cử làm chủ tịch ban khai thác vàng cho Chính phủ đóng ở Chợ Bến (Hòa Bình). Một điều không may cho ông, tại đây, vì bệnh, bà Hỷ qua đời vào năm 1948. Nỗi đau này còn dai dẵng mãi trong tâm trí của ông.

Bấy giờ, bà Đào đã hồi cư về thành, từ chiến khu xa xôi ông có chép lại bài thơ của người bạn thân tặng bà thật cảm động:  “Ví tự ngày xưa mà sớm biết/ Nẻo đời mai lạnh có đêm nay/ Em ơi, dù cho nhiều rẽ ngã/ Đường nào tay vẫn ấm trong tay/ Thơ lỗi vần yêu đàn hững nhịp/ Lối về thương mến nghẽn sông sâu/ Anh gửi hồn qua phòng tuyến trắng/  Dõi hồn em ngơ ngác tối chiêm bao…”.

Cuối năm 1952, vì bị loét bao tử và hậu bối, ông trở về Hà Nội chữa bệnh, sau đó vào Nam. Sau khi vào Sài Gòn, vợ chồng ông ngụ ở nhà số 67/100 Trần Hưng Đạo, sau phải bán để lấy tiền chữa bệnh, chuyển về bến Vân Đồn (Q.4). Cái chết của ông ngày 25.2.1964 đã gây xúc động trong dư luận, vì ít ai ngờ rằng thân phận nhà văn nổi tiếng đến thế, nay lại chết quá bi thảm, nghèo khó. Thân hữu của ông là Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Thiếu Lan, Mặc Thu đã đăng lời trên báo chí, kêu gọi giúp đỡ gia đình ông.

Mãi đến ngày 5.9.1995, một loạt tác phẩm của Lê Văn Trương mới được NXB Trẻ tái bản lần đầu tiên. Hôm ấy, ra mắt tại Cung Lao Động, chị Vân có tặng tôi bài thơ của chị viết về bố, trong đó có câu khiến ai nấy cảm động: “Con mong sao có một ngày/ Truyện cha chép lại làm say lòng người”.

L.M.Q
(nguồn:Báo Thanh Niên 14.11.2016)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com