BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN TÌNH CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG

LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN TÌNH CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: CHUYỆN TÌNH CỦA NGƯỜI NỔI TIẾNG
1. Lê Văn Trương và hai người vợ yêu
2. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vần thơ se duyên
3. Tình đầu là tình cuối của Nguyễn Tuân
4. Duyên tiền định của học giả Nguyễn Hiến Lê
5. Những người đàn bà đi qua cuộc đời Trần Tấn Quốc
Tất cả các trang

 

chuyen-tinh-nguoi-noi-tieng-1-R

 

Loạt bài này bắt đầu tin trên Báo Thanh Niên từ số ra ra ngày 14.11.2016


 

LÊ VĂN TRƯƠNG VÀ HAI NGƯỜI VỢ YÊU

 

Lê văn Trương (1906-1965) là một trong số nhà văn Việt Nam có khối lượng tác phẩm in nhiều nhất. Và qua các trang viết của mình, ông đã cố gắng  hoàn thiện cho một “triết lý người hùng, triết lý sức mạnh”. Theo thống kê chưa đầy đủ, ông có đến 96 tác phẩm đã in và 29 cuốn chưa in.  Có thể kể đến những tác phẩm nổi tiếng nhất như Cô Tư Thung, Tôi là mẹ, Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, Trận đời v.v…

 

le-van-truong-1-RRR

Nhà văn Lê Văn Trương

 

Gặp "cô Hai" trên đất khách

Năm 1923, ông bị đuổi học vì tổ chức biểu tình bãi khóa phản đối hiệu trưởng người Pháp mắng học trò Việt. Không nản chí, Lê Văn Trương tiếp tục tự học và thi đậu vào ngành Bưu điện. Với tì vết trên, năm 1926, nhà cầm quyền Pháp phân bổ ông làm việc tận Phnông Pênh, rồi đổi lên Mondonkiri… Những chuyến đi xa xôi nơi hẻo lánh, rừng thiêng nước độc sẽ là chất liệu để ông hoàn thành những tác viết đầu tay. Và cũng chính tại nơi đất khách quê người, Lê Văn Trương đã gặp người tình đầu của mình. Trong tiểu thuyết Tôi là mẹ, ông  có cho biết đôi nét về gia cảnh của nàng, khi ông Nam Phát, nói:

- Vâng, tôi là người Bắc, lên buôn bán trên này đã hơn hai mươi năm. Hôm qua có mấy thầy người Nam làm nhà Dây thép nói chuyện cho tôi biết rằng có một thầy người Bắc đổi lên đây, nên tôi ra đón. Trên này chẳng có ai là người Bắc ở, chỉ có một mình tôi… Tôi đã hơn hai mươi năm chẳng về bao giờ. Mà biết quê quán ở đâu mà về! Tôi mồ côi cha mẹ, phiêu bạt từ nhỏ, quên cả quê quán. Chỉ còn nhớ mình là người Bắc, ở tỉnh Nam Định, nên tôi đặt tên hai cháu là Nam và Định để kỷ niệm quê quán của tôi.

Ngoài ra, ông Nam Phát còn có người con gái lớn nữa, mà trong tiểu thuyết này nhà văn Lê Văn Trương đặt tên là cô Hai. Thật ra, nhan sắc ấy tên là Nguyễn Thị Hỷ. Ông và cô Hỷ kết hôn vào năm 1927 và sau này, cô Hỷ sẽ là nguyên mẫu trong tiểu thuyết Tôi là mẹ và tiểu thuyết Người đàn bà phương Đông. Sau khi cưới vợ, năm 1930, Lê văn Trương bỏ việc để về Lovéas ở Battambang khai khẩn đồn điền, buôn bò qua Thái Lan rồi làm thầu khoán… Bấy giờ, Đông Dương đang khủng hoảng kinh tế, Lê Văn Trương dẫn vợ  và năm con (Lân, Liễn, Bổng, Linh và Giáng Vân) về Hà Nội, trú ngụ ở nhà số 38 Chùa Vua (tức phố Gustave Dumoutier), Ông bắt đầu viết văn và nổi tiếng như cồn.

 

le-van-truong-Ba-HY-va-con-ut-GIANG-VAN-.1RRjpg

Bà Hỷ, người vợ đầu của Lê Văn Trương và con út Giáng Vân, chụp tại Hà Nội

 

Người vợ hoa khôi

Năm 1938, ông cưới thêm một người vợ nữa và cũng là thời gian ông viết sung sức nhất - ngay cả nhà văn Nam Cao lúc ra tác phẩm Đôi lứa xứng đôi (tức Chí Phèo), chính ông là người đề tựa và nhà xuất bản đã in tên ông to gấp ba lần tên Nam Cao để sách có thể bán chạy! Người vợ thứ hai của ông tên là Nguyễn Thị Đào, quê ở phủ Xuân Trường (Nam Định) gặp ông lúc mới mười chín xuân, là hoa khôi nổi danh của vũ trường Fantasio. Bà Đào được ông giao nhiệm vụ trông nom trang trại ở Láng để nuôi anh em văn nghệ sĩ đến ăn ở sáng tác. Một người đàn ông sống với hai vợ thì kể ra cũng khó, làm sao giữ được không khí “trong ấm ngoài êm”? Bà Đào có kể lại:

- Chẳng có gì là bí quyết cả. “Chị Cả” rất lành, tôi thì biết phận mình, không dại gì ghen ngược cả. Có những điều kiện mà nhà tôi đã đặt ra, chúng tôi mà làm sai thì bị trị thẳng tay!

Theo anh Lê Văn Phú - con trai nuôi của ông với bà Đào: “Mẹ tôi ít học ít, nhưng thông minh, rất giỏi về khoa tâm lý. Mỗi lần cha tôi viết xong một đoạn văn, bao giờ cũng đọc cho mẹ tôi nghe để hỏi ý kiến. Mẹ tôi có những nhận xét rất tinh vi, cha tôi phải chịu “phục bà Trương” là giỏi. Mẹ tôi có tài ngâm thơ và thuộc khá nhiều thơ.

Bạn bè nhà văn, ai cũng khen ông thu xếp chuyện gia đình êm ấm như thế là giỏi và bịa ra câu chuyện hài hước: nếu đọc văn Lê Văn Trương thấy mạch văn không nhất quán, có đoạn già giặn có chỗ non nớt thì đừng lấy làm lạ, vì “nhị vị phu nhân” của ông đã… góp phần không nhỏ vào các trang viết đó. Lúc viết về đêm đang mệt, ông lên tiếng gọi: “Dì Hai ơi! Ra viết tiếp giùm anh”, rồi ông vào phòng ngủ lấy sức. Sau đó, ông ra viết tiếp, lúc mệt lại gọi: “Dì Ba ơi! Ra viết tiếp giùm anh”, rồi lại vào ngủ lấy sức. Và cứ thế cho đến sáng… Thật ra, đây chỉ là giai thoại mua vui.

Sau năm 1945, cũng như nhiều trí thức khác, Lê Văn Trương nao nức đến với Cách mạng và Kháng chiến, ông ra báo Việt Nam hồn ủng hộ Việt Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, từng được cử làm chủ tịch ban khai thác vàng cho Chính phủ đóng ở Chợ Bến (Hòa Bình). Một điều không may cho ông, tại đây, vì bệnh, bà Hỷ qua đời vào năm 1948. Nỗi đau này còn dai dẵng mãi trong tâm trí của ông.

Bấy giờ, bà Đào đã hồi cư về thành, từ chiến khu xa xôi ông có chép lại bài thơ của người bạn thân tặng bà thật cảm động:  “Ví tự ngày xưa mà sớm biết/ Nẻo đời mai lạnh có đêm nay/ Em ơi, dù cho nhiều rẽ ngã/ Đường nào tay vẫn ấm trong tay/ Thơ lỗi vần yêu đàn hững nhịp/ Lối về thương mến nghẽn sông sâu/ Anh gửi hồn qua phòng tuyến trắng/  Dõi hồn em ngơ ngác tối chiêm bao…”.

Cuối năm 1952, vì bị loét bao tử và hậu bối, ông trở về Hà Nội chữa bệnh, sau đó vào Nam. Sau khi vào Sài Gòn, vợ chồng ông ngụ ở nhà số 67/100 Trần Hưng Đạo, sau phải bán để lấy tiền chữa bệnh, chuyển về bến Vân Đồn (Q.4). Cái chết của ông ngày 25.2.1964 đã gây xúc động trong dư luận, vì ít ai ngờ rằng thân phận nhà văn nổi tiếng đến thế, nay lại chết quá bi thảm, nghèo khó. Thân hữu của ông là Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Thiếu Lan, Mặc Thu đã đăng lời trên báo chí, kêu gọi giúp đỡ gia đình ông.

Mãi đến ngày 5.9.1995, một loạt tác phẩm của Lê Văn Trương mới được NXB Trẻ tái bản lần đầu tiên. Hôm ấy, ra mắt tại Cung Lao Động, chị Vân có tặng tôi bài thơ của chị viết về bố, trong đó có câu khiến ai nấy cảm động: “Con mong sao có một ngày/ Truyện cha chép lại làm say lòng người”.

L.M.Q
(nguồn:Báo Thanh Niên 14.11.2016)



Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vần thơ se duyên

ggg_MZFhoag_xuan_hanY

Vợ chồng GS Hoàng Xuân Hãn

 

GS Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) là bộ óc bách khoa của Việt Nam trong thế kỷ XX. Những công trình nghiên cứu của ông như Danh từ khoa học, La Sơn phu tử, Chinh phụ ngâm bị khảo, Lý Thường Kiệt, La Sơn phu tử v.v… đã để lại những dấu ấn lớn trong lãnh vực văn hóa, lịch sử, giáo dục, khoa học. Ông đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, danh hiệu cao quý.

Ngày trước, nhiều người thành vợ chồng, không vì quen biết mà do cho mẹ hai bên đã… hứa hẹn trước. Ông bà cụ Hoàng Xuân Úc và Lê Thị Ấu ở làng Yên Hồ, huyện La Sơn (Hà Tĩnh) đã hứa gã con trai là Hoàng Xuân Hãn cho một gia đình ở huyện Hương Sơn. Mọi việc chưa chuẩn bị xong thì cậu con trai - thủ khoa Quốc học Vinh, thủ khoa kỳ thi Thành chung toàn Trung bộ được nhận học bổng du học ở Pháp.

Trước ngày lên đường, năm 1928, cậu được cha mẹ dẫn sang nhìn mặt cô gái sau này sẽ thành người đầu ấp tay gối. Đó là cô Nguyễn Thị Vàng -  con gái một nhà khoa bảng. Cuộc gặp gỡ ấy, không rõ có để lại ấn tượng gì sâu đậm không, nhưng sau khi sang Pháp vì cuốn hút vào công việc học tập nên cậu viết thư gửi về song thân trình bày suy nghĩ chân thành - sau này ở tuổi ngoài 80, cụ Hoàng Xuân Hãn có kể trong thư có đoạn viết: “Con gái thì có lứa, con còn lâu mới về được, nếu có nơi xứng đôi vừa lứa thì gia đình cứ để cho Vàng gây dựng gia thất, con không có gì dám oán trách”.

Mọi việc đã diễn ra theo ý nguyện.

Sang Pháp, Hoàng Xuân Hãn học toán cao cấp ở Lycée Saint Louis, sau đó thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm và bắt đầu chú tâm biên soạn Danh từ khoa học - cuốn sách nổi tiếng đặt nền móng đầu tiên về xây dụng hệ thống thuật ngữ khoa học bằng tiếng Việt. Sau đó, ông còn thi đậu lấy bằng Bách khoa, Kỹ sư Cầu cống, Thạc sĩ toán. Năm 1935, ông đáp tàu về thăm cố hương. Những ngày lênh sông nước, tình cờ ông làm quen với cô Nguyễn Thị Bính - một tiểu thư mảnh mai, xinh đẹp ở Hà Nội nhà ở phố Gia Long (nay phố Bà Triệu). Bấy giờ, cô Bính cũng đã lấy bằng tốt nghiệp trường Cao đẳng Y Dược Paris.

Khi tàu ngang qua Ấn Độ Dương, gặp lúc trăng rằm, cô Bính đề nghị người bạn trai thử làm bài thơ Vịnh nguyệt. Được lời như cởi tấm lòng,  Hoàng Xuân Hãn nửa đùa nửa thật xuất khẩu:

Có người bảo tớ vịnh thơ trăng,

Tớ cũng toan ngâm ngợi chị Hằng.

Ngán nỗi người xinh, trăng thẹn mặt,

Ngây lòng tớ gặm bút mòn răng.

Trông trăng chỉ thấy ai cười nụ,

Gác bút vì e tớ nghĩ xằng.

Vịnh nguyệt vì người thôi cũng vịnh,

Họa người bên nguyệt biết tình chăng?

Nghe xong bài thơ, cô Bính đỏ mặt e thẹn vì thấy được “tình ý” mà người bạn trai đã gởi gắm. Ngay sau đó, Hoàng Xuân Hãn còn tặng cô Bính thêm bài hát nói:

Trăng với biển nửa mờ nửa xám

Mây trên trời trời mấy đám phất phơ

Mảnh trăng khi tỏ lại khi mờ

Khách trên biển còn ngờ nơi Nhược Thủy

Cám cảnh thân đơn thằng Cuội quỷ

Gẫm thương tình muộn chị Hằng Nga

Những tưởng rằng trăng lạ với trăng xa

Ai ngờ cũng trăng nhà cười mủm mỉm

Chốn lữ quán đa tình nên bịn rịn

Hỏi trăng già soi đến tận tâm can?

Sóng đưa trăng giạt theo làn

Lâu nay, cô Bính nghe tiếng Hoàng Xuân Hãn luôn đậu thủ khoa trong các kỳ thi, học hành xuất sắc hơn người, không ngờ chàng cũng giỏi thơ và tài hoa đến thế. Những bài thơ này đã tạo trong tâm trí cô Bính một cảm tình đặc biệt. Những ngày gặp lại nhau tại Hà Nội, tình cảm ngày một gắn bó hơn, năm 1936, họ kết hôn. Đám cưới xong, nhờ bạn bè cho vây vốn, họ mở hiệu bào chế thuốc tây ở phố Tràng Thi (Hà Nội). Từ đây, mọi người quen gọi cô Bính là “Madame Hoàng Xuân Hãn”. Thời gian này, Hoàng Xuân Hãn dạy Trung học đệ Nhị cấp ở Trường Bưởi (túc Trường Chu Văn An) và tham gia Hội Truyền Bá Quốc ngữ.

Điều may mắn, nhà bác học của chúng ta đã chọn được người vợ hoàn toàn chia sẻ, ủng hộ việc làm của chồng. Để thực hiện những đi thực địa, khai quật di tích văn hóa cổ nhằm hoàn thành các bộ sách nghiên cứu rất có giá trị, Hoàng Xuân Hãn đã dồn vào đó bao nhiêu tiền của, bà Bính cũng không tiếc. Bên cạnh đó, bà còn đồng tình với chồng về quan điểm chính trị. Khi luật sư Vũ Đình Hòe làm chủ nhiệm báo Thanh Nghị, được sự khuyến khích của chồng, bà Bính nhận lời cộng tác: “Vì trong nhi đồng giáo dục có vấn đề tâm - sinh lý trẻ nhỏ, có vấn đề vệ sinh, phòng bệnh, bồi dưỡng sức khỏe cho thiếu nhi”, bà nói.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (1946), gia đình của vợ chồng Hoàng Xuân Hãn là địa điểm liên lạc của người yêu nước. Từ năm 1951, họ sang Paris, định cư tại Pháp. Tuy vậy, tấm lòng của họ luôn hướng về quê nhà.

Riêng về bà Vàng ngày xưa cha mẹ mai mối cho ông, sau này trở thành vợ của bác sĩ Lê Khánh Đồng - nguyên trưởng phòng huấn luyện Viện Y học dân tộc. Ít người biết rằng, năm 1930, lúc bà Vàng đám cưới, Hoàng Xuân Hãn có tặng bài thơ Đường luật, nét độc đáo mỗi câu đều có một từ khoáng sản hoặc kim loại:

Vàng đã vì cha trót nhận lời

Nghĩa tình mang tiếng bạc cùng ai

Sắt cầm duyên mới mừng tươi thắm

Gang tấc lòng xưa luống lữ hoài

Chớ trách vàng thau hay kẹn kẻ

Vì thương son phấn dễ tàn phai

Cũng đồng châu quận trong thân thích

Chớ để chàng Tiêu đứng cửa ngoài

Điều bất ngờ, Hoàng Xuân Hãn không hề biết, bà Vàng cũng có thơ họa nhưng không gửi cho ông:

Ngây thơ chỉ biết việc vâng lời

Dang dở tình duyên dám trách ai

Bà Nguyệt xe tơ rắc rối thế

Để người trong cuộc vấn vương hoài

Mừng nay sống cạnh chồng quân tử

Muôn nỗi ưu phiền sẽ nhạt phai

Hai họ Hoàng - Lê cùng quyến thuộc

Vốn đà khắng khít đứng chi ngoài.

Dù không lấy được nhau theo sắp xếp của cha mẹ, nhưng họ vẫn giữ đựợc cái tình, thật đáng quý. Với bà Bính, sau ngày thống nhất Tổ quốc, năm 1975, nhìn lại mối tình gắn bó đằm thắm đã qua 40 năm, ông đã viết bài thơ “Bốn mươi năm kỳ ngộ” tặng vợ, trong đó, có câu nhấn mạnh:

Lòng trung ái cùng nhau toàn giữ trọn

Nỗi tương thân thiết thạch chẳng hao sờn

Dù hai người không có con, nhưng bà Bính vẫn tự hào: "Đối với nhà tôi, con tức là sách”. Mối tình đẹp “thiết thạch” từ vần thơ xe duyên từ “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã gắn kết họ thủy chung đến trọn đời.


L.M.Q

(nguồn: Báo Thanh Niên 15.11.2016)



 Tình đầu là tình cuối của Nguyễn Tuân

vo_chong_nha_van_NGUYEN_TUAN

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân (1910-1987) là một gương mặt độc đáo trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Từng con chữ dưới ngòi bút của ông đều tươi roi rói và lấp lánh sự sống. Càng đọc Nguyễn Tuân, ta càng khâm phục khả năng sử dụng tiếng Việt của một nhà văn bậc thầy. Sinh thời, trên tạp chí Tác phẩm mới (số 8.1990) ông từng phát biểu: “Tôi không có kỷ niệm đẹp về thời thơ ấu và tuổi thanh xuân. Tôi chưa có tuổi trẻ thì đã thành ông cụ non rồi. Tôi viết Vang bóng một thời và Thiếu quê hương từ những năm 29, 30 tuổi, như vậy thì làm gì có tuổi trẻ”. Và mối tình đầu của nhà văn Nguyễn Tuân, do chính ông kể lại, chúng ta cũng không tìm thấy được ở đó những hẹn hò, tình tứ, thơ mộng của tuổi mới lớn.

Nguyễn Tuân sinh năm 1910 tại phố Hàng Bạc (Hà Nội) là con trai của cụ Nguyễn An Lan (tức ông tú Hải Văn), một nhà nho bất đắc chí nhưng rất mực tài hoa. Thời niên thiếu, ông theo gia đình sống nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, Bắc. Năm 1929, học Thành chung ở Nam Định, ông kể: “Học đến năm thứ hai trung học tôi đã cưới vợ. Vợ tôi là con gái Hàng Bạc, cũng là chỗ môn đăng hộ đối, do gia đình lựa chọn cho. Tôi cưới vợ sớm vì hồi đó bố tôi ốm nặng, sợ không qua khỏi, tôi là con trưởng, hai gia đình quen biết nhau đã lâu nên bà cụ muốn cưới sớm”.

Vợ của nhà văn Nguyễn Tuân là bà Vũ Thị Tuệ. Sau khi cưới vợ, Nguyễn Tuân vẫn còn đi học. Ông kể tiếp: “Mẹ tôi lấy cho một bát họ, để tôi mở hiệu sách. Tôi làm đại lý cho các báo Trung Bắc tân văn, Thanh Nghệ Tĩnh, Tiểu thuyết thứ bảy... Được vài năm tôi phá gần sạch vốn, đành đưa vợ con về sống bám vào thầy mẹ tôi”.

Lúc này, bà Tuệ mới sinh con trai đầu lòng được hai tháng, Nguyễn Tuân “nổi máu giang hồ” cùng bạn bè rủ nhau trốn đi Thái Lan, vừa chân ướt chân ráo đến Băng Cốc thì bị bắt và giải về Hà Nội. Được thả về, ông làm chân giữ kho ở Nhà máy đèn Thanh Hóa: “Một hôm chủ sở bắt gặp tôi đang đánh máy - đây không phải là công việc của tôi - nó hỏi tôi đánh máy cái gì, bạn bè chung quanh nói anh ấy đang làm thơ, thằng chủ sở tức mình, xách cả cái máy định ném vào đầu tôi, may mà tôi tránh được, thế là tôi bỏ việc”.

Bà Tuệ kể tiếp:“Không được bao lâu, nhà tôi lại xách va ly ra đi. Tôi không hề ngăn cản nhà tôi trong những chuyến đi. Rất yêu quí và phục ông ấy, tôi không muốn làm phiền ông mặc dù xa ông, tôi buồn biết bao nhiêu”. Biết làm sao được, khi mà Nguyễn Tuân là người tôn thờ “chủ nghĩa” xê dịch và thèm đi “giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất của quan niệm cũ, làm tiêu mất bao giá trị tinh thần” (Vang bóng một thời). Chính trong thời đi giang hồ, ông có gửi về cho vợ... bài thơ ! Ấy là lúc ông theo đoàn làm phim của Nguyễn Doãn Vượng sang Hồng Kông đóng phim Cánh đồng ma. Bài thơ viết vào dịp cuối năm nơi đất khách quê người mới não ruột làm sao: “Bốn bể cũng là nhà/ Tết này lại ở xa/ Hồn quê theo lá rụng/ Đất khách đóng trò ma/ Gió bụi quên ngày tháng/ Biển hồ gặp xông pha/ Đừng cho đàn trẻ biết/ Rối ruột khách thiên nha”.

Và bà Tuệ còn kể thêm một chi tiết khá thú vị: “Lúc sắp sửa đẻ đứa thứ sau, nhà tôi viết thơ về hẹn đưa tôi đi sinh. Tôi sung sướng chờ đợi. Nhưng đợi mãi, nhà tôi vẫn không về. Ngay một bức điện, một bức thư đưa tin cũng không có. Đã đến ngày sinh, tôi buồn rầu thui thủi một mình vào nhà hộ sinh. Không tránh khỏi có phần tủi thân và thầm oán trách sự vô tâm của nhà tôi”. Không những vô tâm, ông còn đểnh đoảng nữa. Đạo diễn Đình Quang cho biết: Có lần Nguyễn Tuân dẫn con vào rạp xi nê xem chiếu bóng, tan phim, ông mải theo bạn bè đi chơi tiếp, bỏ quên con đang nằm ngủ chèo queo trong rạp! Đến khi nhớ lại, ông vội chạy đến rạp, thấy vắng hoe, lo cuống lên, không ngờ bà Tuệ đã đến dẫn con về tự lúc nào rồi!”.

Nói về vợ mình, Nguyễn Tuân tâm sự: “Chúng tôi sống với nhau hòa hợp cho đến bây giờ cũng là lúc đầu bạc răng long rồi chứ còn gì nữa. Chung quy phải nói là do ở nơi bà ấy cả. Tôi là thằng phá đình phá chùa, vì vậy cái người chịu đựng được tôi lại còn chung thủy và tận tụy săn sóc mình thì cũng như người tô tượng đúc chuông chứ còn gì nữa. Không hiểu bà ấy quý tôi về cái nỗi gì, chứ tôi phá bà ấy nhiều đận đến là điêu đứng”.

Bà Tuệ thành thật bộc bạch: “Hơn 50 năm trôi qua, sống với nhau, xa nhau nhiều, nhưng chỉ có đến tuổi già mới có điều kiện gần nhau. Tính cách hai chúng tôi rất khác nhau, nhưng sao vẫn hợp nhau. Nhà tôi khó tính, rất khó tính. Càng lớn tuổi, càng khó tính. Nhưng tôi vẫn cố chiều được”.

Năm 1986, Nguyễn Tuân ốm nặng, tướng không qua nổi, bèn nói vui với vợ: “Bà với tôi thì nên ai đi trước?”. Không ngờ bà Tuệ trả lời một câu mà Nguyễn Tuân nhận xét là rất... “tình tứ": “Nếu ông đi trước thì tôi sẽ buồn lắm, nhưng tôi mà đi trước thì ông sẽ rất khổ vì không ai săn sóc ông được như tôi. Và như vậy, tôi chết cũng không đành”.
Nếu không có sự nhẫn nại, chịu đựng của bà Vũ Thị Tuệ, liệu chúng ta có được những trang tuyệt bút về Vang bóng một thời (1940), Một chuyến đi (1941), Tàn đèn dầu lạc (1941), Tùy bút (1943), Chùa đàn (1946) rồi Tình chiến dịch (1950), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), v.v...

Về cuối đời, bà Tuệ cho biết thêm: “Nghĩ lại, từ khi lấy nhau cho đến lúc có bảy mụn con, chúng tôi xa nhau luôn. Biết bao khó khăn vất vả. Nhưng cứ mỗi lần nhà tôi đi xa về thấy các con khôn lớn, ông rất vui, tôi cũng thấy mát lòng, và quên đi những phiền muộn vất vả. Đối với tôi, nhà tôi lúc nào cũng chu đáo. Nhà tôi chưa hề nặng lời với tôi lần nào. Mặc dầu xa nhau luôn, nhưng tôi vẫn tin ở nhà tôi. Hồi trước Cách mạng, nhà tôi cũng theo bạn đi hát ả đào. Tôi còn nhớ, có lần có người đến gõ cửa báo tin cho mẹ con tôi biết là nhà tôi đang ở nhà này, nhà nọ. Tôi cứ để mặc. Dưới mắt tôi, nhà tôi bao giờ và lúc nào cũng là một người có suy nghĩ”.

Sực nhớ đến câu ca dao xưa: “Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng” - có lẽ đây là niềm tự hào của bà Vũ Thị Tuệ đối với Nguyễn Tuân – một người chồng, là nhà văn bậc thầy. Và chúng ta cũng tự hào có nhà văn Nguyễn Tuân trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

L.M.Q

(nguồn: Thanh Niên 16.11.2016)

Tài liệu tham khảo:

Nhà văn qua con mắt những người thân (NXB Hội Nhà văn - 1994); Hỏi chuyện nhà văn Nguyễn Tuân - (Tạp chí Tác phẩm mới số 8-1990).


 

Duyên tiền định của học giả Nguyễn Hiến Lê

vo-chong-HOC-GIA-NGUYEN-HIEN-LE-7R


Nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) - người đã có bút lực dữ dội với 100 đầu sách ở nhiều lãnh vực... Dù sinh trưởng ở ngoài Bắc, quê Sơn Tây nhưng tời trẻ ông đã sống ở miền Nam. Năm 1935, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, ông được bổ làm việc ở Sở thủy lợi miền Tây Nam Bộ. Trong những ngày nghỉ, ông thường về làng Tân Thạnh, bên kia sông Tiền Giang để thăm người bác ruột. Những lần bác cháu gặp nhau, cả hai đều trò chuyện vui vẻ. Rồi ngày nọ, ông bác nói với cháu một chuyện quan trọng:

- Thím Tư (tức mẹ Nguyễn Hiến Lê) nghĩ cháu đã lớn tuổi rồi, muốn nhờ bác thay thím kiếm một chỗ nào cho cháu.

Nghe qua, Nguyễn Hiến Lê bối rối và nghĩ còn quá sớm nên chỉ “dạ” gọn lỏn một tiếng rồi thôi. Nhưng từ đó, ông bác bắt đầu để ý tìm chỗ mai mối cho cháu mình...

Sau này, trong hồi ký, ông Lê nhớ lại: “Bác tôi dắt tôi đi thăm một ông Hội đồng tỉnh, vào hạng điền chủ lớn thứ nhì trong làng, có độ ba trăm héc ta ruộng, ba bốn người con gái... Chỗ đó xứng đáng, nếu bác tôi hỏi thì được liền, nhưng thấy tôi không sốt sắng nên bỏ qua. Sau đó ít lâu, một người bạn tôi mới quen ở Rạch Giá, cũng do bác tôi giới thiệu, đưa tôi đi coi mặt một thiếu nữ, con một ông phủ ở Giồng Riềng, nhân một bữa tiệc buổi tối. Đi coi về, tôi viết thư cho bác tôi, giọng hơi dí dỏm bảo: “Trong ánh đèn măng-xông chỉ thấy một làn xanh xanh rực rỡ và thơm phức xẹt qua như một vì sao đổi ngôi”.

Ông bác hiểu ý nên lại giới thiệu một chỗ khác, vì biết Tử vi của cháu mình ở cung thê có các “Văn xương, Văn khúc, Hóa khoa” nên đoán rằng cô vợ phải là người có học.
Người được giới thiệu tiếp là cô Nguyễn Thị Liệp - giáo viên dạy trường nữ Long Xuyên. Ông Lê nhận xét: “Mới tiếp xúc lần đầu, tôi thấy nét mặt cô dễ coi, mà tính tình cũng dễ thương vì tự nhiên, giản dị, nhũn nhặn, thành thực”. Nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở đó thôi. Sau đó, khi ông nhờ cô Liệp giới thiệu cho cô H. cũng dạy trường nữ Long Xuyên. Cô Liệp lại nhận lời liền, “sai một đứa cháu đem một bức thơ hỏi ý cô bạn trước, rồi rất nhậm lẹ bận thêm chiếc áo dài thâm, đưa tôi đi”. Hai người đi song song, mỗi người một lề đường. Khi gặp được cô H. ông thấy cô trắng trẻo, nhỏ nhắn, thanh tú, hiền từ không có gì để chê trách cả.

Nhưng có một điều lạ lùng là sau lần gặp gỡ này, ông có viết thư kể lại với ông bác và muốn hỏi cưới... cô Liệp! Ông bác cũng ngạc nhiên, viết  thư hồi âm và nhận xét: “Về đức hạnh thì đáng quý, nhưng nhà nghèo và lớn tuổi hơn cháu”. Thế nhưng, độ một tháng sau, ông tìm gặp cô Liệp và trao lá thư cầu hôn. Ông Lê kể tiếp: “Cô không trả lời thẳng cho tôi mà viết thư cho bác tôi, đại ý rằng: cô cảm động vì bức thư của tôi, nhưng nhà chỉ có một mẹ và một con, nên muốn được ở vậy phụng dưỡng mẹ và xin “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”. Thật ra, gia đình cô Liệp không đồng ý vì ngại “tôi còn mẹ già ở Bắc, nếu mẹ tôi muốn cho tôi về làm việc ngoài đó thì khó xử cho cả hai bên: cô không thể bỏ mẹ già mà theo tôi ra ngoài đó, mà tôi cũng không thể bỏ mẹ mà ở với cô trong này. Giá cô nói thẳng việc đó thì dễ giải quyết, mẹ tôi đã muốn cho tôi ở hẳn trong Nam”.

Từ đó, ông không nghĩ đến việc tìm vợ nữa, cứ thủng thẳng rồi hãy hay. Sau này, ông ngẫm nghĩ: “Phương Đông ta có chuyện ông Tơ bà Nguyệt, chuyện duyên nợ ba sinh, không biết các dân tộc khác có không, nhưng tôi không chắc dân tộc nào không tin rằng hôn nhân là một chuyện may rủi, bất ngờ, như có tiền định. Lần đó, đối với tôi là rủi; bây giờ, ngẫm lại thì cơ hồ là may; dù may hay rủi thì theo các nhà lý số, cũng là tiền định rồi, rất hợp với lá số tử vi của tôi”.

Mùa thu năm 1936, Nguyễn Hiến Lê đi công tác xuống vùng Bạc Liêu. Trong nhiều lần ngang qua Giá Rai, vào tiểu khu của Sở thủy lợi thì ông làm quen với gia đình ông đốc công Trịnh Đình Huyến “Mới gặp tôi vài lần mà ông bà có lòng mến tôi rồi và bà đánh tiếng muốn gả trưởng nữ là cô Trịnh Thị Tuệ cho tôi. Tôi quý tính tình của ông, lại được biết cô Tuệ học giỏi, sớm đậu tiểu học, học tới năm thứ ba cao đẳng tiểu học rồi thôi, về giúp việc nhà, nữ công khéo, biết chăm sóc các em, được cả nhà quý mến, các em nể, nghe lời, nên tôi có ý muốn nhận lời viết thư hỏi bác tôi, rồi thưa với mẹ tôi”. Mọi việc diễn ra suông sẻ vào dịp lễ Phục sinh năm 1937, Nguyễn Hiến Lê và cô Trịnh Thị Tuệ thành hôn.

Còn số phận của cô Liệp thì sao?

Sau khi cưới nhau, ông vẫn kể cho vợ biết mối tình bạn giữa mình với cô Liệp. Từ đó, vợ chồng ông và cô Liệp cùng tạo mối quan hệ thân thiết. Hình ảnh của người bạn gái mà mình từng cầu hôn vẫn còn nguyên trong tâm trí của ông. Do đó, “Năm 1956, bà cụ thân sinh của cô Liệp quy tiên được 9 năm rồi, tôi lặp lại cầu hôn từ hai chục năm trước, cô vì chiều lòng tôi mà miễn cưỡng nhận lời. Tôi hỏi ý nhà tôi, nhà tôi không do dự, chấp nhận liền, mặc dầu ráng nén sự miễn cưỡng. Hôn lễ cử hành ở Long Xuyên, rất đơn giản, bác Ba tôi làm chủ hôn bên nhà trai”.

Mọi việc diễn ra như ý nguyện của ông, nhưng “Trong ba người chỉ có tôi là đóng vai trò không đẹp, ích kỷ, khiến cho hai người kia đều buồn. May là hai người đều có học, đều dạy học để tự túc được mà mỗi người lại ở một nơi, nên buồn vài năm rồi cũng quen, và từ năm 1972, hai người thân nhau như hai chị em; bây giờ thì ai cũng công nhận rằng việc mà hai người năm 1956 đành phải chấp nhận như một số phận”.

Trong những ngày cuối đời, Nguyễn Hiến Lê về sống hẳn ở Long Xuyên với bà Liệp, lúc này bà Tuệ đã sống ở Pháp từ năm 1972. Những ngày cuối đời, tâm hồn ông thanh thản, đôi lúc nghe câu hò vọng lên trong trăng thanh giữa sông nước mênh mông:

Chèo vô núi Sập
Lựa con khô cá sặc, cho thiệt ngon
Lựa trái xoài cho thiệt giòn
Đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm…
Em về dọn một bữa cơm
Để người quân tử
Hò ơ…
Để người quân tử ăn còn nhớ quê…

Bất giác ông nhớ lại nhan sắc cố nhân từng ám ảnh trong trí nhớ của mình…

L.M.Q

(nguồn: Thanh Niên 17.11.2016)

Tài liệu tham khảo:
Hồi ký Nguyễn hiến Lê (NXB Văn Học - 1988).


 

Những người đàn bà đi qua cuộc đời Trần Tấn Quốc

 

Trần Tấn Quốc (1914 - 1987) tên thật Trần Chí Thành, quê ở làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) là một trong những nhà báo lừng danh của miền Nam. Từ thuở nhỏ, do ái mộ thần tượng Nguyễn An Ninh, Diệp Văn Kỳ... nên ông đã có chí hướng sau này sẽ đeo đuổi nghề báo. Năm 1930, ông  tham gia rãi truyền đơn tuyên truyền cho cuộc biểu tình nổ ra ở Cao Lãnh, thực dân Pháp bắt và đày ông ra Côn Đảo.

Mới 16 xuân phải sống trong địa ngục trần gian, Trần Tấn Quốc may mắn được sự giúp đỡ của người cộng sản nổi tiếng là Nguyễn Văn Nguyễn.

Chính ông Nguyễn là người đầu tiên giác ngộ cho ông Quốc ý thức về cách mạng và vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Dù sống ở Côn Đảo nhưng trong ngày Tết, người tù vẫn tổ chức “Gánh cải lương An Hải”, khi diễn chỉ nói bằng tiếng Pháp. Được ông Nguyễn phân công vai chánh án trong vở tuồng Tội của ai? (soạn giả Năm Châu), khi xuất hiện trên “sân khấu”, ông Quốc nổi lên như một... “diễn viên ngôi sao”. Tất nhiên, ngoài bạn tù còn có cả những người thân trong gia đình cai ngục ái mộ!

Thế là, một sáng đầu xuân, lúc ông đang gánh nước từ dưới giếng sâu, bàn chân khéo léo bám vào từng bậc thang tre, chậm rãi từng bước leo lên mặt đất để tưới rau thì con gái của ông Quản Thiên xuất hiện. Nàng tên Xuân Hoa. Trong hồi ký của mình, Trần Tấn Quốc có kể lại bằng giọng văn thân mật: “Mặt trời càng lên cao. Nắng thêm gay gắt. Nàng nói vọng xuống giếng như để giải thích sự có mặt của nàng:

- Hôm nay, tôi vào Sở mua gà. Chợt thấy chú làm ở đây, tôi dừng lại hỏi thăm. Chú hát cải lương hay quá. Hồi ở trong đất, chú có đi hát hôn?
- Thưa cô, ở ngoài này buồn quá, chúng tôi mới bày trò hát xướng để giết thì giờ và để lãng quên niềm xa xứ, chứ hát cải lương không phải là nghề của tôi.

- Tôi cũng vậy. Ra đây buồn quá. Cho nên, chúa nhựt là tôi thích vào Sở, nhứt là Sở rẫy. Tuần sau, tôi sẽ xin phép ba má vào đây nữa”.

Đó là lời hẹn hò kín đáo đầu tiên của phái đẹp mà lần đầu tiên ông được nghe. Trong hồi ký, ông viết tiếp: “Anh em chính trị phạm ở An Hải thì thầm bàn tán về nàng. Tất cả đều thán phục Xuân Hoa, vì chỉ có nàng là thiếu nữ xi-vinh (civil: dân sự) đầu tiên và duy nhất đến nay dám tiếp xúc với tù nhơn. Nàng được tù nhơn An Hải nhắc đến nhiều nhất với lòng cảm mến. Rồi từ hôm đó, nàng có đến hỏi xin tôi một bài ca. Đây là lần thứ hai Xuân Hoa gặp tôi vào giờ làm cuả một tù nhân ở Sở Rẫy. Không còn cái giọng trêu ghẹo dạn dĩ để làm quen như lần sơ ngộ bất thần, lần này, Xuân Hoa hỏi xin tôi bài ca vọng cổ “Con nhạn đành kêu sương nơi biển Bắc”. Cũng may cho tôi đã thuộc bài ca này lúc chưa vào tù”.

Bài ca vừa kể trên của soạn giả Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi, vọng cổ “nhịp hai” gồm sáu câu. Thế là ông luôn: “Nhạn đành kêu sương nơi biển Bắc/ Én cam khóc bạn dưới trời Nam/ Thảm thương thay Ngưu nữ chia lòng/ Kẻ ăn thảm, người lại nuốt nồng/ Kẻ chân mây ruột tím gan bầm/ Người góc biển, tâm xào phế cang…”.

Những ngày sau thỉnh thoảng họ lại gặp nhau. Trong xưng hô không rõ từ bao giờ, họ đã đổi thành “anh em” ngọt lịm! Tình cảm đang độ nồng nàn thì bất ngờ, ông nhận được tin là ba má của Xuân Hoa sẽ đưa nàng vào đất liền. Họ liều lĩnh hẹn hò gặp nhau ở Suối Đá Mòn. Sau này, ông kể lại: “Đối với tù nhân, Xuân Hoa là một nàng tiên bất khả xâm phạm, nay nàng bạo dạn vượt qua trường thành kiên cố đến với tôi, một chánh trị phạm trẻ tuổi mà trước ngày vào tù chưa biết thú vị của ái ân... Tôi cầm lấy bàn tay mềm mại của nàng mân mê trìu mến, im lặng. Cả rừng cây nơi lưng chừng núi không một tiếng động. Làn da trắng mịn trên gương mặt trái xoan của Xuân Hoa bỗng ửng đỏ, một màu sắc thật quyến rũ, tố giác sự rung động mãnh liệt của con tim. Tôi siết chặt bàn tay nhỏ bé của nàng...”.

Giây phút đằm thắm này, khó phai trong ký ức của ông. Ít lâu sau, nàng về đất liền. Dù có thư từ qua lại nhưng chỉ mười tháng sau, Xuân Hoa vâng lời ba má để xe duyên kết tóc với người khác.

Tháng 10.1934, được thả tự do, Trần Tấn Quốc lên Sài Gòn chính thức sống với nghề làm báo. Năm 1937, Trần Tấn Quốc quen và yêu một nhan sắc có tên là Bảy Tới. Lúc hai người chuẩn bị tiến tới hôn nhân, bỗng sét đánh ngang tai! Mẹ của nàng trả lời dứt khoát:

- Nó là một thằng ở tù chánh trị mới ngoài đảo về lại đi làm nghề viết nhựt trình. Má ghét mấy thằng viết báo dữ lắm. Má không chấp nhận nó trở thành con rể nhà này!

Lời nói như đinh đóng cột của bà đã chia lìa đôi lứa. Ít lâu sau, ông lại lại “bước thêm một bước” nữa với bà Lê Thị Tuất, nhưng rồi “tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”. (Về sau bà Tuất kết duyên với ông Trần Văn Kỷ và sinh ra nữ nghệ sĩ Kiều Mai Lý). Có lẽ, người sống với ông lâu hơn cả là nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Loan. Hai người đầu ấp tay gối từ năm 1948, mãi đến năm 1958 do mật vụ Ngô Đình Diệm đánh hơi nghệ sĩ Thanh Loan là “Việt cộng nằm vùng” nên bà phải ra chiến khu. Mối tình của hai người chấm dứt vào năm 1962, lúc ông đang làm chủ nhiệm báo Tiếng dội miền Nam.

NS-Thanh-Loan---VO-TRAN-TRAN-TAN-QUOC-RRR

Nữ nghệ sĩ Thanh Loan

Người phụ nữ cuối đến với ông là bà Hà Thị Tám, bút danh Thu Tâm - nhỏ hơn ông 19 xuân. Trong thiếp báo tin cho bạn hữu chỉ ghi ngắn gọn: “Báo tin riêng: Với sự đồng ý của cha mẹ hai bên, chúng tôi đã chánh thức làm lễ thành hôn tại xã Mỹ Trà, Cao Lãnh (Kiến Phong) hôm 13.1.1962 nhằm mùng tám tháng Chạp ta năm Tân Sửu. Vậy chúng tôi hoan hỉ báo tin này cùng quý thân hữu”. Ông trời cũng tai quái. Chung sống hạnh phúc như thế, dù bà Tâm nhỏ tuổi hơn nhưng lại “đi trước” ông. Bà mất năm 1972, lúc mới 39 xuân.

Ba-Thu-Tam---vo-TRAN-TAN-QUOC-RRRR

Trần Tấn Quốc và bà Thu Tâm

Đó là nỗi đau chất ngất trong tâm trí của Trần Tấn Quốc - một nhà báo trong hơn 40 năm cầm bút, đã viết báo và sáng lập nhiều tờ báo tiến bộ ở miền Nam. Một trong những dấu ấn rực rỡ nhất của ông là đã thành lập giải Thanh Tâm dành cho các nam, nữ nghệ sĩ triển vọng nhất trong lãnh vực sân khấu.

L.M.Q

Tài liệu tham khảo:

Trần Tấn Quốc - bốn mươi năm làm báo - Thiện Mộc Lan - NXB Trẻ 2000.

(nguồn: Báo Thanh Niên 18.11.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com