BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Thơ, ích gì cho đời sống?

LÊ MINH QUỐC: Thơ, ích gì cho đời sống?

 

thoichi-gi-cho-doi-song-1-R

 


Hôm qua đọc gì?

Đọc lại Kinh Thánh. Đoạn, sau trận đại hồng thủy, con người bắt tay vào xây dựng tháp Ba-bên (Babel). Lúc ấy, “Đức Giê-hô-va bèn ngự xuống đặng xem cái thành và tháp của con cái loài người xây nên. Đức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được. Thôi! chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia. Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất." (Kinh Thánh, Sáng Thế Ký 11:9). Trong ngữ cảnh này, có thể biết chắc Ba-bên có nghĩa “lộn xộn”.

Tưởng dễ dàng nhất, nhưng thật ra khó khăn nhất của con người ta chính là lúc sử dụng tiếng nói. Cứ nhìn trên các phương tiện truyền thông hiện nay, sẽ rõ. Có hằng hà sa số tiếng nói, nhưng rồi có ai thèm nghe ai đâu. Mỗi một ngày, lại thấy nhiều chuyện đã xẩy ra, dù khác nhau về thời gian, địa điểm nhưng bản chất của sự việc vẫn na ná nhau. Trước một sự việc cụ thể đang xẩy ra, ai nói gì thì nói; lần sau, lúc khác nó lại tái hiện dưới một hình thức khác. Oái oăm thật. Vẫn y chang hoặc tồi tệ hơn. Không thèm thay đổi, dù trước đó, ngay lúc đó đã có nhiều tiếng nói cảnh tỉnh, phê phán, kiến nghị v.v… Người Việt ví von “nước đổ đầu vịt”, “nước đổ lá môn”. Nghe ra ấn tượng quá. Vậy hóa ra, nói không khó, biết nghe mới khó. Than ôi, một trong lạc thú ở đời chính là được nói, há mồm ra mồm ra nói chứ không phải được nghe.
Chỉ vậy thôi à? Không, còn phải kể thêm một lạc thú khác nữa. Cái gì vậy? Thưa, làm thơ!

Thơ có ích gì cho đời sống?

Hôm trước, phì cười với cái tin nho nhỏ in trên Báo Thanh Niên: “Nhiều người đầu tư vào hệ thống báo động hoặc các ổ khóa chắc chắn, thì chủ một ngôi nhà ở Hà Bắc (Trung Quốc) chỉ sử dụng một bài thơ và ngạc nhiên thay, chiêu chống trộm hết sức... tao nhã này lại có hiệu quả bất ngờ. Theo ChinaDaily, sau khi đột nhập vào nhà, thay vì vơ vét tài sản, tên trộm không lấy bất cứ thứ gì, thậm chí còn để lại 100 tệ (khoảng 348.000 đồng) cùng mảnh giấy xin lỗi. Hóa ra, kẻ đạo chích đã bị dòng chữ có nội dung “Hãy tự đứng trên đôi chân của mình ngay cả khi xế bóng”, treo trên tường làm thay đổi ý định”.

Thơ cũng có ích đấy chứ?

Cười chưa kịp khép miệng, đã mếu với chuyện khác cũng liên quan đến thơ. Báo Thanh Niên số 20.4.2015 cho biết, ngày 16.7.1993, ông Nguyễn Đình Phương, nguyên giáo viên Trường THCS Vân Diên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) bắt giam 115 ngày chỉ vì làm một bài thơ. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào? Năm 1991, người dân hai xã Nam Tân và Nam Thượng (H.  Nam Đàn) tranh chấp đất sản xuất. Hai năm sau, để giải quyết tranh chấp này, lãnh đạo huyện Nam Đàn cho đóng cột mốc phân chia ranh giới hai xã. Nhiều người không đồng tình gọi là "cột ngốc", trong đó có ông Phương. Và ông làm bài thơ “Cột mốc hay là cột ngốc?”:

Cột mốc cắm ở đường biên
Phân chia ranh giới, nối liền quốc gia
“Cột ngốc” của huyện nhà ta
Chia đôi Tân, Thượng như là khối u
“Cá rán dân biếu mèo mù”
Chỉ đạo kiểu ấy đáng “tù mọt gông”
Vì sao Tân - Thượng bất đồng?
Cần chi cột mốc nằm không giữa trời
Đau lòng Tân - Thượng mình ơi
Nhổ ngay “cột ngốc” vạn đời vui chung

Bài thơ này bị ghép tội “bộc lộ nội dung hô hào, cổ động, kích động người nghe; tác phẩm có ý châm biếm, đả kích, coi thường, cản trở lại tổ chức và cá nhân có chủ trương đóng cột mốc đường biên” như kết luận của cơ quan chức năng. Tất nhiên, sau đó nhờ “sửa sai” nên  ông  Phương được thả tự do. Ông hiên ngang gõ cửa nhiều nơi, đòi bồi thường án oan sai. Não trạng mỗi thời mỗi khác. Ngày càng sáng sủa hơn, phải vậy thôi.

Lâu nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về thành tựu văn học của “miền Bắc xã hội chủ nghĩa” từ 1954 - 1975. Tuy nhiên, chưa ai chỉ ra rằng, trong đó có một thể loại hoàn toàn không hề có một thành tựu nào, đó chính là dòng thơ trào phúng. Nó tụt hậu, đi sau dòng thơ trào phúng thời tiền chiến; nó đi sau dòng thơ này ở “vùng tạm chiếm” miền Nam. Đề tài thu hẹp, quanh quẩn, tủn mủn và nhìn chung chỉ lớt phớt một vào hiện tượng nhỏ nhặt, không đáng kể. Vậy cái cười của nó thế nào? Vì sao lại như thế? Chỉ cần một buổi sáng, thức dậy sớm nhẩn nha cùng ly cà phê là có thể lý giải; hoặc ít ra cũng phần tích được lý do tại bởi làm sao cái nguyên cớ gì?

Đêm qua, năm đọc lại tạp chí Văn Học (số 1.1973) chuyên đề “Thơ ca Việt Nam”. Hãy đọc lại một bài thơ của thơ trào phúng, thuộc thế hệ sau Tú Mỡ, Đồ Phồn... Họ là những cây bút trào phúng chủ lực, tiêu biểu nhất của miền Bắc thời đó. Một tác giả cho biết đây là bài thơ “đạt nhất” và nhấn mạnh: “Bài thơ đó nói về cái tục thờ đồng đô-la Mỹ. Tục này có thật và hiện còn lưu hành trong các gia đình của bọn tư bản Mỹ:

Trong phòng treo ảnh mẹ cha
Ấy là mỹ tục, ấy là tình sâu
Trải qua một cuộc bể dâu
Hóa ra… Mỹ tục làm đau ông bà
Huê Kỳ thần tượng đô-la
Hất phăng đôi ảnh mẹ cha gầm giường
Trong phòng chính vẻ cao sang
Đóng khung ngự một đồng vàng tòng teng”

Tác giả cho biết bài thơ này đã in trong tuyển tập Đêm tàn Bạch ốc do Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản tháng 7.1966.

Mà thôi, không bàn chuyện này nữa. Có những trang viết ở lại với thời gian, cũng có những trang viết sẽ lãng quên khi chưa ráo mực. Chiều rồi. Đã làm xong mấy việc. Cũng bài vở thôi. Nghĩ qua chuyện khác cho vui, Chuyện gì? Chuyện rằng, đã khá lâu, có lần ngồi với người bạn, anh cho rằng, có những từ ghép đẳng lập, Nam và Bắc cùng chia nhau sử dụng. Chẳng hạn, có thể tìm thấy trong một bài vè cực hay. Chẳng rõ tác giả là ai, nay chép lại:

Bắc bảo: “kỳ”, Nam kêu: “cọ”
Bắc gọi: “lọ”, Nam kêu: “chai”
Bắc: “mang thai”,  Nam: “có chửa”
Nam: “xẻ nửa”, Bắc: “bổ đôi”
Bắc quở: “gầy”, Nam than: “ốm”
Bắc cáo: “ốm”, Nam khai: “bịnh”
Bắc định đến “muộn”, Nam liền la “trễ”
Nam mần: “sơ sơ”, Bắc nàm: “nấy nệ”
Bắc: “lệ tuôn trào”, Nam: “chảy nước mắt”
Nam bắc: “vạt tre”, Bắc kê: “lều chõng”
Bắc nói trổng: “thế thôi”, Nam bâng quơ: “vậy đó”
Bắc đan: “cái rọ”, Nam làm: “giỏ tre”
Nam không nghe: “nói dai”, Bắc chẳng mê: “lải nhải”
Nam: “cãi bai bãi”, Bắc: “lý sự ào ào”
Bắc vào: “ô tô”,  Nam vô: “xế hộp”
Hồi hộp, Bắc: “hãm phanh”; trợn tròng, Nam: “đạp thắng”
Khi nắng, Nam: “mở dù”, Bắc thì lại: “xoè ô”
Điên rồ, Nam: “đi trốn”; nguy khốn, Bắc: “lánh mặt”
Chưa chắc, Nam nhắc: “từ từ”; Bắc thì khuyên: “gượm lại”
Bắc bảo: “quá dại”, Nam nói: “ngu ghê”
Nam: “sợ ghê”, Bắc: “hãi quá”
Nam thưa: “tía má”,  Bắc bẩm: “thầy u”
Nam nhủ: “ưng ghê”, Bắc mê: “hài lòng”
Nam “chối lòng vòng”, Bắc bảo: “dối quanh”
Nhanh nhanh, Nam: “bẻ bắp”; hấp tấp, Bắc: “vặt ngô”
Bắc: “thích cứ vồ”, Nam: “ưng là chụp”
Nam rờ: “bông bụp”, Bắc vuốt: “tường Vi
Nam nói: “mày đi”, Bắc hô: “cút xéo”
Bắc bảo: “cứ véo”, Nam: “ngắt nó đi”
Bắc gửi: “phong bì”; “bao thơ”: Nam gởi
Nam kêu: “muốn ói”, Bắc bảo: “buồn nôn”
Bắc gọi: “tiền đồn”, Nam kêu: “chòi gác”
Bắc nói: “khoác lác”, Nam bảo: “xạo ke”
Mưa đến, Nam: “che”; gió ngang, Bắc: “chắn”
Bắc khen: “giỏi mắng”, Nam nói: “chửi hay”
Bắc: “nấu thịt cầy”, Nam: “thui thịt chó”
Bắc: “vén búi tó”, Nam: “bới tóc lên”
“Anh Cả”: Bắc  quên, “anh Hai”: Nam lú
Nam:” ăn đi chú”, Bắc: “mời anh xơi”
Bắc mới “tập bơi”, Nam thời “đi lội”
Bắc đi “phó hội”, Nam tới “chia vui”
Bắc, thui thủi “kéo xe lôi”; Nam, một mình “xích lô đạp”
Nam thời “mập mạp”, Bắc cho là “béo”
Khi Nam khen: “béo”, Bắc bảo là: “ngậy”
Bắc quậy: “sướng phê”, Nam rên: “đã quá”
Bắc khoái: “đi phà”, Nam thường: “qua bắc”
Bắc nhắc: “môi giới”, Nam liền: “giới thiệu”
Nam ít khi “điệu”, Bắc hay “làm dáng”
Tán mà không thật Bắc bảo là “điêu”
Giỡn hớt hơi nhiều Nam kêu là “xạo”
Bắc: “nạo bằng gươm”; Nam: “thọt bằng kiếm”
Nam mê “phiếm”, Bắc thích “đùa”
Bắc: “vua bia bọt”, Nam: “chúa La-de”
Bắc khoe: “bùi bùi lạc rang”, Nam: “thơm thơm đậu phọng”
Bắc: “xơi na vướng họng”, Nam: “ăn mãng cầu mắc cổ”
Khi khổ, Nam: “tròm trèm ăn vụng”, Bắc: “len lén ăn vèn”
Nam toe toét: “hổng chịu đèn”, Bắc vặn mình: “em chả”
Bắc giấm chua: “cái ả”, Nam bặm trợn: “con kia”
Nam mỉa: “tên cà chua”, Bắc rủa: “đồ phải gió”
Nam: “nhậu nhẹt thịt chó”, Bắc: “đánh chén cầy tơ”
Bắc vờ vịt: “lá mơ”,  Nam thẳng thừng: “lá thúi địt”
Khi thấm, Nam: “xách thùng” thì Bắc lại: “bê sô”
Nam bỏ trong “rương”, Bắc tuôn vào “hòm”
Nam lết “vô hòm”, Bắc mặc “áo quan”
Bắc xuýt xoa: “cái Lan xinh cực”
Nam trầm trồ: “con Lan đẹp hết xẩy"
Phủ phê, Bắc: “ trùm chăn”; no đủ, Nam: “đắp mền”
Nước non một dãy thiêng liêng
Tình Nam nghĩa Bắc càng bền duyên lâu

Suy nghĩ thêm một chút để thấy rằng, ngay trong tiếng nói đã thể hiện nước Việt một khối thống nhất. Dẫn chứng thêm bát/ chén; béo/ mập; ảnh/ hình; bơi/ lội; bút/ viết; chăn/ mền; dứa/ thơm; cùn/ lụt; lừa/ gạt; may/ hên; lọ/ chai; ngã/ té;  nhanh/ lẹ; nhìn/ ngó; trông/ ngóng; tránh/ né; tiêm/ chích; thuê/ mướn… Lại nữa, trong Nam gọi “heo’/ ngoài Bắc gọi “lợn” nhưng tại sao trong Nam gọi “bánh da lợn”/ngoài Bắc lại kêu “toạc móng heo”? Tương tự, Nam: đờn/ Bắc: đàn - nhưng ở Sài Gòn vẫn gọi “công viên Tao Đàn”, chứ không phải “công viên Tao Đờn”, Nam: hột/ Bắc: hạt nhưng cả hai miền đều gọi “đau họng hạt”, chứ không hề nói “đau họng hột”; Nam: chánh/ Bắc: chính nhưng cả hai miền đều sử dụng “chánh văn phòng”, “chánh tổng” v.v…

Cũng lý thú đấy chứ?

Vừa nhận được Tạp chí Thơ do Hội Nhà văn Việt Nam gửi tặng hội viên. Vẫn thích đọc loạt  bài Thi thoại tản mạn của Hồng Diệu. Kỳ này, anh tìm ra câu thơ hay của nhà thơ Quang Huy: “Ngực thiếu nữ… thời gian tàn nhẫn lắm”. Đọc mà rờn rợn trên da. Hôm trước đi chơi với bạn thơ Nguyễn Trọng Tín, anh khen nức nỡ câu thơ này của La Quốc Tiến - viết về những bà mẹ kiếm sống bằng nghề đập đá trên núi An Giang. Nhìn các mẹ cầm búa, búa nặng xệ vai nhưng rồi cũng rướn hết sức vung búa đập vào đá tảng, đập cho đá vỡ ra nhỏ hơn nữa, đập miệt mài trong trưa nắng chang chang, tác giả viết: “Mẹ múa những đường cơm”. Nghe ứa nước mắt. Nhọc nhằn, đau đớn quá.

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 20.5.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com