BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: "Gia huấn ca" không phải của Nguyễn Trãi

LÊ MINH QUỐC: "Gia huấn ca" không phải của Nguyễn Trãi

giahuanca-khong-phai-cua-Nguyen-Trai

 

Sở dĩ nhắc lại vì sự việc đã rành rành nhưng gần đây trên báo chí vẫn cứ khăng khăng tác phẩm đó là của Nguyễn Trãi.

"Vàng tuy trời chẳng trao tay

Bình an hai chữ xem tày mấy muôn

… Từ xa xưa, Nguyễn Trãi đã viết trong “Gia huấn ca” 2 câu thơ trên để thấy rằng bình an là điều đáng quý như thế nào. Vì vậy, người Việt gặp nhau trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn thường chúc nhau “Bình an”, “An khang”…(Báo TT số Tất niên 4.2.2016). Thậm chí, ngày thường, câu cửa miệng cũng là chúc nhau “An toàn”, “An lành”, “An nhiên tự tại”… “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi (1380-1442) là một tác phẩm có nội dung khuyên dạy những người thân trong gia đình, học trò, về cách ăn ở cư xử ở đời…” (KTNN số Xuân 2016, tr.62). Như một sự mặc định lâu nay, hễ nói đến “Gia huấn ca”, mọi người lại gán cho Nguyễn Trãi. Từ nhiều năm nay, giới nghiên cứu đã có những ý kiến “nói khác” và chứng minh rằng Nguyễn Trãi không phải là tác giả “Gia huấn ca”.

Có lẽ, người trước nhất lên tiếng nghi ngờ là học giả Hoàng Xuân Hãn. Trong “Thi văn Việt Nam” (1951), ông đặt vấn đề: “Tuy nhiên, các chữ cổ, thường thấy trong những bài chắc chắn soạn đời Lê, ở đây thấy rất ít. Vả trong một vài nơi có nói đến các thứ đánh bạc như tổ tôm, tam cúc, chắn, đố mười. Không biết những trò chơi ấy đã có đời Nguyễn Trãi hay chưa? Nói tóm lại, ta không có gì chứng nhận chắc quyết lời tục truyền rằng tập gia huấn này là của Nguyễn Trãi. Nếu thật là của ông soạn ra, thì sự sao đi chép lại bởi người đời sau, và nhất là đời Nguyễn, đã làm cho phần văn cổ đã bị chữa đi nhiều rồi”.

Vậy ai là tác giả “Gia huấn ca”?

Câu hỏi lý thú này, trên tạp chí Hán Nôm 1984 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Lâu cho biết: “Chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi được nêu từ kho thư tịch và tư liệu Hán Nôm”. Có thể tóm tắt: Ông Lâu đã tìm được văn bản chép tay, ký hiệu AB.532. “Điều đáng chú ý là bản này còn giữ lại được lời ghi chú, một Nguyên tự của tác giả và một bài Bạt ở cuối sách”. Từ những thông tin này, “cho chúng ta biết: 1. Tên của tác phẩm này (tức là bài thứ nhất trong “Gia huấn ca”) là “Phụ châm”; 2. “Phụ châm” được tác giả sáng tác dựa trên những câu cách ngôn cổ và những câu ca dao, tục ngữ bằng quốc ngữ”.

Ai viết “Phụ châm”? Nguyên tự không nêu tên tác giả. May quá, trong lời Bạt cho biết “Phụ châm” là sáng tác của Yên Thái Tôn sư. Vị thầy tôn kính ở Yên Thái là ai? Về địa danh Yên Thái, Hà Nội có phường Yên Thái nhưng Nghệ An cũ, Thanh Hóa, Sơn Tây cũ, Nam Định cũng có địa danh Yên Thái; hoặc An Thái. An hoặc Yên cùng là 2 âm đọc của một chữ.

Chưa thể có câu trả lời dứt khoát.

Ông Lâu lại tiếp tục tìm kiếm các tài liệu khác. Ông tìm được 2 văn bản có tên “Xuyết thập tạp ký”. Một bản ký hiệu A.1792. Một bản ký hiệu AB.132. Theo nhà thư mục học số một của Việt Nam, cụ Trần Văn Giáp - tác giả “Lược truyện các tác gia Việt Nam”, “Thư mục Hán Nôm” - khẳng định tác giả “Xuyết thập tạp ký” là Lý Văn Phức. Văn bản ký hiệu A.1792 bị loại “vì nội dung của sách không phù hợp với bài tự của Lý Văn Phức ghi trong “Xuyết thập tạp ký””. Văn bản ký hiệu AB.132 ngay trang đầu có bài tự của tác giả, ký tên: “Vĩnh Thuận Khắc Trai Lý Văn Phức Lân Chi”; phần “Phụ châm” được chép cuối sách có tên “Phụ châm tiện lãm”, ghi rõ “Lý Hồ Khẩu tiên sinh soạn”.

Hồ Khẩu là địa danh. Ông Lý ở Hồ Khẩu là ai? Chính là Lý Văn Phức, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (Hà Nội). “Điều này hoàn toàn phù hợp với lời của bài Bạt trong “Cảnh phụ châm”, ký hiệu AB.532, nói rằng Phụ châm là tác phẩm của Yên Thái Tôn sư”.

Được biết, Hồ Khẩu và Yên Thái là 2 làng liền nhau thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận của Hà Nội cũ. Làng Hồ Khẩu, nơi hiện còn đền thờ Lý Văn Phức, vẫn được gọi là phố Yên Thái. Theo ông Lâu, Lý Văn Phức (1785-1849) đã viết “Nhị thập tứ hiếu”, “Phụ châm” và một số tác phẩm chữ Hán là lúc đang dạy học ở đây.

Sự việc đã rõ ràng. Ai quan tâm có thể tìm đọc kỹ hơn, số tạp chí Hán Nôm 1984, từ trang 112 đến 120. Với các chứng cứ trên, ai không “tâm phục khẩu phục” thì xin mời tranh luận lại.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Báo Người Lao Động ngày 8.5.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com