BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Nói bóng nói gió

LÊ MINH QUỐC: Nói bóng nói gió

NOI-BOG-NOI-GIO-1-R

 


Dịp giáng sinh năm kia, tôi được mời ăn “rề vay dông”. Chưa kịp thưởng thức miếng bánh bông lan, chị chủ nhà đã bảo: “Chà, lúc nẩy nướng bánh, ngọn lửa hỗn quá, nó táp cháy sém. Thông cảm nhá”. Ơ hay, “hỗn” là từ mà người lớn tuổi thường nạt kẻ nhỏ tuổi hơn, nếu nó có cử chỉ, hành động vô lễ, xấc láo, xấc xược kia mà? Thế đấy, đôi khi từ “hỗn” được cũng được áp dụng trong nhiều tình huống khác. Vi như có hai ca sĩ cùng xuất hiện trong một chương trình, dù biết cô X đã thủ “bài tủ” nhưng do xuất hiện trước nên cô Y, dù nhỏ tuổi hơn lại “chơi gác cơ” bằng cách hát luôn ca khúc đó. Chơi như thế gọi “chơi hỗn”; nếu cô Y “bằng vai phải lứa” với cô X bị gọi “chơi ngang”.

Trên đời, tưởng không có gì dễ dàng nhất bằng… chơi, nhưng đừng quên “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Dám chơi mà không dám chịu ắt bị gọi “dân chơi cầu Ba Cẳng”. Lại có câu: “Dân thường  chơi đẹp đè bẹp dân chơi” là vậy. Đã chơi, mỗi người có một thú. Chẳng hạn, “chơi hoa”. Truyện Kiều có câu: “Lạ cho cái thói người ta/ Vớt hương dưới đất, chơi hoa cuối mùa”. Là chưng, bày biện các loại như mai, lan, hồng, cúc.. mà ngắm? Không “hoa” còn nhằm chỉ về người! Biết chơi phải là “Chơi trăng từ thuở trăng tròn/ Chơi hoa từ thuở hoa còn trên cây”. Chứ “hoa cuối mùa” còn thơm tho gì, xuân sắc gì nữa mà “chơi”? Bây giờ, ít ai nói vậy mà sử dụng từ “chơi đồ cổ”; hoặc láu cá hơn, gọi nhẹ nhàng gọi là “học trò cụ Sển”, vì học giả Vương Hồng Sển uyên bác, người sưu tập đồ cổ ngoạn vào bậc nhất thiên hạ!

Anh chàng nọ về làm rể nhà kia, dù cưới cô chị nhưng thấy cô em cũng “ngọt nước” bèn giở trò “hoa thơm đánh cả cụm”! Đã hoa thì phải có nhụy: “Hoa thơm nhụy mất đi rồi/ Dù rằng trang điểm cũng người vô duyên”. Nói gì thì nói, chịu ức nhất vẫn là hoa mồng gà, vì nó đồng âm dị nghĩa với cái bệnh xã hội nên nghe phản cảm lắm. Dù rằng, nó dân dã, bình dị và đáng yêu lắm nhưng ít ai “chơi hoa” mồng gà! Đúng là “oan ông Địa”.

Thường nghe câu “chọn bạn mà chơi”. Đừng ngốc dại: “Chơi chó: chó liếm mặt, chơi gà: gà mổ mắt” - ngụ ý chớ “chén tạc, chén thù”, “chén chú, chén anh” thân thiện, suồng sả quá mức với kẻ “dưới cơ” mà tư cách chẳng ra gì, không khéo có ngày chúng sinh nhờn, làm mất danh dự của mình. “Chơi dao có ngày đứt tay”, không phải căn dặn cẩn thận khi sử dụng dao, chính là cảnh báo nếu ngao du với phần tử nguy hiểm có ngày vạ lay đấy! Có đôi bạn thân thiết hỏi nhau: “Thế nào bồ tèo, công việc thuận buồm xuôi gió chứ?”. “Ối dào! Chơi diều dứt dây”. Ơ hay, đang bia bọt chứ nào có phải đang thả diều đâu? Ý nói mọi việc đang tiến hành thì bị hỏng đột ngột.

Không rõ hiện nay, có ai còn thấy cái trống bỏi nữa không? Cái trống này làm đơn giản, chỉ là hai mặt giấy mỏng dán vào tang trống bằng tre, có tay cầm, hai bên mặt trống có đính hai sợi dây, gắn đầu sợi dây cục sáp cho nặng. Đứa trẻ cầm cái cán lắc qua lắc lại, sợi dây đập vào mặt trống tạo ra âm thanh. Nếu lắc mạnh tay, mặt giấy rách toạc. Đồ chơi này dành cho con nít, ấy thế, vẫn có “già chơi trống bỏi”. Buồn cười làm sao, là châm biếm sự lố bịch của “già không nên nết”!

Đôi khi người ta còn nói “già đầu” nhằm làm nổi bật cái vế sau trong sự so sánh. Chẳng hạn, “già đầu mà dại, nhỏ dái mà khôn”. Câu cửa miệng này thuộc loại “tiểu đối”, vế trước và vế sau đối nhau chan chát, khít khịt khìn khin, không chê vào đâu được. Nhưng lẩn thẩn hỏi rằng, sao không sử dụng từ “già tuổi” có phải dễ hiểu hơn không? Hỏi thế là… xoàng. Sở dĩ, vừa nghe “già đầu” lập tức đã thấy buồn cười, biếm nhẽ bởi “cái ấy” cũng được gọi “trang nhã”, “sang trọng” là… “đầu”. Bây giờ thường nghe nhiều người tếu táo rằng, người thành đạt “có chỗ đứng” thì phải “cứng chỗ đó”. Chỗ đó là chỗ nào? Xin tự hiểu mà tủm tỉm cười cho khoái cái sự đời.

Tuy nhiên, “già” không chỉ về tuổi tác, thời gian, bằng chứng có câu “già néo đứt dây”, chỉ trạng thái quá mức trong việc làm nào đó đều dẫn đến cái sự hỏng bét; “già đòn non nhẽ” là không dùng lý lẽ thuyết phục mà bắt tội bằng cách tẩn nhiều đòn roi. “Già” còn chỉ cấp độ nhiều như “đoán già, đoán non” v.v…! Tuy nhiên, câu“già kén kẹn hom” vẫn khiến nhiều người bí rị nếu muốn hiểu rõ ngọn ngành của nó, chỉ hiểu loáng thoáng rằng, ý muốn nói “kén chọn” là chọn cho lắm vào, rồi cũng đến lúc thành “lính phòng không”! Có thể giải thích tóm tắt “kén”, “hom” liên quan đến nghề trồng dâu, từ đó, người ta liên tưởng qua chuyện tình duyên. Rắc rối nhất ở đây chính là từ “kẹn”, thôi thì, xin “múa rìu qua mắt thợ”, “đánh trống qua của nhà sấm”: Nhiều nhà ngôn ngữ học đã nghĩ đến sự tương ứng trong các từ kẹn/ nghẹn; kẹt/ nghẹt v.v… để có thể hiểu “kẹn” chỉ sự vướng víu, rối rắm, không xoay xở được.

Mà thôi, xin trở lại với cái bánh phong lan mà ngọn lửa hỗn quá khiến nó mất ngon. Chị bạn tôi đưa dao con và bảo: “Đố Q phải chọn từ nào cho phù hợp trong cách xử lý phần bánh bị cháy sém? Này nhá: cắt, chặt, lạng, tước, thái, chẻ, pha, đẵn, đẽo, tiện, rọc, xắn, xén, xẻo, róc, tỉa, khứa, cứa, lẻo, gọt, vót, hớt, xắt…?”.


Này bạn, giúp tớ đi, chọn từ nào đây ta?

L.M.Q
(nguồn: TTC 15.12.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com