Trong tâm thức của người Việt, ngày Tết là trọng đại nhất. Có câu: “Giàu, khó ba mươi Tết mới hay” là vậy. Người ta gọi Tết Nguyên đán, Tết Cả, Tết Nhất thì ta có thể hiểu, đây là Tết quan trọng nhất, đứng đầu trong mọi cái Tết như Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu v.v… Sở dĩ quan trọng vì nó khởi đầu cho sự vận hành của một năm.
Một năm trôi qua nhiều thăng trầm, khi thành công, lúc thất bại trong công ăn việc làm bất kỳ ai cũng mong bước qua năm mới mình sẽ hanh thông hơn; hoặc cũng giữ được “phong độ” như năm ngoái. Và trong tình cảm thiêng liêng, ruột rà với quê cha đất tổ, tình làng nghĩa xóm đây còn là dịp sum vầy, gặp gỡ của các thành viên trong gia đình, dòng tộc. Không chỉ là mối giao hòa giữa người trần thế, còn là dịp tưởng nhớ Ông bà Tổ tiên và mời người quá cố, các bậc tiền hiền cùng quay về với cháu con. Điều này được thể hiện thành kính qua mâm cơm ngày Tết cúng ông bà.
Sở dĩ ca khúc Ngày Tết quê tôi của nhạc sĩ Từ Huy được nhiều người yêu thích, cũng do tác giả nhấn mạnh đến yêu tố sum họp anh em, bạn bè, bà con ruột thịt trong dịp này: “Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi / Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi/ Đàn em thơ khoe áo mới / Chạy tung tăng vui pháo hoa/ Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi / Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam / Dù đi đâu ai cũng nhớ / Về chung vui bên gia đình...”. Riêng Sài Gòn là vùng đất mới, từ những thế kỷ trước là nơi tập trung của các lưu dân từ Đàng Ngoài.
Vậy ngày Tết của người Sài Gòn có gì khác các vùng miền khác hay không?
Trước hết, xin mời các bạn đọc lại bài báo viết về Tết Sài Gòn đã in trên tờ Gia Định báo - đây là tờ báo đầu tiên của Việt nam, số đầu tiên phát hành vào ngày 15.4.1865. Trên số báo ra ngày 21.2.1870 có cho biết, thuở ấy người Sài Gòn đã có trò chơi đánh đu: “Tét An Nam năm nay, tại Thủ Đức, có bày cuộc chơi rất vui và người ta đua nhau tới chơi đông vui lắm, là có trồng một cây đu bầu, một câu đu tiên: gọi đu tiên vì kẻ đánh phải phải ăn bận tử tế, đánh cho có cung cách thì coi mới được. Vậy cô hát bộ mặc áo mãng (loại thêu rồng của hát bội) lên ngồi, và xích ra và hát cùng bắt bài hát Phiên (một điệu của hát bộ) nghe rập ràng êm tai lắm, tối lại thì có nam thanh nữ tú, ăn mặc trọng thể cùng lên cây đu tiên mà đánh, mỗi người cách nhau có thấy một cái lồng đèn. Người Ngô (người Hoa) cũng cầu vui, đem pháo đến đó mà đốt không biết bao nhiêu”.
Qua bài báo đã cách đây hơn một trăm năm, ta thấy văn hóa sông Hồng đã theo chân lưu dân vào Sài Gòn, nói chung là miền Nam. Trò chơi đánh đu này rất phổ biến từ hàng ngàn năm trước ở Bắc bộ, bằng chứng trong Hồng Đức quốc âm thi tập đã có thơ vịnh chơi đu rồi. Thơ rằng:
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về để lỗ không.
Về mặt phong tục học, chi tiết này rất quan trọng, nó đã chứng minh văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất từ Nam chí Bắc. Từ đó, ta có thể lập luận rằng, người Sài Gòn ăn Tết cũng không khác các vùng miền khác. Vào đêm giao thừa phải có lễ trừ tịch còn gọi cúng “Giao thừa” - tức là “cũ giao lại, mới tiếp lấy”. Theo nhà văn hóa Phan Kế Bính: “Tục ta tin rằng mỗi năm có một quan Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới”. Ở Sài Gòn, đến nay vẫn còn duy trì tục lệ này. Bên cạnh đó, việc đưa rước ông bà cũng vậy. Câu ca dao quen thuộc:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh
Thì đâu riêng vùng miền nào, cụ Vương Hồng Sển - nhà nghiên cứu sâu rộng về Sài Gòn cho biết: “Gẫm lại xưa các nhà làm ăn vừa phát, vẫn nhà ở cột tre, cột cây tạp nên ba bữa Xuân phải nhờ câu đối liễn đỏ cho cột gỗ cho bớt xấu xí: “Thiên tăng tuế nguyệt, nhơn tăng thọ/ Đúc mãn càn khôn, phước mãn môn”. Thông tin này cho phép ta khẳng định người Sài Gòn ăn Tết cũng có câu đối đỏ như ai.
Tuy nhiên, nhìn qua nhiều lãnh vực khác, ta thấy cách thể hiện ăn Tết của người Sài Gòn, nói rộng ra là người miền Nam cũng có đôi chút “cải biên”. Dễ dàng nhận ra nhất là mâm ngũ quả. Với họ chỉ cần “cầu sung dừa đủ xài” mà còn thòng thêm “líp ba ga”, tức là xài vô tư, thỏa mái. Chi tiết này, cho thấy tính tính cách phóng khoáng, rộn rãi của người Sài Gòn. Sài Gòn đất mới dễ làm ăn nên chính nơi đây đã hình thành và nuôi dưỡng thói quen làm báo Xuân, báo Tết còn tồn tại đến nay.
Và “đặc sản” của loại báo này, mà ngoài Bắc không có chính là “sớ Táo quân” kể chuyện nổi bật trong năm qua bằng giọng vè hí dỏm, dí dỏm đọc là… cười. Cũng còn có thể kể thể kể thêm lễ vật cúng tiễn ông táo, ngoài thèo lèo, mứt, quýt, bánh in thì họ tiễn Táo quân lên thiên đình bằng ngựa hoặc cò. Vì thế, những ngày đó hay nghe tiếng rao lanh lãnh: “Cò bay, ngựa bay đây” của trẻ em rao bán khắp phố; trong khi đó Táo quân ngoài Bắc cỡi cá chép.
Nói đến Tết thì không thể thiếu lì xì - phiên âm “lợi thị” - từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt, còn gọi tiền mừng tuổi. Người Sài Gòn cũng vậy thôi. Không chỉ “ngày xưa” mà hiện nay cũng vậy, ngày Tết, dù có đi lễ chùa, đình miếu nơi nào thì lăng Ông bá Chiểu là nơi mà người Sài Gòn không thể không tới thắp nén nhang, cầu xin điều may mắn trong năm. Họ tin ở sự uy linh, phù hộ của Đức Lê Văn Duyệt - vị Tổng trấn lừng lẫy một thời. Do đó từ những ngày cuối năm đến rằm tháng riêng, nơi này luôn nghi ngút khói nhang.
Có điều lạ, với các vùng miền khác, ngày Tết là dịp gia đình xum vầy ăn những món quê thuộc “truyền thống” như thịt heo kho măng lưỡi lợn, chả giò nướng, cá hom củ riềng, bánh chưng v.v... thì người Sài Gòn lại thích kéo nhau ra quán. Do vùng đất hội tụ nhiều chủng người và dân các miền khác nên thức ăn ở Sài Gòn cực kỳ phong phú, họ tha hồ lựa chọn không phải mất nhiều thời gian nấu nướng. Thời gian đó, họ dành cho ba ngày như vào các rạp chiếu phim, xem hát bội, đi thăm nhau, tất nhiên không thể thiếu những trò chơi cờ bạc bầu, tôm, cua, cá v.v… Có thể kể đến những nơi đỏ đen có tiếng ngày xưa như Kim Chung (Cầu Ông Lãnh), Đại thế giới (trong Chợ Lớn)… Người Sài Gòn cũng chưng hoa nhưng nhiều nhất vẫn hoa vạn thọ; rồi mai vang, huệ trắng, cúc vàng… Xưa Sa Đéc là nơi cung cấp hoa kiểng cho Sài Gòn ngày Tết. Giữa chợ hoa, không thể thiếu một loại trái cây đặc trưng mà bàn thờ nhà nào cũng có, đó là dưa hấu. Thiếu gì thì thiếu, chứ không thể thiếu dưa hấu. Qua ngày Tết xẻ dưa ra vẫn còn đỏ tươi, họ tin năm đó làm ăn hanh thông, phát đạt.
Nếu các vùng miền khác, ngày Tết các hàng quán nghỉ dài ngày, chờ ngày tốt mới khai trương, còn ở Sài Gòn thì không. Ngày nào cũng như ngày nào. Hàng quán vẫn mở “líp ba ga”, vì thế nhiều người cho rằng, “ăn Tết gì mà chẳng khác gì ngày thường”. Đúng vậy, vùng đất năng động về giao thương, buôn bán, thương mại nên họ không chịu nghỉ ngơi dù là… Tết!
Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại, công nghiệp hóa ngày càng vội vã, tôi nghĩ chính người Sài Gòn đã “tiên phong” thay đổi cách ăn Tết theo lệ cổ truyền. Thông thường những này Tết nhất, thay vì phải ở nhà đón khách, tiếp đãi trà nước, bia bia bọt thì nay có thể họ khóa cửa, tắt điện thoại nghỉ ngơi. Lại có gia đình đi du lịch, vợ chồng con cái đi chơi xa nơi nào đó nhằm thư giản nghĩ ngơi trong mấy ngày Tết. Hoặc nếu không đi đâu xa, chỗ du xuân hấp dẫn nhất với người Sài Gòn trong vòng mười năm nay chính là Đường hoa Nguyễn Huệ, mỗi năm thực hiện theo các chủ đề khác nhau, tha hồ chụp hình và đi ngắm hoa v.v…
L.M.Q
(nguồn: báo SGGP thứ bảy - XUÂN 2015)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|