LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.8.2014

 

Loay hoay. Ùn tắc. Nhùng nhằng. Sường sượng. Dật dờ. Ấm ớ.  Quệch quạc. Huếnh hoáng. Trì trệ. Đại khái thế. Ấy là cảm giác chung khi nhìn về chuyện sách giáo khoa (SGK), dụng cụ học tập tập trong nhà trường.

Chẳng rõ các chuyên gia giáo dục tài ba của nước nhà lúc du lịch, tham quan, học tập, nghiên cứu, điều nghiên ở xứ người có học được gì không? Chuyện biên soạn sách giáo khoa đã xưa như trái đất mà vẫn còn làm “nóng” nghị trường. Nhật ký 17.10.2013, có đoạn: “Sao lại không làm như trước năm 1975 tại miền Nam: Bộ GD & ĐT công khai chi tiết đề cương tiết học, phần học, môn học... của các chương trình từ lớp 1 đến lớp 12. Căn cứ vào đó, các nhà giáo dục sẽ biên soạn sách giáo khoa rồi in ấn, phát hành. Bộ sách nào tốt, bám sát đề cương của Bộ ắt các nhà trường và học sinh sẽ chọn. Cách làm này, nhằm phá thế độc quyền biên soạn sách và ấn hành sách giáo khoa lâu nay chỉ thuộc đặc quyền, đặc lợi của một nhóm người, một nhà xuất bản. Khi có chính sách tạo điều kiện cho các nhà mô phạm cùng tham gia, chắc chắn sách giáo khoa sẽ phong phú, đa dạng hơn nhiều”.

Xu hướng tích cực này có thể trở thành hiện thực?

Tháng 6 vừa qua, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ nghiêng về phương án Bộ sẽ không biên soạn SGK khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Thế nhưng, ngày 20.8.2014 tại phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực thì sao? Theo đó, người ta đề ra 2 phương án: “Phương án 1 là Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Phương án 2, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đề án cũng nêu rõ quan điểm nghiêng về phương án 1 vì có ưu điểm, Bộ GD-ĐT chủ động có SGK trong quá trình chỉ đạo triển khai áp dụng chương trình mới” (báo TN ngày 22.8.2014).

Rõ ràng, chẳng có gì thay đổi.

Thời y đi học, những năm tiểu học, SGK là nhà trường cho mượn, thầy dặn giữ gìn cẩn thận, không viết bậy, không làm rách vì qua năm sau thế hệ đàn em sẽ học bộ sách đó. Ý thức tiết kiệm, giữ gìn sách đã gieo vào trí óc đứa trẻ ngay từ lúc hỉ mũi chưa sạch. Nay khác hẳn. Bộ sách SGK đang học, qua năm sau có thể chẳng cần thiết nữa bởi lại “cải cách”, lại “đổi mới”, biên soạn lại bởi thiên hạ kêu gào về chất lượng của nó. Không gì vô lý hơn, lãng phí hơn cứ mỗi năm lại bỏ tiền mua bộ SGK mới. Nghĩ cho cùng, chỉ làm lợi cho sự độc quyền của một nhóm người. Chẳng lẽ, cả đất nước hơn 4.000 năm văn hiến mà nhân tài, trí lực, tri thức chỉ thuộc một nhóm người thôi sao? Sao không có chính sách huy động, khuyến khích, kêu gọi các nhà mô phạm nặng lòng với nền giáo dục nước nhà cùng tham gia biên soạn SGK như phương thức của miền Nam đã làm trước 1975?

Có những câu hỏi chỉ là tiếng gió vô nghĩa lý ngoài đồng nội rồi tắt tiếng. Chẳng có câu trả lời vọng lại.

Đã thế, đùng một cái, người ta hô hào, áp dụng SGK điện tử. Sự kiện này được ghi nhận vào sáng 26.6.2014 tại Hà Nội, lần đầu tiên NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT đã ra mắt sách giáo khoa điện tử (classbook). Có là cú tát vào mặt lớp người cùng đinh trong xã hội? Con em nhà nghèo, con em nông thôn, con em vùng sâu vùng xa choáng váng. Thiệt thòi ghê gớm! Nhà không đủ ăn, ngay cả SGK giấy đã là một gánh nặng, nay phải sắm SGK điện tử là một áp lực oằn lưng! Nói  như thế không phải đùa. Hiện nay vẫn có những nơi cả xã, làng không hề có một thư viện, có những vùng “trắng” sách, có những nơi muốn đến trường phải đu dây qua sông, qua suối! Họ còn nghèo lắm. Sự bất công trong bất kỳ chế độ nào cũng là tội ác. Liệu có là bất công khi hai em học trò cùng vùng quê, ngồi chung một bàn nhưng em này sử dụng SGK giấy; em kia lại SGK điện tử? Sự khác biệt ấy có phải là nỗi đau của một nền giáo dục vì con người hay không?

Chưa hết, mới đây tại TP.HCM đã tổ chức hội thảo đề án thí điểm chương trình SGK điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học. Nghe lạ tai quá. Vâng, xin nhắc lại: “SGK điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học”. Lý do đưa ra là SGK điện tử sẽ xóa bỏ những hạn chế của SGK truyền thống như cồng kềnh, cập nhật chậm, thể hiện đơn điệu, khó tra cứu, không tương tác... nhưng vẫn quản lý được học sinh khi tiếp cận với thế giới mạng. Nghe có xuôi tai không? Một đứa trẻ tiểu học có cần phải cấp thiết làm quen với sách điện tử? Riêng y vẫn quan niệm rằng cùng đứa trẻ đi chợ, xuống phố, ngao du sơn thủy, giúp nó tự trải nghiệm, quan sát hình ảnh thật, thiết lập mối quan hệ giữa người và người trong cuộc sống vẫn cần thiết hơn cả. Lứa tuổi ấy chưa cần phải tối tăm mặt mày chúi đầu chúi mũi vào sách. Lứa tuổi ấy cần "học mà chơi, chơi mà học". Hơn nữa làm quen sớm với các thiết bị điện tử có lợi cho mắt trẻ em không? Nếu có ai làm cuộc khảo sát, nghiên cứu tại sao học trò ngày càng nhiều em bị cận thị ắt có câu trả lời.

Chưa hết, Sở GD-ĐT TP.HCM lại đưa ra đề án “Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng”! Các phụ huynh có đồng tình không? Báo TN (ngày 22.8.2014) nêu ý kiến của chị Nguyễn Thị Minh Châu ở Q.7, TP.HCM: “Con tôi nay 6 tuổi. Ở nhà cháu rất thích xài máy tính bảng. Tôi nhiều lúc ngăn cản, thậm chí dùng đòn roi để răn đe. Nhưng sau đó, cháu vẫn trở lại như cũ. Mục đích cháu dùng máy tính bảng chủ yếu là chơi game và xem những bài hát tự tạo của giới trẻ. Nhiều phụ huynh chưa có cách nào để ngăn con mình tiếp xúc nhiều với máy tính bảng thì ngành giáo dục lại khuyến khích, thật không hiểu nổi”.

Nào có phải riêng chuyện này, đi trong dòng đời mỗi ngày, có những lúc lại tặc lưỡi: “Thật không hiểu nổi”. Không hiểu nổi nhưng rồi sự việc cứ diễn ra, cứ như thế. Rồi từ bất thường trở nên bình thường; từ xúc cảm hóa ra vô cảm. Ngày từ ngày, chẳng mấy chốc nghiến hết một đời người. Mới ngày nào còn níu áo mẹ đi đến trường Nam Tiểu học, nay đã già khú! Mà vẫn còn nhớ đến nhiều bài tập học thuở ấy. Nay lại sắp Trung thu. Bèn chép lại bài Trăng thu hồi học lớp 4. Hợp cảnh hợp tình hết sức:

Trăng thu chiếu rọi hiên nhà

Chúng em tíu tít đòi ba đốt đèn

Trống lân vừa mới vang lên

Em Hiền, em Thảo, em Liên cuống cuồng

Chúng em vội chạy ra đường

Nhập bọn cùng với con Hường, con Xuân

Lời ca hòa lẫn trống lân

Âm thanh nhộn nhịp, lan dần khắp nơi

Đêm khuya sương bắt đầu rơi

Nến hết, trăng tỏ, cuộc vui cũng tàn

Xóm nghèo trở lại mơ màng

Chìm trong sương lạnh, ngập tràn ánh trăng

Với bài tập đọc này, ắt có người đang thèm bánh trung thu nhưng vẫn chưa chịu nói ra. Lạ nhỉ?

Ngày hôm nay làm gì? Trưa vào cơ quan ăn cúng cô hồn của ban PNO. Chiều thứ 7 có hẹn làm việc. Chiều chủ nhật dẫn chuyện cho Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC chương trình Phong cách ẩm thực Nam bộ. Vừa đọc tìn nhắn, nhà văn Anh Đức mới qua đời.

Loay hoay sắp hết một tuần.

 

DSCN0622RR

Sách giáo khoa tại miền Nam trước năm 1975. Tư liệu LMQ

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment