LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.8.2014


Tối qua, Tẹo - em út, đi công tác châu Âu qua ba nước Pháp, Ý, Thụy Sĩ. Năm nó sinh ra đời, 1968, gia đình "sét đánh ngang tai" là ba y bị bắt đày Côn Đảo. Sau này, tập sách Sáu Hưng - năm tháng cuộc đời (NXB Văn Nghệ - 2009) của nhóm tác giả Hồ Duy Lệ, Bùi Xuân, Lưu Anh Rô, có nhiều trang viết về gia đình y và lúc ba y bị bắt. Hôm kỷ niệm 30 năm NXB Đà Nẵng, ngồi chung bàn với nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ. Chính anh đã lấy tư liệu từ nhiều nguồn nhằm tái hiện Tết Mậu Thân - trận địa trong Đà Nẵng. Anh kể: “Ngày anh đến nhà Q, lúc ấy đã thay đổi nhiều, hầu như không còn dấu tích gì của năm tháng Mậu Thân nữa”. Đúng thế, sau khi ba y bị đày ra Côn Đảo, mẹ y đã cho đập tan hoang ngôi nhà cũ, xây dựng lên ngôi nhà ba tầng mà hiện nay Tẹo và anh ruột y đang ở. Mẹ y bảo, phải làm như thế để thiên hạ thấy dù gì đi nữa, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Anh Hồ Duy Lệ lại bảo: “Nếu Q viết lại hoàn cảnh gia đình Q thì hay quá bởi có nhiều tư liệu mà bọn anh không thể biết hết được”. Y chỉ cười. Nhắc lại ngày tháng ấy, có cần thiết nữa không? Hãy để nó lùi vào quá khứ. Mà quá khứ ấy chẳng là gì so với sau này. Bi kịch còn khốn nạn hơn nhiều. Trang Nhật ký đã nhắc đến lai rai rồi. Không nhắc lại nữa.

Đâu riêng gì y lựa chọn thái độ đó. Ngày kia anh X bảo, các em mình không muốn mình nhắc đến ông bố trên các phương tiện truyền thông nữa. Bố của anh thời chia cắt đất nước, ở ngoài Bắc, xét từ một góc độ nào đó là một cán bộ cao cấp có vai vế, có “máu mặt” đứng đầu đơn vị nọ đến vài thập niên. Hào quang ấy, liệu thời buổi này có cần thiết nữa không? Có lẽ có? Có lẽ không? Tuy nhiên, con cái không hào hứng mấy khi nhắc lại vai trò của ông nữa. Tại sao? Không tò mò hỏi anh X vì sao.

Lúc đi học, thầy Hoàng Như Mai có kể câu chuyện tưởng như đùa. Rằng, thời thanh niên thầy là độc giả thường xuyên của Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tiểu thuyết thứ bảy v.v… Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, có lần thầy tình cờ gặp con trai vị chủ bút ngày trước. Đọc báo và kính phục người làm báo là lẽ thường tình. Thầy vội vàng đến làm quen: “Nhờ đọc tờ báo do bố anh chủ trương, tôi mới nên người như ngày nay. Nếu được, anh cho phép tôi về nhà thắp ông cụ nén nhang tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn”. Thầy nói chân tình, thật lòng chứ không phải khách sáo nhờ vả gì. Nghe vậy, người đó giả lả lái qua chuyện khác. Rồi vài lần sau lại gặp nên đôi bên có mối thân tình. Tuy nhiên, chỉ dừng ở mức xã giao. Ngày kia, thầy nhắc lại nguyện vọng. Nào ngờ, thầy không tin đã nghe rành rọt: “Từ nay, tôi yêu cầu anh không nhắc đến tên bố tôi chỗ đông người nữa. Anh muốn giết tôi đấy à?”. Lúc ấy, ông bố đang trong tầm ngắm phán xét quan điểm này nọ nên cậu con trai mới thốt ra câu ghê người ấy.

Chừng mươi năm trước, nhờ suốt ngày ở thư viện của Trường Đại học Tổng hợp ngấu nghiến sách báo, y phát hiện ra được lai lịch của tờ báo nhi đồng trước năm 1945. Những tư liệu này thú vị quá, y liền công bố sự nghiệp, vai trò tiên phong của ông chủ bút ấy trên tạp chí KTNN. Nào ngờ, ít lâu sau có thông tin các con ông chủ bút xin không nhắc thêm nữa (!?). Tìm hiểu mãi, mới rõ là trong giai đoạn phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, đảo chính Pháp, ông bố mất tích. Cái chết ấy, chưa biết rõ nguyên cớ vì sao? Có nguồn tin, lúc ấy, ông theo Nhật và bị Việt Minh giết. Hư thực ra sao chưa ai kết luận. Tuy nhiên, gia đình không muốn nhắc lại vai trò của ông đã đóng góp cho nền báo chí nước nhà, bởi biết đâu từ chuyện này có kẻ moi lại chuyện cũ thì sao? Họ sợ. Biết đâu chỉ một vài bài báo ca ngợi ông bố mà công ăn việc làm đang thuận lợi lại xáo trộn? Nếu vậy, khổ thân quá. Chi bằng lường trước vẫn hơn.

Trong đời làm báo, y quen biết nhiều người là con cái của các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Có lần chị X bảo, nếu năm 1945, ông bố mình chết quách đi thì hay quá (!?). Do ông bố đi kháng chiến nhưng sau đó “dinh tê” về Hà Nội, rồi vào Nam từ năm 1954. Thế là toàn bộ sự nghiệp của ông thời tiền chiến bị lờ đi, chẳng mấy ai nhắc đến nữa. Ấy là chưa kể, năm tháng ông bố di cư vào Nam thì ở ngoài Bắc, gia đình chị khốn đốn biết dường nào.

Cuộc đời tréo ngoe thật.

Mấy hôm nay, công việc cũng thế. Vẫn viết lai rai. Vẫn lướt web đọc tin tức. Ngày hôm qua, đọc trên trang web Xây dựng Đảng bài viết: “Vì nền độc lập tự do của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc” của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong bài đó có đoạn: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Nhưng, chúng ta vẫn luôn đau đáu vì nền kinh tế nước ta còn tụt hậu, cuộc sống của đồng bào ta ở nhiều vùng, nhiều đối tượng còn rất khó khăn; vẫn còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân. Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ “đạo đức bốn mặt” (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ “tay đã nhúng chàm” bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử. Đây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” (http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2014/7686/Vi-nen-doc-lap-tu-do-cua-dat-nuoc-vi-su-toan.aspx).

Nói thật, lần đầu tiên nghe nhắc đến thành ngữ mới "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...”. Rõ ràng, để làm nên sự thăng tiến, thành đạt thời buổi này đã khác trước. Khác hẳn cái thời: “Nhất nhà mặt phố, nhì bố làm quan” v.v… Cũng lần đầu nghe nhắc đến cụm từ “đạo đức bốn mặt”. Nghĩa là thế nào? Nghe y hỏi, có người giải thích đó là loại cán bộ: “Trước mặt: khen ngợi nức nở, ca ngợi chín tầng mây xanh nhưng sau lưng lại chê bai, nói xầu hết lời. Tục ngữ có câu: “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm” cũng là cái ý này. Trước cấp trên thì khúm núm nịnh hót, để mong đuợc sếp cho cơ hội thăng tiến; truớc dân thì vô cảm, xa dân, mị dân... Giải thích như thế có đúng không? Khoan vội tranh luận, chỉ cảm nhận rằng, tật xấu của người Việt ngày càng biến thái nhiều sắc màu khác nhau. Tại sao?

Nhật ký 22.8.2014 có đề cập đến đề án “Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng”, sáng nay giật thót với các thông tin liên quan như báo NLĐ đăt vấn đề: “Nghi vấn trục lợi từ máy tính bảng: Sở GD-ĐT TP HCM và AIC nói gì?”. Choáng thật. Lại chuyện tiền xen vào, đúng sai thế nào chưa rõ nhưng một nền giáo dục bị nghi vấn chi phối bởi yếu tố này thì cuối cùng chỉ các bậc phụ huynh lãnh đủ. Đáng chú ý, báo TT có bài “Cẩn trọng khi cho trẻ sử dụng máy tính bảng”, y hoàn toàn đồng ý:

“Chỉ nói tới một chuyện là tập viết chữ. Những năm đầu tiểu học, học sinh cần phải được học nắn nót viết chữ cho đúng và đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà sư phạm từ ngàn xưa và từ Đông sang Tây đều coi việc tập viết chữ cho trẻ em là vô cùng quan trọng - là chìa khóa cho cả một cuộc đời học tập sau này. Rèn chữ không đơn giản chỉ là viết cho đúng, cho đẹp, mà còn là rèn cả nết người (biết kiên nhẫn, tỉ mỉ, có óc thẩm mỹ...). Từ khi có máy tính cá nhân, ngay cả những người trước đây có nét chữ rất đẹp, nay xài máy tính quen rồi nên viết chữ xấu như gà bới. Vì thế, ý định cho trẻ tập viết trên máy tính bảng, hay bảng tương tác, là điều không tưởng.

Vì sao xưa nay người ta khuyến khích học sinh chép bài, ít nhất cũng là chép tóm lược bài học? Bởi khi chép bài như vậy, học sinh tập trung vào bài học hơn và nhớ lâu hơn. Đó còn là một phương pháp để rèn luyện và phát triển trí nhớ cho con người ngay từ thời nhỏ tuổi. Vì thế, việc dùng bộ nhớ máy tính thay cho bộ nhớ con người là lợi bất cập hại. Trẻ em có thể tiếp cận máy tính bảng từ tuổi nào cũng được, nhưng là với chức năng như một món đồ chơi. Còn sử dụng máy tính bảng như một công cụ học tập chính thức thì phải ở một độ tuổi nhất định nào đó, do các nhà chuyên môn nghiên cứu và khuyến cáo. Có vô số hệ lụy mà người lớn có thể lường trước được do trẻ em lạm dụng máy tính các loại. Trước hết là mắt sẽ bị ảnh hưởng nặng với nguy cơ bị các tật bệnh về mắt như khúc xạ, khô mắt... cao hơn.

Rồi những tia bức xạ nguy hiểm cho cơ thể do tiếp cận gần gũi và thường xuyên với thiết bị điện tử. Học sinh trung học, thậm chí ngay cả sinh viên đại học, còn dễ bị trộm cắp hay bị cướp máy tính thì nói chi tới học sinh tiểu học!”.

Tác giả bài này là nhà báo Phạm Hồng Phước - chuyên về mảng công nghệ và quốc tế; liên tiếp tám năm liền (2007 - 2014) nhận giải thưởng Most Valuable Professional (MVP - tạm dịch: Chuyên viên có giá trị nhất) do Tập đoàn Microsoft trao cho những người có đóng góp, chia sẻ tri thức công nghệ - đặc biệt là về các sản phẩm Microsoft - cho cộng đồng. Thấy “người sang bắt quàng làm họ” là thói xấu của y, vì thế, y khoe rằng, chừng mươi năm trước anh Phước đã hướng dẫn y làm quen với vi tính. Lâu rồi không gặp. “Gặp” bạn bè khi họ xuất hiện trên báo cũng là niềm vui. Sáng nay, đã mua quyển Nguyễn Trãi - quốc âm từ điển (NXB Bách Khoa) của Trần Trọng Dương. Có thể nói, đây là công trình nghiên cứu sáng giá nhất của nền học thuật nước nhà trong vài ba năm trở lại đây. Vì cớ gì, y là khen tót vời đến thế? Sẽ trả lời sau.

Chiều nay, dự kỷ niệm 39 năm thành lập báo TT (2.9.1975 - 2.9.2014)

Đi thôi.

 

kyniem-tt

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment