LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.9.2014

 

Ngày mai, 2.9. Quốc khánh nước của Việt Nam thống nhất từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Trước đó, thời vua chúa Việt Nam, lễ Quốc khánh tổ chức ngày nào? Có phải ngày vị vua của triều đại đó đăng quang? Sau ngày 1.9.1858, ngày liên minh quân sự Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, rồi đất nước mất vào tay ngoại xâm, ngày Quốc khánh nước ta “ăn theo” Quốc khánh Pháp. Ngày 14.7 hằng năm. Ngày tháng này của năm 1789, cách mạng tư sản Pháp lãnh đạo quần chúng khố rách áo ôm phá ngục Bastille. Ngày kỷ niệm đó, người Việt gọi “Hội Tây”, “hội thăng bình”, bằng chứng cụ Nguyễn Khuyến có bài thơ Hội Tây, miêu tả:

Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo

Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo!

Bà quan tênh hếch xem bơi trải,

Thằng bé lom khom ghé hát chèo.

Cậy sức, cây đu nhiều chị bám;

Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.

Khen ai khéo vẽ trò vui thế,

Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu.

Lại hỏi thời thuộc Pháp, từ lúc nào người Việt lần đầu tiên có ngày lễ Quốc khánh? Câu hỏi này không dễ dàng trả lời. Thôi thì, trước mắt căn cứ vào Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ. Theo Nguyễn Vỹ, đó là ngày 2.5 âm lịch 1925. Tại sao chọn ngày đó? “Theo lệnh Triều đình và Tòa Khâm sứ Huế, lễ Tết mồng 5 tháng 5 âm lịch năm ấy sẽ bị bãi bỏ và thay thế bằng Lễ Quốc khánh ngày 2 tháng 5 Annam là ngày vua Gia Long đã toàn thắng Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế và sáng lập triều Nguyễn. Đó là lễ Quốc khánh đầu tiên của nước Annam được cử hành rất long trọng tại hai xứ Trung kỳ và Bắc kỳ. Xin nhớ rằng, lễ Quốc khánh toàn cõi Đông Dương dưới quyền đô hộ của Pháp là lễ “Chánh trung” 14.7 dương lịch mà thường dân vẫn gọi lễ “Cách tốt ruy dê” (…) “Tuy là lễ Quốc khánh Annam nhưng không có chưng cờ Annam (nền vàng với một rẻo xanh - trắng - đỏ ở góc phái trái) mà chỉ có mỗi một lá cờ Pháp rộng lớn bay phất phới trên đầu đám rước. Dĩ nhiên hai bên hàng phố của người Annam và người Pháp đều treo cờ Pháp” (…). Bài hát chính thức phổ biến trong lễ Quốc khánh, toàn văn như sau:

“Âu - Á xum vầy

Mừng nay Âu - Á xum vầy

Pháp - Nam liên lạc một dây vững bền

Sực nhớ truyền Sử ký

Trước trăm năm từng bị gian nan

Vua, tôi lao khổ muôn vàn

Nhân dân đồ thán giang san tiêu điều

Đức Thế tổ trăm chiều chống chỏi

Giốc một lòng đánh đuổi cường hung

Xiết bao kể nỗi khốn cùng

Thế nguy tận lực hãi hùng lắm phen

Lòng trời khéo xui duyên gặp gỡ:

Bạn Lang Sa giúp đỡ mọi đàng

Một tay khôi phục Nam bang:

Tam kỳ thống nhất rỡ ràng anh quân

Trên Mẫu quốc trăm phần mến phục

Ngoài lân bang cùng nức tiếng khen

Cơ đồ gây dựng đã nên

Bình thành công đức lưu truyền muôn năm

Thầy Đại Pháp nhất tâm khai hóa

Đạo làm dân tiến bước theo sau

Non nước một bầu

Mừng nay non nước một bầu

Mồng 2 tháng Ngọ cùng nhau nhớ ngày”

Đó là các đoạn trích từ Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ (bản in năm 1968, tr.413, 449). Cần giải thích vài từ như Đức Thế tổ: vua Gia Long; Lang Sa: phiên âm France, chỉ nước Pháp; Mẫu quốc: nước Pháp; tháng Ngọ: tháng 5. Tra lại lịch vạn niên, mồng 2.5 âm lịch 1925 là thứ Hai ngày 22.6.1925. Khi đề cập đến bài hát trên, Nguyễn Vỹ còn ghi chú: “Theo tài liệu của một bạn độc giả, ông Phạm Văn Vinh có nhã ý gửi cho chúng tôi, thì năm 1925, lúc ông học lớp Nhất ở trường Tiểu học Sơn Tây, Bắc kỳ, học trò cũng bị bắt buộc bài học thuộc lòng trên đây để hát trong ngày lễ Quốc khánh mồng 2 tháng 5 Ất Sửu (1925). Bài hát này được gửi đi các trường Trung học Trung kỳ và Bắc kỳ trong dịp lễ Quốc khánh lần đầu tiên ấy”.

Sự việc rõ ràng. Không tranh cãi gì thêm. Tuy nhiên, tra thêm Việt Nam - những sự kiện lịch sử (1919-1945) của Việt Sử học, người biên soạn là nhà sử học Dương Trung Quốc lại không ghi nhận. Có lẽ do thiếu tư liệu chăng? Ông Quốc chỉ ghi nhận, sự kiện xẩy ra trước đó 1 ngày, ngày 21.6.1925: Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên tại Trung Quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Ngày 2.9.1945,Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó, đất nước bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp (1946 - 1954). Chắc chắn năm tháng đó, lễ Quốc khánh trong vùng kháng chiến vẫn là ngày 2.9. Thử hỏi, thời gian đó, vùng tạm chiếm ngày nào được chọn làm Quốc khánh; hay vẫn ngày 2.9? Thời Ngô Đình Diệm, Quốc khánh đầu tiên của miền Nam là ngày 26.10.1956. Tuy nhiên quy định cụ thể ra làm sao? Bèn tìm đọc lại bộ Quy pháp vựng tập của “Việt Nam Cộng hòa - Tổng thống phủ” biên soạn, "Tòa Tổng Thơ ký ấn hành" năm 1959 được biết, ngày 9.1.1956, Ngô Đình Diệm ký Dụ số 3, Điều 1 nêu rõ: "Nay định ngày 26 tháng mười dương lịch, kỷ niệm ngày tuyên bố chính thể Cộng hòa, là ngày Quốc khánh" (tr.62).  Bộ sách nhiều tập này là một loại công báo, in đầy đủ các văn kiện lập pháp, lập quy theo ngày, tháng, năm dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Tư liệu này rất cần thiết cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ về xã hội miền Nam thời đó. Ngày Quốc khánh trên chỉ tồn tại đến ngày 1.11.1963 - ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ; và ngày đó lại trở thành Quốc khánh của nền Đệ nhị Cộng hòa.

 

Quy-phap-vung-tapR

Quy pháp vựng tập - in năm 1959, tư liệu L.M.Q

 

Những ngày này không ra khỏi nhà. Đọc sách và ghi lại vài thông tin đáng lưu ý:

- Ngày hôm qua, 31.8.2014 - hàng nghìn người dân đã tới Trúc Lâm Thiên Trường (TP Nam Định) dự lễ khánh thành tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng được cho là lớn nhất Đông Nam Á. Tượng được đúc bằng đồng cao 14,8 m và nặng 150 tấn. Phần bệ bằng bêtông cốt thép, mặt ngoài là phù điêu vân mây và bát vị kim cương, cao 5,5 m. Kinh phí xây dựng công trình là 80 tỷ đồng, chủ yếu do doanh nghiệp hảo tâm công đức.

- Với số vốn gần 2.000 tỷ đồng, quảng trường trung tâm rộng gần 30 ha cùng công viên bờ sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) sẽ là không gian công cộng lớn nhất nước; với điểm nhấn tòa tháp quan sát 86 tầng, Thủ Thiêm (Q.2) sẽ là khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp hiện đại của TP. HCM trong thế kỷ 21.

Sáng dậy sớm, cà phê. Ra đường, thấy đường phố vắng hơn mọi ngày. Có lẽ do người ta đi chơi xa; hoặc dân ngụ cư tranh thủ mấy ngày nghỉ về thăm quê… Y tranh thủ trong mấy ngày này làm gì? Chẳng biết làm gì. Lướt web chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vừa khánh thành ở Nam Định. Nghĩ lan man về ngày cùng Đoàn Tuấn phóng xe từ Hà Nội về Nam Định, viếng thăm ngôi nhà cũ của Tú Xương. Lúc ấy, nhà đã đổi chủ, hầu như không còn lại dấu tích gì. Đã mươi năm rồi còn gì. Nam Định là quê của Tú Xương, nơi đó, chẳng rõ có còn lưu truyền câu phương ngôn “Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự” nữa không? Hôm nọ, ngồi với Cao Xuân Sơn và Nghĩa, anh Biền cao hứng nhắc lại vế đối của vợ anh: “Nữ Quảng Nam quản nam Nam Định”. Vẫn chưa ai đối lại được. Vế ra hóc quá!

Chiều nay, nghĩ lan man rằng, cái gì của mình ắt của mình, bằng không dù có cố cưỡng, cố cầu thì cũng không thể có. Lời Phật dạy đó chăng? Chỉ một câu nói ấy, đã cứu được bao nhiêu sinh linh lúc tuyệt vọng nhất? Việc gì đến, tự nó đến; việc gì đi, khắc sẽ đi. Những gì còn lại, ắt còn lại; bằng không ắt cũng không. Lẽ đời vốn đơn giản như vậy, nếu thấu hiểu thì đón nhận sự việc dù hân hoan tươi vui, dù bi thảm bắt trắc cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Không gì bận tâm. Hiểu là một lẽ, có thực hiện được không lại một lẽ khác. Lúc sáng nay, trên đường đi uống cà phê lẩm nhẩm hát vài ca từ của Trịnh Công Sơn: “Chúa đã bỏ loài người / Phật đã bỏ loài người / Này em xin cứ phụ người / Này em xin cứ phụ tôi / Đời sống quanh đây có vạn lời mời / Đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào / Đời đã quen với những kiếp xa nhau”. Có thật vậy không? Có thật “Đời đã quen với những kiếp xa nhau”? "Quen" cái gì mà lạ lùng vậy ta? Y đã hỏi, tất nhiên không chờ một câu trả lời. Làm sao có thể “quen” với những biệt ly, chia lìa được chứ? Trong Quốc văn giáo khoa thư có câu: “Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy”!

Thoáng đó, đã một ngày.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment