THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Mượn sân khấu, cười…đời thật

TIỂU NHỊ: Mượn sân khấu, cười…đời thật

muonmsan-khau-noi-doi-that

 

Nghệ thuật cười của người Việt đủ sắc màu, qua đó, ta thấy sự thể hiện phẩm chất “gan cóc tía” còn là ở chỗ dám cười đến cả chốn triều đình. Muốn thế, phải kín kẽ, chứ không thể bô lô ba la, không khéo dẫn đến kết cục bi thảm: “Ba hồi trống giục mồ cha kiếp/ Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời”. Thế thì nghệ thuật cười này, có khác gì so với người nước ngoài?

 

Theo nhà văn Vũ Bằng: “Có nhà tâm lý học kết luận rằng: 1. Người Pháp hiểu ngay cái hay ở chỗ nào nên thành thực cả cười; 2. Người Mỹ tự phụ bất cứ việc gì ở đời mình cũng hiểu, cũng biết cả rồi nên không thèm để ý đến, cứ ngồi yên mặt lạnh như tiền; 3. Người Đức tuy chưa hiểu chỗ đáng cười nhưng cũng cứ cười để mà cười. Người kể chuyện phải giảng giải lần nữa, dù chưa hiểu rõ nhưng cũng gượng cười lần nữa; 4. Còn người Anh thấy hai người kia cười cũng cứ cười để mà cười. Lần sau vì lịch sự mà gượng cười. Còn lần chót, sau khi nghĩ chín, hiểu thấy cái hay mới bật lên cười” (Cười Đông, cười Tây, cười kim, cười cổ - NXB Phong Phú, tr.130-131). Rất tiếc, nhà tâm lý đó, không có điều kiện khảo sát người Việt để so sánh.

Theo tôi, nghệ thuật độc đáo của dân nước Nam ta là cười mà như không cười, trước một sự việc đáng cười nhưng cái mặt cứ tỉnh bơ tỉnh rụi. Trước một sự việc đang gây cười mà cái miệng cứ phớt lờ như không biết, cứ tiếp tục đối thoại, nói năng cứ như không. Cao tay ấn chính là chỗ đó.  Ta thử quan sát một đoạn “tấu hài” của hai anh hề trên sân khấu chèo ắt rõ. Một anh cắc cớ hỏi:

- Tôi đố anh trên dân là ai?

- Là lý trưởng.

- Trên lý trưởng là ai?

- Là chánh tổng.

- Vậy trên chánh tổng là ai?

- Là quan huyện chứ ai. Hỏi gì mà cứ dằng quay vậy?

- Thế anh có biết trên quan huyện là ai nữa?

Anh bị hỏi liền nói một tràng dài:

- Trên quan huyện là cụ tuần, trên cụ tuần là cụ thượng, trên cụ thượng nữa là vua!

- Thế trên vua là ai nữa?

- Là cái mũ vua, chứ còn ai nữa.

- Còn trên cái mũ là ai?

Ngẫm nghĩ một lát, người này đáp:

- Chỉ còn có con rồng.

- Ấy, thế thì con rồng muốn ị thì ị vào đâu?

Anh bị hỏi dồn đâm cáu:

- Nó ị lên đầu vua, chứ còn ị vào đâu nữa!

Thiên hạ nghe sướng con ráy vì cái điều họ muốn nói nhưng không dám há miệng ra nói. Bèn cười rần rần. Cười tỉm tỉm. Thật như đùa, đùa mà thật là kiểu cười đặc trưng cho lối xỏ xiên, châm biếm của người Việt đấy. Họ đã lách bằng cách nào? Theo khảo sát của tôi, cách khôn ngoan phổ biến nhất vẫn còn là mượn sàn diễn của nghệ thuật chèo, tuồng, hát bội để công khai nói oang oang mà không sợ bị chụp mũ, bắt bớ.

Ba hồi trống đổ, tiếng hô ran/ Áo mũ lô nhô kéo một đàn/ Vương tướng mấy vai thừa sự nghiệp/ Triều đình một góc đủ giang san/ Tuy không thi cử, không sưu thuế/ Mà cũng cân đai cũng lọng tàn”. Là nói chuyện sân khấu hay cuộc đời? Cụ Cao Xuân Đằng cứ tiếp tục nửa nạc nửa mỡ: “Làm cái trò chơi thiên hạ ngó/ Hỏi rằng chi đó? - Bội Tràng An”. Bội trong ngữ cảnh này là bè bội/ hát bội/ trò bội là trò diễn trên sân khấu đó thôi. Hoặc cụ Nguyễn Khuyến đặt vào miệng cô vợ mắng chồng là anh phường chèo: “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề". Là nói chuyện sân khấu hay cuộc đời?

Sở dĩ phải lấy sân khấu làm bình phong “đỡ đạn” vì ở đó cũng có vua quan, dân đen, lính lác, trung nịnh, hỉ nộ ái ố… chẳng khác gì đời thật. Ám chỉ đời thật nhưng lại là chuyện trên sân khấu. An toàn quá đi chứ? “Sao bổn tuồng xưa cứ diễn hoài/ Diễn đi diễn lại quá nhàm tai/ Đỏ đen lui tới chừng dăm mặt/ Trung nịnh vào vai cũng mấy vai/ Trống gióng chiêng khua nghe đã rộn/ Đào già kép dở ngó càng gai” (Hương Thủy). Là nói chuyện sân khấu hay cuộc đời?

Cụ Phan Châu Trinh cũng đã từng đá xéo mỉa mai: “Đồng la, trống chiến đánh vang vầy/ Ủa, ủa! Coi ra cũng lũ này/ Ba chú kép già ngồi vếch mỏ/ Mấy thằng hiệu đói đứng khoang tay/ Áo quần lượt thượt tuồng anh khách/ Dùi gậy nghênh ngang khác chú tây”. Với Tú Xương lúc nhìn cảnh ấy, cụ cảm thán: “Nào có ra chi một lũ tuồng/ Cũng hò cũng hét cũng y uông/ Dẫu rằng dối được đàn con trẻ/ Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn”. Cái mặt bôi vôi ấy, diễn tuồng gì thế? Có lần, cụ Huỳnh Thúc Kháng khái quát: “Vàng chôn dưới đất toan khai mỏ/ Chuyện cách ngoài trời đặc nói ngông/ Phô láo tưởng đâu đời dễ gạt/ Hùa vui rành những chuyện không công”. Là nói chuyện sân khấu hay cuộc đời?

Trộm nghĩ, lối cười này là đùa mà thật, cứ như nói giỡn chơi mà kẻ bị châm biếm dù ức ói máu nhưng cũng nín khe, đố dám cãi. Thì đó, ta hãy xem thêm cách trả lời của dân đen với quan tham trên sàn diễn nọ: Có anh hề ôm trong nách con chó, trùm kín lại rồi đi đến trước mặt quan huyện. Quan hống hách:

- Thằng kia, ôm chi mà thu thu giấu giấu vậy?

Anh hề tỏ vẻ sợ hãi:

- Bẩm quan chó, con chó ạ!

Biết bị chưởi xéo nhưng quan đành cắn răng, tìm cách hỏi tiếp để đỡ đòn:

- Chó mua hay bán?

- Dạ, mua ạ?

- Bao nhiêu tiền?

- Dạ hơn quan ạ!

Tên quan huyện tím mặt, lặng thinh, bước đi một mạch! Lại có trò diễn về ông quan khét tiếng đớp hít như hạm, ăn của dân không bỏ sót thứ gì, hắn ta khoe khoan là bất kỳ món ngon vật lạ nào trên đời cũng đã từng bỏ vào mồm, tọng đầy họng, chỉ có gan trời là chưa ăn mà thôi. “Nổ” xong, quan bèn hỏi anh hề đang đứng xớ rớ gần đó: “Mày, còn mày thì sao?”. Anh hề đáp tỉnh bơ: “Dạ, con lại khác ạ. Chỉ có cứt là chưa ăn mà thôi”. Lối chửi xéo mà cứ tự nhiên thành thật đến cỡ này, quả là cao tay ấn.

T.N

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 15.7.2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com