THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: NÓI DZẬY MÀ HỔNG PHẢI DZẬY

TIỂU NHỊ: NÓI DZẬY MÀ HỔNG PHẢI DZẬY

 

 

NOI-DAY-MAHOG-PHAI-DAY

 

Một trong nghệ thuật tạo ra tiếng cười, đối với người Việt còn là cách nói trớ, phản ánh “sai lệch” những gì đang diễn ra, có thể hiểu nôm na là “nói dzậy mà hổng phải dzậy”. Cứ tưởng thật là nhầm chết! Do không ai tưởng thật nên mới bật ra tiếng cười lúc sảng khoái, khi tủm tỉm, lại có lúc tức giận ứa gan nhưng rồi cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Trong chuyện ngụ ngôn Việt Nam có mẩu đối thoại, “Chuột chù chê khỉ rằng hôi”. Trước lời chê bai, rẻ rúng này theo lẽ tất nhiên khỉ sẽ đỏ mặt tía tai cãi lại cho được. Ừ, thì cãi. Nhưng cãi thế nào? “Khỉ lại trả lời: “Cả họ mày thơm!”. Thoạt nghe qua, ta thấy, khỉ chấp nhận, thừa nhận lời chê đó, đã thế lại còn khẳng định: “Cả họ mày thơm”. Thơm xuất hiện trong ngữ cảnh này là một cách nói trớ, không thể bắt bẽ, chỉ có thể ngầm hiểu ngược lại. Làm sao có thể bắt bẻ kia chứ? Dù tức ói máu nhưng cũng phải im thin thít như thịt nấu đông.

Tình huống này, một khi áp dụng ắt ta bật ra tiếng cười không thành tiếng, “cười mở cờ trong bụng” một cách đắc chí.

Lại nữa, một cô đi đánh ghen, bèn sa sả mắng tình địch: “Đồ xấu hoắc”. Cô kia gật đầu: “Vâng, chị thì đẹp”. Từ “thì” thật đắc địa, không thể thay thế bằng từ nào khác. Đứng ở góc độ ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dân gọi đây là cách “nói đay” và ông đã khái quát lối nói ấy như sau: “Hãy dùng một từ X trái nghĩa với điều người ta chê mình để “khen” lại theo mẫu: Còn ông/ bà thì X. Nếu không dùng từ thì, tôi chưa tìm thấy một lối nói nào ngắn gọn mà vẫn diễn tả được đầy đủ tình huống và ý nghĩa như thế” (Nỗi oan thì, là, mà - NXB Trẻ - 2011, tr.10).

Rõ ràng, nói dzậy mà hổng phải dzậy mới tuyệt cú mèo làm sao. Ta hãy nghe một lối nói cực kỳ tróe ngoe, không thể chấp nhận được - tức là “ý thức chính trị” của dân gian khi sáng tác ra câu ca dao này rất… “có vấn đề”:

Ở thời Kiệt, Trụ sướng sao

Có rừng nem béo, có ao rượu đầy

Ở thời Nghêu, Thuấn khổ thay

Giếng đào mà uống, ruộng cày mà ăn

Ai cũng biết cái thời Kiệt, Trụ nó ra làm sao rồi. Ông chủ quán cơm trong truyện thơ Lục Vân Tiên từng phát biểu: “Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm/ Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang”, là trái ngược với thời Nghiêu, Thuấn. Chọn cách nói này, còn gọi “phản ngữ” tức là tác giả tố cáo hiện thực xã hội, có thể nói oang oang mà chẳng sợ bắt bớ, chụp mũ. Ai cũng ngầm hiểu, cái sướng đó chính là cái khổ; cái khổ lại mới là cái sướng. Chọn cách nói này, người nói cười thầm hả hê, “đã đời con nong nọc” vì được nói cái điều mình muốn nói. Còn kẻ bị phê phán dù biết nói chọc gan, tức giận trào họng nhưng cũng đành nín khe.

Ta hãy nghe tiếp, dân gian đã “khen” một vị võ tướng nọ như thế nào? Ông ta oanh liệt cầm quân đến độ: “Giặc sợ giặc chạy về nhà/ Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân”. Ơ hay, giặc bị đánh tan tác, sợ thun… dái, mặt cắt không còn hột máu, thế mà lúc về nhà lại “gọi mẹ mổ gà khao quân” thì phải hiểu ra làm sao? Hiểu là ông quan ấy, đánh giặc… cái con khỉ mốc nên quân giặc mới hả hê đến thế! Một khi nghe tường thuật lại, ắt người nghe phải bật ra tiếng cười khanh khách vì khen đấy! Khen đáo để nhưng rồi thiên hạ lại cười nôn ruột, thế thì, ông quan ấy có cười theo hay cái mặt nhăn nhó, bí xị như cái bánh tráng bị nhúng nước?

Nói cách khác, tiếng cười của người Việt, nếu cần cũng thâm trầm kín đáo, thừa sức “đá giò léo” một cách tuyệt chiêu. Hẳn ta còn nhớ giai thoại liên quan đến nữ văn nhân Đoàn Thị Điểm. Rằng, khi sứ Tàu sang nước Nam ta, để dạy cho chúng bài học về tài trí thông minh của người Việt, không dễ bắt nạt, nhà vua sai bà ra ven sông Hồng ngồi bán nước chè. Bà láu lỉnh cố tình vén cái váy lên cao một chút, cực kỳ hớ hênh như trêu như chọc. Quả nhiên, quan Tàu sa bẫy, nhìn thấy bèn há họng miệt thị: An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” (An Nam có một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày). Kể ra, tay quan này cũng đáo để lắm, hắn ta thừa biết người nước Nam hay ám chỉ tếu táo “nhất thốn” tức “chỗ ấy”; “canh” là cày mà cày là ám chỉ “động tác ấy”.

Xin dừng một chút để thấy “nhất thốn” trong hát đối Việt Nam. Rằng, có cô gái hò trêu chọc, cực kỳ tréo ngoe: “Thiếp đưa chàng một nắm bắp rang/ Chàng kiếm nơi mô tỉa được, thiếp với chàng trao duyên”. Chàng trai đáp: “Bên em có miếng đất hoang/ Ba năm không có nước/ Hạn sáu tháng không khô/ Em sẵn lòng trao cho anh trỉa, trỉa vô mọc liền”. Đất hoang ấy, “nhất thốn” ấy đích thực là “chỗ ấy”.

Trở lại với bà Đoàn Thị Điểm. Thừa biết tay quan Tàu láu cá, miệt thị, rẻ rúng thân phận người phụ nữ nói chung, bà điềm nhiên: “Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất” (Các đại phu nước phương Bắc, đều do từ chỗ ấy mà ra). Phái đoàn phương Bắc nghe xong, thế nào? Chỉ có thể kết luận chắc nịch: “Đau hơn hoạn”. Bị thiến đấy, nhưng nào dám kêu, chỉ còn ngậm miệng cút xéo cho đỡ nhục.

Tiếng cười của người Việt đấy!

T.N

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 15.6.2019)

Ghi chú:
Tiểu Nhị là bút danh của Lê Minh Quốc, đã từng ký từ thời cộng tác với báo Làng Cười - hơn mười năm trước.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com