THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút TIỂU NHỊ: Nói vống, nói trạng, nói khoác để… cười

TIỂU NHỊ: Nói vống, nói trạng, nói khoác để… cười


noi-vong-noi-trang-noi-khac

 

 

Không phải nói xa, mẹ tôi kể, vào thập niên 50 của thế kỷ trước, ở Quảng Nam còn có thú vui là những đêm sáng trăng, bà con chòm xóm thường í ới gọi nhau tụ tập tại nhà nào có sân rộng, thoáng mát đã để nói chuyện phiếm, tâm chuyện mùa màng, buôn bán.... Nói chơi cho vui, kết thân tình làng nghĩa xóm sau những này trên đồng cạn dưới đồng sâu.

 

Họ nói chuyện gì? Thưa rằng, nói gì nói nhưng cuối cùng vẫn trở về với chuyện nói khoác, nói trạng, nói phét/ phét lác… nhằm tạo ra tiếng cười. Dù biết chuyện đó không có thật, chỉ là bịa nhưng do cách kể có duyên lại pha trò nên thiên hạ cười như nắc nẻ cho vui cái sự đời. Xét ra, không riêng Quảng Nam, nhiều làng quê khác ở nước ta cũng tương tự.

 

Vì lẽ đó, đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều làng cười trứ danh, chẳng hạn, Nói khoác Đồng Sài; Trúc Ổ tổ nói phét; Ăn mặn Kẻ Nét, nói phét Yên Từ; Hòa Làng ăn cơm rang nói phét; Dương Sơn nói phét bằng ba Hòa Làng; Nói khoác Tiên Lục; Nói tức Can Vũ; Nói tức Nội Hoàng; Nói ngang làng Cua; Nói giễu Kẻ Xe, nói khoe Kẻ Chối… lại còn nghe đến những địa danh khác như làng cười Văn Lang; Vĩnh Hoàng; Huỳnh Công Tây v.v… Từ đó, ta có thể thấy rằng bịa chuyện nhằm gây tiếng cười thân thiện cũng là một trong những nghệ thuật cười Việt.

 

Do tính chất kể chuyện theo lối truyền khẩu, lan truyền từ vùng này qua vùng nọ, từ người này sang người kia nên dù một chuyện nhưng có nhiều dị bản và rất khó xác định bản quyền ấy thuộc vùng nào. Chẳng nhằm nhò gì. Ai nhớ thì kể, thậm chí kể nhiều lần cũng chẳng sao - miễn gây cười là vui, chứ nào phải thi đua, thách đố gì đâu.

Chẳng hạn chuyện của làng cười Văn Lang ngoài Bắc rất gần với chuyện cười của bác Ba Phi ở Nam bộ: “Trong đếm nọ tớ đốt đuốc đi soi ếch, chỉ bắt được một con nhỏ bằng quả cau. Vứt cũng uổng, bèn cột nó vào cối xay đổ đầy thóc rồi đi ngủ. Ai ngờ chú ếch nhảy mạnh quá khiến cối quay theo, quay mãi, quay hết cả cối thóc cứ như người xay vậy! Thức giấc thấy mừng quá, tớ đi bắt thêm vài con nữa để về làm giúp chuyện nhà”. Làm gì có con ếch như thế, thế nhưng người nghe cũng gật gù cười khoái trá. Khoái vì bịa có duyên.

           Mà không chỉ có duyên đâu, đôi khi người ta cũng nói trạng cực duyên nữa là khác. Trăm lần như một hễ nghe biểu diễn bài này, mọi người lại cười, lại đọc theo nhịp nhàng: “Nhà tôi có một củ khoai/ Xắt ra bảy thúng hẳn hòi còn dư/ Nhà tôi có một củ từ/ Bới lên một củ nó hư cả vườn/ Tôi vừa câu được con lươn/ Cái thịt làm chả, cái xương đẽo chày/ Nhà tôi có một cối xay/ Đầu cong bịt bạc, đầu ngay bịt vàng/ Nhà tôi có một cái ang/ Đựng lúa bảy làng mà hãy còn lưng/ Nhà tôi có một củ gừng/ Bới lên một củ nửa chừng đòn xeo/ Nhà tôi có một con mèo/ Khi nào hết chuột lên đèo bắt nai/ Nhà tôi có một cái chai/ Đựng bảy thùng mắm với hai thùng dầu/ Cha tôi có một bộ râu/ Ngứt ra một sợi mà câu cá chình…”. Khoác đến thế là cùng.

Để khoe nhà mình mài dao, làm dao thuộc hàng cao thủ võ lâm, đệ nhất thiên hạ, có người kể: “Dao nhà em thì bên Tàu phải gọi bằng cụ. Ngày giỗ nọ, em lấy dao mổ gà, lu bu quá, miệng bằng tay, tay bằng miệng mà cũng không hết việc nên em quên béng rửa dao, vứt lăn lóc ở gầm chạn. Đánh hơi, nửa khuya cả bầu đoàn thê tử ông tý chuột đến liếm tiết gà dính trên dao. Dao bén lẹm, thế là nhọ cho chúng, hễ con nào đụng đến là đứt lưỡi ngay. Sáng dậy, em thấy lưỡi chuột rụng xuống đầy cả một đĩa! Khiếp”.

Dù bịa nhưng có chuyện nghe ra cũng có lý, chẳng hạn người tặc lưỡi góp vui: “Ma tha quả bắt, thà chẳng bắt được con ếch chết tiệt ấy cho xong. Bắt được nó mới là khổ. Lúc đi cày về qua đầu đình, tôi xuống ao rửa chân, buộc nó vào gốc cây đa. Bố khỉ, thế mà tôi lại quên béng. Sáng hôm sau, tôi ra tìm thì ôi thôi, nó… kéo đổ cây đa đầu đình rồi! Ông bảo tui nói phét? Ếch mà kéo đổ cây đa à? Thì nó kéo đúng vào cái đêm có gió bão mà lỵ”.

Nghe kể, lần nọ ở làng nọ có ông Cửu Tứ thường hay rượu, hễ quắc cần câu mới lò dò tìm đến tán gẫu. Do bữa đó, say quá, ông bước vào sân trợt chân té cái oạch, lầu bầu nói câu khó nghe, ông Xã Cần cười rộ châm biếm: “Uống rượu cho dữ, Cửu Tứ nói điên”. Chữa thẹn, ông Cửu Tứ buột miệng: “Ai nấy cười rần, Xã Cần bú... c...”. Nghe ra... vần vè ghê. Thế là ai nấy phá lên cười như nắc nẻ, cười vỡ bụng vì biết tính nết ăn nói bặm trợm của ông Cửu Tứ. Mọi người cười vì cái thô, cái tục được nói oang oang chứ giấu giếm gì đâu. Thế thì, cuộc chuyện trò của bà con chòm xóm với nhau không chỉ nói vống lên khi kể sự việc nào đó, có lúc họ cũng có lúc “thêm mắm thêm muối” cho “mặn mà” một chút là vậy.


Trở lại với nồi nước chè đặc ở Quảng Nam mà chủ nhà mời khách đến tán gẫu. Nó đậm đặc cỡ nào mới là ngon?  Mẹ tôi kể, nói đặc quánh, đặc sánh đến độ dù nó dang9 sôi sùng sục, có cắm cây đũa bếp vào giữa nồi thì cũng đố mà ngã. Đặc đến thế là cùng. Thuở bé, tôi ngẫn tò te gióng tai lên nghe, hehe, nay tôi mới biết đó cũng là cách... nói vống của người xứ Quảng quê mình.

 

T.N

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 1.8.2019)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com