NGÔ VĂN BAN: CHUYỆN CHÓ NĂM TUẤT QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT

Mục lục
NGÔ VĂN BAN: CHUYỆN CHÓ NĂM TUẤT QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT
Nuôi chó:
Hình ảnh con chó trong đời sống
Con chó trong ẩm thực
Tất cả các trang

COHO27751506_1847684375273917_4146613697994097885_n

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Ngô Văn Ban đã thực hiện nhiều công trình văn hóa có giá trị.

Riêng năm 2017, với tác phẩm NHỮNG ĐỊA DANH GHI DẤU QUA CA DAO XỨ QUẢNG - được giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Đà Nẵng; Vè Các Lái - tri thức dân gian đi biển của người Việt - được Bộ VHTT& DL công bố là tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu trong năm 2016, 2017 và cấp Bằng khen. Các phẩm tiêu biểu này được sáng tác ở các Nhà Sáng tác trong nước, do Bộ quản lý.


Nhân dịp năm mới sắp đến, trang web leminhquoc.vn xin giới thiệu  CHUYỆN CHÓ NĂM TUẤT QUA CÁI NHÌN DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT của NGÔ VĂN BAN.

 

Một năm Dậu con gà qua đi, một năm Tuất con chó đến. Hai con làm “lễ bàn giao” vào đêm trừ tịch (đêm giao thừa). Theo bài “Vè mười hai con giáp”, những người “tuổi Dậu con gà vàng lông, có mỏ có mồng, sớm gáy o o”, thì những người “tuổi Tuất là con chó cò, nằm khoanh trong lò, lỗ mũi lọ lem”. Chó cò là loại chó nhỏ con, có bộ lông trắng. Chó nằm trong lò “lấy cớ” là giữ nhà như người xưa đã phân công: “chó giữ nhà, gà gáy trống canh”. Công việc giữ nhà hay giữ trang trại của chó được chó “bộc bạch” trong tác phẩm “Lục súc tranh công” của tác giả khuyết danh: “Đêm năm canh con mắt như chong/ Đứa đạo tặc nép oai khủng động/ Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống/ Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh” . Ngoài “đứa gian tham thấy bóng cũng kinh”, các bà nội trợ cũng luôn cảnh giác loài vật này, “chó treo mèo đậy, để bậy nó ăn” và cố tránh việc “chó tha đi, mèo tha lại” gây nhiều xáo trộn, mất trật tự. Nhiệm vụ của chó là giữ nhà, nhưng lại có kẻ “kêu chó đuổi ruồi”, thì đó là lời phê phán những người làm những công việc vô ích, vì chó không có chức năng đuổi ruồi.

Chó thì “sủa”, gà thì” gáy”, “chó đâu chó sủa chỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày”. Chó sủa “thằng” ăn trộm, “ông” ăn mày. Người ăn xin kiếm ăn ban ngày ban mặt một cách chính đáng được dân gian gọi bằng “ông”. Còn kẻ ăn trộm lén lút ngày đêm đáng gọi là “thằng” một cách đáng khinh. Câu ca dao ngoài nói lên chức năng nhiệm vụ của con chó còn nói lên đạo lý của dân gian ta nữa.

Nhưng cũng có lúc tiếng sủa của chó không còn là việc “báo động” nữa mà là những tiếng sủa vu vơ, đưa đến người nghe những bực mình: “Trách thay con chó sủa dai/ Sủa nguyệt sơn đài, sủa bóng trăng thanh”, hay là “con chó sủa ma”?, “con chó cắn ma”? “Chó sủa ma” “sủa bóng sủa dáng”, thấy bóng thấy hình gì đó, không biết là gì cứ thế sủa, sủa vu vơ, sủa dai dẳng, nhất là sủa vào ban đêm, những đêm có trăng. Ở Nam Bộ còn có câu “chó ma cắn” là chỉ những vết bầm trên da người mà không rõ nguyên nhân, cho rằng do “chó ma cắn”. Kinh nghiệm dân gian cho rằng tùy theo tiếng chó sủa mà biết rằng chó sủa ma hay sủa ăn trộm để có câu: “Sủa thủng thẳng là chó sủa ma, sủa vào sủa ra là sủa kẻ trộm”. Lại còn ban đêm chó “tru” nữa với tiếng vang to từng hồi, nghe thì thật là rùng rợn.

Có người bảo “chó sủa chó không cắn” là loại chó hiền, chó khôn, vì “chó khôn chẳng cắn càn”, cắn bậy. Loài chó này được dân gian ví với những người hay nổi giận rầy la ồn ào nhưng tính tình thì không hiểm độc. Nhưng chó “chưa cắn đã chìa răng ra”, thì cũng làm cho ta hết hồn rồi, lại được chủ nhân cho biết “không răng mô”, tức là “không sao cả” theo lời nói người chủ gốc Thừa Thiên - Huế. Còn loại chó ít sủa thường cắn lén, cắn trộm, cắn chùng (theo tiếng Huế) lúc ta không đề phòng thì cũng thật là nguy hại. Trong cuộc sống cũng thế, có những kẻ hại ngầm ta mà ta chẳng biết, như “chó cắn trộm” vậy. Lại có “chó lại cắn chủ”, chó này thuộc loại “phản chủ”, không nên nuôi. Dân gian ta cũng khuyên ta nên tránh “hàm chó, vó ngựa” là hai nơi nguy hiểm của loài chó, loài ngựa, có thể gây nguy hiểm cho ta.

Chó có thể hóa điên, gọi là “chó dại” là chó bị nhiễm virus dại, nhất là trong mùa nắng. “Nắng tháng ba chó già lè lưỡi”, nắng nóng làm chó toát nhiều mồ hôi. Nhưng do da chó đầy lông bịt kín, mồ hôi không thoát được phải thoát ra đằng mồm, chó lè lưỡi cho nước chảy ra.  Còn mồm chó bị nhiễm virus dại thì sủi bọt, mắt đỏ, lừ đừ, đuôi co quắp, sợ nước, ánh sáng nên thường trốn trong hốc kẹt, gặp ai cũng cắn, “chó dại cắn càn” dù là chủ nó, vài ngày sau thì chó chết. Người bị chó dại cắn cũng sẽ chết vì bệnh dại nếu không cấp cứu kịp thời, tiêm thuốc với đầy đủ các mũi tiêm. Trong cuộc sống cũng có kẻ được gán cho là … “chó điên”, đó là những kẻ hay sinh sự, hay gây gổ với người khác. Nói về chó dại, người xưa luôn cảnh báo “chó dại có mùa”, thường là mùa hè nóng bức, nhưng con người thì “người dại quanh năm”. Dân gian ta có lời khuyên, nếu thấy  “chó dại cùng đường” thì nên lánh xa.

Để phòng chó cắn, khi ra đường hay khi đến nhà có chó dữ, ông bà ta thường khuyên nên cầm theo cây gậy hay một cái cây gỗ ngắn, chứ không thì, “đi đâu mà chẳng cầm que/ Để chó cắn què, lại còn kêu ai”. Chó gặp người là sủa là cắn, nhưng chó cũng biết “người lạ nó cắn, người quen nó mừng” do chó có tài đánh hơi để biết người lạ người quen, chỉ có những người “đã khó, chó lại cắn thêm” thì khó khăn lại chồng chất, thật là xui xẻo! Tuy thế, chó cắn cũng biết chọn “đối tượng”, “chó cắn áo rách”, chứ gặp “áo lành“, chó cũng biết đợi chủ sai bảo nên thế nào.

Chó cũng thường “cậy nhà” cũng như gà thường “cậy vườn”, tuy thế “chó dữ thường mất láng giềng” do chó thường chui hàng rào qua bắt gà láng giềng hay nhà có chó dữ, láng giềng, bà con, bạn bè chẳng ai dám đến, nhất là khi nhìn tấm bảng treo ngoài cổng vẽ hình đầu chó nhe răng trông dữ tợn, kèm theo hàng chữ “coi chừng chó dữ”… Có người lâu ngày đến thăm nhà bạn, “đến ngõ chó tuôn ra/ những con to và béo/ tiếng sủa như đồng loa/ thấy chó biết nhà chủ/ làm ăn rày khá mà/ thôi thế cũng đủ/ bất tất phải vào nhà” (thơ của Võ Liêm Sơn). Như thế con chó dữ có thể làm cho con người gần nhau, nhưng cũng có thể làm cho con người xa nhau.

Chỉ khi nào “chó chết” mới “hết cắn”, “hết sủa”.

Chó “cắn”, trong tiếng miền Nam “cắn” là con chó dùng răng nghiến vào da thịt người hay đồng loại của chúng, như câu “quăng xương cho chó cắn nhau”. “Chó cắn” còn có khi gọi là “chó táp” (“chó táp rách quần”). Còn ở miền Bắc, “cắn” còn có nghĩa là “sủa”. Như trong câu thơ Nguyễn Khuyến có câu: “Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người”, miêu tả cảnh im ắng, chỉ một âm tiếng người cũng đủ cho con chó giật mình cất lên tiếng sủa. Lại còn có câu “nhăng nhẳng như chó cắn ma, nói như chó cắn ma”…, “cắn” đây là “sủa” và qua câu này ta thấy “chó cắn ma” cũng được gán cho những người “nói” những điều không có căn cứ, chứng cớ, bạ gì cũng nói, nói liên hồi không ngừng nghỉ khiến người nghe phát bực, không muốn nghe nữa và thế nào kẻ đó cũng bị cho là kẻ “nói dai nhách như chó nhai giẻ rách”, “nói như chó liếm thớt”, và lúc đó không gọi là “người nói” nữa mà gọi là “người sủa”.

Nếu loài chó không sủa, không cắn tiếng nào trong cuộc sống của nó, nó là loại chó “ở trên bầu trời”, thường “dạo chơi khắp miền”… Hình tượng đó là để chỉ về những đám mây trên bầu trời trông giống hình con chó mà người ta thường gọi là “bức tranh vân cẩu” (mây chó). Thơ Đỗ Phủ có câu “thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thương cẩu” nghĩa là trên trời mây nổi như áo trắng, phút chốc bỗng biến thành chó xanh, ý nói việc đời thay đổi mau lẹ, không định được, nay thế này, mai thế khác.
 

Gặp chó dữ muốn cắn ta, ta dùng gậy để đánh chúng. Nhưng muốn “đánh chó”, thì cũng phải “kiêng chủ nhà” hay “đánh chó phải ngó đàng sau”, ông bà ta dặn thế để giữ cái tình.

Tuy nhiên, chó dữ cũng có thời, đến khi già, hết lanh lẹ, yếu xìu, trông tiều tụy, thảm não, “mỏi gối chồn chân” thì chó trở thành “chó cùng rứt giậu”, hay chỉ biết “đuổi gà què”, “ăn quẩn cối xay”, không giúp gì được cho chủ, chỉ biết “giữ xương cho chắc” sợ chó khác khỏe hơn giành giựt miếng ăn của mình. Còn đối với chó săn “hết thịt rừng thì giết chó săn” như dân gian đã nhận định. Dân gian cũng lấy hình ảnh chó săn để ám chỉ những kẻ làm tay sai, chỉ điểm, làm mật thám cho ngoại bang hại đồng loại mình, khi cuối cùng rồi thì cũng như số phận của con chó săn khi “hết thịt rừng” mà thôi.

Trong cuộc sống dù nhiều khó khăn, trở ngại, con người cũng được khuyên là phải biết vượt qua để tiến về phía trước, “chó sủa mặc chó, đường ta ta cứ đi” như lời người xưa đã truyền lại.

Con chó là con vật sống gần gũi nhất với con người trong đời sống hằng ngày từ thời cổ xưa, nên ngoài chức năng giữ nhà, “vốn như đây gia tài ủy kư [phó thác]/ Mà chủ không tốn kém đồng nào/ Nếu không muông coi trước giữ sau/ Thì của ấy về tay kẻ trộm” , chó còn có tài săn đuổi như con chó đã trình bày và kể công trong “Lục súc tranh công”: “Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc/ Bao quản chui gai lước góc/ Chi nài múa mỏ, lòn hang …” .

Chó còn giúp người: “Lạc đường nắm đuôi chó” cũng như khi “lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Chó và trâu vẫn tìm được đường về nhà dù ở cách xa bao nhiêu chăng nữa. Nhờ chó dẫn về nhà khi lạc đường là nhờ “chó dắt”. “Chó dắt” còn có ý chỉ người nào đó thành công là nhờ may mắn, được người quyền chức che chở, giúp đỡ, chứ không phải do tài năng, hiểu biết của mình, kiểu “chó ngáp phải ruồi”.

Chó cũng phát huy sức mạnh, sự hung dữ khi xông pha trận mạc như “khuyển quân“ của Lê Xí giúp Lê Lợi đánh quân Minh. Chó cũng giúp được lực lương an ninh truy tầm thủ phạm, khám phá tang vật, ma túy, hàng hóa buôn lậu, trinh sát, dò mìn… Chó còn làm được nhiều chuyện nữa: Kéo xe trượt tuyết, làm xiếc, dẫn người mù, đóng phim, tổ chức cho chó đua, tổ chức thi chó đẹp chó xấu… và chó cũng đã từng đưa lên không gian để thí nghiệm như chó Laika…

Có người nuôi chó để làm cảnh, tiêu khiển, lại còn có người nuôi chó làm kế sinh nhai, giúp những kẻ “đưa chó lên… bàn nhậu bảy món”. Đó là nói về người nuôi nhiều chó để cung cấp cho các nơi bán thịt chó, nơi mở quán bán các món ăn chế biến bằng thịt chó. Lại có những người đi xe đạp hay xe gắn máy dạo khắp xóm làng để mua chó hay … bắt trộm chó về bán. Hình ảnh con chó cũng đã đi vào các loại hình văn học nghệ thuật như thơ, truyện, hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, nhất là trong các thể loại văn học dân gian.

Trong “Lục súc tranh công”, chó cho rằng mình có công với chủ nên khi chết, chủ dọn ra gạo tiền tống táng đầy đủ: “Khi lâm tử [lúc chết], gạo tiền tống táng/ Chủ đã có công dày, ngãi rộng/ Muông dễ không tiếp rước đãi đưa…”, ý nói con chó “khi thác xuống giữ cầu âm giới”, vì chủ đối đãi tử tế, “chủ có lòng suy trước, xét sau”, nên khi chủ mất, nó phải đón rước tử tế ở cầu âm phủ. Hùinh Tịnh Paulus Của trong “Đại Nam quấc âm tự vị”, giải thích từ “tiền cột cổ chó” đã cho ta biết: “Của bỏ, của thí. Ngu tục [chỉ những người mê tín dị đoan] hiểu con chó chết rồi, hồn nó xuống giữ cầu âm giới, cho nên phải cột tiền hối lộ mà tống táng, họa ngày sau nó đã không cắn mà lại đưa mình qua cầu âm ti”.

Loài chó được con người nhận định không những là loài tinh khôn mà còn có sự trung thành với chủ, thậm chí được cụ Phan Bội Châu cho là loài có nghĩa, có dũng, có trí, có nhân. Khi cụ Phan bị Pháp buộc an trí ở Bến Ngự, cụ có nuôi hai con chó tên là Vện và Vá. Khi hai con chó chết, cụ lập mộ trong vườn nhà, lập bia ca tụng chúng đầy nghĩa nhân trí dũng, trong đó có câu: “Người hạng muông thú, trông mày họ nghĩ sao?”.
 

Ngay “con chó đá” bất động, trơ ra đó mà cũng được vua Lê Thánh Tông đã hết lòng ca tụng vì sự trung thành qua bài “Vịnh con chó đá” trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”. Nhà vua ca tụng con chó đá là để ám chỉ sự trung thành của quần thần, suốt đời “làm thân cẩu mã” để “đền nghì núi sông”:

Lần kể xuân thu biết mấy mươi

Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi

Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt

Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi

Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng

Chào người quân tử chẳng phe đuôi

Phỏng trong sức có ngàn cân nặng

Dấu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.

Như vậy bên cạnh con chó thật bắng xương bằng thịt ta còn có con chó đá. Thời xưa, người ta thường tạc con chó đá để sử dụng vào một số việc, như đặt con chó đá cạnh chỗ thờ phụng, nơi các lăng mộ của các vua chúa thời phong kiến.

Theo tín ngưỡng dân gian, ở một số làng quê, người ta còn chôn chó đá với niềm tin là để yểm trừ ma quỷ không vào làng quấy phá. Chó đá hoặc chôn ở cửa đình, cửa chùa hay chôn ở cổng vào làng. Trong việc xây nhà, người xưa kiêng cửa ngõ hay con đường, đòn dông nhà phía trước đâm thẳng vào nhà mình. Nếu không tránh được thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí. Thành ngữ ta có câu “đánh chó đá vãi cứt”, chó đá mà như chó thực, nhưng đó là lời phê phán của dân gian đối với bọn bất tài mà lại hay huyênh hoang, khoác lác. Lại có câu “chó đá vẫy đuôi” là để phê phán những kẻ chuyên phổ biến những chuyện vô lý, không thể xảy ra để mê hoặc lòng người.

“Chó thật”, “chó đá”, lại còn có “chó rơm” hay “chó cỏ” nữa. “Chó rơm, chó cỏ” tiếng Hán Việt được “Đại Nam quấc âm tự vị” của Hùinh Tịnh Paulus Của giải thích là “sô cẩu”, có nghĩa “chó thắt bằng cỏ, thường dùng mà làm việc đảo vũ hay là cầu mưa”. Loại chó này tuy mang tiếng thiêng liêng là để tế thần, nhưng khi tế xong người ta vứt ra đường ai giẫm lên cũng được, hay là vật nhóm lửa rất tốt cho các bà nội trợ. Từ đó, “chó rơm, chó cỏ” được dùng để chỉ thân phận con người chẳng ra gì đối với những bề trên bất nhân, bất nghĩa mà mình đã từng gắng công sức phục vụ.

Cũng như dân gian ta có câu “chó cỏ rồng đất”. Xưa kia trong cúng tế thường bện hình con chó bằng cỏ, nắn hình con rồng bằng đất sét để dùng làm lễ vật, khi cúng xong thì đem đi vứt bỏ. Người hoặc vật mà người ta hết cần dùng, không nhờ cậy được thì thế nào cũng bị sa thải, kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, “hết thịt rừng giết chó”... Những câu thơ trong bài “Chó chết trôi” của nhà thơ miền Nam Nguyễn Văn Lạc đã nói lên điều đó: “Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu/ Thác thả dòng sông, xác nổi phều”, để rồi “Tới lui bịn rịn bầy tôm tép/ Đưa đón lao xao lũ quạ diều”.

Dưới âm phủ, theo tín ngưỡng dân gian có con “chó ngao” là loại chó lớn con, rất dữ, nó có nhiệm vụ canh ở cầu Nại Hà chuyên cắn xé hồn những kẻ giết người, làm điều độc ác khi còn sống ở trần thế. Do đó, gia đình người chết phải làm lễ cúng chó ngao cho linh hồn người chết qua cầu được bình yên. Các thầy phù thủy ngày xưa còn dùng pháp thuật gọi là “yểm bùa họng chó” để hại người khác mà không hại thân chủ mình. Thầy kết một hình người, dùng bùa viết họ tên năm tháng sanh của người muốn hại gắn vào hình nhân, đọc thần chú, làm phép bắt hồn người muốn hại nhập vào hình nhân, rồi yểm vào họng chó cúng chó ngao. Âm binh sẽ bắt hồn người đó nộp cho chó ngao.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com