Trời đất đã vào thu. Trên vòm cây có những con chim thả xuống những tiếng hót bâng quơ. Mây trắng bay thong dong. Và tôi sáng nay, đến trường. Con đường đến trường muôn đời mở ra những bài học mới. Những điều kỳ lạ. Vừa đi tôi vừa lẩm nhẩm hát một ca khúc đã từng làm lay động giấc mơ thời tôi mới lên lớp sáu: “Khớp con ngựa ngựa ô, khớp con ngựa ngựa ô, ngựa ô anh thắng, anh thắng cái kiệu vàng ứ ư ừ ứ u… Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, bông sen lá dặm, dây cương nhuộm thắm, cán roi anh bịt đồng thòa, là đưa í a đưa nàng đưa nàng, anh đưa nàng về dinh” khúc dân ca Nam bộ đang chảy trong tâm trí của tôi, bỗng có tiếng gọi:
- Khánh ơi! Mày chờ tao đi với! Khánh ơi!
Tôi quay lại, à thì ra, thằng Hữu đang gọi tôi. Hắn là bạn láng giềng. Học cùng một lớp. Nhìn thấy hắn, tôi ngạc nhiên kêu lên:
- Ủa! Mày đi đâu vậy Hữu? Sao mày không cầm sách vở gì cả vậy?
Mặt hắn buồn xo:
- Tao phải nghỉ học Khánh ơi!
- Trời đất quỷ thần ơi! Mày không nói đùa chứ?
Mắt hắn rơm rớm nước mắt:
- Tao đùa với mày để làm gì? Tao nói thật đấy.
- Sao vậy hả Hữu? Bộ mày không thích đi học nữa à?
Hữu không trả lời. Hắn đi sát bên tôi. Bộ quần áo cũ mèm không đủ sức che gió lạnh đầu thu. Nước da xanh mét, Hữu cười mà như mếu:
- Mẹ tao bịnh nặng quá! Không có tiền lo thuốc men. Tiền không đủ mua thuốc thì tiền đâu mà đóng học phí, mua sách vở? Tao phải nghỉ học thôi Khánh ơi!
Tôi nghe bạn mình nói vậy mà lòng đau xót. Vậy là Hữu nghỉ học luôn à? Trong suốt mấy năm liền, Hữu luôn là một học sinh giỏi. Và là người bạn thường giúp tôi làm những bài toán khó. Hai đứa luôn cặp kè với nhau như hình với bóng. Vậy mà Hữu nghỉ học thì buồn biết chừng nào. Hữu nói tiếp:
- Có lẽ đây là lần cuối cùng tao cùng đi với mày đến trường, tao vào lớp để xin cô giáo chủ nhiệm nghỉ học mày ạ!
Tôi cảm thấy ngực mình nghẹn như có một tảng đá đang đè nặng:
- Mẹ của mày có biết mày nghỉ học không?
- Không! Nhưng mày đừng có nói cho mẹ tao nhé. Tao sợ mẹ tao buồn nên tao không muốn nói thật. Buồn quá phải không Khánh?
Tôi khẽ gật đầu. Tôi quen Hữu đã lâu và nhà Hữu sát vách nhà tôi. Do đó, tôi biết được nhà Hữu nghèo lắm. Ba Hữu mất sớm, mẹ Hữu đi bán chuối chiên ngoài chợ. Nhưng mấy tháng nay mẹ Hữu vì bịnh nghỉ bán nên đời sống càng chật vật hơn. Nhiều lúc Hữu sang nhà tôi để giúp tôi ôn bài, đang học hành say mê thì Hữu hỏi nhỏ tôi:
- Khánh ơi! Nhà mày còn cơm nguội không? Tao đói bụng lắm.
Thế là tôi lặng lẽ xuống nhà bếp làm một tô cơm, nhìn bạn ngồi ăn ngon lành mà tôi thấy buồn buồn… Sáng nay đi bên Hữu, tôi biết là Hữu nói thật. Dù muốn nói một câu gì đó để an ủi bạn, nhưng tôi không biết phải nói như thế nào cả. Tôi hỏi:
- Nè Hữu! Nghỉ học rồi thì mày định làm gì để kiếm tiền vậy?
- Tao xin đi phụ hồ mày ạ! Làm ngày nào thì họ trả tiền công ngày đó! Chắc là cũng đủ tiền mua thuốc cho mẹ tao Khánh ạ.
Tôi cảm thấy thương bạn quá! Con đường đến lớp lâu nay, tôi cứ tưởng là chỉ có nắng và sách vở mới tinh khôi trên tay tôi. Chỉ có những niềm vui khi được điểm mười. Chỉ có những nỗi buồn khi nhận điểm kém. Chứ tôi đâu biết bạn tôi còn có một nỗi buồn lớn lao hơn nhiều. Đó là phải nghỉ học để đi làm nuôi mẹ.
Hai đứa bước thong dong đến trường. Mây trắng bay trên vai. Chim hót trên vai. Và nắng ngả trên vai. Nhưng vai Hữu hẳn đang vác một gánh nặng khác. Suy nghĩ vậy, nên tôi tìm lời an ủi bạn:
- Thôi đừng buồn Hữu ơi! Sáng nay, mày cứ đến trường, nhưng mày đừng nói cho bạn bè biết là mày nghỉ học. Buồn lắm!
Khi nói với Hữu như vậy thì trong đầu tôi vật lộn với biết bao ý nghĩ, tôi đang ước mơ đến một giải pháp nào đó để giúp Hữu. Giải pháp đó có thể là ngay lúc này một ông tiên sẽ hiện ra giúp cho Hữu một bao tiền, để Hữu có tiền mua thuốc men cho mẹ và có tiền đóng học phí, mua sách vở. Thôi! Đừng mơ ước viển vông! Thời buổi này những ông tiên, ông bụt không còn trong những câu chuyện cổ tích nữa. Cổ tích đã lãng quên trong trí nhớ mọi người rồi. Tôi phải làm gì để giúp Hữu đây hở trời?
Khi hai đứa bước vào lớp thì bạn bè đã đông đủ. Những tiếng cười nói oang oang. Sự vô tình ấy không ai để ý đến nét mặt buồn xo của Hữu. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Trong những tiết học, Hữu không chép bài, bạn ấy ngồi cắm cúi viết lá thư gửi cho cô giáo chủ nhiệm. Hữu trao cho tôi:
- Khánh nè, sau giờ học mày lên phòng Ban giám hiệu đưa lá thư này cho cô chủ nhiệm giùm tao nghen.
Tôi cầm lá thư mà lòng nặng trĩu:
- Mày viết những gì trong này?
- Tao viết lời xin lỗi và xin phép cô giáo nghỉ học mày ạ!
Dù nói tỉnh rụi nhưng tôi đã thấy nét mặt của bạn nhăn nhó rất đáng thương. Nước da đã xanh mét thì bây giờ đã tái nhợt đi! Tôi bỏ lá thư ấy vào trong túi áo. Ngay chỗ trái tim. Trái tim tôi đập thật mạnh ở lồng ngực. Thời gian lặng lẽ trôi qua…
Tiếng chuông “reng reng reng” báo hiệu một buổi học đã hết. Khi tôi đang loay hoay với những tập vở thì Hữu đã ra khỏi lớp. Đến lúc tôi ngước lên thì không thấy bạn mình nữa. Chao ơi! Vậy là Hữu đã xa tôi thật rồi.
Con đường từ trường trở về nhà sao mà dài lê thê. Đây là lần đầu tiên tôi đi học về một mình. Không có Hữu bên cạnh. Tôi lặng lẽ lấy lá thư của Hữu gửi cho cô giáo chủ nhiệm ra đọc. Những dòng chữ quen thuộc của Hữu đây! Vậy là hết. Hữu đã nghỉ học rồi. Trong trí óc của tôi đang suy nghĩ đến những giải pháp giúp cho Hữu. Giúp Hữu bằng cách nào đây hở trời? Tôi lục tiền trong túi quần ra đếm lại. Một số tiền có thể mua được vài tờ vé số. Phải rồi, tôi quyết định rẽ vào chợ. Tôi mua mười tờ vé số. Chiều mai thôi, tôi sẽ c1o1 một triệu đồng. Tôi trúng số độc đắc. Tôi sẽ có tiền giúp Hữu. Đầu óc hưng phấn với ước mơ sẽ đến, tôi hứng chí hát: "Là í a đưa nàng, đưa nàng, anh đưa nàng về dinh. Là khớp con ngựa ô, ngựa ô...". Tôi sẽ đưa Hữu đến trường. và lá thư gửi cho cô chủ nhiệm chỉ là kỷ niệm, chỉ là dĩ vãng mà thôi. Hữu ơi!
Lê Minh Quốc
(nguồn: Nguyệt san Tuổi Hồng số 8 tháng 2.1992)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|