VĂN XUÔI Truyện ngắn LÊ MINH QUỐC: Bài văn làm ở nhà

LÊ MINH QUỐC: Bài văn làm ở nhà

bai-van

 

Cả lớp nhốn nháo như ong vỡ tổ khi nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo lịch nghỉ Tết. Thằng Thạnh ngồi lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa lớp. Trên những vòm cây cao có chú chim vỗ cánh bay để lại tiếng hót trong veo trong không gian. Tết đã đến rồi sao? Vậy mà thiên hạ vẫn chưa đốt pháo. Tiếng pháo đì đùng sẽ rủ mùa xuân đến thật gần. Trời sẽ chớm lạnh. Lộc sẽ nhú. Hoa sẽ nở. Và sung sướng nhất là Thạnh được nghỉ học. Những ngón tay lem luốc màu mực tím sẽ được rửa sạch để cầm hạt dưa, đặt trên môi, cắn giòn tan. Tết ơi! Thạnh hứng chí huýt sáo vu vơ. Bỗng có tiếng thước gõ trên mặt bàn, Thạnh giật mình quay vào lớp, cô giáo nói một cách vui vẻ:

- Trong những ngày nghỉ Tết, cô ra đề tập làm văn để các em làm, sau khi vào học lại thì nộp cho cô. Nào lấy giấy bút ra ghi đầu đề các em nhé!

Thằng Hưng đứng lên hỏi:

- Thưa cô, bài tập làm văn làm ở nhà có chấm điểm không cô?

Có tiếng nói lao nhao:

- Đừng chấm điểm cô ơi! Tết mà!

Nét mặt cô giáo nghiêm nghị:

- Bài tập làm văn làm ở nhà cũng như làm ở tại lớp. Vẫn chấm điểm!

Nghe cô giáo nói vậy, thằng Thạnh huých khuỷu tay vào người Hưng:

- Xì! Mày giỏi môn văn nên nhắc cô giáo chấm điểm hả?

Thằng Hưng cười hì hì:

- Tao nhắc cô giáo hồi nào mà mày nói vậy? Tao hỏi lại cho chắc ăn thôi mà!

Trong lớp, thằng Hưng nhiều lần được điểm cao những bài tập làm văn. Nó tưởng tượng giỏi lắm, văn viết du dương, ý tưởng phong phú. Cô giáo đã từng khen ngợi Hưng như vậy. Còn thằng Thạnh sợ môn văn này lắm. Chẳng bao giờ Thạnh được điểm cao cả. Tiếng nói của cô giáo vang lên:

-Nào! Các em ghi đầu đề nhé! "Em hãy kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất của em trong ba ngày Tết".

Chà! Đầu đề đơn giản quá hén! Thằng Hưng gấp vở lại với những niềm vui rạo rực trong lòng. Đầu đề này dễ ợt! Còn thằng Thạnh thì thở dài. Cô giáo “ích kỷ” quá, Tết mà cũng ra bài về nhà làm! Cả lớp lại nhốn nháo, ồn ào hẳn lên. Tiếng trống trường chững chạc vang vang. Âm thanh của nó trong ngày hôm nay dường như cũng khác mọi ngày. Nghe rộn rã hơn. Vui hơn. Tết mà! Trong phút chốc, thằng Thạnh quê đi nỗi âu lo về bài văn phải làm. Lũ học trò ùa ra khỏi lớp. Có tiếng hát sung sướng: “Xuân đã đến rồi, gieo khắp ngàn hồn hoa xuống đời, vui trong bình minh muôn loài chim hóa vang mọi nơi…”. Thằng Thạnh cũng vỗ tay hứng chí hát theo. Nắng ấm hơn mọi ngày. Từ trường trở về nhà dường như lá trên vòm cây cũng xanh hơn. Con đường thì ngắn lại, còn niềm vui thì dài ra.

Kể từ ngày hôm ấy, đêm nào trước khi đi ngủ Thạnh cũng mong trời mau sáng để mau đến Tết. Thạnh thầm đếm từng ngày. Trời se se lạnh. Trên nhánh cây đầu hiên nhà, lũ chim sẻ léo nhéo suốt ngày. Hoa bưởi bắt đầu rụng trắng. Trong những ngày này, không biết đôi chim bồ câu trắng nhà ai bay đến cứ kêu “cúc cu” rồi bay mất… Rồi tết cũng đến.

Nhưng Tết đến không vui như thằng Thạnh đã tưởng tượng. Mẹ Thạnh vẫn ốm, nằm hòa một chỗ. Ba Thạnh vẫn đạp xe xích lô tối mịt mới về. Trong nhà không sắm sửa như mọi năm. Những năm trước thì ba đã đem về một nhánh mai vàng rực. Nhà cửa được quét vôi lại. Bánh mứt ê hề. Màu xanh của mứt dừa, màu vàng của mứt gừng, màu đỏ của hạt dưa… đã làm Thạnh thấy chảy nước bọt. Năm nay, sao không thấy ba chuẩn bị gì hết vậy? Những ngày Tết đến, nhà thằng Thạnh không đốt pháo như mọi năm. Nó ngồi trong nhà lắng nghe tiếng pháo từ những nhà bên cạnh vọng đến. Khói pháo bay cay mắt. Ngày mồng ba Tết, thằng Hưng và bạn bè học cùng lớp đến nhà Thạnh. Câu đầu tiên là Hưng toét miệng hỏi:

- Hì hì, bài luận cô giáo cho về nhà, mày làm chưa Thạnh?

Thạnh chớp mắt:

- Tao chẳng có kỷ niệm gì đáng nhớ cả. Tết năm nay, mẹ tao ốm nên đâu có vui như mọi năm. Cô giáo ra đề luận khó quá!

- Vậy mày cứ tưởng tượng cũng được. Làm luận mà tưởng tượng cho tốt thì được điểm cao ngay mày ạ!

Mắt Thạnh sáng rực:

- Thật không?

Thằng Hưng vừa cắn hạt dưa vừa đáp:

- Sao không thật? Tao viết bài luận từ hôm hăm tám Tết. Tao tưởng tượng là tao ăn Tết ở Vũng Tàu mày ạ!

- Trời đất! Mày có ra Vũng Tàu đâu mà mày viết là mày ăn Tết ở Vũng Tàu?

Thằng Hưng cười kiêu hãnh:

- Vậy mới là kỷ niệm đáng nhớ chứ!

- Ờ nhỉ!

Tiếng pháo đâu đó nổ râm ran. Thằng Thạnh giật mình. Càng nghĩ đến bàu luận phải nộp cho cô giáo, nó càng thấy lo âu. Tưởng tượng kỷ niệm gì đáng nhớ đâu hở trời? Khi ngồi vào bàn để làm bài luận thì thằng Thạnh càng bối rối. Ngày Tết, mẹ ốm nằm hoài một chỗ. Ba thì ngày mồng hai phải đạp xích lô rồi. Đâu có kỷ niệm gì đáng nhớ đâu. Thạnh ngồi thừ người ra, cầm bút mà nghĩ mông lung. Chiều nay, ba đạp xe về sớm hơn, thấy Thạnh đang ngồi buồn xo nên ba hỏi:

- Chà! Chưa đi học lại mà con đã ngồi vào bàn ôn bài vở rồi à? Giỏi lắm! Nhưng sao mặt buồn quá vậy?

Thạnh đáp:

- Dạ, còn làm tập làm văn. Cô giáo ra đề bài khó quá ba ơi!

Ba cười hiền hậu:

- Khó như thế nào Đọc đầu đề cho ba nghe coi!

Không cần phải nhìn vào tập vở, Thạnh đọc luôn đề bài và nói:

- Đó ba thấy đó! Con đâu có kỷ niệm gì đáng nhớ đâu!

Ba cười:

- Trong những ngày Tết này, chuyện gì mà con quan tâm nhất thì con cứ viết ra. Viết một cách thành thật là được con ạ! Điều gì làm con quan tâm nhất trong những ngày này?

- Dạ, đó là mẹ ốm nên không dẫn con đi lễ chùa như mọi năm!

Ba gật gù:

- Ừ! Con thử viết lại đi!

Thằng Thạnh reo lên:

-Hay quá! Vậy mà con không nghĩ ra. Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ phải không ba?

Thế là Thạnh cắm cúi viết bài luận cho cô giáo. Tiếng pháo vẫn nổ râm ran ngoài đường phố. Hương vị ngày Tết vẫn còn đâu đây. Thằng Thạnh viết luôn một hơi bằng tâm trạng thoải mái nhất. Viết xong bài luận, thằng Thạnh cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm.

Mùa xuân cũng đi qua. Ngày nhập học đã đến. Bạn bè gặp mặt đông đủ. Gương mặt đứa nào cũng hớn hở. Quần áo mới làm cho phòng học sáng lên. Ngày đầu năm vẫn còn tâm trạng vui chơi nên cô giáo cho lớp sinh hoạt chung tập bài hát mới. Còn cô giáo thì ngồi chấm bài tập làm văn của học trò đã nộp. Vào cuối tiết học, bài tập làm văn của Thạnh được cô giáo đọc cho cả lớp nghe. Thạnh sung sướng muốn khóc. Trái tim đập thình thịch. Không như những bài luận khác, bài luận của Thạnh đã làm mọi người rơm rớm nước mắt. Thạnh không ngờ cô giáo lại cho điểm cao bài luận này. Thạnh nghĩ sao viết vậy, chứ có tưởng tượng gì đâu!

LÊ MINH QUỐC

(Báo Khăn Quàng Đỏ số 5 -3.2.1993)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com